1. Phân tích thị trường chứng khoán ngày 25/7: Dòng ngân hàng là nguồn động lực chính giúp chỉ số VN-Index tăng 7,53 điểm.
Dòng ngân hàng phiên hôm nay trở thành nhân tố chính dẫn dắt, khiến thị trường bất ngờ hồi phục mạnh trở lại, sau ba phiên liên tiếp giảm điểm trước đó. Chỉ số VN-Index đã giảm điểm trong phần lớn thời gian giao dịch buổi sáng, khi chạm mức thấp nhất trong phiên tại 757,35 điểm. Bước sang phiên chiều, thị trường đã trở nên tích cực hơn khi chỉ số được dần thu hẹp. Động lực chính giúp chỉ số tăng lên sắc xanh nhờ vào các mã trụ dòng ngân hàng như MBB, BID, STB… Ngoài ra, còn có một số mã bluechip cũng được nhà đầu tư mạnh dạn bắt đáy, đã khiến chỉ số tăng mạnh dần về cuối phiên. Kết phiên ở mức cao nhất, chỉ số VN-Index tăng 7,53 điểm (+0,99%) lên 767,27 điểm.

Khối lượng khớp lệnh trên cả hai sàn tăng vọt so với phiên ngày hôm qua, khối lượng giao dịch là 235 triệu cổ phiếu, tương đương với giá trị giao dịch đạt 4.796 tỷ đồng. Trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm tới 1.733 tỷ đồng. Phiên hôm nay PGD bất ngờ được khối ngoại thỏa thuận mua lớn với 22,4 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 1.268 tỷ đồng. Toàn bộ mã giao dịch trên thị trường chiều nay khá tích cực, với 329 mã tăng, 115 mã tham chiếu, 182 mã giảm.
Chỉ số VN30 sau nhiều ngày giảm điểm, phiên hôm nay hầu như tất cả các mã trong rổ VN30 đều bật tăng trở lại, giúp cho chỉ số có một phiên tăng khá lên 737.93 (+8.39 điểm). Ngược với diễn biến của buổi sáng khá ảm đạm, khi về chiều lực cầu tăng vọt ở nhiều cổ phiếu lớn đã giúp thị trường tăng trưởng tích cực, hai chỉ số chính đều đóng cửa ở mức cao nhất phiên. Dòng ngân hàng quay trở lại dẫn dắt thị trường với mức tăng mạnh như MBB đã tăng trần (+6,8%), BID tăng +5,7%, CTG tăng +2,7%, STB tăng +5,5%, ACB tăng +1,6%, SHB tăng +1,3%). Ngoài ra, hỗ trợ tích cực cho thị trường còn có nhiều mã lớn khác như PLX tăng +3%, GAS tăng +1,5%, HPG tăng +1,3%. Dòng cổ phiếu chứng khoán cũng tăng trở lại với nhiều mã kết phiên ở sắc xanh như SSI (+2%), SHS (+0,7%), HCM (+2%), VND (+3,3%).

Trên sàn HNX-Index đầu giờ sáng nay đã giảm nhẹ khi tạo đáy trong phiên sáng tại 96,73 điểm. Tuy nhiên, ngay sau đó lực bắt đáy đổ vào mạnh đã giúp chỉ số tăng điểm. Đà tăng được duy trì đến phiên chiều, chỉ số kết phiên ở mức cao nhất. Kết thúc phiên, HNX-Index tăng 0,88 điểm (+0,91%) lên 97,81 điểm. Những mã cổ phiếu giúp chỉ số HNX-Index tăng trong phiên hôm nay bao gồm: ACB tăng 400 đồng, VCG tăng 500 đồng, VNR tăng 1.600 đồng.
Khối ngoại phiên hôm nay vẫn mua ròng trên sàn HOSE với khối lượng 25,1 triệu cổ phiếu, tương ứng với giá trị 1375 tỷ đồng. Mã PGD là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với 22,4 triệu cổ phiếu, tương ứng với 1.268 tỷ đồng. Tiếp theo là VCI với 66,7 tỷ đồng tương ứng với 1,2 triệu cổ phiếu. Mã SSI là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với 17,2 tỷ đồng tương ứng với 689 nghìn cổ phiếu. Trên HNX, khối ngoại bán ròng với giá trị 14,75 tỷ đồng tương ứng với khối lượng 1,1 triệu cổ phiếu. Mã PVS là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với 12,1 tỷ đồng tương ứng với 770 nghìn cổ phiếu. Tiếp theo là ACB với 7,2 tỷ đồng tương ứng với 289 nghìn cổ phiếu. Mã VND vẫn là cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất với 3,8 tỷ đồng tương ứng với 176 nghìn cổ phiếu.
