TRIỂN VỌNG DRC TRONG NĂM 2020? | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

TRIỂN VỌNG DRC TRONG NĂM 2020?

Lượt xem:2574 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Triển vọng xuất khẩu của DRC trong năm 2020

    Trong giai đoạn 2018-2020, ngành lốp Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 8%/năm, cao hơn bình quân của thế giới. Động lực chính cho sự phát triển của ngành đến từ nhu cầu ngày càng cao của người dân với ô tô du lịch và thương mại. Nhu cầu phương tiện đi lại của người dân tăng theo đà tăng trưởng kinh tế cùng với quyết tâm phát triển ngành công nghiệp ô tô và các ngành công nghiệp phụ trợ, tựu chung sẽ tạo nên tiềm năng tăng trưởng mạnh cho ngành săm lốp nước nhà. Tổng quan, hiện đang có hai thái cực cạnh tranh gay gắt với nhau trên thị trường săm lốp Việt Nam: một bên gồm các công ty sản xuất sắm lốp nội địa, một bên là các công ty sản xuất săm lốp có vốn FDI. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp FDI tương đối lớn so với các doanh nghiệp nội địa. Cụ thể, công suất lốp radial hằng năm của Sailun Việt Nam đạt 12 triệu lốp, Kumho Việt Nam đạt 6,3 triệu lốp, Bidgestone Việt Nam đạt 17 triệu lốp,… Trong khi các doanh nghiệp nội địa lớn nhất như CSM, DRC hay SRC chỉ đạt mức sản lượng trên dưới 1 triệu lốp/năm. Như vậy, doanh nghiệp FDI không những có lợi thế về mặt quy mô sản xuất và còn có lợi thế về thương hiệu lâu đời. Bên cạnh đó, những điều khoản giảm thuế với hàng nhập khẩu được quy định trong WTO, AFTA, ATIGA, CPTPP và EVFTA sẽ khiến thị trường Việt Nam tràn ngập các sản phẩm lốp ngoại với giá cả ngày càng hấp dẫn. Do đó, cạnh tranh tại thị trường trong nước là rất khốc liệt đối với các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam. Phân khúc ô tô du lịch được xem là miếng bánh hấp dẫn nên cạnh tranh tại phân khúc này là lớn nhất. Trước tình thế đó, các doanh nghiệp nội địa chọn các thị trường ngách để phát triển như DRC tập trung vào sản phẩm săm lốp xe tải nặng và xe tải nhẹ, Công ty Cao su Sao Vàng tập trung phát triển sản phẩm săm lốp máy bay và các loại xe đặc chủng. Tuy nhiên sự giới hạn về mặt thị trường khiến cho các doanh nghiệp trên tìm hướng đi mới – xuất khẩu, để đảm bảo đầu ra của mình.

    Hiện lốp radial của DRC đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn an toàn D.O.T của Mỹ, tiêu chuẩn chất lượng công nghiệp Nhật Bản JIS và tiêu chuẩn chất lượng EMARK của châu Âu. Việc đạt được các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế là tiền đề để Công ty Cao su Đà Nẵng mở rộng thị phần xuất khẩu ở các nước Mỹ, Brazil, Ấn Độ và tương lai là châu Âu. Đặc điểm chung các thị trường hiện hữu và tiềm năng của DRC đều đang áp các loại thuế nhập khẩu bổ sung để hạn chế săm lốp từ Trung Quốc – đối thủ chính của DRC. Chi tiết,

    • Hiện tại, Mỹ đang áp 3 lại thuế lên lốp radial nhập khẩu từ Trung Quốc, gồm: (1) thuế nhập khẩu 10% so với mức 4% áp dụng cho lốp Việt Nam, (2 và 3) ngày 30/01/2019 Ủy ban Thương mại Quốc tế cho rằng thị trường săm lốp Trung Quốc đang bị ảnh hưởng tiêu cực từ việc đổ bộ quyết liệt từ sản phẩm Trung Quốc do đó Mỹ chính thức áp dụng 20,89-63,34% thuế chống trợ cấp (countervailing duties) và 9% thuế chống bán phá giá (riêng lốp xe nhập khẩu bởi công ty nhập khẩu China-Wide Entity bị áp thuế chống bán phá giá lên đến 22,57%) có hiệu lực từ ngày 15/02/2019. Trong trường hợp mối quan hệ Trung – Mỹ “hạ nhiệt”, Mỹ có thể sẽ giảm bớt thuế đối với lốp Trung Quốc. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ chỉ có thể giảm thuế nhập khẩu (10%), còn thuế chống trợ cấp và thuế chống bán phá giá vẫn phải thực thi cho đến năm 14/02/2024 theo quy định của WTO.
    • Brazil lần đầu áp thuế chống bán phá giá lên lốp xe tải và xe buýt có đường kính 20, 22 và 22,5 inches xuất sứ Trung Quốc ngày 18/06/2009 theo Resolução số 33 của Chính phủ Brazil. Sau khi hết hạn hiệp lực vào 17/06/2014, thuế chống bán phá giá một lần nữa được Chính phủ Brazil áp dụng với sản phẩm Trung Quốc vào ngày 29/04/2015, có hiệu lực 5 năm. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá hiện ở mức 1,12 – 2,59 USD trên mỗi kg sản phẩm. Như vậy, thuế chống bán phá giá một lần nữa hết hiệu lực vào tháng 5 năm 2020. Tuy nhiên, do Trung Quốc hiện chiếm tỷ lệ rất lớn (30%) trong tổng giá trị lốp nhập khẩu của Brazil, ảnh hưởng tiêu cực đến ngành sản xuất săm lốp nội địa. Đồng thời, gần đây Brazil vẫn duy trì chính sách “cứng rắn” với hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc khi tái áp thuế chống bán phá giá lên thép tấm nặng (steel heavy plate – 01/10/2019, thời hạn 5 năm) và ống nối thép không gỉ (seamed tubes of austenitic stainless steel – 25/07/2019, thời hạn 5 năm). Do đó, chúng tôi cho rằng nhiều khả năng Chính phủ Brazil sẽ tái áp thuế lên lốp radial của Trung Quốc Thời điểm ban hành chính sách tái áp thuế của Brazil dự kiến trong khoảng thời gian quý 3/2020 đến hết quý 2/2021.
    • Ủy ban Châu Âu cho rằng Chính phủ Trung Quốc đã có những hành động tài trợ trực tiếp, giảm thuế nhập khẩu, cho vay ưu đãi và miễn thuế giá trị gia tăng để tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng cho ngàng săm lốp nội địa. Do đó, Liên minh châu Âu (EU) chính thức áp thuế chống bán phá giá lên lốp xe tải và xe buýt Trung Quốc từ ngày 23/10/2018 và sẽ kéo dài trong vòng 5 năm.
    • Hiện DRC vẫn chưa có đơn hàng xuất khẩu nào vào thị trường châu Âu. Trong khi đó, hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu kỳ vọng sẽ có hiệu lực trong năm 2020 giúp giảm thuế nhập khẩu với săm lốp xe ô tô. Thực tế, DRC cũng đã cử người sang châu Âu để tìm hiểu thị trường cũng như tạo mối quan hệ với một vài đối tác. Với việc các công ty săm lốp Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn khi bị áp thuế chống bán phá giá thì thị trường châu Âu cũng là một trong những thị trường đầy tiềm năng của DRC trong năm 2020. Có thể kể tên ra những thị trường xuất khẩu tiềm năng cho DRC như Đức, Thụy Điển và Ý. Trong đó, Đức đã nhiều năm là nơi tiêu thụ nhiều lốp xe nhất châu Âu khi nước Đức đồng thời dẫn đầu trong ngành sản xuất ô tô du lịch và cũng là nơi sản xuất nhiều xe thương mại nhất khu vực châu Âu. Những công ty sản xuất xe tải hàng đầu ở châu Âu bao gồm Daimler (Đức – thị phần 18,4%), MAN (Đức – 3,7%), Volvo Group (Thụy Điển – 8,5%) và Iveco (Ý – 6%). Bên cạnh đó, thị trường lốp thay thế ở các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU) rất lớn khi tỷ lệ sở hữu ô tô ở các nước này là tương đối cao. Thực tế, có 3 trong tổng số 10 quốc gia với số lượng phương tiện vận tải bốn bánh nhiều nhất thế giới đến từ EU, bao gồm Đức, Ý và Pháp. Tổng phương tiện vận tải bốn bánh của các nước kể trên đạt xấp xỉ 43% tổng phương tiện của Hoa Kỳ. Trong tương lai, nếu DRC có thể thâm nhập vào thị trường rộng lớn như Liên minh châu Âu (EU), đầu ra cho phần sản lượng tăng thêm khi công ty mở rộng công suất hiện tại của nhà máy radial (từ 600,000 lốp lên 1,2 triệu lốp) sẽ được đảm bảo.
    • Kết luận lại, việc sản xuất lốp radial là xu thế tất yếu của ngành săm lốp toàn cầu và ngành săm lốp Việt Nam. Tuy nhiên, quy mô sản xuất, giá cả và chất lượng sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất săm lốp FDI đều vượt trội so với các doanh nghiệp săm lốp nội địa. Vậy nên, xuất khẩu được xem là cơ hội để DRC duy trì đà tăng trưởng của mình. Riêng DRC, các thị trường hiện đang áp dụng các loại thuế nhập khẩu bổ sung nhằm hạn chế sự đổ bộ “ồ ạt” của sản phẩm săm lốp Trung Quốc là những thị trường hiện hữu của DRC, có thể kể ra như Mỹ, Brazil và Ấn Độ. Trong năm 2020, chúng tôi cho rằng DRC sẽ đẩy mạnh quá trình thương thảo với các đối tác châu Âu nhằm tận dụng việc hàng hóa Trung Quốc đang bị hạn chế ở thị trường này cũng như việc giảm thuế nhập khẩu khi Hiệp đinh thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực. Nhìn chung, trong ngắn hạn nguồn cầu từ các thị trường hiện hữu như Mỹ và Brazil cũng như thị trường tiềm năng EU sẽ giúp cho nhà máy radial của DRC hoạt dộng với công suất cao nhất, từ đó đảm bảo doanh thu và lợi nhuận của công ty.

                                                                                                                                                                                                                                                                                                           Nguồn VDSC Research

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn