KQKD Q1 2020 – Lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao
Tổng doanh thu thuần Q1 2020 giảm 18% YoY, trong đó doanh thu dịch vụ hàng không giảm 20% YoY. Nguyên nhân chính đến từ (1) lưu lượng hành khách hàng không giảm mạnh do COVID-19 và (2) chính sách miễn, giảm phí một số dịch vụ hàng không để hỗ trợ các hãng hàng không.
Tác động tiêu cực của COVID-19 tới sản lượng hành khách hàng không quốc tế bắt đầu từ tháng 2 sau lệnh dừng khai thác các chuyến bay tới Trung Quốc được ban hành, theo sau bởi các lệnh cấm bay tới thị trường Hàn Quốc và các thị trường quốc tế khác trong tháng 3 khi dịch bênh lây lan nhanh trên toàn thế giới. Trong khi đó, tâm lý lo ngại về dịch bệnh cũng làm giảm sản lượng hành khách bay các chuyến nội địa. Các hãng hàng không đã liên tục phải cắt giảm tần suất bay. Qua đó, ước tính tổng lưu lượng hành khách hàng không đạt 24,6 triệu khách trong Q1/2020, giảm 11% YoY. Cụ thể, lưu lượng hành khách quốc tế giảm 29,0% YoY trong khi lưu lượng hành khách bay nội địa giảm 0,5% YoY. Điều này kéo theo tỷ trọng hành khách hàng không trên các chuyến bay quốc tế trong Q1 2020 ước tính giảm xuống mức 30% so với mức 38% cùng kỳ năm 2019. Qua đó, chúng tôi ước tính doanh thu phục vụ hành khách (PSC) trung bình giảm 19% YoY.
ACV cũng đã miễn, giảm nhiều phí dịch vụ hàng không để hỗ trợ các hãng hàng không trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến hết tháng 8/2020. Cụ thể, phí dịch vụ dẫn tàu bay giảm 50%; phí dịch vụ thang ống, thuê băng chuyền, xử lý hành lý tự động, thuê quầy, phục vụ mặt đất giảm 10%; dịch vụ thuê văn phòng đại diện hãng: đối với các hãng hàng không dừng bay sẽ miễn 100%, còn các hãng vẫn duy trì bay sẽ giảm ở mức tối đa theo quy định của Nhà nước là 30%.
• LN từ HĐKD cốt lõi giảm 30% YoY xuống còn 1.378 tỷ đồng. Bù lại, doanh thu tài chính tăng mạnh 27% YoY lên mức 545 tỷ đồng, giúp LNTT chỉ giảm 22% YoY, đạt 1.927 tỷ đồng.
Triển vọng 2020 –Lợi nhuận có thể tạo đáy vào Q2 và dần phục hồi từ Q3
Sau khi Chính phủ ra chỉ thị tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài vào khoảng giữa tháng 3 cũng như giảm tần suất khai thác thị trường nội địa xuống mức tối thiểu kể từ đầu tháng 4, toàn bộ các đường bay quốc tế và hầu hết các chuyến bay nội địa đã phải dừng khai thác. Do đó, chúng tôi cho rằng sản lượng hành khách sẽ đạt mức thấp nhất trong Q2/2020 với mức sụt giảm ước tính khoảng 80% YoY. Do chi phí cố định (chủ yếu là khấu hao và một phần chi phí lương nhân viên) chiếm phần lớn trong cơ cấu chi phí của công ty, chúng tôi ước tính ACV sẽ lỗ khoảng 755 tỷ đồng trong Q2/2020.
Chúng tôi giả định dịch bệnh sẽ phần nào được kiểm soát vào khoảng cuối Q2 không chỉ tại Việt Nam mà còn ở một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, và sau đó có thể là các quốc gia còn lại vào Q3. Theo đó, chúng tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ dần nới lỏng các hạn chế bay quốc tế kể từ cuối Q2 trước khi ngành hàng không vào bước mùa cao điểm trong tháng 7 và cuối năm. Theo đó, tốc độ tăng trưởng sản lượng hành khách hàng không cũng như lợi nhuận sẽ dần phục hồi kể từ Q3.
Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất, hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài có thể bắt đầu trong năm nay
Chính phủ đã ra nghị quyết sử dụng vốn ngân sách Trung ương để đầu tư dự án cải tạo đường cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài. ACV không phải là chủ đầu tư của dự án này mà thay vào đó là Ban quản lý dự án Thăng Long và Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông Cửu Long, hai doanh nghiệp trực thuộc bộ GT-VT. Dự kiến, dự án này có thể triển khai thi công ngay trong tháng 7/2020.
Việc đóng cửa một đường băng tại mỗi sân bay để phục vụ nâng cấp sẽ ít ảnh hưởng tới hoạt động khai thác của ACV khi mà tần suất các chuyến bay đã giảm mạnh. Trên thực tế, với tình hình chỉ khai thác các chuyến bay nội địa như hiện nay, chúng tôi ước tính tổng số lượt cất hạ cánh trung bình mỗi giờ trong khung giờ cao điểm tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài lần lượt vào khoảng 14 lượt và 12 lượt. Trong kịch bản các đường bay quốc tế được hoạt động trở lại trong nửa cuối năm, thì số lượt cất hạ cánh trung bình mỗi giờ vẫn nằm trong mức khai thác tối đa của một đường băng còn lại, vào khoảng 30 lượt. Do đó, các dự phóng của chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi dự án nâng cấp các đường cất, hạ cánh này.
Quan điểm và định giá
Năm 2020 sẽ là một năm khó khăn đối với ACV. Tuy nhiên, mức lợi nhuận thấp trong năm nay sẽ là cơ sở để kỳ vọng vào tốc độ tăng trưởng mạnh trong năm 2021 sau khi các tác động của dịch COVID-19 tới hoạt động hàng không dần suy giảm. Nhìn xa hơn, với vai trò là nhà khai thác độc quyền 21 cảng hàng không tại Việt Nam, ACV sẽ là người hưởng lợi chính trong sự phát triển của ngành hàng không và du lịch Việt Nam trong dài hạn.
Giá mục tiêu 12 tháng được xác định ở mức 65.000 đồng/cổ phiếu. Giá cổ phiếu ACV đã hồi phục hơn 39% kể từ mức đáy thiết lập vào cuối tháng 3/2020 theo sát tiến triển tích cực của việc kiểm soát dịch bệnh ở Việt Nam. Dù vậy, chúng tôi cho rằng những kết quả tiêu cực gây ra bởi dịch bệnh sẽ phản ánh rõ ràng hơn trong KQKD Q2/2020 của doanh nghiệp. Chúng tôi cho rằng thời điểm doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh thấp trong thời gian sắp tới sẽ là cơ hội tốt để TÍCH LŨY cổ phiếu của doanh nghiệp có vị thế lớn trong ngành như ACV.
(Nguồn VDSC)
GIANG LÂM
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0911096879.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/