2. Nhận định thị trường chứng khoán ngày 26/7:
Phiên hôm nay chỉ số VN-Index hồi phục khá tốt sau 3 phiên giảm liên tiếp. Về ngắn hạn, tín hiệu kỹ thuật chưa thực sự khả quan, mặc dù được hỗ trợ khá tốt tại MA50 nhưng vẫn nằm dưới cụm các đường kháng cự ngắn hạn được tạo bởi các MA10 và 20 tương đương với mốc 769 và 772 điểm. Về trung và dài hạn, chỉ số vẫn duy trì tích cực với hỗ trợ 759 điểm tại MA50, tính cho trung hạn và ngưỡng hỗ trợ tại 710 điểm, tại MA200 tính cho dài hạn. Chúng tôi dự báo, trong phiên giao dịch ngày mai 26/7, dòng ngân hàng và một số mã bluechip cần tiếp tục thể hiện sự dẫn dắt thị trường, giúp chỉ số VN-Index vượt qua các mốc kháng cự ngắn hạn. Kèm theo đó phải là khối lượng giao dịch phải tăng mạnh, thì khi đó kênh xu hướng giảm ngắn hạn mới bị phá vỡ và tạo ra một xu hướng ngắn hạn đi lên. Ngược lại, nếu thị trường đóng cửa cuối phiên một cây nến đỏ kèm theo đó là mất mốc hỗ trợ 759, thì khả năng cao thị trường sẽ giảm sâu hơn về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 738 điểm.
Trên sàn HNX-Index cũng đã hồi phục trở lại sau 3 phiên giảm liên tiếp. Về ngắn hạn, chỉ số vẫn được xem là chưa khả quan, với vùng kháng cự trong khoảng 98-98,9 điểm (MA5-10) và ngưỡng hỗ trợ tại 96,6 điểm. Về trung và dài hạn, chỉ số đã được coi là có tín hiệu tích cực hơn trong biên độ hẹp với ngưỡng kháng cự và hỗ trợ lần lượt tại 99,7 điểm (MA20) và 97,3 điểm (MA50). Dự báo, trong phiên giao dịch tiếp theo, chỉ số có thể duy trì đà hồi phục để hướng đến vùng kháng cự 98-98,9 điểm, vùng 96,6-97,3 điểm sẽ là hỗ trợ của chỉ số.
3. Chiến lược đầu tư cổ phiếu:
Xét Trên đồ thị kỹ thuật, đường MA50 ngày tiếp tục hỗ trợ tốt cho VN-Index trong phiên hôm nay. Về ngắn hạn, tín hiệu kỹ thuật chưa thực sự khả quan, bởi VN-Index vẫn nằm dưới cụm các đường kháng cự ngắn hạn được tạo bởi các MA10 và 20 tương đương với mốc 769 và 772 điểm. Khối lượng khớp lệnh có phiên giảm thứ năm liên tiếp, điều này khiến cho phiên hồi phục hôm nay chưa thực sự chắc chắn và tiềm ẩn rủi ro trong các phiên tới.
Nhà đầu tư cần quan sát thật kỹ trong phiên giao dịch ngày mai 26/7, nêu chỉ số cuối phiên đóng cửa vượt qua được các mốc kháng cự ngắn hạn, kèm theo khối lượng tăng mạnh, thì khi đó mới tạo ra một xu hướng ngắn hạn đi lên là bền vững. Ngược lại, nếu thị trường đóng cửa cuối phiên một cây nến đỏ kèm theo đó là mất mốc hỗ trợ 759, thì khả năng cao thị trường sẽ giảm sâu hơn về ngưỡng hỗ trợ tiếp theo tại 738 điểm.
Theo quan điểm của chúng tôi, nhà đầu tư ngắn hạn vẫn nên tiếp tục quan sát thêm phiên giao dịch ngày mai để có quyết định an toàn và chắc chắn. Đối với nhà đầu tư ưa mạo hiểm, có thể tham gia bắt đáy một số mã đã giảm sâu hoặc một số mã được cho là có dòng tiền mạnh dẫn dắt thị trường. Đối với nhà đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ danh mục và tận dụng những phiên giảm điểm để tái cơ cấu, tập trung vào các mã có cơ bản tăng trưởng tốt để cơ cấu danh mục.
