Cập nhật cổ phiếu PHR: Bất động sản khu công nghiệp vẫn là “đôi cánh” nâng đỡ PHR. | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

Cập nhật cổ phiếu PHR: Bất động sản khu công nghiệp vẫn là “đôi cánh” nâng đỡ PHR.

Lượt xem:2762 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Cao su tiếp tục ảm đảm…

    Doanh thu của mảng cao su trong năm 2020 dự kiến ở mức 1.278 tỷ đồng, tăng 17% YoY. Trong đó, sản lượng tiêu thụ dự kiến đạt khoảng 39.528 tấn cao su thành phẩm, tăng 21% so với năm 2019. Chi tiết về sản lượng sản xuất, thu mua và tiêu thụ như bảng dưới..

    Diện tích khai thác của Phước Hòa Kampong Thom mở rộng nên sản lượng thu được từ công ty con này tăng mạnh trong năm 2020 (+871% YoY), lên 10.000 tấn. Hiện Phước Hòa có 7.664 ha đất cao su ở tỉnh Kampong Thom – Campuchia và dự kiến sẽ đưa vào khai thác mủ cao su trên diện tích 7.589 ha (99% tổng diện tích) trong năm 2020, tăng 22% YoY. Do đó, sản lượng cao su khai thác của Phước Hòa Kampong Thom sẽ tăng mạnh trong năm 2020 và là nguồn cung đảm bảo chất lượng cho Phước Hòa. Trong khi đó sản lượng từ vườn cây tại Việt Nam giảm 4,2% còn 11.500 tấn khi diện tích khai thác giảm từ 7.072 ha trong năm 2019 xuống còn 6.530 ha trong năm 2020.

    Trái ngược với sự tăng trưởng trong sản lượng, Phước Hòa ước tính giá bán sẽ giảm 3,2%, chỉ ở mức 32,34 triệu đồng/tấn. Giá bán dự kiến của công ty giảm đi cùng với khả năng cao giá cao su toàn cầu giảm. Đầu năm 2020, ANRPC – Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên – dự báo sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu ở mức 14.285 triệu tấn, tăng 3,8% YoY. Trong khi, nhu cầu tiêu thụ cao su sẽ giao động quanh mức 14.071 triệu tấn, tăng 2,7% so với năm 2019. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc – nơi tiêu thụ cao su nhiều nhất thế giới, xấp xỉ 40% – nhiều khả năng sụt giảm mạnh trong năm 2020 do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Do đó, nhu cầu cao su thế giới giảm mạnh hơn so với mức dự báo trước đó và ảnh hưởng tiêu cực lên giá cao su thế giới. Thực tế, giá cao su tăng trở lại từ cuối năm 2019 và đạt đỉnh vào tháng 2 – 2020 do thiếu hụt nguồn cung từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia – những nơi chịu ảnh hưởng bởi bệnh nấm cao su dẫn đến sản lượng giảm. Tuy nhiên, do những lo ngại trong nhu cầu sản xuất của Trung Quốc sụt giảm trong thời gian tới và tình hình kinh tế toàn cầu đang bất ổn trong bối cảnh bùng phát virus Corona nên giá cao su đã giảm mạnh từ cuối tháng 2 đến nay và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

    Năm 2020, công ty dự kiến thanh lý gỗ cao su trên tổng diện tích 399,17 ha, giảm 53% so với năm 2019. Với giá thanh lý gỗ hiện thời ở mức 170-180 triệu/ha, dự kiến số tiền thu được từ thanh lý gỗ năm nay đạt 68-72 tỷ đồng.

    …do đó, bất động sản khu công nghiệp vẫn là “đôi cánh” nâng đỡ PHR

    Theo chiến lược phát triển công ty giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030, trong tổng số 15.000 ha đất cao su Phước Hòa đang quản lý, công ty dự kiến sẽ dành ra khoảng 5.000 ha đất cho các dự án bất động sản khu công nghiệp. Từ đây dự kiến sẽ có 5 khu công nghiệp được hình thành.

