MARKET STRATEGY WEEKLY: Dao động trong khung 1.490 – 1.535 điểm | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY: Dao động trong khung 1.490 – 1.535 điểm

Lượt xem:3873 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Diễn biến TTCK Việt Nam:

    Thị trường chứng khoán trong nước tuần vừa qua vẫn trong xu hướng đi ngang bất chấp ảnh hưởng từ yếu tố địa chính trị. Dòng tiền bắt đáy chính là nhân tố đáng lưu ý trong tuần vừa qua khi chỉ số VN-Index chịu sức ép giảm gần 40 điểm trong phiên ngày thứ 5. Ngược dòng thị trường là các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đặc biệt là nhóm cổ phiếu nhỏ.


    Chỉ số VN-Index chỉ để mất gần 6 điểm, tương đương giảm 0,4% trong tuần vừa qua và chốt tuần ở mức 1.498.89 điểm. So với các thị trường trong khu vực và thế giới, mức giảm của thị trường trong nước được xem là tích cực khi ít chịu ảnh hưởng từ tác động địa chính trị. Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu dầu khí cùng một số cổ phiếu trụ trong rổ Vn30 đã khiến chỉ số VN-Index không thể giữ được ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Sức nặng từ nhóm cổ phiếu bluechips đã khiến chỉ số Vn30 giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp, trong khi đó nhóm midcap và smallcap vẫn duy trì chuỗi tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp và có nhiều triển vọng sẽ về lại mức đỉnh cũ sau nhịp giảm trong tháng 1 vừa qua.
    Về thanh khoản: Việc thị trường có nhịp giảm sâu đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy quay trở lại tích cực trong tuần vừa qua. Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX tăng tới 24,4% so với tuần trước đó và đạt 24.464 tỷ đồng. Thanh khoản bình quân toàn thị trường trong tuần vừa qua cũng tăng gần 31%, đạt 32.517 tỷ đồng. Kể từ đầu năm cho đến nay, thanh khoản bình quân toàn thị trường đạt 30.132 tỷ đồng, tăng 14,8% so với mức bình quân năm 2021. Đây là dấu hiệu rất tích cực khi thị trường đang lo ngại dòng tiền năm nay không được thuận lợi như năm ngoái khi các ngành nghề hoạt động trở lại sẽ hút dòng tiền trở lại hoạt động kinh doanh thay vì đầu tư tài chính như năm vừa qua.
    Về các nhóm cổ phiếu: Bất chấp thị trường đi ngang và giảm nhẹ nhưng vẫn có rất nhiều nhóm cổ phiếu tăng điểm trong tuần vừa qua, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa khi chuỗi cung ứng toàn cầu có thể gặp khó khăn từ Nga và Ukraine. Cụ thể, nhóm cổ phiếu hóa chất có mức tăng tốt nhất trong tuần vừa qua nhờ các cổ phiếu dẫn dắt như DPM, DCM, BFC, CSV, DGC, LAS,…,tiếp theo là các nhóm cổ phiếu khác như: cao su tự nhiên, bán lẻ, chứng khoán, dầu khí, bảo hiểm,….

    Căng thẳng địa chính trị trong tuần vừa qua đã làm giá dầu lần đầu tiên vượt mốc 100 USD kể từ năm 2014, còn giá dầu WTI cũng tăng mạnh lên gần 97 USD. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của CNBC, năng lượng không phải là lĩnh vực duy nhất bị ảnh hưởng. Nga và Ukraine cũng là hai nhà cung cấp lớn về kim loại và nhiều loại lương thực. Từ các lương thực như lúa mì, lúa mạch cho tới kim loại như: đồng, niken, chuỗi cung ứng có thể bị gián đoạn nghiêm trọng khi cuộc khủng hoảng tiếp tục diễn biến xấu.

    Nga và Ukraine chỉ chiếm một phần nhỏ của nền kinh tế thế giới và chỉ là thị trường xuất khẩu nhỏ của châu Âu hoặc Mỹ. Tuy nhiên, Nga là nhà cung cấp chính về dầu thô, khí đốt và một số mặt hàng khác cho thế giới. Gần 50% lượng khí đốt và gần 25% lượng dầu nhập khẩu của Liên minh châu (EU) phụ thuộc vào Nga. Ukraine và Nga cũng chiếm gần 30% sản lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Biển Đen gần đó đóng vai trò là trục dẫn chính cho các chuyến hàng ngũ cốc quốc tế từ Ukraine và quốc gia này cũng nằm trong số các nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô và hạt cải dầu hàng đầu thế giới. Công ty MC Norilsk Nickel PJSC của Nga là nhà sản xuất palladium lớn nhất thế giới, chiếm 25-30% tổng sản lượng toàn cầu. Chiến sự bùng phát ở Ukraine đã đẩy giá palladium lên mức cao nhất trong gần 6 tháng vào hôm 24-2. Ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, vốn đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chip bán dẫn, có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề khác nếu nguồn cung palladium của Nga bị tiết chế. Nga cũng là nước sản xuất lớn các nguyên liệu chính cho phân bón như u-rê và kali. Nếu nguồn cung các nguyên liệu này từ Nga bị gián đoạn, giá lương thực trên toàn cầu, vốn đã ở mức cao trong nhiều năm, có thể tăng thêm nữa.
    Về xu hướng dòng tiền và mức độ tập trung vốn: Dòng tiền bắt đáy vào thị trường trong tuần vừa qua chảy vào nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa như: hóa chất, cao su tự nhiên, dầu khí,…. Hoặc nhóm cổ phiếu bán lẻ, chứng khoán, bảo hiểm….Nhìn chung, nhóm cổ phiếu midcap và smallcap đang thu hút dòng tiền mạnh hơn so với nhóm bluechips khi đà phục hồi ở 2 nhóm cổ phiếu này có nhiều triển vọng hơn.
    Đối với nhóm cổ phiếu ngân hàng, mức tập trung vốn tiếp tục giảm trong tuần vừa qua, chỉ còn chiếm tỷ trọng 23,8% từ mức 27,7% trong tuần trước. Mức giảm thanh khoản chủ yếu ở nhóm ngân hàng quốc doanh. Trong khi đó, ở nhóm ngân hàng tư nhân, MBB và VPB tiếp tục thu hút dòng tiền mới vào thêm. Về giao dịch của khối ngoại: Khối ngoại có tuần bán ròng nhẹ với giá trị 64 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trong đó đáng chú ý, danh mục mua vào của khối này tập trung vào các mã bất động sản như DXG, VHM, KBC, và bán ra cổ phiếu ngân hàng là HDB, CTG. Kể từ đầu năm, khối ngoại mua ròng luân phiên theo tuần, lũy kế đến nay khối ngoại bán ròng hơn 2.100 tỷ đồng, đây là con số rất tích cực so với đà bán ròng ở năm ngoái. Nhìn chung, áp lực bán ròng từ khối ngoại đã giảm trong gần 2 tháng qua, nhiều khả năng dòng vốn quốc tế sẽ quay lại mua ròng ở thị trường Việt Nam khi một số thị trường trong khu vực Đông Nam Á đang nhận được dòng vốn này trong các tuần gần đây.

    Cho tuần tới, chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tích cực hơn khi:

    1) Căng thẳng địa chính trị đã dịu đi, tâm lý thị trường đang được cổ vũ từ màn ngược dòng ngoạn mục của chứng khoán Mỹ trong 2 phiên cuối tuần vừa qua.

    2) Thanh khoản thị trường tăng trở lại, nhà đầu tư tập trung tìm kiếm các cơ hội trong bối cảnh nhiều nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ việc chuỗi cung ứng hàng hóa, năng lượng… gặp khó khăn.

    3) Thị trường trong nước và các nước trong khu vực đang có sự lệch pha so với các thị trường lớn như Mỹ và Châu Âu, khi các thị trường này hồi phục trở lại, sẽ là sự cổ vũ cho đà tăng tiếp diễn đối với các thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

    Và 4) Dòng vốn quốc tế đang có sự quay trở lại khu vực Đông Nam Á khi lạm phát ở khu vực này vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với phương Tây, trong đó có cả Mỹ. Những cú sốc về nguồn cung, bao gồm tình trạng tắc nghẽn cảng và chi phí vận chuyển tăng vọt tiếp tục ám ảnh hầu hết các nền kinh tế phát triển ở phương Tây nhưng lại không ảnh hưởng nhiều đến châu Á.


    Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn trong xu hướng đi ngang kéo dài từ đầu tháng 2 cho tới nay trong vùng dao động từ 1.470 điểm đến 1.510 điểm. Vùng hỗ trợ mạnh của hai đường trung bình động MA20 – MA50 hoạt động khá tốt trong thời gian vừa qua giúp chỉ số không điều chỉnh sâu. So với các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu hay khu vực Châu Á Thái Bình Dương, xu hướng đi ngang của thị trường trong nước vẫn được xem là tích cực và đồng pha với các thị trường trong khu vực Đông Nam Á.
    Mặc dù chỉ số đi ngang kể từ đầu năm nhưng độ rộng thị trường vẫn tích cực nhờ sự phục hồi 3 tuần liên tiếp của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Thống kê cho thấy 76,5% cổ phiếu trong rổ VN-Index vẫn nằm trên MA20 và xu hướng vẫn tăng cho thấy đa phần các cổ phiếu vẫn hoạt động tích cực và không ảnh hưởng nhiều. Do vậy, việc tham chiếu chỉ số lúc này không phản ánh đúng diễn biến của toàn bộ thị trường chung. Nhiều nhóm cổ phiếu thậm chí đã vượt đỉnh kể từ đầu năm, tương ứng với VN-Index ở vùng 1.536 điểm như: bán lẻ, hóa chất, cao su tự nhiên, bảo hiểm… Hoặc các nhóm cổ phiếu khác cũng có triển vọng lập đỉnh cao mới như: dầu khí, dệt may…

    Chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có sự cải thiện trong tuần tới nhưng mức tăng sẽ không mạnh khi dòng tiền vẫn ưu tiên dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hơn là vào nhóm bluechips. Chỉ số VnIndex vẫn nằm trong kênh tăng giá với kịch bản chính vẫn sẽ dao động trong khung 1.490 – 1.535 điểm.Các vùng kháng cự mạnh trong ngắn hạn vẫn nằm chính ở vùng 1.535-1560 điểm. Trong kịch bản không thuận lợi như ảnh hưởng từ thị trường quốc tế, vùng hỗ trợ cho chỉ số này sẽ là các đường MA50 hoặc MA100, tương ứng với vùng 1.450 điểm – 1.470 điểm.

     MBS research.

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn