PVN sẽ tổ chức IPO bán 20% cổ phần tại PVI Oil vào ngày 25/1/2018 với giá khởi điểm là 13.400đ. Hạn cuối đăng ký tham gia IPO là ngày 17/1 và số lượng đăng ký gấp đôi số lượng chào bán. Với mức độ quan tâm lớn từ NĐT, chúng tôi dự báo giá đấu thành công sẽ cao hơn đáng kể so với giá tham chiếu.
Cấu trúc IPO:
• Chào bán ra công chúng – PV Oil sẽ chào bán 206,8 triệu cổ phiếu (20% vốn điều lệ) ra công chúng với giá khởi điểm dự kiến là 13.400đ và tổng giá trị chào bán là 2,8 nghìn tỷ đồng (122 triệu USD).
• Chào bán cho người lao động – PVI Oil sẽ bán 1,9 triệu cổ phiếu (0,18% vốn điều lệ) cho người lao động.
• Chào bán cho NĐT chiến lược – PV Oil sẽ bán 462,5 triệu cổ phiếu (44,72% vốn điều lệ) cho NĐT chiến lược đáp ứng các tiêu chuẩn của công ty.
Hạn cuối đăng ký tham giá đấu giá là ngày 17/1/2018 với số lượng đăng ký tổng cộng là 430 triệu cổ phiếu, gấp 2,08 lần tổng số lượng cổ phiếu chào bán.

Ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu PV Oil là 16.400đ, cao hơn 22,3% so với giá khởi điểm IPO, là 13.400đ. Ở mức giá hợp lý, P/E dự phóng là 31,8 lần, P/B dự phóng là 1,57 lần và EV/EBITDA là 11,1 lần.
PV Oil độc quyền về xuất khẩu dầu thô và cũng doanh nghiệp kinh doanh và bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai tại Việt Nam sau PLX. Công ty dự kiến sẽ mở rộng hệ thống các trạm bán lẻ xăng dầu để gia tăng thị phần vượt mức 20% hiện tại. Và tăng tỷ suất lợi nhuận theo kịp PLX bằng cách cải thiện hiệu quả, mở rộng quy mô và tận dụng tốt hơn cơ sở hạ tầng nhưu các trạm xăng.
KQKD trong những năm qua của công ty không đồng nhất, cụ thể công ty đã lỗ 1.372 tỷ đồng trong năm 2014, ghi nhận lãi trở lại trong năm 2015 nhưng lại không thể duy trì tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn 2015-2017. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng đây là yếu tố quan trọng do KQKD trước IPO của một DNNN thường không phải là chỉ báo tốt cho tiềm năng tăng trưởng sau IPO.
Chúng tôi dự báo tích cực đối với triển vọng lợi nhuận của PVO trong ba năm tới nhờ (1) lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước lớn và (2) công ty có thể khả năng cải thiện hơn nữa lợi nhuận của công ty bằng cách tăng sản lượng bán lẻ hơn sản lượng bán buôn nhờ mở rộng mạng lưới trạm xăng và quản lý chi phí tốt hơn.
Một yếu tố khác hỗ trợ cho mức định giá cao hơn của PV Oil so với PLX là sở hữu quỹ đất lớn ở vị trí trung tâm. PV Oil hiện có quyền sử dụng hơn 1,4 triệu m2 đất, tất cả đều ở những vị trí đắc địa trong các thành phố lớn và khu vực trung tâm ở các tỉnh. Trong đó, có 540 trạm bán lẻ xăng dầu do công ty sở hữu và vận hành với diện tích 600.000 m2. Chúng tôi giả định phần lớn quỹ đất sẽ tiếp tục được sử dụng cho mục đích hiện tại. Tuy nhiên, một số NĐT dự đoán khả năng chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong tương lai sẽ đem lại giá trị lớn cho PV Oil. Và tiềm năng này nên được phản ánh vào giá cổ phiếu ở hình thức nào đó.
Dự báo doanh thu thuần năm 2018 là 61.971 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3% và LNST đạt 639 tỷ đồng, tăng trưởng 39,1%. Cho giai đoạn 2018-2020, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình gộp của doanh thu thuần là 16,1% và của LNST là 6,1%.
Định giá: Ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu PV Oil là khoảng 16.400đ, cao hơn 22,3% so với giá khởi điểm IPO, là 13.400. Tại mức giá hợp lý, PE dự phóng 2018 là 31,8 lần, EV/EBITDA là 8,8 lần và P/B là 1,57 lần.
Chúng tôi sử dụng PLX để so sánh với PV Oil và sử dụng P/E là phương pháp định giá chính. Chúng tôi nhận thấy rằng định giá của PLX cũng đã đắt hơn đáng kể so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực, với PE dự phóng 2018 là 31,8 lần so với PE bình quân khu vực là 9,8 lần. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng so sánh với PLX là hợp lý hơn khi so sánh với bình quân ngành trong khu vực.
Các chỉ số lợi nhuận của PV Oil gồm ROE và ROA thấp hơn của PLX. ROA của PV Oil là 2,55% còn của PLX là 7,65% trong khi đó ROE của PV Oil là 5,3% còn của PLX là 22,7%. Như vậy PV Oil đang sở hữu một số tài sản hoạt động kém hiệu quả.
Tổng quan về ngành – Thị trường xăng dầu Việt Nam
Nhận định về thị trường xăng dầu Việt Nam chúng tôi lưu ý đến lượng tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu hóa lỏng bao gồm nhiên liệu cho ô tô, xe máy, nhiên liệu hàng không và dầu FO cho người sử dụng cuối cùng.
Gia tăng các phương tiện tư nhân là động lực thúc đẩy nhu cầu chính
Ở Việt Nam, có 3 nhóm người tiêu thụ xăng dầu chính. Nhóm thứ nhất là chủ các phương tiện tư nhân và sẽ mua nhiên liệu từ các trạm xăng. Nhóm tiêu thụ này chiếm hơn 60% sản lượng xăng dầu tại Việt Nam và là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ. Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, đến cuối năm 2016, Việt Nam có khoảng 46,5 triệu xe máy (tăng 5,3%) và khoảng 1,27 triệu ô tô (tăng 23%). Trong giai đoạn 2011-2016,
• Số lượng xe máy trong nước tăng trung bình 6,5%.
• Số lượng ô tô tăng trung bình 15,4%.
• Trong khi đó sản lượng xăng dầu tiêu thụ từ các chủ phương tiện tư nhân tăng trung bình 7,1%.
Nhóm người tiêu thụ thứ hai là các doanh nghiệp khai thác vận tải thương mại gồm khai thác đường thủy nội địa, khai thác đường sát, đường không, vận tải xe khách và xe tải. Đối tượng tiêu thụ này mua nhiên liệu theo từng kỳ với khối lượng lớn. Những doanh nghiệp sở hữu cơ sở lưu trữ và phân phối nhiên liệu riêng và không phụ thuộc vào các trạm bán lẻ có thể hợp đồng trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và hưởng mức chiết khấu cao. Trong khi đó các đối tượng còn lại vẫn phụ thuộc vào các trạm xăng bên đường và không được nhận mức chiết khấu tương đương như nhóm người sử dụng lớn hơn.
Nhóm người tiêu thụ xăng dầu còn lại là các công ty điện và người sử dụng công nghiệp. Đối tượng khách hàng này sở hữu cơ sở lưu trữ riêng và không phụ thuộc vào các trạm bán lẻ, do đó cũng được nhận mức chiết khấu cao.
Có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhưng chủ yếu vẫn chịu chi phối của một số công ty trọng điểm
Chuỗi phân phối các sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam khá phức tạp với 4 cấp độ;
(1) Các công ty trong nước sản xuất hoặc nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu để tiêu thụ ở thị trường trong nước, thông qua hệ thống bán lẻ riêng hoặc bán cho các doanh nghiệp khác.
(2) Các doanh nghiệp phân phối xăng dầu mua từ các công ty lớn và bán lại trên hệ thống của mình hoặc bán cho các doanh nghiệp phân phối khác ở cùng cấp độ hoặc ở cấp độ thấp hơn.
(3) Các tổng đại lý mua xăng dầu từ các doanh nghiệp ở cấp độ lớn hơn và bán lại tại các trạm bán lẻ của mình hoặc bán cho các đại lý bán lẻ.
(4) Các đại lý bán lẻ hoặc các điểm nhượng quyền bán lẻ sẽ điều hành các trạm bán lẻ, không kể đến các trạm bán lẻ thuộc sở hữu của các công ty lớn hoặc các đơn vị phân phối.
Ở Việt Nam, có 29 công ty lớn, 160 đơn vị phân phối, khoảng 300 tổng đại lý, và hàng nghìn đại lý bán lẻ. Cũng có khoảng 14.000 trạm bán lẻ, trong đó 3.000 trạm thuộc sở hữu và do các công ty lớn điều hành như PLX, PV Oil, khoảng 3.000 trạm là thuộc sở hữu của các doanh nghiệp phân phối, và tổng đại lý, và khoảng 8.000 trạm do các đại lý bán lẻ sở hữu và vận hành.
Mặc dù có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành, thị trường xăng dầu trong nước chịu chi phối bởi một số công ty lớn như PLX, và PV Oil.
• Petrolimex là công ty lớn nhất, nắm 48% thị phần với hệ thống phân phối gồm 2.500 trạm do công ty sở hữu và vận hành và 2.500 trạm do đại lý sở hữu và vận hành.
• PV Oil là doanh nghiệp lớn thứ hai, nắm 20% thị phần với hệ thống phân phối gồm 5.000 trạm do công ty sở hữu và vận hành và 3.000 trạm do đại lý sở hữu và vận hành.

Thị trường nội địa đã được mở cửa cho 2 doanh nghiệp nước ngoài
Thị trường bán lẻ xăng nội địa đã chính thức được mở cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài trong năm 2017 trong khuôn khổ thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam và các đối tác chiến lược (được kỳ vọng sẽ vận hành Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu từ năm sau). Idemitsu Kosan (Nhật Bản) và Kuwait Petroleum International (Kuwait) là 2 NĐT lớn nhất của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (mỗi NĐT nắm 35,1% cổ phần) đã được phép kinh doanh trạm bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam từ năm 2017 hoặc khi Nhà máy Nghi Sơn đi vào hoạt động. Mitsui nắm 4,7% cổ phần Nhà máy Nghi Sơn không được cấp giấy phép kinh doanh bán lẻ xăng dầu.
• Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn hiện đang ở giai đoạn chạy thử nghiệm và sẽ bắt đầu hoạt động thương mại chính thức vào Q1/2018.
• Vào cuối năm 2016, 2 NĐTNN lớn nhất tại dự án đã thành lập liên doanh trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu với tỷ lệ góp vốn 50:50 có tên là Idemitsu Q8 Petroleum Ltd và đã mở trạm bán lẻ xăng dầu đầu tiên tại Nội Bài, Hà Nội.
• Với kế hoạch mở 10 trạm xăng vào đầu 2018 khi Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn bắt đầu hoạt động thương mại.
• Trạm xăng Idemitsu Q8 sẽ chỉ bán sản phẩm xăng dầu do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất.
Giá bán được cơ quan quản lý quản lý chặt
Giá bán lẻ xăng dầu của các doanh nghiệp gần như là bằng nhau và biến động cùng nhau dựa trên công thức tính giá bán lẻ cơ sở của Bộ Công thương.
Giá bán cơ sở được tính trong khoảng thời gian 15 ngày. Thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Nếu giá cơ sở tăng ít nhất 3% so với giá cơ sở liền kề trước đó, thương nhân đầu mối được phép nâng giá bán lẻ tương ứng. Tuy nhiên, nếu mức tăng trên 5%, thương nhân đầu mối phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giá bán lẻ xăng dầu = chi phí đầu vào + chi phí vận tải & bảo hiểm về đến Việt Nam + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + trích quỹ bình ổn + thuế môi trường + chi phí bán hàng & quản lý định mức + lợi nhuận định mức.