    • KCN Nam Tân Uyên mở rộng (được quản lý bởi CTCP KCN Nam Tân Uyên NTC – nơi PHR đang sở hữu 32,85%): dự án hiện đã được UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định thu hồi đất do đó 2 bên đang lên kế hoạch về tiến độ trả tiền đền bù và bàn giao đất. Theo dự kiến của công ty, PHR sẽ nhận đủ số tiền 865 tỷ đồng tiền đền bù (đơn giá: 2,5 tỷ đồng/ha) và bàn giao toàn bộ 346 ha đất cho Nam Tân Uyên trong năm 2020. Thực tế, PHR đã nhận được 150 tỷ đồng tiền bù đất từ NTC vào quý 3 – 2019 nhưng chưa ghi nhận vào doanh thu – lợi nhuận của công ty trong năm 2019 do những vướng mắc về mặt giấy tờ nên toàn bộ số tiền 865 tỷ sẽ được ghi nhận trong năm 2020. Trong khi đó, KCN Nam Tân Uyên hiện hữu đã được lấp đầy nên NTC lên kế hoạch cho thuê 50 ha đất ở khu mở rộng trong năm 2020.
    • KCN VSIP III (được quản lý bởi Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore VSIP và PHR dự kiến góp 20% vốn điều lệ của dự án này): PHR sẽ bàn giao 691 ha đất cho VSIP trong thời gian tới. Tháng 12 năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương đã ra Thông báo thu hồi đất của dự án. Hiện tại, 2 bên đang chờ UBND tỉnh ký Quyết định thu hồi đất (Nam Tân Uyên đã có được văn bản này). Sau khi có quyết định thu hồi đất từ tỉnh, 2 bên sẽ lên kế hoạch về tiến độ trả tiền đền bù và giao đất. PHR dự kiến mọi thứ sẽ hoàn tất trong năm 2020. Giá đất đền bù tối thiểu là 2,5 tỷ đồng/ha, trong đó 1,3 tỷ đồng/ha sẽ được giao trước trong khi phần còn lại sẽ phụ thuộc vào tiến độ cho thuê của KCN VSIP III nhưng không thấp hơn 1,2 tỷ đồng/ha. Với số tiền nhận được từ Nam Tân Uyên, PHR đã đủ khả năng đạt được kế hoạch lợi nhuận đề ra của năm 2020 nên tiền đền bù đất từ VSIP có thể sẽ được ghi nhận trong năm 2021.
    • KCN Tân Bình mở rộng (quản lý bởi CTCP KCN Tân Bình – nơi PHR đang sở hữu 80%): KCN Tân Bình hiện hữu có tổng diện tích 352 ha với 244 ha đất thương phẩm. Tính đến năm 2019, công ty đã cho thuê được 203 ha, chiếm 83% diện tích đất thương phẩm. Trong 42 ha đất còn lại có 30 ha vướng đất dân – sẽ chỉ được cho thuê sau khi đền bù cho dân thành công và được UBND tỉnh cho công ty thuê. Do KCN Tân Bình hiện hữu gần được lấp đầy nên PHR lên kế hoạch cho khu mở rộng (giai đoạn 2 + giai đoạn 3) với tổng diện tích khoảng 1.500 ha – gấp 4,3 lần khu hiện hữu. Dự án này sẽ được bổ sung vào Kế hoạch phát triển KCN của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025 thay vì 2015-2020 như kỳ vọng ban đầu.
    • KCN Tân Lập: 400 ha đất sẽ được dùng để thu hút các doanh nghiệp gỗ về tỉnh Bình Dương. Theo kế hoạch Phước Hòa sẽ nắm 59% dự án, 41% còn lại được chia cho các đối tác khác, trong đó có 1 đối tác chuyên làm về gỗ và nội thất là Kaiser – Đài Loan – hiện đang hoạt động trong KCN Mỹ Phước 1, tỉnh Bình Dương. Hiện đã thành lập được pháp nhân để thực hiện dự án và việc góp vốn sẽ thực hiện bằng tiền. Theo kế hoạch, Phước Hòa kỳ vọng sẽ đưa vào cho thuê 200 ha đầu tiên trong năm 2020 và 200 ha còn lại sẽ xin phê duyệt vào Kế hoạch phát triển KCN của tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025.
    • KCN Lai Hưng: quy mô 600 ha.

    Lợi tức từ các công ty liên kết sẽ mang lại cho PHR tối thiểu 114 tỷ đồng. Phước Hòa kỳ vọng sẽ nhận được 42 tỷ đồng từ CTCP KCN Nam Tân Uyên khi công ty công bố mức cổ tức 8.000 đồng/cổ phiếu. Đồng thời, nhận thêm 72 tỷ đồng từ CTCP KCN Tân Bình với cổ tức dự kiến 5.000 đồng/cổ phiếu.

    Điều chỉnh tỷ lệ cổ tức năm 2019 từ 40% xuống 30%. Lợi nhuận kế hoạch năm 2019 dự kiến ở mức 1.246 tỷ đồng. Tuy nhiên, do công ty hủy bỏ ý định thoái vốn tại CTCP KCN Nam Tân Uyên và chưa ghi nhận số tiền 300 tỷ đồng tiền đền bù đất từ Nam Tân Uyên và VSIP nhận được ở quý 3-2019 nên lợi nhuận năm 2019 chỉ đạt mức 534 tỷ đồng (43% kế hoạch năm). Do đó, PHR điều chỉnh tỷ lệ cổ tức năm 2019 về mức 30%, nhận thanh toán 3 đợt vào các ngày 10/2/2020, đợt 2 vào 10/3/2020, và đợt 3 vào 10/4/2020. Mỗi đợt trả 10%. Cổ tức dự kiến năm 2020 ở mức tối thiểu 40%.

    Kết luận lại, năm 2020 công ty dự kiến doanh thu công ty mẹ đạt 2.460 tỷ đồng, tăng 52% YoY và lợi nhuận trước thuế đạt 1.148 tỷ đồng, tăng 115% YoY. Chúng tôi cho rằng lợi nhuận kế hoạch năm 2020 là hoàn toàn có thể đạt được khi các vấn đề về mặt pháp lý trong quá trình chuyển nhượng đất từ PHR đến NTC đã được gỡ bỏ từ đó công ty nhiều khả năng nhận đủ và ghi nhận toàn bộ tiền đền bù 865 tỷ từ NTC. Chúng tôi kỳ vọng trong thời gian tới việc chuyển giao đất cho VSIP cũng hoàn thiện, từ đó số tiền đền bù đất 898 tỷ đồng sẽ được ghi nhận từ năm 2021.

    Nguồn VDSC.

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn