VCB đã công bố KQKD 9 tháng đầu năm với LNTT tăng 47,2% so với cùng kỳ. Hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng ổn định nhờ thu nhập lãi thuần tăng 26,4% so với cùng kỳ và lãi thuần HĐ dịch vụ tăng 33,7% so với cùng kỳ.
Thu nhập từ bán trái phiếu, thoái vốn và thu hồi nợ xấu cũng đóng góp đáng kể vào tổng thu nhập hoạt động. Ngoài ra, LNTT tăng trưởng còn nhờ chi phí dự phòng chỉ tăng 10,9% so với cùng kỳ. Theo đó VCB đã hoàn thành được 87,8% kế hoạch lợi nhuận khiêm tốn cho cả năm là 13.300 tỷ đồng (tăng trưởng 17,3%).
Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VCB là 65.000đ, tương đương P/B dự phóng là 3,2 lần. Cho năm 2018, chúng tôi dự báo với LNTT đạt 15.921 tỷ đồng (tăng trưởng 40,4%), chưa tính lợi nhuận tiềm năng từ thoái vốn tại MBB và EIB. Mặc dù thời điểm thoái vốn vẫn chưa rõ ràng, nhưng chúng tôi kỳ vọng việc thoái vốn có thể đóng góp 1.000 tỷ đồng vào lợi nhuận năm nay hoặc năm sau. Và khả năng phát hành riêng lẻ nâng vốn cấp 1 cũng tăng lên. Bên cạnh đó là tiềm năng của một thương vụ hợp tác độc quyền trong lĩnh vực bancassurance, có thể vào năm sau. Ngoài ra, câu chuyện tăng trưởng nội tại vẫn giữ nguyên giá trị, trong đó Ngân hàng tiếp tục mở rộng thị phần nhờ tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ với ưu thế về tiền gửi và chi phí huy động thấp. Trong khi chi phí dự phòng giảm tốc nhờ chính sách quản trị rủi ro tín dụng chủ động. VCB là ngân hàng đầu ngành và xứng đáng được định giá cao hơn bình quân ngành.

Cho vay khách hàng tăng 15,55% so với đầu năm đạt 628 nghìn tỷ đồng. Cao hơn đáng kể mức tăng trưởng bình quân ngành trong 9 tháng đầu năm là 10,8%.
Tiền gửi khách hàng tăng 9,16% so với đầu năm đạt 773,4 nghìn tỷ đồng. Theo đó tỷ lệ LDR thuần tăng lên 81,2% từ 76,7% cuối năm 2017. Với tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao và tỷ trọng tiền gửi USD cao nhất ngành, VCB tiếp tục là ngân hàng có chi phí huy động thấp nhất trong số các NHTM.
Tỷ lệ NIM tăng 0,16% lên 2,9% – chủ yếu nhờ chi phí huy động giảm 0,18% xuống còn 2,9% trong khi lợi suất gộp tăng nhẹ 0,02% so với cùng kỳ lên 5,76%.
Ngoài ra về cơ cấu tài sản chứng tôi thấy: tổng tài sản sinh lãi tăng 11 % so với cùng kỳ (tăng 3% so với đầu năm) và lợi suất cho vay khách hàng tăng 0,17% lên 6,74%. Trong khi đó lợi suất cho vay liên ngân hàng tăng 0,18% lên 2,13%. Lợi suất gộp đầu tư trái phiếu giảm 0,63% xuống còn 4,65% do trong Q1, VCB đầu tư mới một lượng lớn trái phiếu, mà lợi suất trái phiếu trong Q1 lại rất thấp (từ 2,42% cho kỳ hạn 1 năm đến 4,91% cho kỳ hạn 15 năm).
Về cơ cấu huy động, chúng tôi thấy : Tổng vốn huy động (chịu lãi) tăng 11,4% so với cùng kỳ (giảm 5,71% so với đầu năm). Cơ cấu vốn huy động không thay đổi nhiều so với cùng kỳ nhưng so với thời điểm cuối năm 2017 lại có sự thay đổi đáng kể với cơ cấu. Chi phí huy động tiền gửi khách hàng giảm 0,06% so với cùng kỳ xuống còn 3,16%. Chi phí vay liên ngân hàng và vay khác giảm 0,63% xuống chỉ còn 0,48%. Chi phí huy động bình quân từ phát hành giấy tờ có giá giảm 0,48% xuống còn 7,47% nhờ môi trường lãi suất năm nay thuận lợi hơn năm ngoái.Theo đó, thu nhập lãi thuần tăng 26,4% so với cùng kỳ đạt 20.429 tỷ đồng.
Tổng thu nhập hoạt động đạt 28.598 tỷ đồng (tăng 30,7% so với cùng kỳ). Trong đó, thu nhập lãi thuần đóng góp 71,4% và 28,6% còn lại là từ tổng thu nhập ngoài lãi.
Chi phí hoạt động tăng 26,3% so với cùng kỳ lên 33.917 tỷ đồng do chi phí nhân viên tăng mạnh lên 5.647 tỷ đồng (tăng 40,3% so với cùng kỳ) mặc dù số lượng nhân viên chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ. Chi phí này chiếm 47,4% tổng chi phí hoạt động của Ngân hàng. Các chi phí quản lý khác cũng tăng 16,7% so với cùng kỳ lên 4.239 tỷ đồng (tương đương 35,6% tổng thu nhập hoạt động).
Chi phí dự phòng tăng nhẹ 10,9% so với cùng kỳ lên 4.998 tỷ đồng, gồm 505,8 tỷ đồng dự phòng chung và 4.302 tỷ đồng là dự phòng cụ thể.
Tỷ lệ nợ xấu là 1,18% (cuối năm 2017 là 1,14%) với 1.381 tỷ đồng nợ xấu được xóa (tương đương 0,22% tổng dư nợ). Tổng số dư nợ xấu là 8.165,5 tỷ đồng và hệ số LLR vẫn ở mức rất cao là 155,5% (cuối năm 2017 là 130,7%).Theo đó, LNTT 9 tháng đầu năm đạt 11.683 tỷ đồng (tăng 47,2% so với cùng kỳ).
Các phiên đấu giá bán cổ phiếu MBB và EIB của VCB diễn ra không thành công – VCB đã tổ chức bán đấu giá 53,4 triệu cổ phiếu MBB vào ngày 15/10 và 45,6 triệu cổ phiếu EIB vào ngày 22/10. Và chỉ có 10.000 cổ phiếu MBB được bán thành công với giá bán bình quân là 21.900đ; cao hơn 2,8% so với thị giá đóng cửa vào ngày đấu giá. Trong khi đó, phiên đấu giá cổ phiếu EIB đã bị hủy bỏ do không có NĐT đăng ký tham gia.Mặc dù gây thất vọng nhưng kết quả trên là không bất ngờ vì giá bán đấu giá không được thấp hơn giá khởi điểm và giá đóng cửa tại ngày đấu giá và điều này khiến cho phiên đấu giá không hấp dẫn với NĐT. Với số cổ phiếu MBB còn lại, VCB nhiều khả năng sẽ bán trên thị trường với giá không thấp hơn 19.641đ/cp (giá khởi điểm đấu giá). Tuy nhiên thời gian thực hiện vẫn chưa được quyết định.

Cho năm 2018, chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 40,4% – đạt 15.921 tỷ đồng sau khi điều chỉnh tăng đáng kể so với dự báo trước đó là 15.350 tỷ đồng (tăng trưởng 35,3%). Chúng tôi chưa bao gồm giả định về lợi nhuận từ thoái vốn tại EIB và MBB trong dự báo của mình do thời điểm thoái vốn chưa rõ ràng. Các giả định của chúng tôi gồm :
(1) Tín dụng tăng trưởng 16,5% đạt 633.101 tỷ đồng và huy động tăng trưởng 14% đạt 807.712 tỷ đồng.
(2) Tỷ lệ NIM tăng 0,13% lên 2,83% và thu nhập lãi thuần tăng trưởng 22,3% đạt 26.832 tỷ đồng.
(3) Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 39,3% đạt 10.404,5 tỷ đồng.
(4) Chúng tôi ước tính chi phí hoạt động tăng 26,7% so với năm 2017 lên 15.038 tỷ đồng.
(5) Chúng tôi dự báo chi phí dự phòng sẽ tăng nhẹ lên 6.277 tỷ đồng (tăng 1,3%).
(6) Chúng tôi giả định VCB sẽ hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ 10% trong năm 2018 và giá chào bán là 60.000đ/cp.
Theo đó, chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 40,4% đạt 15.921 tỷ đồng, EPS pha loãng là 2.841đ (tăng 36,4%). Và BVPS là 20.446đ, tương đương P/B dự phóng là 2,72 lần.
Cho năm 2019, chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 16,3% – đạt 18.510 tỷ đồng. Các giả định của chúng tôi gồm:
(1) Tín dụng tăng trưởng 17% đạt 750.266 tỷ đồng và huy động tăng trưởng 14% đạt 920.790 tỷ đồng.
(2) Tỷ lệ NIM tăng 0,19% lên 3,02% và thu nhập lãi thuần tăng trưởng 16,5% đạt 31.250 tỷ đồng.
(3) Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 7,8% đạt 11.217 tỷ đồng với thu nhập phí thuần tăng 39,8% đạt 4.931 tỷ đồng.
(4) Chúng tôi ước tính chi phí hoạt động tăng 19,2% lên 17.927 tỷ đồng.
(5) Chúng tôi dự báo chi phí dự phòng sẽ giảm nhẹ còn 6.108 tỷ đồng (giảm 4%).
Theo đó, chúng tôi dự báo LNTT tăng trưởng 16,3% đạt 18.510 tỷ đồng, EPS pha loãng là 3.157đ (tăng 8,3%). Và BVPS là 22.417đ, tương đương P/B dự phóng là 2,48 lần.
Tiềm năng tăng trưởng của VCB là rất lớn. Với thương hiệu ngân hàng tin cậy nhiều năm qua, vị thế dẫn đầu về thanh toán trên thị trường liên ngân hàng, tăng trưởng lợi nhuận ổn định cùng với hệ thống khách hàng lớn, VCB hoàn toàn xứng đáng là ngân hàng tốt nhất trên thị trường. Và trở ngại duy nhất đối với tăng trưởng của VCB là hạn mức tín dụng mà NHNN cấp cho Ngân hàng. Các hệ số an toàn của VCB đều rất tốt. Dư nợ cho vay khách hàng cá nhân của VCB tăng trưởng với tốc độ gộp hàng năm là 51% trong 2 năm qua, với tỷ trọng trong tổng dư nợ tăng từ 20,1% vào năm 2015 lên 32,7% vào năm 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ NIM lại không được cải thiện nhiều mà chỉ dao động quanh 2,7%, là mức khá khiêm tốn trong các NHTMCP. VCB sở hữu mạng lưới trên cả nước với quy mô xếp thứ 4, cụ thể có 496 chi nhánh và phòng giao dịch tính đến cuối năm 2017. Ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn cao là 29,7%, chi phí huy động thấp nhất trong ngành, là 2,86% vào cuối tháng 9 năm 2018, hệ số LDR thấp và khả năng tiếp tục tăng trưởng dư nợ cho vay bán lẻ. Tuy nhiên, cùng với chỉ đạo của nhà nước về việc giữ lãi suất cho vay thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng tôi cho rằng tỷ lệ NIM của VCB sẽ không tăng nhiều trong thời gian sắp tới.
Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 65.000đ, tương đương P/B dự phóng là 3,2 lần. Cho vay bán lẻ tăng trưởng mạnh nhờ tình hình tài chính tốt hiện là động lực chính cho tăng trưởng của Ngân hàng và dự báo mảng này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng của Ngân hàng trong vài năm tới. Khả năng ghi nhận lợi nhuận không thường xuyên từ bán cổ phần tại MBB và EIB trong năm nay sẽ giúp LNTT tăng đáng kể. Khả năng thực hiện thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bancassurance, có lẽ trong năm 2019 có thể đóng góp đáng kể vào LNTT của VCB trong giai đoạn 2019 – 2020.
—————————
Vũ Hồng Phương – Quản lý tài khoản chứng khoán
(Hỗ trợ tư vấn đầu tư – mở tài khoản chứng khoán)
Điện thoại: 0935.315.686
Tư vấn chuyên sâu trên Skype: cophieu86.com
https://www.facebook.com/cophieu86/
Website: www.cophieu86.com
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.