Trong đó chi phí đầu vào là giá FOB bình quân 15 ngày tại thị trường Singapore do Platts niêm yết. Chi phí vận tải & bảo hiểm về đến Việt Nam do Bộ Tài chính công bố dựa trên chi phí vận tải & bảo hiểm để vận chuyển xăng dầu từ Singapore về đến Việt Nam
Thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính tính mỗi quý một lần theo thuế suất nhập khẩu bình quân của khối lượng xăng dầu nhập khẩu trong quý trước đó. Do vậy thường có sự chênh lệch giữa thuế nhập khẩu do Bộ Tài chính công bố và thuế thực nộp của các thương nhân đầu mối.
Thuế tiêu thụ đặc biệt, trích quỹ bình ổn và thuế môi trường do Bộ Tài chính quy định. Trong khi đó chi phí bán hàng & quản lý định mức và lợi nhuận định mức là cố định cho mỗi sản phẩm xăng dầu.
Do công thức tính giá bán lẻ cơ sở được áp dụng cho toàn bộ các trạm xăng tại Việt Nam nên giá bán lẻ của tất cả các công ty kinh doanh xăng dầu trên cả nước là xấp xỉ nhau, vì vậy các đơn vị đầu mối như Petrolimex and PV Oil phải giảm chi phí bán hàng & quản lý của mình để trả hoa hồng cho các nhà phân phối và tổng đại lý (đến lượt mình các đơn vị này cũng phải trích lại một phần để trả cho các đại lý bán lẻ). Do vậy hoạt động bán buôn của các đơn vị đầu mối luôn có tỷ suất lợi nhuận thấp hơn so với bán lẻ qua các cửa hàng xăng dầu của chính công ty (COCO).
Theo công thức tính giá bán lẻ cơ sở, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ không thể tận dụng được sự biến động của chi phí đầu vào nhằm nâng cao lợi nhuận. Chỉ có cách duy nhất để nâng cao lợi nhuận là (1) quản trị chi phí hiệu quả hơn và (2) nâng sản lượng bán lẻ thông qua các cửa hàng xăng dầu COCO.
PV Oil có 3 lĩnh vực kinh doanh chính:
1. Xuất nhập khẩu dầu thô – PV Oil là công ty duy nhất tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xuất khẩu dầu thô cho PVN và các công ty thành viên. Công ty còn cung cấp dịch vụ nhập khẩu dầu thô cho nhà máy Dung Quất. Và hưởng phí dịch vụ dựa trên lượng dầu xuất nhập khẩu.
2. Sản xuất sản phẩm xăng dầu & ethanol – PV Oil có một nhà máy chế biến khí ngưng tụ tại Vũng Tàu với công suất khí ngưng tụ đầu vào là 130.000 tấn và sản xuất ra khoảng 450.000 m3 xăng A92 một năm.
• PV Oil còn có nhà máy sản xuất dầu nhờn tại Bình Chiểu với tổng công suất là 20.000 tấn/năm. Sản phẩm của PV Oil chủ yếu bán cho khách hàng công nghiệp và một phần nhỏ bán lẻ thông qua mạng lưới cửa hàng xăng dầu của công ty.
• PV Oil có cổ phần tại 3 nhà máy sản xuất ethanol là nhà máy Phú Thọ (39,76%), Dung Quất (34,38%) và Bình Phước (31,12%) với tổng công suất 300.000 m3 ethanol mỗi năm. Trong đó, nhà máy Phú Thọ vẫn đang trong quá trình xây dựng. Nhà máy Dung Quất đang hoạt động với công suất thấp trong khi nhà máy Bình Phước ngừng hoạt động.
• PV Oil có 12 nhà máy trộn xăng E5 với tổng công suất 1,1 triệu m3 xăng E5 mỗi năm.
3. Hoạt động bán buôn và bán lẻ xăng dầu – PV Oil là doanh nghiệp đứng thứ 2 về bán buôn sản phẩm xăng dầu sau PLX với khoảng 20% thị phần (thị phần hiện nay của PLX là 50%). PV Oil có mạng lưới các đơn vị lưu trữ sản phẩm xăng dầu. Công ty còn có khoảng 500 cửa hàng xăng dầu COCO và cung cấp cho thêm 3.000 cửa hàng xăng dầu DODO; hầu hết là ở miền Bắc. Công ty dự kiến mở rộng lên 1.500 cửa hàng xăng dầu COCO đến năm 2022 và nâng thị phần nhờ hoạt động kinh doanh hiện tại tăng trưởng và có thể nhờ M&A.
