VJC gần đây đã công bố KQKD năm 2017 chưa kiểm toán với doanh thu thuần đạt 42.358 tỷ đồng (tăng trưởng 54%), LNTT đạt 4.749 tỷ đồng (tăng trưởng 76%) và LNST đạt 4.517 tỷ đồng (tăng trưởng 81%). Theo đó VJC đã hoàn thành được 101% kế hoạch doanh thu và 126% kế hoạch LNTT.
Ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VJC là 215.000đ, tương đương P/E dự phóng năm 2018 là 19,74 lần. Chúng tôi tin tưởng định giá của VJC xứng đáng cao hơn ít nhất 15% so với bình quân khu vực nhờ tốc độ tăng trưởng vượt trội. Chúng tôi lựa chọn 22 công ty cùng ngành hàng không giá rẻ tại khu vực châu Á để so sánh. Những công ty này có vốn hóa bình quân khoảng 4,8 tỷ USD, gần với vốn hóa của VJC là 4,1 tỷ USD ở thị giá hiện tại là 205.500đ.

Gần đây, giá cổ phiếu VJC đã tăng mạnh sau khi được thêm vào giỏ VN30. Cho năm 2018, dự báo doanh thu thuần tăng trưởng 10% và LNST tăng trưởng 15% còn LNTT từ hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng 41%. Vietjet là hãng hàng không giá rẻ tăng trưởng mạnh nhất tại châu Á với kế hoạch mở rộng đầy tham vọng. Động lực chính cho giá cổ phiếu trong trung hạn là triển vọng tăng trưởng của thị trường hàng không khu vực, đặc biệt là ở các tuyến Bắc Á. Hiệu quả cao trong quản trị chi phí là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của VJC. Việc tập trung khai thác thị trường quốc tế không chỉ giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận (giá vé cũng như doanh thu phụ trợ từ hành khách quốc tế cao hơn). Chúng tôi cho rằng giá nhiên liệu sẽ chỉ tăng ở mức vừa phải trong các năm sau. Rất có thể VJC sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu 20% vào giữa năm 2018.
CTCP Hàng Không Vietjet được thành lập vào tháng 11/2007 với 3 cổ đông lớn gồm T&C group, Sovico Holdings và HD Bank với vốn điều lệ là 600 tỷ đồng. Đến cuối 2017, vốn điều lệ của Vietjet đã tăng gấp 7,5 lần lên 4.513 tỷ đồng.
Kể từ khi niêm yết trên HSX vào ngày 28/2/2017, giá cổ phiếu VJC đã tăng mạnh 179% từ giá tham chiếu phiên chào sàn. Tại thị giá hiện tại là 205.500đ, vốn hóa thị trường của VJC là 92.751 tỷ đồng, tương đương 4,1 tỷ USD.
VJC có 3 nguồn doanh thu chính gồm: (1) doanh thu vận chuyển hành khách với nguồn thu từ dịch vụ vận tải hàng khác bằng đường hàng không với các chuyến bay định kỳ và chuyến bay thuê bao; (2) doanh thu dịch vụ phụ trợ gồm bán hàng trong quá trình bay, quảng cáo, hoa hồng bán hàng miễn thuế, doanh thu từ vận chuyển hàng hóa và doanh thu từ dịch vụ liên quan đến vận tải hành khách chẳng hạn như hành lý quá cân, chọn chỗ ngồi và điều chỉnh thông tin đặt vé; (3) doanh thu từ bán và cho thuê lại máy bay.
Trong đó, vận tải hành khách và dịch vụ phụ trợ là hoạt động kinh doanh chính của VJC. Trong giai đoạn 2013-2017, bình quân 3 nguồn doanh thu trên lần lượt đóng góp lần lượt 56%, 14% và 30% vào tổng doanh thu của VJC.
Doanh thu tăng trưởng nhờ lượng hành khách chuyên chở tăng 22% và số máy bay bán và cho thuê lại tăng 55%. Doanh thu của VJC xuất phát từ 3 mảng là: (1) vận tải hành khách; (2) dịch vụ phụ trợ và (3) bán và cho thuê lại máy bay. Trong đó 2 mảng đầu là 2 mảng kinh doanh cốt lõi.
