Là một trong những doanh nghiệp vận tải biển phức hợp lớn nhất Việt Nam, Gemadept sở hữu hệ thống Cảng và hạ tầng Logistics trải dài từ Bắc vào Nam và quyền vận hành tại 5 cảng biển, 2 cảng cạn với tổng công suất khai thác 2.500.000 container (TEU)/năm. Trải qua hơn 28 năm hình thành và phát triển, Gemadept ngày càng mở rộng mạng lưới kinh doanh nội địa và vươn sang các quốc gia khu vực ASEAN. Công ty kỳ vọng trở thành nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam và nhà cung cấp dịch vụ logistics tích hợp dẫn đầu Bán đảo Đông Dương.
Chúng tôi ước tính mức giá hợp lý của GMD đạt 35.100 đồng tương đương mức P/E forward 6,4 lần (theo EPS ước tính năm 2018 là 5.513 đồng/cổ phiếu). Kết thúc 6 tháng đầu năm năm 2018, GMD đạt 1.299 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu hoạt động khai thác cảng đạt 1.023 tỷ đồng tăng gần 24%. Biên lợi nhuận gộp của hoạt động này tăng từ 41% 6 tháng đầu năm 2017 lên 42% nửa đầu năm nay. Ngược lại, doanh thu hoạt động logistics (dịch vụ vận tải, dịch vụ đại lý, cho thuê tài sản…) chỉ đạt 274 tỷ đồng, bằng 26% cùng kỳ năm trước do công ty không còn ghi nhận doanh thu hợp nhất từ các công ty con đã bị thoái vốn. Dù vậy, biên lợi nhuận gộp của hoạt động này vẫn tăng từ 13% lên 21%.
Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính của công ty tăng mạnh trong kỳ từ 35 tỷ đồng lên hơn 1.546 tỷ đồng nhờ ghi nhận hơn 1.520 tỷ đồng lợi nhuận chuyển nhượng vốn đầu tư. Cụ thể, quý 1/2018 Gemadept đã chuyển nhượng 51% vốn tại Công ty TNHH CJ – Gemadept Logistics Holdings và 49% vốn tại Công ty TNHH CJ – Gemadept Shipping Holdings, thu về gần 1.356 tỷ đồng. Trong quý 2, Gemadept tiếp tục thoái vốn khỏi công ty con là CTCP Tiếp vận và Cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept, thu về hơn 164 tỷ đồng. Không những vậy, trong kỳ GMD còn hoàn nhập hơn 114 tỷ đồng các khoản đầu tư tài chính.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế đạt 1.789,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gấp gần 7 lần so với lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017, đạt 1.529 tỷ đồng, hoàn thành 84% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Nếu bỏ phần thu từ chuyển nhượng, lợi nhuận trước thuế của Gemadept đạt 269,5 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,4% so với cùng kỳ năm trước.

Triển vọng ngành cảng biển khả quan, sản lượng hàng hóa thông qua cụm cảng Hải Phòng sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 10,9%/năm. Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam luôn duy trì trên 80% GDP các năm. Trong giai đoạn 2008-2017, sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam tăng trưởng với tốc độ bình quân 11,7%/năm. Tốc độ tăng trưởng cao nhờ kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn này cũng tăng trưởng mạnh, với tốc độ bình quân là 12,8%/năm. Với tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu như trên, sản lượng container thông quan tăng thêm tại cụm cảng biển miền Nam trong tương lai có thể đạt 900.000-1.000.000 TEU/năm. Theo quy hoạch của Bộ Giao thông – Vận tải, sản lượng hàng hóa tới năm 2020 sẽ đạt 10,83 triệu TEU, tương đương sản lượng tăng trưởng bình quân 750.000 TEU/năm. Đối với hệ thống cảng biển miền Bắc – một trong hai nhóm cảng biển lớn nhất nước ta sau nhóm cảng biển Đông Nam Bộ,với 20-25% sản lượng container các năm. Trong đó, nhờ vào điều kiện giao thương thuận lợi, cụm cảng Hải Phòng chiếm phần lớn tổng sản lượng hàng hóa thông cảng tại khu vực này. Theo dự báo của VIRAC, sản lượng hàng hóa thông qua cụm cảng Hải Phòng sẽ tăng trưởng bình quân khoảng 10,9%/năm – tương đương khoảng 400.000-450.000 TEU/năm. Trong khi nếu có thể duy trì được tốc độ tăng trưởng trong quá khứ là từ 15% đến 16%/năm, sản lượng hàng hóa thông quan tại Hải Phòng có thể tăng tới 650.000-700.000TEU/năm.Sự tăng trưởng này đang tạo áp lực rất lớn cho ngành dịch vụ cảng và hậu cần sau cảng, tuy nhiên các cảng tại Hải Phòng sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng bền vững này.

Dự án nam Đình Vũ giai đoạn một chính thức đưa vào khai thác. Gemadept sở hữu hệ thống cảng biển trên cả 3 miền Bắc Trung Nam và vẫn còn dự địa mở rộng các cảng mới.Gemadept hiện tại đang vận hành 5 cảng biển và 2 cảng cạn với tổng công suất khai thác là 2.500.000 container/năm. Bên cạnh đó, GMD còn sở hữu 32,89% vốn điều lệ của công ty cổ phần Dịch vụ Hàng Hóa Sài Gòn SCSC hoạt động trong mảng vận tải, kho bãi và hỗ trợ vận tải đường hàng không. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, thị phần khai thác cảng trên cả nước của Gemadept đạt 26% (thị phần tại miền Bắc là 19% và miền Nam là 7%). Ngoài ra, GMD còn đầu tư vào hai dự án xây dựng cảng mới bao gồm :
– Dự án Nam Đình Vũ : có tổng quy mô 65 ha gồm 07 cầu cảng,tổng chiều dài cầu tàu là 1,5km và tổng mức đầu tư 6.000 tỷ đồng, có vị trí đắc địa thuộc Khu phi thuế quan và Khu công nghiệp Nam Đình Vũ, nằm tại cửa ngõ thông ra biển gần nhất so với các cảng khác tại khu vực. Dự án được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 của dự án được chính thức khởi công ngày 09/11/2016 với công suất thiết kế khoảng 600.000 TEU thông qua/năm, và được hoàn thành vào ngày 04/02/2018. Giai đoạn 2 của dự án dự kiến được khởi công trong quý 3 năm nay và có thể được đưa vào khai thác vào đầu năm 2020 với công suất tương đương giai đoạn
– Dự án cảng nước sâu Gemalink: có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải với tổng diện tích lên tới 72ha, chiều dài cầu bến chính là 1.150m và bến tàu feeder là 370m, khả năng xếp dỡ lên tới 2.400.000 TEU/năm.Dự án được chia làm 2 giai đoạn, với giai đoạn 1 được Gemadept triển khai xây dựng từ năm 2010. Đầu năm 2012, sau khi hoàn thành 39% tổng tiến độ giai đoạn 1, bởi lý do suy thoái kinh tế thế giới và trong khu vực, Gemadept đã chủ động giãn tiến độ thi công dự án nhằm tiết kiệm chi phí. Năm 2017, ban lãnh đạo GMD đã quyết định tái khởi động việc xây dựng dự án vào đầu năm 2018 để đưa giai đoạn 1 của dự án vào vận hành từ cuối năm 2019, với Khả năng xếp dỡ củacảng trong giai đoạn 1 là 1.5 triệu TEU/năm.
Tính đến thời điểm cuối năm 2017, thị phần khai thác cảng trên cả nước của Gemadept đạt 26% (thị phần tại miền Bắc là 19% và miền Nam là 7%).
Với hai dự án cảng Nam Đình Vũ và Gemalink đang được thi công và đưa vào vận hành, công ty đặt mục tiêu đến năm 2022 tăng trưởng thị phần tăng lần lượt 1,5 lần và 3 lần, tương ứng 28% miền Bắc và 22% miền Nam. Cụ thể, doanh thu khai thác cảng tăng trưởng 30%/năm, lợi nhuận tăng trưởng 21%/năm. Trong đó hoạt động khai thác cảng tăng 19%/năm và logistics tăng 25%/năm trong giai đoạn 2018-2020.
Đầu năm 2018, dự án Nam Đình Vũ giai đoạn 1 chính thức đưa vào khai thác cho thấy triển vọng khả quan. Chính thức đón chuyến tàu đầu tiên trong ngày 04/02/2018, Cảng Nam Đình Vũ (giai đoạn 1) với quy mô hơn 20ha và 2 cầu tàu dài gần 450m, công suất khoảng 600.000 TEUs/năm đã đi vào hoạt động và trở thành cảng thứ 3 của Gemadept tại Hải Phòng và cảng thứ 6 trên cả nước. Trong số 38 cảng đang hoạt động tại Hải Phòng, Nam Đình Vũ là cảng có chiều dài cầu bến và độ sâu luồng cũng như vùng quay tàu rộng, cùng với hệ thống trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải lên đến 40.000 DWT.

Do vị trí khá thuận lợi nằm trong khu kinh tế Cát Hải, thuộc Khu phí thuế quan và khu công nghiệp Nam Đình Vũ, nằm ngay đầu sông Cấm, Nam Đình Vũ có cự li ra biển gần nhất so với với các cảng khác tại khu vực cảng Hải Phòng. Đây được coi là một lợi thế rất lớn do các hãng tàu ưa thích các cảng gần biển để tiết kiệm chi phí. Đồng thời, hạ tầng giao thông từ cảng này được kết nối thuận tiện, liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia như: đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Hải Phòng – Hạ Long…Vì vậy, cảng Nam Đình Vũ có khả năng sẽ thu hút lượng lớn container về cảng nhờ điều kiện vị trí địa lý thuận lợi này. Thật vậy, chỉ sau 3 tháng hoạt động, từ tháng 2/2018 đến tháng 5/2018, cảng này đã đón 35 chuyến tàu vào làm hàng, sản lượng hàng hóa thông qua đạt gần 25.000 TEU. Trước đó, hầu hết các cảng của Gemadept đều đang hoạt động vượt công suất thiết kế nên việc cảng Nam Đình Vũ được đưa vào hoạt động nói riêng và việc đầu tư mở rộng thêm các cảng mới nói chung sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu quá tải của Công ty.
Bên cạnh đó, phí xếp dỡ container ở nước ta còn khá thấp so với khu vực, với miền Bắc là 30 USD và phía Nam là 40 USD, trong khi đó ở Indonesia khoảng 95USD, Campuchia khoảng 65USD. Chi tiết tại từng khu vực phía Bắc, thượng nguồn hiện mức sàn là 30 USD, Nam Đình Vũ tối thiểu 39 USD và Lạch Huyện là 56 USD. Do vậy, chúng tôi cho rằng doanh thu khai thác cảng tại Hải Phòng sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng trong tương lai khi hoạt động hết công suất.
Như vậy, hoạt động chuyển nhượng vốn đầu tư tại các công ty con nằm trong kế hoạch thoái vốn khỏi các lĩnh vực ngoài kinh doanh cốt lõi nhằm tập trung nguồn lực vào các hoạt động kinh doanh chính là khai thác cảng. Điều này đặc biệt giúp GMD cải thiện biên lợi nhuận và cơ cấu tài chính. Bên cạnh đó, ngành cảng biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm trên hai con số. Việc 2 dự án cảng Nam Đình Vũ và Gemalink đang được thi công và đưa vào vận hành sẽ là động lực tăng trưởng của Gemadept trong tương lai. Chúng tôi đánh giá tiềm năng tăng trưởng đối với cổ phiếu GMD của CTCP Gemadept là khả quan với giá mục tiêu 35.100 đồng/cổ phiếu.
—————————
Vũ Hồng Phương – Quản lý tài khoản chứng khoán
(Hỗ trợ tư vấn đầu tư – mở tài khoản chứng khoán)
Điện thoại: 0935.315.686
Tư vấn chuyên sâu trên Skype: cophieu86.com
https://www.facebook.com/cophieu86/
Website: www.cophieu86.com
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.