PVD đã công bố doanh thu Q1 đạt 909,5 tỷ đồng (giảm 17,8% so với cùng kỳ) và lỗ thuần của cổ đông công ty mẹ là 87,1 tỷ đồng (mức lỗ giảm 63,6% so với cùng kỳ). Doanh thu giảm so với cùng kỳ chủ yếu do đóng góp thấp hơn từ mảng thương mại trong khi lỗ thuần giảm là nhờ số ngày làm việc của các giàn khoan tự nâng và giá cho thuê tăng. Triển vọng hoạt động kinh doanh cốt lõi trong những quý tới sẽ cải thiện nhờ có hợp đồng mới đối với các giàn khoan tự nâng.
Doanh thu Q1 cho thấy sự cải thiện đáng kể ở mảng dịch vụ giếng khoan. Cơ cấu doanh thu của PVD như sau:
• Doanh thu dịch vụ khoan tăng 7,6% so với cùng kỳ đạt 390 tỷ đồng nhờ tỷ lệ hoạt động của 4 giàn khoan tự nâng tăng (tăng từ 70% trong Q1/2018 lên 83% trong Q1/2019) với giá cho thuê cũng tăng (từ 55.000-56.000 USD trong Q1/2018 lên 58.000-60.000 trong Q1/2019).
• Doanh thu dịch vụ giếng khoán tăng 20,2% so với cùng kỳ – đạt 433 tỷ đồng. Doanh thu tăng nhờ nhu cầu tăng theo xu hướng gia tăng của hoạt động thăm dò khai thác ngoài khơi tại Việt Nam từ cuối năm 2018.
• Doanh thu mảng thương mại giảm 77,5% so với cùng kỳ – đạt 86 tỷ đồng. Mảng thương mại về cơ bản là mua nguyên vật liệu, thiết bị và phụ tùng cho các nhà thầu dầu khí.
Lợi nhuận gộp Q1 đạt thấp do mảng dịch vụ khoan lỗ – Trong Q1, lợi nhuận gộp của PVD đạt 51 tỷ đồng (Q1/2018 lỗ 45 tỷ đồng). Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng là 5,6%. Cơ cấu lợi nhuận gộp như sau:
• Công ty lỗ gộp mảng dịch vụ khoan là 33 tỷ đồng so với mức lỗ 95 tỷ đồng trong Q1/2018 – Mặc dù tỷ lệ hoạt động của giàn khoan tự nâng và cho thuê tăng, nhưng mảng này vẫn lỗ vì: (1) giàn khoan nửa nổi nửa chìm PVD V không hoạt động trong kỳ với chi phí phát sinh khi không hoạt động là khoảng 11.000 USD/ngày, và (2) giàn khoan tự nâng PVD II tạm ngừng hoạt động trong khoảng 2 tháng giữa thời hạn của hai hợp đồng và chi phí phát sinh là 10.000 USD/ngày.
• Lợi nhuận gộp mảng dịch vụ giếng khoan đạt 67 tỷ đồng (tăng 69,3% so với cùng kỳ) – Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 11% trong Q1/2018 lên 15,5% trong Q1/2019 nhờ đóng góp cao hơn trong tổng doanh thu của mảng này từ những dịch vụ có biên lợi nhuận cao, chẳng hạn như dịch vụ OCTG, dịch vụ kỹ thuật khoan và sản xuất.
• Lợi nhuận gộp mảng dịch vụ thương mại đạt 17 tỷ đồng (tăng 61,1% so với cùng kỳ) – Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 19,4% (Q1/2018 là 2,7%). Mảng thương mại về cơ bản là mảng mua hàng cho các nhà thầu dầu khí nên có tỷ suất lợi nhuận thấp. PVD không giải thích sự cải thiện đáng kể ở tỷ suất lợi nhuận gộp mảng thương mại. Tuy nhiên chúng tôi suy đoán rằng điều này có liên quan đến một số hợp đồng lớn sẽ đươc thực hiện trong các quý tiếp theo và chúng tôi cũng tin tưởng rằng tỷ suất lợi nhuận gộp mảng này sẽ quay trở về mức bình thường khi những hợp đồng lớn này được thực hiện.

Lỗ tài chính giảm – trong Q1/2019, lỗ tài chính giảm 6,5% từ 28 tỷ đồng trong Q1/2018 xuống còn 26 tỷ đồng; chủ yếu nhờ chi phí lãi vay giảm 2 tỷ đồng.
Chi phí bán hàng & quản lý giảm nhờ chi phí dự phòng nợ xấu giảm – Trong Q1/2019 chi phí bán hàng & quản lý là 121 tỷ đồng (giảm 29,7% so với cùng kỳ) nhờ chi phí dự phòng nợ xấu giảm. Trong Q1/2019 PVD trích lập khoảng 48 tỷ đồng nợ xấu từ PVEP, thấp hơn khoảng 43,5% so với mức trích lập trong Q1/2018 là 85 tỷ đồng. Đến cuối Q1, PVD có tổng nợ xấu là 293 tỷ đồng do PVEP chậm trả. Công ty đã trích lập 254 tỷ đồng dự phòng. PVD kỳ vọng sẽ thu hồi được ít nhất 1/2 số nợ quá hạn trong năm 2019.
Hoạt động kinh doanh cốt lõi của PVD sẽ có lãi trong Q2 – với các giàn khoan tự nâng của PVD đã ký được hợp đồng cả Q2 đến cuối năm. HSC dự báo lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sẽ dương trở lại nhờ lợi nhuận từ 4 giàn khoan tự nâng có thể bù vào chi phí phát sinh khi không hoạt động của giàn khoan nửa nổi nửa chìm PVD V và vẫn có lợi nhuận. Lộ trình khoan của các giàn khoan tự nâng như dưới đây. Giá hợp đồng cho thuê giàn dao động trong khoảng 58.000-62.000 USD.
