Chỉ số chứng khoán toàn cầu đã giảm sang tuần thứ 5 liên tiếp, đưa tổng mức giảm kể từ đầu năm và từ mức đỉnh gần nhất lần lượt 12,1% và 12,8%, do vậy chỉ số này đang nằm trong trạng thái thị trường điều chỉnh (giảm hơn 10%). Căng thẳng địa chính trị, giá hàng hóa cơ bản leo lên mức kỷ lục gây áp lưc lên lạm phát… là các nhân tố chính phủ bóng lên thị trường chứng khoán toàn cầu hơn 1 tháng qua.
Căng thẳng địa chính trị đã đẩy giá dầu không ngừng leo thang và có thể gây ra một cú sốc lạm phát trên toàn cầu. Diễn biến giá dầu đang đặt một số thị trường mới nổi ở khu vực châu Á, như Ấn Độ, Hàn Quốc và Thái Lan vào tình thế đặc biệt dễ tổn thương vì các nước này có sự phụ thuộc lớn vào năng lượng nhập khẩu.
Thị trường chứng khoán Mỹ cũng đang ở trạng thái thị trường điều chỉnh, Dow Jones đã giảm gần 2%, tiến tới hoàn tất chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ tháng 5/2019. S&P 500 cũng giảm gần 3% trong tuần. Nhà đầu tư thất vọng khi đàm phán nhằm tiến tới một thoả thuận ngừng bắn giữa Nga và Ukraine rơi vào bế tắc. Thị trường vẫn đang trong xu hướng biến động mạnh của những tuần gần đây, khi nhà đầu tư cố gắng đánh giá về ảnh hưởng của cuộc xung đột, Tuy nhiên, một báo cáo của ngân hàng Bank of America nói rằng sự sụt giảm của chứng khoán Mỹ liên quan đến xung đột vũ trang Nga-Ukraine có thể đã chạm đáy.
Diễn biến TTCK Việt Nam:
Thị trường chứng khoán trong nước có tuần giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, mức giảm tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips, áp lực giảm trên diện rộng khiến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cắt mạch tăng 4 tuần liên tiếp. Tuy vậy, tín hiệu đáng chú ý là nhà đầu tư cá nhân tăng cường giải ngân mạnh nhất kể từ đầu năm bất chấp khối ngoại có tuần bán ròng mạnh.
Đồ thị VN-Index theo khung tuần.
Về thanh khoản: Thanh khoản khớp lệnh bình quân trên sàn HSX tiếp tục tăng sang tuần thứ 3 liên tiếp và đạt 27.600 tỷ đồng, đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong 7 tuần trở lại đây. Theo thống kê, thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua đạt 35.500 tỷ đồng, tăng 6,6% so với tuần trước đó. Kể từ đầu tháng 3 cho tới nay, thanh khoản bình quân toàn thị trường cũng đạt gần 35.200 tỷ đồng, tăng gần 28% so với tháng 2 và cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm.
Về giao dịch của NĐTNN: Khối ngoại bán ròng hơn 5.200 tỷ đồng trên toàn thị trường, áp lực bán ròng tập trung ở nhóm cổ phiếu bluechips. Đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp và cũng là tuần bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, lũy kế nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.100 tỷ đồng.
Về nhóm cổ phiếu: Mặc dù thị trường giảm mạnh trong tuần vừa qua nhưng nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản vẫn duy trì được đà tăng ở mức đỉnh cao mới, bên cạnh đó là nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ sự mở cửa của nền kinh tế.Theo đó, các nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản như: hóa chất, cao su tự nhiên, thủy sản… vẫn duy trì được đà tăng, trong đó nhóm hóa chất có mức tăng mạnh nhất ở tuần vừa qua (7,9%) và lập đỉnh cao mới, bên cạnh đó nhóm cổ phiếu thủy sản và logistics cũng chốt tuần ở mức tiệm cận mức đỉnh mới.
Về xu hướng dòng tiền và mức độ tập trung vốn: Dòng tiền tiếp tục dịch chuyển từ nhóm bluechips sang nhóm cổ phiếu vừa vừa nhỏ sang tuần thứ 4 liên tiếp. Tỷ trọng vốn ở nhóm cổ phiếu bluechips đã giảm từ mức bình quân 45% còn 32% trong tuần vừa qua. Trong khi đó, tỷ trọng vốn ở nhóm cổ phiếu smallcap tăng mạnh từ 12% lên 19% và nhóm midcap từ 34% lên 42%.Mức tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đã về mức thấp nhất kể từ đầu năm, tuần vừa qua mức tập trung vốn ở nhóm cổ phiếu này chỉ còn 14,6% so với mức bình quân 25% kể từ đầu năm và mức cao nhất 31%, qua đó tụt xuống vị trí thứ 2 sau nhóm cổ phiếu vật liệu xây dựng.
Cho tuần tới: Chúng tôi cho rằng thị trường vẫn còn nhiều biến động khi cuộc họp chính sách của Fed cùng hợp đồng tương lai tháng gần nhất sẽ đáo hạn vào giữa tuần sau. Áp lực giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp từ chỉ số Vn30 có thể khiến chỉ số Vn-Index kiểm tra lại mức đáy tháng 1 vừa qua trong kịch bản thận trọng. Nhóm cổ phiếu hàng hóa cơ bản vẫn còn nhiều dư địa để tăng trưởng sau nhịp chốt lời trong tuần vừa qua, bên cạnh đó việc chỉ số Vn30 giảm về mức thấp nhất trong 5 tuần và gần mức hỗ trợ 1.460 điểm sẽ kích thích dòng tiền vào bắt đáy đối với nhóm cổ phiếu này. Bên cạnh việc VNM ETF sẽ mua hàng chục triệu cổ phiếu tuần tới, tín hiệu mua ròng mạnh nhất kể từ đầu năm từ khối nhà đầu tư cá nhân trong nước ở tuần vừa qua cũng được kỳ vọng là tín hiệu hỗ trợ thị trường trong tuần tới.
Về kỹ thuật, mức giảm mạnh 2,58% trong tuần vừa qua khiến chỉ số Vn-Index cũng xóa sạch thành quả của 4 tuần trước đó. Tuy vậy, ở mức điểm hiện tại 1.466 điểm, chỉ số đang có mức hỗ trợ gần ở 1.450 điểm. Việc chỉ số VN30 giảm liền 4 tuần, chuỗi giảm dài nhất kể từ đầu năm 2020 và đang ở gần mức hỗ trợ 1.450 điểm có thể kiến dòng tiền quay lại khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đang có dấu hiệu tạo đáy, tuần vừa qua nhóm cổ phiếu ngân hàng ở khu vực châu âu cũng đã bật tăng trở lại sẽ là sự cổ vũ cho nhóm cổ phiếu ngân hàng trong nước. Hiện tại các chỉ báo kỹ thuật đều vào vùng quá bán, do vậy nhiều khả năng chỉ số Vn30 sẽ có sự hồi phục trong tuần tới, qua đó hỗ trợ cho chỉ số Vn-Index, tuy nhiên trong kịch bản thận trọng chỉ số Vn-index cũng có thể kiểm tra lại mức đáy tháng 1 vừa qua tức mốc 1440 .Box hỗ trợ trung hạn 1442-1462 mà suốt từ tháng 9/2020 luôn hỗ trợ thành công. Hy vọng lần này cũng thế .
MBS Research.