VHC đã tổ chức ĐHCĐTN vào ngày 26/4. Cổ đông đã tham dự đông đủ và thông qua toàn bộ các tờ trình. Công ty cũng đã công bố KQKD Q1/2019 khả quan.
1. Kế hoạch kinh doanh thận trọng theo quan điểm của chúng tôi với doanh thu thuần đạt 10.047 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% và LNST đạt 1.255 tỷ đồng, giảm 13%. Kế hoạch kinh doanh từng mảng như sau:
– Kế hoạch doanh thu thuần từ cá, dầu cá và bột cá đạt 9.152 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8% với LNST đạt 1.057 tỷ đồng, giảm 21,7%.
– Doanh thu thuần từ thức ăn thủy sản đạt 422 tỷ đồng, giảm 13,5% với LNST đạt 18 tỷ đồng, giảm 28%.
– Công ty đặt mục tiêu tích cực cho mảng collagen và gelatin với doanh thu thuần đạt 473 tỷ đồng, tăng trưởng 67,1% và LNST đạt 180 tỷ đồng, tăng trưởng 116,7%.
2. Đầu tư xây dựng cơ bản là 800 tỷ đồng, tăng 11,9% với kế hoạch đầu tư cụ thể như sau.
– Đầu tư 477 tỷ đồng nâng công suất nhà máy Vĩnh Phươc, xây dựng kho lạnh và đầu tư thêm cho nhà máy sản xuất bột cá và mỡ cá.
– Đầu tư 120 tỷ đồng nâng cấp vùng nuôi hiện tại và đầu tư vào các vùng nuôi mới.
– Đầu tư 115 tỷ đồng cho hệ thống đóng gói tự động và nâng công suất nhà máy Collagen Vĩnh Hoàn từ 2.000 tấn/năm hiện nay lên 3.500 tấn/năm.
– Đầu tư 88 tỷ đồng cho máy móc thiết bị mới.
3. Trong năm 2019, VHC sẽ chú trọng hơn vào các thị trường yếu trong năm 2018 như EU và Brazil.
Trong năm 2018, trong khi VHC tiếp tục nhận được đơn hàng từ tất cả các thị trường, thì sản lượng của Công ty bị hạn chế do thiếu cá nguyên liệu, vốn là vấn đề chung của hầu hết các doanh nghiệp chế biến cá tra. Do vậy, Công ty phải ưu tiên những thị trường có giá bán cao như Mỹ và giảm sản lượng xuất sang những thị trường có giá thấp hơn như EU và Brazil. Theo đó, doanh thu sang thị trường Mỹ tăng lên 210,5 triệu USD, tăng trưởng 49% với sản lượng tăng 8,5% đạt 46.651 tấn trong khi doanh thu xuất khẩu sang EU chỉ tăng 6,7% đạt 36,2 triệu USD với sản lượng giảm 12% xuống còn 8.453 tấn.
Tình hình có vẻ sẽ thay đổi trong năm 2019 với nguồn cung cá nguyên liệu cải thiện và giá cá nguyên liệu giảm, cho phép VHC nâng sản lượng và đẩy mạnh xuất khẩu sang tất cả các thị trường từ Mỹ, Trung Quốc, EU, Brazil, Đông Nam Á và các thị trường khác.
4. Phân phối lợi nhuận
– Cổ tức tiền mặt cho năm 2018 được thông qua tại Đại hội là 4.000đ; tương đương tỷ lệ cổ tức/giá là 4,4%. VHC đã chi trả 2.000đ vào tháng 12/2018 và phần còn lại 2.000đ sẽ được chi trả vào ngày 6/6/2019.
– Cổ đông cũng đã thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 1:1 trong năm 2019.

VHC cũng đã công bố KQKD Q1 khả quan – Doanh thu thuần gần như giữ nguyên tại 1.789,3 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ nhưng LNST tăng gần gấp 3 lần lên 307,5 tỷ đồng, tăng 213,8% so với cùng kỳ nhờ tỷ suất lợi nhuận gộp tăng và chi phí bán hàng & quản lý giảm.
Doanh thu thuần giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ xuống còn 1.789,3 tỷ đồng với cơ cấu doanh thu theo từng mảng như sau.
• Doanh thu thành phẩm, chủ yếu là xuất khẩu cá tra giảm 6,6% so với cùng kỳ xuống còn 3.287,6 tỷ đồng.
• Doanh thu hàng hóa (thức ăn cho cá, collagen và gelatin) tăng 91% so với cùng kỳ đạt 277,2 tỷ đồng, nhờ doanh thu từ collagen và gelatin tăng mạnh. Doanh thu xuất khẩu collagen và gelatin tăng 122% so với cùng kỳ từ 2 triệu USD (46,5 tỷ đồng) lên 4,5 triệu USD (104,8 tỷ đồng).
• Doanh thu phụ phẩm (dầu cá và bột cá) giảm 16,3% so với cùng kỳ còn 209,4 tỷ đồng;
• Doanh thu nguyên vật liệu (đậu nành và bao bì) cũng giảm đáng kể 95,6% so với cùng kỳ còn 1,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu (thuần) về mặt kế toán trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh và doanh thu xuất khẩu do Công ty công bố lại trái ngược có lẽ là do cách xác định khác nhau ở mỗi số liệu. Doanh thu thuần giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ nhưng doanh thu xuất khẩu lại tăng 11% so với cùng kỳ có thể do có sự khác nhau về cách xác định doanh thu giữa bộ phận bán hàng và bộ phận kế toán. Doanh thu kế toán thấp hơn doanh thu xuất khẩu do Agromonitor và Công ty công bố. Doanh thu xuất khẩu được xác định khi VHC ký hợp đồng với khách hàng trong khi doanh thu kế toán được hạch toán khi giao hàng.
VHC công bố tổng doanh thu xuất khẩu Q1 đạt 76 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu xuất khẩu cá tra đạt 63,1 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, sát với số liệu do Agromonitor công bố là 63,3 triệu USD. Nếu đổi sang tiền đồng, thì soanh thu xuất khẩu là 1.470 tỷ đồng, cao hơn doanh thu kế toán (mục doanh thu thành phẩm trên bảng báo cáo kết quả kinh doanh) là 1.287,6 tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ.
Doanh thu xuất khẩu cá tra tăng 5,9% so với cùng kỳ nhờ giá bán bình quân đáng kể trong khi sản lượng giảm – Như đã đề cập trên đây, doanh thu xuất khẩu cá tra đạt 63,1 triệu USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Nhờ giá bán bình quân tăng mạnh 19,7% so với cùng kỳ từ 3,73 USD/kg lên 4,46 USD/kg trong khi sản lượng xuất khẩu trên thực tế giảm 16,9% so với cùng kỳ từ 17.085 tấn xuống 14.203 tấn.
Sản lượng xuất khẩu giảm do sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm – Sản lượng xuất khẩu giảm 16,9% so với cùng kỳ, chủ yếu do sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm. Người mua tại thị trường này đã hoãn đặt hàng mới cho đến khi thông tin cuối cùng về thuế chống bán phá giá theo POR 14 được công bố.

Giá bán bình quân tăng cao so với mức thấp trong Q1 năm ngoái – Chúng tôi ước tính giá bán bình quân trong Q1/2019 là 4,46USD/kg, cao hơn 19,7% so với giá bán bình quân trong Q1/2018 là 3,73 USD/kg. Lưu ý mức giá 3,73 USD/kg là mức giá rất thấp. Kể từ Q2 đến Q3 năm ngoái, giá bán bình quân đã tăng đáng kể lên mức cao kỷ lục và nâng giá bán bình quân cả năm 2018 lên 4,2 USD/kg, tăng 34,4%. Giá bán bình quân cao là nhờ: (1) giá cá nguyên liệu bình quân tăng mạnh (tăng 21,4% so với cùng kỳ), (2) giá bán bình quân tại Mỹ tăng mạnh (tăng 37,1% so với cùng kỳ). Tại thị trường Mỹ các đối thủ cạnh tranh của VHC bị hạn chế do Đạo luật nông nghiệp và thuế chống bán phá giá. VHC là một trong 2 doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp dụng các yêu cầu ngặt nghèo của FSIS khi xuất khẩu cá tra sang thị trường này và được hưởng mức thuế chống bán phá giá thấp nhất theo POR 13 (VHC không chịu thuế trong khi Biển Đông là 0,19 USD/kg).
Nhờ có đà tăng mạnh trong năm 2018, giá bán bình quân trong Q1/2019 vẫn ở mức cao là 4,46 USD/kg, tăng 19,7% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc giảm nhưng xuất khẩu sang EU tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu xuất khẩu cá trang theo các thị trường chủ chốt như sau:
• Doanh thu từ thị trường Mỹ giảm 12,8% so với cùng kỳ xuống còn 32,6 triệu USD, đóng góp 51,7% tổng doanh thu xuất khẩu do sản lượng giảm đáng kể, giảm 31,1% so với cùng kỳ còn giá bán bình quân tăng 26,6% so với cùng kỳ. Sản lượng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm mạnh có lẽ là do tồn kho tại các đơn vị nhập khẩu vẫn cao và các đơn vị nhập khẩu hoãn đặt đơn hàng mới cho đến khi thông tin cuối cùng về mức thuế chống bán phá giá theo POR 14 được công bố. Trong Q1/2019, VHC tiếp tục hưởng mức giá bán cao từ năm 2018.
• Doanh thu xuất khẩu sang EU đạt 12,4 triệu USD, tăng 29,6% so với cùng kỳ và đóng góp 19,7% vào tổng doanh thu xuất khẩu với sản lượng tăng 5% so với cùng kỳ và giá bán bình quân tăng 23,3% so với cùng kỳ. Sản lượng tăng từ mức thấp năm ngoái do Công ty không đủ sản lượng để xuất sang thị trường này trong khi giá bán bình quân cũng tăng từ mức thấp trong Q1 năm ngoái.
• Doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 4,6% so với cùng kỳ xuống còn 6,3 triệu USD, đóng góp 10% tổng doanh thu xuất khẩu. Giá bán bình quân tăng 20,4% so với cùng kỳ trong khi sản lượng xuất khẩu giảm 20,8% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận gộp tăng 66% đạt 421,3 tỷ đồng với tỷ suất lợi nhuận gộp ở mức rất cao là 23,5% so với mức 14,1% trong Q1/2018 nhờ giá bán bình quân tăng mạnh và giá cá nguyên liệu giảm – Giá bán bình quân tăng 19,7% so với cùng kỳ từ 3,73 USD/kg lên 4,46 USD/kg trong khi giá cá nguyên liệu giảm 7,6% so với cùng kỳ từ 29.478 đ/kg xuống 27.227 đ/kg.

Lỗ tài chính thuần giảm 21,1% so với cùng kỳ xuống còn 6,1 tỷ đồng – Doanh thu HĐ tài chính tăng 33,8% so với cùng kỳ đạt 30,6 tỷ đồng nhờ lãi tỷ giá tăng gấp 3 lên 14,9 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng 62,2% so với cùng kỳ lên 24,4 tỷ đồng do chi phí tài chính tăng 37% lên 17,7 tỷ đồng.
Lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết là 13,1 tỷ đồng, tăng 56,6% so với cùng kỳ nhờ hạch toán nguyên quý – VDTG đã trở thành công ty liên kết của VHC từ tháng 2/2018. Do vậy trong Q1/2018, VDTG chỉ hợp nhất vào VHC trong 2 tháng trong khi trong Q1/2019 hợp nhất nguyên 3 tháng.
Chi phí bán hàng & quản lý giảm 38,6% so với cùng kỳ xuống còn 94,2 tỷ đồng do không có khoản chi phí không thường xuyên hạch toán trong Q1/2018 khi VHC bán 65% cổ phần Văn Đức Tiền Giang và hạch toán 65 tỷ đồng lợi thế thương mại còn lại từ việc mua VDTG trong năm 2014 vào chi phí quản lý. Do vậy, tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giảm từ 8,5% trong Q1/2018 xuống 5,3%.
Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng và tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giảm đã giúp LNST tăng mạnh gấp 3 lần lên 307,4 tỷ đồng, tăng 213,8% so với cùng kỳ. Tỷ suất LNST đạt 17,2% (Q1/2018 là 5,4%).
Cho năm 2019, dự báo LNST tăng trưởng 10,3%; thấp hơn một chút so với dự áo trước đây là tăng trưởng 11,4% – Chúng tôi dự báo cho năm 2019, doanh thu thuần đạt 10.106,3 tỷ đồng, tăng trưởng 9% và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.591,4 tỷ đồng, tăng trưởng 10,3% với những giả định sau:
1. Sản lượng cá tra xuất khẩu đạt 84.383 tấn, tăng 7,4% với sản lượng từng thị trường chính như sau:
– Mỹ: 48.984 tấn, tăng 5% so với năm trước
– Châu Âu: 10.144 tấn, tăng 20% so với năm trước
– Trung Quốc & Hongkong: 13.733 tấn, tăng 15% so với năm trước.
2. Chúng tôi dự báo giá bán bình quân đạt 4,01 USD/kg, giảm 4,6% sau khi giá cá nguyên liệu giảm 8%. Giá bán bình quân từng thị trường như sau:
– Mỹ: 4,35 USD/kg, giảm 5% so với năm trước,
– Châu Âu: 4,07 USD/kg, giảm 5% so với năm trước
– Trung Quốc: 3,07 USD/kg, giảm 5% so với năm trước.
3. Do đó, chúng tôi ước tính giá trị xuất khẩu cá tra đạt 338,1 triệu USD, tăng 2,5%.
4. Chúng tôi dự báo tỷ suất lợi nhuận gộp xuất khẩu cá tra là 22,2% so với mức 22% năm 2018 với giả định giá cá nguyên liệu bình quân là 27.964đ/kg, giảm 8% và giá xuất khẩu bình quân là 4,01 USD/kg, giảm 4,6%.
5. Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu là 4,2% trong khi năm 2018 là 3,8%.
Theo đó, EPS dự phóng 2019 là 17.006đ, tương đương P/E dự phóng là 5,3 lần.
Cho năm 2020, chúng tôi dự báo LNST tăng trưởng 8,8% – Chúng tôi dự báo cho năm 2020, doanh thu thuần đạt 10.971,1 tỷ đồng, tăng trưởng 8,4% và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 1.693,4 tỷ đồng, tăng trưởng 6,4% với những giả định sau:
1. Sản lượng cá tra xuất khẩu đạt 89.907 tấn, tăng 6,5% với sản lượng từng thị trường chính như sau:
– Mỹ: 51.433 tấn, tăng 5% so với năm trước,
– Châu Âu: 11.158 tấn, tăng 15% so với năm trước, và
– Trung Quốc & Hongkong: 15.793 tấn, tăng 15% so với năm trước.
2. Chúng tôi dự báo giá bán bình quân đạt 4,01 USD/kg với giá bán tất các thị trường giữ nguyên.
3. Theo đó giá trị xuất khẩu cá tra đạt 359,2 triệu USD, tăng 6,2%.
4. Tỷ suất lợi nhuận gộp là 21,7%.
5. Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý/doanh thu giữ nguyên ở 4,2%.
Theo đó, EPS năm 2020 là 18.110đ; P/E dự phóng năm 2020 là 5 lần.

VHC hưởng lợi từ mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg theo POR 14 – Bộ Thương mại Mỹ đã công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 14 (POR 14) đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ cho kỳ từ 1/8/2016 đến 31/7/2017. Mức thuế chống bán phá giá áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cao hơn so với trong kết quả sơ bộ vào tháng 9/2018 và rơi vào 1,37 – 3,87 USD/kg, ngoại trừ VHC và Biển Đông.
– VHC tiếp tục không bị áp thuế.
– Biển Đông được giữ nguyên mức thuế 0,19 USD/kg.
– HVG không được hưởng mức thuế 0 USD/kg như trong kết quả sơ bộ và chịu mức thuế 3,87 USD/kg.
– Cửu Long, Green Farms, Vinh Quang, C.P Vietnam chịu mức thuế 1,37 USD/kg, tăng 0,96 USD so với mức thuế sơ bộ. NTSF vẫn giữ mức 1,37 USD/kg, bằng với mức thuế sơ bộ.
– Các doanh nghiệp khác chịu mức thuế 2,39 USD/kg.
Đây được coi là thông tin tích cực cho VHC, giúp nâng cao vị thế của Công ty tại thị trường Mỹ. Ban lãnh đạo kỳ vọng sản lượng xuất khẩu của VHC trong năm 2019 sẽ tăng mạnh.
VHC sẽ hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) – Vào ngày 17/10/2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhất trí trình EVFTA lên Hội đồng Châu Âu để chấp thuận và ký kết. Dự kiến EVFTA dự kiến sẽ được ký kết vào cuối năm 2019. Sau khi EVFTA có hiệu lực, thuế đối với hầu hết các sản phẩm nông sản sẽ được gỡ bỏ. Hiện cá tra fillet của Việt Nam xuất sang EU chịu mức thuế 5,5%. Khi EVFTA được ký kết, mức thuế này sẽ được xóa bỏ trong vòng 3 năm. Xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang EU giảm với tốc độ gộp bình quân năm là 8,7% từ năm 2013 đến 2018 do một số chiến dịch trên truyền thông. Do vậy EVFTA có thể tạo ra thêm cơ hội để cá tra của Việt Nam giành lại vị thế của mình tại thị trường EU. VHC hiện có khoảng 11% giá trị xuất khẩu sang EU và sẽ hưởng lợi từ hiệp định thương mại tự do này. Ban lãnh đạo VHC đã có kế hoạch tập trung hơn vào thị trường EU trong năm nay và chúng tôi tin tưởng rằng sản lượng xuất khẩu của Công ty sang EU nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong 1-2 năm tới.
Kết luận đầu tư – Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VHC là 122.968đ, tương đương P/E 4 quý gần nhất là 6,9 lần và P/E dự phóng năm 2019 là 7,2 lần. Chúng tôi tin tưởng rằng 2019 sẽ tiếp tục là năm khả quan đối với VHC vì Công ty không chỉ có thể duy trì được vị trí số 1 tại thị trường Mỹ với mức thuế chống bán phá giá 0 USD/kg mà còn có thẻ đẩy mạnh được hoạt động xuất khẩu sang các thị trường khác nhờ nguồn cung cá tra nguyên liệu không còn thiếu. Về dài hạn, động lực tăng trưởng gồm: nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng, sản lượng xuất khẩu sang EU tăng nhờ thuế xuất khẩu sang thị trường này giảm khi EVFTA dự kiến sớm được ký kết, cũng như vị thế mạnh tại thị trường Mỹ.