– PVD I sẽ khoan cho Murphy Oil, và sau đó sẽ khoan cho một hợp đồng mới tại Malaysia đến Q1/2020.
– PVD II đang cho Sapura Energy tại Malaysia đến cuối tháng 7 năm nay và sau đó sẽ khoan cho JVPC ở Việt Nam trong 6 tháng cuối năm.
– PVD III đang khoan cho Repsol Malaysia đến Q1/2020.
– PVD VI đang hoan cho ENI đến tháng 6 và sẽ sang Malaysia khoan cho Sapura Energy đến Q2/2020.
– Trong khi đó, PVD V (giàn khoan TAD) dự báo vẫn sẽ tạm ngừng hoạt động trong năm 2019. Giàn khoan này đang nằm bờ tại PV Shipyard, với chi phí là khoảng 11.000 USD/ ngày. Dự kiến giàn khoan TAD sẽ chỉ trở lại hoạt động trong năm 2020 nếu PVD giành được hợp đồng tại dự án nước sâu tại Brunei cho giàn khoan này.

Chúng tôi dự báo mảng kinh doanh chính sẽ cho lợi nhuận dương trong năm 2019 – Chúng tôi dự báo tổng doanh thu đạt 6.023 tỷ đồng (tăng trưởng 9,5%) nhờ tăng trưởng ở mảng dịch vụ khoan và dịch vụ giếng khoan. Chúng tôi cũng dự báo LNST đạt 12 tỷ đồng (giảm 92,9%). Các giả định chính của chúng tôi như sau.
• Giá dầu Brent bình quân là 65 USD/thùng (giảm 9,5% so với năm 2018).
• Dự báo dự báo doanh thu cung cấp dịch vụ khoan đạt 2.516 tỷ đồng (tăng trưởng 26,3%) và lợi nhuận gộp đạt 201 tỷ đồng, gấp 11,1 lần so với năm 2018. Chúng tôi dự báo giá thuê bình quân của các giàn khoan tự nâng của PVD là 59.000 USD/ngày (tăng 3,5%) và tỷ lệ sử dụng công suât là 92%, cao hơn mức 80% trong năm 2018. Tuy nhiên, chi phí hoạt động hàng ngày của các giàn khoan tự nâng dự báo cũng tăng 2,9% lên 36.000 USD/ngày do số lượng công việc thực hiện ở nước ngoài với chi chí lớn hơn tăng.
• Dự báo doanh thu mảng dịch vụ giếng khoan đạt 2.583 tỷ đồng (tăng trưởng 20,0%), %). Lợi nhuận gộp dự báo đạt 413 tỷ đồng (tăng trưởng 20,5%). Theo đó tỷ suất lợi nhuận gộp là 16,0%, tương đương như trong năm 2018.
• Doanh thu mảng thương mại dự báo đạt 924 tỷ đồng (giảm 32,0%). Lợi nhuận gộp dự báo đạt 28 tỷ đồng (giảm 21,4%). Theo đó, tỷ suất lợi nhuận gộp là 3,0% (năm 2018 là 2,6%).Mặc dù đóng góp doanh thu tốt hơn, nhưng mảng thương mại thường có tỷ suất lợi nhuận thấp và do đó đóng góp lợi nhuận không đáng kể.
• Chi phí bán hàng & quản lý dự báo là 648 tỷ đồng (tăng 110,4%), tương đương 10,5% tổng doanh thu. Chúng tôi dự báo trong năm 2019 sẽ không phát sinh hoàn nhập dự phòng như trong năm 2108 (là 360 tỷ đồng). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến chi phí bán hàng & quản lý tăng mạnh trong năm 2019.
• Lợi nhuận từ các liên doanh dự báo đạt 70 tỷ đồng (tăng trưởng 9,6%). PVD hiện có 6 liên doanh, gồm PVD-BJ (dịch vụ khoan), PVD-Expro (kiểm tra giếng dầu), PVD Tubulars Management (cần ống khoan), PVD-Baker Hughes (dịch vụ khoan định hướng và khảo sát địa điểm), Vietubes (sản xuất và dịch vụ phụ kiện đường ống OCTG) và PVD Tech-Oil States Industries (sản xuất, chế tạo ren, tiện các loại đầu nối ống chống và cấu kiện). Cả 6 công ty này đều cung cấp dịch vụ thượng nguồn và sẽ hưởng lợi khi điều kiện thị trường dịch vụ thượng nguồn tốt hơn.
Theo đó, LNST của cổ đông công ty mẹ năm 2019 đạt 12 tỷ đồng (giảm 93,6% so với năm 2018). Đây là lợi nhuận thuần từ các mảng kinh doanh chính. Và kết quả này cho thấy sự cải thiện rất lớn so với mức lỗ khoảng 218 tỷ đồng từ các mảng kinh doanh chính trong năm 2018.
Kết luận nhanh: Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu PVD là 22.200đ; dựa trên phương pháp chi phí thay thế, dự báo hoạt động kinh doanh chính sẽ chuyển từ lỗ sang lãi trong năm 2019. PVD đã tìm được việc cho các giàn khoan tự nâng trên thị trường khu vực, từ đó giúp doanh thu cải thiện và hoạt động kinh doanh chính chuyển từ lỗ sang lãi. Trong khi PVD có lẽ không phù hợp với những NĐT thận trọng, chúng tôi tin rằng đây vẫn là cổ phiếu có giá trị đầu tư tốt đối với NĐT có khả năng chấp nhận mức rủi ro từ trung bình đến cao.
(Theo HSC)