Mô hình dự báo – Cho năm 2017 PV Oil ước doanh thu đạt 55.979 tỷ đồng (tăng trưởng 42,5%) và LNTT đạt 560 tỷ đồng (giảm18,8%). Doanh thu tăng trưởng nhờ (1) sản lượng xăng dầu tiêu thụ tăng 6,4%; và (2) giá bán bình quân sản phẩm xăng dầu tăng khoảng 44%. Cho giai đoạn 2018-2020, chúng tôi dự báo doanh thu thuần sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 16,1%.

1. Hoạt động xuất nhập khẩu dầu thô
Trong mô hình của mình, chúng tôi giả định phí dịch vụ mỗi tấn dầu thô sẽ tăng 2% mỗi năm. Sản lượng dầu thô xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào sản lượng dầu thô của Việt Nam (dự kiến giảm xuống còn khoảng 12 triệu tấn trong năm 2018 rồi tăng lên 15 triệu tấn vào năm 2019 và 15,67 triệu tấn vào năm 2020). Trong khi đó sản lượng nhập khẩu sẽ là 0,7 triệu tấn trong năm 2018 & 2019 và tăng lên 1,14 triệu tấn vào năm 2020 khi Nhà máy lọc dầu Dung Quất hoàn tất mở rộng.
2. Hoạt động sản xuất sản phẩm xăng dầu và ethanol
• Trong mô hình của mình chúng tôi giả định nhà máy chế biến khí ngưng tụ Phú Mỹ sẽ chạy hết công suất trong giai đoạn 2018-2020 và sản xuất được 450.000 m3 xăng mỗi năm trong khi sản lượng dầu nhờn sẽ tăng khoảng 10% mỗi năm do công ty mở rộng sản phẩm dùng cho phương tiện cá nhân, nhắm vào khách hàng mua lẻ tại các cửa hàng xăng dầu của PV Oil.
• Chúng tôi cũng giả định sản lượng tiêu thụ xăng E5 (trộn 95% xăng với 5% ethanol) sẽ tăng 3,5 lần từ khoảng 200.000 m3 trong năm 2017 lên 900.000 m3 trong năm 2018. Sau đó tăng tiếp 27,8% vào năm 2019 và 21,7% vào năm 2020 do xăng A92 được thay thế hoàn toàn bằng xăng E5 và RON95 từ ngày 1/12018.
• Chúng tôi giả định giá bán các sản phẩm trên sẽ tăng cùng tốc độ tăng của giá dầu thô. Do vậy doanh thu từ mảng này tăng trưởng sẽ nhờ cả sản lượng tiêu thụ và giá bán tăng.
3. Mảng bán buôn và bán lẻ xăng dầu
• Trong mô hình của mình, chúng tôi dự báo doanh thu từ xăng dầu của PV Oil sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 16% trong giai đoạn 2018-2022, nhờ cả sản lượng và giá bán bình quân tăng.
• Chúng tôi cũng dự báo lợi nhuận gộp mảng này sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 14,2% trong cùng thời gian. Lợi nhuận gộp mỗi lít xăng dầu sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 5% nhờ sản lượng tiêu thụ qua các cửa hàng xăng dầu COCO tăng mạnh hơn sản lượng bán buôn (cụ thể xem bảng sau).
• Trong mô hình của mình, chúng tôi giả định sản lượng sản phẩm xăng dầu tiêu thụ sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 9,6% trong giai đoạn 2018-2020, cao hơn nhiều tốc độ tăng trưởng của sức tiêu thụ trong nước là khoảng 4,5% nhờ PV Oil là đơn vị đầu mối/phân phối nội tích cực nhất trong mở rộng mạng lưới phân phối.
Bán lẻ thông qua các cửa hàng xăng dầu COCO
Trong chiến lược giai đoạn 2018-2020 của PV Oil, sẽ có tổng cộng 1.000 cửa hàng xăng dầu COCO mới mở. Chúng tôi thấy kế hoạch này là quá tham vọng và giả định PV Oil sẽ mở thêm 50 cửa hàng trong năm 2018 và năm 2019 & 2020 mỗi năm mở thêm 150 cửa hàng. Chúng tôi giả định doanh thu mỗi cửa hàng sẽ tăng trưởng với tốc độ 6% mỗi năm trong thời gian này. Chúng tôi dự báo sản lượng tiêu thụ thông qua các cửa hàng xăng dầu COCO sẽ tăng 13,4% trong năm 2018; 19,6% trong năm 2019 và 25,4% trong năm 2020.
Bán buôn cho các cửa hàng đại lý (DODO) và các khách hàng công nghiệp
Trong mô hình của mình, chúng tôi giả định sản lượng bán buôn cho các cửa hàng DODO và khách hàng công nghiệp sẽ tăng 5% trong giai đoạn 2018-2020, cao hơn một chút so với tốc độ tăng của thị trường nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của sản lượng tiêu thụ qua các cửa hàng COCO do hoạt động bán buôn có tỷ suất lợi nhuận tháp nên chúng tôi cho rằng PV Oil sẽ không tập trung mở rộng hoạt động bán buôn.
Chi phí bán hàng & quản lý
Trong mô hình của mình, chúng tôi dự báo chi phí bán hàng & quản lý của PV Oil sẽ tăng cùng tốc độ với tốc độ tăng của sản lượng. Do trong công thức tính giá bán lẻ cơ sở chi phí bán hàng định mức là cố định cho mỗi lít xăng dầu nên PV Oil phải duy trì chi phí bán hàng & quản lý bằng mức do Bộ Tài chính quy định để đảm bảo lợi nhuận. Do vậy chi phí bán hàng & quản lý của sản phẩm xăng dầu sẽ tùy thuộc vào sản lượng tiêu thụ mà không tùy thuộc vào doanh thu.
Giải pháp cho các tài sản kém hiệu quả
Như đã đề cập, chúng tôi thấy rằng chỉ số sinh lời của PV Oil gồm ROE và ROA thấp hơn của PLX. Hệ số ROA của PV Oil là 1,35% trong khi của PLX là 7,65% còn ROE của PV Oil là 2,71% còn của PLX là 22,7%. Điều này là do PV Oil có các tài sản không hiệu quả gồm Petec và các khoản đầu tư vào nhà máy Ethanol.
Sản lượng tiêu thụ của Petec đạt khoảng 350.000 m3/năm (đóng góp khoản 11% tổng sản lượng tiêu thụ của PV Oil), trong đó khoảng 93% là bán buôn. Do kiểm soát chi phí kém hiệu quả và tỷ suất lợi nhuận thấp của mảng bán buôn, nên Petec đã lỗ liên tục từ năm 2011.
PV Oil dự kiến thoái vốn toàn bộ khỏi Petec sau khi IPO
Về các nhà máy ethanol, PV Oil kỳ vọng xăng A92 sẽ buộc phải ngừng bán từ 1/1/2018 và người tiêu dùng sẽ chuyển sang xăng E5. PV Oil cho rằng điều này sẽ đẩy mạnh sức tiêu thụ ethanol nên nhà máy ethanol Dung Quất có thể chạy hết công suất, nhà máy ethanol Bình Phước hoạt động trở lại và nhà máy ethanol Phú Thọ tiếp tục được xây dựng. Và ngay khi các nhà máy này đem lại lợi nhuận PV Oil có thể hoàn nhập dự phòng đã trích lập cho các nhà máy này.
Tuy nhiên kể từ khi bắt buộc ngừng xăng A92 vào ngày 1/1/2018 thì nhiều khách hàng chuyển sang xăng A95 thay vì xăng E5. Do vậy nhu cầu đối với ethanol thấp hơn kỳ vọng của PV Oil. Vì lý do này, trong mô hình dự báo của mình, chúng tôi giả định dựa trên cơ sở thận trọng là các nhà máy ethanol sẽ chưa đem lại lợi nhuận trong giai đoạn 2018-2020.
—————————
Nguyễn Hữu Bình – Nhà quản lý tài khoản chứng khoán
(nhận Hợp tác đầu tư – Quản lý tài khoản chứng khoán)
Điện thoại: 0983 361 688
https://www.facebook.com/cophieu86/
Website: www.cophieu86.com
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.