Doanh thu vận tải hành khách tăng trưởng 40% đạt 17.001 tỷ đồng. Động lực tăng trưởng chính ở mảng này là:
– Lượng hành khách tăng 22% đạt 17,11 triệu lượt. Trong đó lượng hành khách trong nước tăng 12% và hành khách quốc tế tăng 91%.
– Giá vé bình quân sẽ tăng 12% nhờ tỷ trọng đóng góp lớn hơn từ phân khúc hành khách quốc tế với giá vé cao hơn.
– Trong năm 2017, VJC mở thêm 21 tuyến bay quốc tế và 1 tuyến bay nội địa
Doanh thu phụ trợ đạt 5.477 tỷ đồng (tăng 54%) nhờ lượng hành khách tăng 22% và doanh thu phụ trợ bình quân mỗi hành khách tăng 26%. Chúng tôi thấy doanh thu phụ trợ bình quân mỗi hành khách quốc tế có xu hướng cao hơn doanh thu phụ trợ bình quân mỗi hành khách nội địa do thời gian bay dài hơn.
Doanh thu từ bán máy bay tăng 71% đạt 19.783 tỷ đồng.
– Trong năm 2017, số lượng máy bay bán và cho thuê lại 16 máy bay A321 ceo (current engine option) và 1 máy bay A321 neo (new engine option).
– Trong năm 2016 số lượng máy bay bán và cho thuê lại 11 máy bay gồm 3 máy bay A320 ceo và 8 máy bay A321 ceo.
– Giá máy bay A321 ceo cao hơn khoảng 20% so với giá máy bay A320 ceo còn giá máy bay A321 neo cao hơn khoảng 10% so với giá máy bay A321 ceo.
Lợi nhuận gộp tăng trưởng như kỳ vọng. Cho năm 2017, VJC công bố lợi nhuận gộp đạt 6.018 tỷ đồng, tăng trưởng 54% với tỷ suất lợi nhuận gộp duy trì ở mức 14,2%.
Lỗ tài chính thuần giảm. Lỗ tài chính thuần giảm còn 448 tỷ đồng (giảm 12%). Nguyên nhân chính là giá trị thời gian của dòng tiền đã được chiết khấu của khoản dự phòng chi phí bảo dưỡng máy bay giảm 30% xuống còn 308 tỷ đồng. Do VJC đã trả lại sớm một số máy bay hết hạn thuê.Khi VJC thuê 1 chiếc máy bay, công ty phải hạch toán chi phí bảo dưỡng cho chiếc máy bay đó trong thời gian thuê (10-13 năm). Đây là chi phí trích trước và VJC sẽ chiết khấu những chi phí này về giá trị hiện tại. VJC cũng sẽ hạch toán phần chênh lệch giữa giá trị tương lai và giá trị hiện tại của các chi phí này hàng năm khi còn trong thời hạn thuê. Nếu VJC trả lại máy bay sớm hơn thời gian bảo dưỡng như kế hoạch và giảm chi phí bảo dưỡng thì khoản dự phòng sẽ được hoàn nhập.
Chi phí bán hàng và quản lý tăng 13% lên 799 tỷ đồng; tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu (không tính doanh thu bán máy bay) giảm từ 4,4% năm 2016 xuống 4% năm 2017. LNTT đạt 4.819 tỷ đồng (tăng trưởng 76%).
Dự báo trong năm 2018 doanh thu thuần của VJC sẽ tăng trưởng 10% và LNST tăng trưởng 15%. Chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 46.538 tỷ đồng (tăng trưởng 10%) và LNST là 5.174 tỷ đồng (tăng trưởng 15%). Các giả định chính của chúng tôi bao gồm:
Giả định doanh thu từ vận tải hành khách đạt 22.480 tỷ đồng (tăng trưởng 32%) nhờ
– ASK tăng 29% lên 28.695 triệu ghế.km do số lượng chuyến bay tăng 25% lên 217.071 chuyến.
– Lượng hành khách tăng 24% đạt 21,15 triệu hành khách bao gồm 15,2 triệu lượt khách nội địa (tăng 10%) và 6 triệu lượt khách quốc tế (tăng 80%).
– Giá vé bình quân sẽ tăng 7% lên 1,063 triệu đồng nhờ tỷ trọng đóng góp lớn hơn từ phân khúc hành khách quốc tế với giá vé cao hơn.
Doanh thu phụ trợ là 8.195 tỷ đồng (tăng 50%) nhờ lượng hành khách tăng 24% và doanh thu phụ trợ bình quân mỗi hành khách tăng 25%.
Doanh thu khác giảm 20% còn 15.862 tỷ đồng do:
– Số lượng máy bay bán và cho thuê lại giảm từ 17 máy bay năm 2017 xuống 13 máy bay trong năm 2018.
– Giá bán máy bay bình quân tăng 4% do giá máy bay mới cao hơn máy bay hiện tại.
Ước tính lợi nhuận gộp đạt 7.182 tỷ đồng (tăng trưởng 19%) trong khi đó tỷ suất lợi nhuận gộp tăng từ 14,3% lên 15,4%.
– Đến cuối năm 2018 chúng tôi dự báo đội máy bay của VJC sẽ tăng lên 66 máy bay (tăng 27%) gồm 62 máy bay thuê hoạt động và 4 máy bay sở hữu.
– Dự báo chi phí nhiên liệu tăng do giá dầu Brent bình quân sẽ tăng 10% lên 60 USD/thùng.
– Tỷ suất gộp từ bán và cho thuê lại máy bay là 14%.
Chi phí bán hàng và quản lý tăng 36% lên 1.089 tỷ đồng; tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu (không tính doanh thu bán máy bay) duy trì ở 3,5%.
Lỗ tài chính thuần tăng 36% lên 608 tỷ đồng. Chúng tôi dự báo chi phí lãi vay sẽ tăng 10% lên 261 tỷ đồng do công ty tăng vay nợ dài hạn để mua máy bay mới.
Dự báo EBITDAR đạt 12.641 tỷ đồng (tăng trưởng 24%) và EBITDA đạt 6.260 tỷ đồng (tăng trưởng 18%). Ở mức hiện tại là 205.500đ, EV/EBITDAR là 6,34 lần và EV/EBITDA là 12,81 lần.
LNTT tăng trưởng 16% đạt 5.484 tỷ đồng. Nếu không tính lợi nhuận từ bán và cho thuê lại máy bay, thì LNTT từ hoạt động kinh doanh chính là 3.276 tỷ đồng (tăng trưởng 41%).
Và do thuế suất hiện hành tăng từ 4,9% lên 5,6% trong năm 2018, chúng tôi dự báo LNST đạt 5.174 tỷ đồng (tăng trưởng 15%), EPS là 10.892đ. Ở mức giá hiện tại là 205.500đ, P/E dự phóng là 18,87 lần.
VJC là hãng hàng không non trẻ nhưng có tốc độ phát triển nhanh nhất trong ngành hàng không giá rẻ tại châu Á.
• Công ty đã đưa vào khai thác chuyến bay thương mại đầu tiên vào ngày 24/12/2011. Hiện Vietjet là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất và là hãng hàng không lớn thứ 2 tại Việt Nam với thị phần nội địa năm 2017 là 42% (thị phần nội địa của Vietnam Airlines là 43% và Jetstar Pacific là 15%).
• Số lượt hành khách chuyên chở tăng từ 0,007 triệu lượt lên 17 triệu lượt vào năm 2017.
• Bắt đầu với chỉ 1 tuyến bay Hà Nội – TP HCM; thì đến cuối 2017 Vietjet đang khai thác 38 tuyến bay nội địa và 40 tuyến bay quốc tế.
• Trong vòng 6 năm hoạt động, số lượng máy bay tăng từ 1 máy bay lên 52 máy bay vào cuối năm 2017 với số tuổi máy bay bình quân là 3,37 năm. Trong đó Vietjet sở hữu 1 máy bay và thuê hoạt động 51 máy bay.
• Lợi nhuận tăng mạnh trong giai đoạn 2013-2017: Tốc độ tăng trưởng gộp bình quân năm giai đoạn 2013-2017 của doanh thu thuần là 83% và LNST là 244%.

Công tác quản lý chi phí hiệu quả: Trong năm 2017, Vietjet ước tính CASK ex fuel [1] là 2,25 cent, thấp hơn CASK ex fuel bình quân của các hãng hàng không giá rẻ ở Châu Á là 2,87 cent. Hơn nữa, CASK ex fuel của Vietjet cũng đã giảm 7,3% từ mức 2,42 cent/ASK trong năm 2016. Một số yếu tố hỗ trợ ở đây gồm:
• Tần suất chuyến bay lớn: Trong năm 2017, tần suất chuyến bay của Vietjet là 13,75 giờ – cao hơn mức bình quân là 11,9 giờ của các hãng hàng không giá rẻ Châu Á.
• Chi phí nhân công thấp: Chi phí nhân công bình quân của Vietjet là 0,42 cent/ASK trong năm 2016 so với mức bình quân 0,53 cent/ASK của các hãng hàng không giá rẻ Châu Á. Tuy nhiên, có 62 nhân viên trên mỗi tàu bay của Vietjet, cao hơn một chút so với bình quân 61 nhân viên trên mỗi tàu bay của các hãng hàng không giá rẻ Châu Á.
• Chi phí vận hành sân bay thấp: Chi phí vận hành mặt đất bình quân của Vietjet là 0,30 cent/ASK trong năm 2015, thấp hơn 63% so với mức chi phí bình quân của các hãng hàng không giá rẻ Châu Á. Nhờ phí sân bay nội địa ở Việt Nam thấp. Chúng tôi lưu ý rằng phí cất hạ cánh nội địa hiện tại ở Việt Nam thấp hơn khoảng 30% so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia.
Kế hoạch mở rộng đầy tham vọng, tập trung vào thị trường quốc tế. Công ty kỳ vọng lượng hành khách chuyên chở sẽ tăng gấp đôi từ 17 triệu lượt trong năm 2017 lên 34 triệu lượt trong năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng trung bình bình gộp năm là 26% trong giai đoạn 2017-2020. Đặc biệt, năm 2018, công ty kỳ vọng sẽ vận chuyển 25 triệu hành khách, tăng trưởng 47%.
• Đội bay sẽ tăng thêm 71% cho đến năm 2020 – Công ty có kế hoạch mở rộng đội bay từ 52 máy bay hiện tại lên 89 máy bay đến cuối năm 2020. Trong đó, công ty sẽ sở hữu 2-3 máy bay. Bên cạnh đó, đội bay của VJC với các máy bay động cơ hiện tại sẽ dần được thay thế với các máy bay động cơ mới. Máy bay mới sẽ không chỉ tăng thêm số ghế (186 ghế trên máy báy A320 neo so với 180 ghế trên máy bay A320 ceo và 240 ghế trên máy bay A321 neo so với 231 ghế trên máy bay A321 ceo) mà còn giúp tiết kiệm khoảng 15%-20% nhiên liệu.
• Trong năm 2018, VJC đặt mục tiêu mở rộng mạng bay lên 102 đường bay (tăng 31% gồm 42 đường bay nội địa và 60 đường bay quốc tế). Công ty sẽ mở thêm 24 đường bay mới, trong đó có 4 đường bay nội địa và 20 đường bay quốc tế. Khu vực Bắc Á vẫn sẽ là thị trường quốc tế chủ chốt. Song song với mở rộng các thị trường hiện tại (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc), VJC sẽ khai thác các thị trường mới như Nhật Bản, Indonesia và Ấn Độ.
• Thành lập các liên doanh để vận hành các hãng hàng không giá rẻ tại các thị trường Châu Á khác – Sau Thái Lan, VJC dự kiến sẽ thành lập các liên doanh để vận hành các hãng hàng không giá rẻ tại các thị trường châu Á khác như Trung Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Thông qua các liên doanh này, Vietjet có thể thâm nhập thị trường nội địa của những nước đó và đồng thời phân bổ một phần số đặt mua máy bay của Vietjet. Tuy nhiên, do cạnh tranh gia tăng giữa các hãng hàng không giá rẻ hiện tại cùng với ít hỗ trợ từ chính quyền sở tại, nên sẽ khó khăn để VJC áp dụng mô hình kinh doanh hiện tại của mình với các liên doanh này.
