Diễn biến TTCK thế giới:
Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine tiếp tục phủ bóng lên thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó các thị trường chứng khoán khu vực Châu Âu chịu tác động mạnh hơn so với thị trường Mỹ và thị trường chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, việc giá lương thực và giá năng lượng tăng cao đang gây sức ép lên lạm phát và là rủi ro cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng khiến nhà đầu tư thận trọng. Chỉ số chứng khoán toàn cầu đã giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp và rơi vào vùng điều chỉnh khi đã sụt hơn 10% kể từ đầu năm. Đây cũng là mức giảm mạnh chỉ sau nhịp giảm covid-19 đầu tiên hồi tháng 3 năm 2020.
Ngược dòng các thị trường chứng khoán lớn trên thế giới vẫn là các thị trường chứng khoán khu vực Đông Nam Á. Mặc dù trong tuần vừa qua, thị trường Singapore và Thái Lan giảm điểm nhưng hầu hết các thị trường trong nhóm Asean6 vẫn giữ được đà tăng so với đầu năm, dẫn đầu khu vực là thị trường Indonesia (+5,3%), các thị trường Singapore và Philippine đều tăng trên 3%.
Giá cả hàng hóa toàn cầu đang hướng đến tuần tăng mạnh nhất trong hơn 50 năm qua, với giá khí đốt ở châu Âu chạm mức cao kỷ lục khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine kích hoạt các chuyển động giá bất thường trên thị trường nguyên liệu thô từ dầu mỏ cho đến lúa mì. Chỉ số S&P GSCI, một thước đo diễn biến giá nguyên liệu thô toàn cầu, đã tăng 18% trong tuần này, đạt mức cao nhất kể từ năm 2008 và hướng đến tuần tăng mạnh nhất kể từ năm 1970.
Diễn biến TTCK Việt Nam:
Thị trường chứng khoán trong nước nhanh chóng lấy lại ngưỡng tâm lý 1.500 điểm trong tuần vừa qua nhờ thanh khoản đạt mức cao nhất trong 6 tuần vừa qua. Chỉ số Vn-index tăng hơn 6 điểm, tương đương tiến thêm 0,43% trong tuần vừa qua và chốt tuần ở mức 1.505,33 điểm. Đây cũng là tuần tăng thứ 4 trong 5 tuần trở lại đây, tuy vậy xu hướng của thị trường vẫn là đi ngang kể từ đầu tháng 2 cho tới nay với cận trên là ngưỡng 1.510 điểm. Lực cản khiến thị trường chưa thể bứt phá khỏi vùng tích lũy kéo dài đến từ nhóm cổ phiếu bluechips, chỉ số Vn30 đã giảm sang tuần thứ 3 liên tiếp và kể từ đầu năm, chỉ số này cũng chỉ tăng 2 trong 8 tuần trở lại đây. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu midcap và smallcap lại thu hút được dòng tiền và có mức hồi phục khá tích cực sau chuỗi giảm 3 tuần liền ở nửa cuối tháng 1.
Về thanh khoản: Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX đạt 26.663 tỷ đồng, tăng 3,5% so với tuần trước, đây cũng là mức cao nhất trong 6 tuần vừa qua. Trong khi đó, thanh khoản bình quân trên toàn thị trường (bao gồm cả khớp lệnh và thỏa thuận ở 3 sàn) đạt 33.370 tỷ đồng, tăng 2,6% so với tuần trước.
Theo thống kê, thanh khoản bình quân toàn thị trường ở tháng 3 đã tăng lên mức 34.700 tỷ đồng, cao nhất kể từ đầu năm tới nay. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 2/2022, nhà đầu tư trong nước mở mới 210.883 tài khoản chứng khoán, tăng hơn 16.000 tài khoản so với tháng liền trước. Như vậy, sau khi sụt giảm số lượng tài khoản mở mới trong tháng 1 bởi ảnh hưởng của kỳ nghỉ Tết nguyên đán, số lượng tài khoản mở mới đã tăng trở lại trên mức 200.000 tài khoản trong một tháng. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư trong nước mở mới tổng cộng hơn 405.000 tài khoản chứng khoán, lớn hơn tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản). Tính tới cuối tháng 2/2022, tổng số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài là hơn 4,7 triệu tài khoản. Đây là dấu hiệu rất tích cực khi thị trường đang lo ngại dòng tiền năm nay không được thuận lợi như năm ngoái khi các ngành nghề hoạt động trở lại sẽ hút dòng tiền trở lại hoạt động kinh doanh thay vì đầu tư tài chính như năm vừa qua.
Về xu hướng dòng tiền và mức độ tập trung vốn: Dòng tiền vẫn tập trung giao dịch sôi động ở nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa như: hóa chất, cảng biển, thép, thủy sản, dệt may… Nhìn chung, nhóm cổ phiếu midcap và smallcap đang thu hút dòng tiền mạnh hơn so với nhóm bluechips khi đà phục hồi ở 2 nhóm cổ phiếu này có nhiều triển vọng hơn.
Về giao dịch của khối ngoại: Khối ngoại bán ròng 808 tỷ đồng trên sàn HSX và 732 tỷ đồng trên toàn thị trường. Áp lực bán ròng chủ yếu tập trung ở cổ phiếu HPG hơn 965 tỷ đồng trong khi mua ròng mạnh ở cổ phiếu VPB gần 840 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 2.854 tỷ đồng trên toàn thị trường, so với năm ngoái đà bàn ròng từ khối ngoại đang giảm dần khi dòng tiền đầu tư quốc tế vẫn đang vào ròng ở các thị trường khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Chỉ số Vn-Index vẫn trong xu hướng đi ngang kéo dài từ đầu tháng 2 cho tới nay trong vùng dao động từ 1.470 điểm đến 1.510 điểm. Mặc dù thị trường đi ngang nhưng độ rộng thị trường vẫn rất tích cực, số cổ phiếu nằm trên MA50 thậm chí đã vượt thời điểm chỉ số Vn-Index ở mức đỉnh cũ 1.536 điểm. Phần lớn các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đà tăng của thị trường hàng hóa đều đã vượt đỉnh như hóa chất, cao su tự nhiên,dệt may, cảng biển… hoặc đang ở sát đỉnh như bán lẻ, vật liệu xây dựng, thủy sản, bảo hiểm, ô tô… sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền. Do vậy, trong kịch bản cơ bản, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng đi ngang với cận trên ở ngưỡng 1.520 điểm và cận dưới ở 1.480 điểm. Trong kịch bản lạc quan, nhóm bluechips điều chỉnh thêm sẽ kích hoạt được lực cầu bắt đáy, khi đó thị trường nhiều khả năng sẽ kiểm tra lại đỉnh cũ ở 1.536 điểm.
Trong tháng 3, chúng tôi cho rằng tác động của các sự kiện xung đột chính trị, hay dự đoán câu chuyện lãi suất của Fed gần như đã và đang phản ánh khả rõ vào thị trường chung. Fed sẽ bớt “diều hâu” hơn trong bối cảnh địa chính trị, kinh tế còn nhiều khó khăn. Mặc dù dư âm ảnh hưởng vẫn còn với những nhịp rung lắc có thể diễn ra nhưng không tác động có thể không còn quá mạnh. Thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục trong trạng thái tích cực nhưng phân hóa với từng câu chuyện riêng và những cổ phiếu đã và đang được hưởng lợi từ giá hàng hóa(phân bón, cao su, dầu khí, than…), khởi động từ câu chuyện đầu tư công (thép, xây dựng hạ tầng, BĐS…), đến phục hồi kinh tế hướng xuất khẩu (thủy sản, dệt may, logistic…), hay tài chính(chứng khoán, bảo hiểm…) vẫn sẽ là nhóm hoạt động tốt trong tháng 3 này. Nhà đầu tư có lẽ sẽ quan tâm nhiều hơn đến câu chuyện cụ thể của từng doanh nghiệp, và thông tin từ kỳ ĐHCĐ năm nay. Tuy nhiên, biến số lạm phát sẽ là tâm điểm được chú ý tới để lựa chọn nhóm ngành phù hợp nhất là khi nhiều biến số vĩ mô đang thay đổi rõ ràng trước các tác động từ bên ngoài.
MBS Research.