4. Sự kiện nổi bật trong ngày:
– Đồng USD mạnh lên sau khi yếu đi gần đây so với giỏ các đồng tiền tính theo tỷ trọng thương mại (chỉ số đô la ICE ở vào 93,984). So với đồng USD, đồng Euro yếu đi (tỷ giá EUR/USD ở vào 1,1651); đồng Bảng Anh yếu đi một chút (tỷ giá GBP/USD ở vào 1,3032); đồng Yên yếu đi một chút (tỷ giá USD/JPY ở vào 111,41); đồng NDT lình xình (tỷ giá USD/CNY ở vào 6,7515).
– Giá dầu tăng phiên thứ 2 liên tiếp với giá dầu WTI trên hợp đồng tương lai ở vào 46,83 USD/thùng vào cuối thời gian giao dịch trên thị trường châu Á. Tâm lý trên thị trường dầu mỏ tích cực hơn xuất phát từ phát biểu của Saudi Arabia là nước này cam kết hạn chế xuất khẩu từ tháng sau. Ngoài ra cuộc họp của ủy ban giám sát diễn ra tại St. Petersburg hôm qua đã đưa ra yêu cầu các thành viên của thỏa thuận cắt giảm sản lượng nâng cao mức độ tuân thủ thỏa thuận. Tại cuộc họp, Bộ trưởng năng lượng Saudi Arabia tuyên bố Saudi Arabia có thể hạn chế mức xuất khẩu là 6,6 triệu thùng/ngày trong tháng 8; giảm gần 1 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm trước.
– Cuộc họp cũng đưa ra đề nghị Nigeria tham gia vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng bằng việc giữ nguyên hay thậm chí giảm sản lượng từ mức 1,8 triệu thùng/ngày sau khi sản lượng của nước này ổn định tại mức này từ mức 1,7 triệu thùng/ngày hiện nay. Cho đến nay Nigeria vẫn được phép đứng ngoài thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Đây là nỗ lực nhằm ứng phó với việc sản lượng của OPEC tăng lên (chủ yếu là từ Libya và Nigeria, là 2 nước hiện chưa tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng).
– Về tin vĩ mô thế giới, Markit công bố PMI tháng 7 khả quan hơn kỳ vọng. Chỉ số sản lượng tổng hợp của Mỹ trong tháng 7 đạt mức cao nhất 6 tháng là 54,2 (tháng 6 là 53,9). PMI ngành dịch vụ là 54,2; không thay đổi so với tháng 6 còn PMI ngành sản xuất tăng lên mức cao nhất 4 tháng là 53,2 từ mức 52 của tháng 6. Cuối cùng, chỉ số sản lượng ngành sản xuất của Mỹ đạt mức cao nhất 4 tháng là 54,3 (tháng 6 là 52,6).
– Ủy ban FOMC sẽ họp vào thứ 4 tuần này để điều chỉnh chiến lược cho những tháng còn lại của năm. Dự kiến sẽ không có nhiều bất ngờ tại cuộc họp này, trong đó thị trường kỳ vọng Fed sẽ có thêm một đợt nâng lãi suất nữa vào Q4 và nhiều khả năng bắt đầu giảm quy mô bảng cân đối tài sản vào tháng 9. Các nhà quan sát sẽ tìm kiếm thông tin đối với việc giảm quy mô bảng cân đối cũng như quan điểm của Fed về lạm phát trước những dấu hiệu rõ ràng cho thấy áp lực lạm phát đã giảm đi kể từ tháng 2 năm nay.
– 26/07/2017 EMG Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2016 bằng tiền, 700 đồng/CP
– 26/07/2017 CTP Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2016 bằng tiền, 500 đồng/CP
– 26/07/2017 VLB Ngày GDKHQ Trả cổ tức năm 2016 bằng tiền, 2,000 đồng/CP
6. Danh mục đầu tư cổ phiếu:
Ghi chú danh mục đầu tư cổ phiếu: Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, các mức giá cũng sẽ được điều chinh tương ứng. Kỳ hạn: “ngắn hạn” là dưới 01 tháng, “trung hạn” là từ 01 đến 03 tháng, “dài hạn” là trên 03 tháng. Tuy nhiên, tùy theo tình hình cụ thể sẽ bán mà không cần chờ đến đúng kỳ hạn, ngưỡng kỳ vọng hoặc cắt lỗ.
—————
Nguyễn Hữu Bình – Nhà quản lý chứng khoán chuyên nghiệp
Điện thoại: 0983 361 688
facebook.com/cophieu86
Email: cophieu86@gmail.com
Website: www.cophieu86.com