• Hợp tác với các hãng hàng không truyền thống để khai thác các chặng bay dài – VJC đã ký thỏa thuận hợp tác với một số các hãng hàng không truyền thống như Japan Airlines và Qatar Airways để mở rộng các đường bay bên ngoài khu vực Đông Á. Công ty sẽ vận hành các chuyến bay liên doanh, cụ thể hành khách có thể đặt chỗ của các hãng hàng không truyền thống thông qua hệ thống đặt vé của VJC và ngược lại. Các chặng bay dài (hơn 6 giờ bay) thường không phù hợp đối với mô hình của các hãng hàng không giá rẻ do yêu cầu tàu bay thân rộng trong khi đó hệ số tải thường thấp hơn đối với các chặng bay ngắn. Do đó, chiến lược hợp tác với các hãng hàng không truyền thông có vẻ là lựa chọn tốt nhất đối với VJC để tiếp cận hành khách có nhu cầu đối với chặng bay dài. VJC có thể bán các chuyến bay dài do các hãng khác vận hành.
Doanh thu phụ trợ từ hành khách sẽ biến động sát hơn với các hãng hàng không giá rẻ khác trên thế giới – Trong năm 2017, doanh thu phụ trợ từ hành khách của VJC là khoảng 14 cent, thấp hơn 30% so với mức bình quân của các hãng hàng không trên thế giới là 20,13 cent. Tuy nhiên, dòng doanh thu này chỉ đóng góp 22% tổng doanh thu cốt lõi của VJC trong khi đó mức tỷ trọng bình quân đối với các hãng hàng không giá rẻ trong khu vực và trên thế giới là khoảng 25%. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch ở đây là tỷ trọng đóng góp thấp từ mảng hành khách quốc tế. Hiện tại, hành khách quốc tế chiếm khoảng 20% tổng hành khách chuyên chở của VJC. Chúng tôi hiểu rằng mức doanh thu phụ trợ từ bộ phận khách quốc tế thường cao hơn so với bộ phận khách nội địa do thời gian bay dài hơn.
Do đó, bằng cách mở rộng thị trường quốc tế, VJC sẽ cải thiện dòng doanh thu phụ trợ từ hành khách. Hơn nữa, chúng tôi cũng nhận thấy tiềm năng tăng trưởng lớn từ chuyên chở hàng hóa qua các sân bay của Việt Nam nhờ sự phát triển của thương mại điện tử, gia tăng xuất nhập khẩu và tăng trưởng của dòng vốn FDI.
Chúng tôi lưu ý một số rủi ro sau trong mô hình dự báo của mình:
Giá nhiên liệu cao hơn: Giá dầu thô bình quân trên thế giới theo dự báo của nhóm phân tích vĩ mô của chúng tôi sẽ tăng thêm 10% trong năm 2018 lên 60 USD/thùng (giá dầu WTI). Hơn nữa, chúng tôi dự báo giá dầu sẽ tăng trung bình gộp 5% trong 3 năm tới. Trong giai đoạn 2013-2017, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 48% giá thành của Vietjet (không tính giá vốn các tàu bay đã bán). Hơn nữa, hiện VJC không sử dụng các hình thức phòng vệ biến động giá nhiêu liệu. Chúng tôi ước tính 1% thay đổi trong giá nhiên liệu sẽ ảnh hưởng đến 2% LNTT của VJC trong năm 2018. Tuy nhiên, do động cơ máy mới nới (neo) sẽ tiết kiệm khoảng 15%-20% tiêu hao nhiên liệu, nên ảnh hưởng của biến động giá nhiên liệu sẽ giảm thiểu.
Nguy cơ dư thừa với số lượng máy bay đặt mua lớn – Hiện tại, VJC đã đặt mua 180 máy bay mới gồm 73 Airbus A321 neo, 11 Airbus A321 ceo và 100 Boeing 737 MAX và dự kiến cho đến năm 2023 toàn bộ số máy bay này sẽ được bàn giao. Như vậy VJC sẽ nhận thêm khoảng 31 máy bay mới mỗi năm trong 6 năm tới. Do tốc độ tăng trưởng của thị trường trong nước chậm lại, tăng trưởng chuyên chở của VJC có thể không theo kịp tốc độ mở rộng đội bay, đặc biệt là nếu các liên doanh không thành công ở các nước châu Á khác. Do đó, tỷ suất lợi nhuận có thể bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng lưu ý những động lực tăng trưởng sau:
Việt Nam là thị trường hàng không tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á – Trong năm 2017, có 94 triệu lượt khách qua các sân bay của Việt Nam, tăng 16%. Trong giai đoạn 2010-2017, lượng hành khách chuyên chở qua các sân bay của Việt Nam gia tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân gộp năm là 17%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất ở khu vực Đông Nam Á, sau đó là Myanma tăng 16% và Indonesia tăng 12,5%. Cục Hàng không Việt Nam dự báo lượng hành khách hàng không ở Việt Nam sẽ đạt 142 triệu lượt vào năm 2020, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân gộp năm là 14% trong giai đoạn 2017-2020.
Bắc Á là thị trường quốc tế chủ chốt của các hãng hàng không Việt Nam – Theo kế hoạch được Thủ tướng phê duyệt, một phần quan trọng của kế hoạch phát triển các chặng bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia khác là Bắc Á sẽ là thị trường chủ chốt đối với các hãng hàng không của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
• Bắc Á là thị trường lớn nhất với tốc độ tăng trưởng cao nhất – Bắc Á là thị trường lớn nhất đối với các hãng hàng không của Việt Nam khi chiếm 61% tổng lượng khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam trong năm 2017, là 7,9 triệu khách. Hơn nữa, hành khách từ thị trường này tăng 43% trong năm 2017, là mức tăng trưởng mạnh nhất. Trong đó, khách du lịch Trung Quốc tăng vọt 48% đạt 4 triệu lượt khách.
• Mức thâm nhập ngành từ các hãng hàng không giá rẻ thấp – Vào thời điểm cuối năm 2016, mức độ thâm nhập vào thị trường Bắc Á của các hãng hàng không giá rẻ chỉ là khoảng 11% – thấp hơn nhiều so với mức 56% tại thị trường Đông Nam Á và 40% tại Đông Âu và 32% tại Bắc Mỹ. Do đó, tiềm năng tăng trưởng của các hãng hàng không giá rẻ tại Bắc Á là rất lớn.
Công suất sân bay của Việt Nam sẽ tăng thêm 48% vào năm 2020 – Đến cuối năm 2020, tổng công suất các sân bay dân sự của Việt Nam sẽ tăng thêm 48% từ mức hiện tại là 83,45 triệu lượt khách/năm lên 123,8 triệu lượt khách/năm. Trong đó,
• Công suất của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tăng từ 25 triệu lượt khách/năm lên 45 triệu lượt khách/năm vào năm 2020.
• Công suất Nhà ga quốc nội Đà Nẵng sẽ tăng từ 6 triệu lượt khách/năm lên 10 triệu lượt khách/năm vào năm 2020, do đó tổng công suất sân bay Đà Nẵng sẽ tăng từ 10 triệu lượt khách/năm lên 14 triệu lượt khách/năm.
• Công suất của sân bay Phú Quốc sẽ tăng từ 2,65 triệu lượt khách/năm lên 5 triệu lượt khách/năm vào năm 2019.
• Công suất của sân bay Cam Ranh sẽ tăng từ 5 triệu lượt khách/năm lên 10 triệu lượt khách/năm vào năm 2020.
• Công suất của sân bay Chu Lai sẽ tăng từ 0,5 triệu lượt khách/năm lên 5 triệu lượt khách/năm.
Ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu Vietjet là 215.000đ, tương đương P/E dự phóng năm 2018 là 19,74 lần vì cho rằng định giá cổ phiếu VJC xứng đáng cao hơn 15% so với mức bình quân khu vực dựa trên tiềm năng tăng trưởng mạnh. Và động lực cho giá cổ phiếu trong trung hạn lại là tiềm năng tăng trưởng của ngành hàng không nói chung và đặc biệt là hàng không giá rẻ (Vietjet là hãng hàng không đứng đầu phân khúc giá rẻ tại Việt Nam) với tiềm năng phát triển các chặng bay quốc tế đến khu vực Bắc Á. Chúng tôi dự báo lượng hành khách toàn ngành sẽ đạt tốc độ tăng trưởng gộp bình quân là 14%/năm.
—————————
Nguyễn Hữu Bình – Nhà quản lý tài khoản chứng khoán
(nhận Hợp tác đầu tư – Quản lý tài khoản chứng khoán)
Điện thoại: 0983 361 688
Tư vấn chuyên sâu trên Skype: cophieu86.com
https://www.facebook.com/cophieu86/
Website: www.cophieu86.com
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.