KDC thông báo kế hoạch bán 14,8% cổ phần tại KDF cho người lao động và đối tác chiến lược. Vào ngày 7/8, HĐQT của Kidos – KDC đã quyết định bán 14,8% trong số 79,8% cổ phần còn lại KDF cho:
– Người lao động của KDF thông qua hình thức phát hành cổ phiếu ESOP.
– Đối tác chiến lược, có thể là nhà phân phối và các đối tác cung cấp chính.
Cụ thể, chuyển nhượng 10% cổ phần cho người lao động với mức giá 25.000 đồng/cp và chuyển nhượng 4,8% cho đối tác chiến lược của Kido với mức giá 40.000 đồng/cp. Sau thương vụ này, tỷ lệ sở hữu của KDC tại KDF sẽ giảm còn 65,2%. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 12 tháng. Thời gian thực hiện dự kiến là trong vài tuần tới.

Trước đó KDF đã tiến hành IPO vào tháng 4. Trong tháng 4, KDC đã bán 11,2 triệu cổ phiếu KDF ra công chúng với mức giá 52.000đ/cp. Tại buổi roadshow tổ chức vào tháng 3, ông Trần Lệ Nguyên đã đề cập đến việc bán cổ phiếu KDF cho người lao động và đối tác của công ty với mức giá thấp hơn nhưng không mức giá cụ thể không được tiết lộ.
Quá trình chuẩn bị để niêm yết cổ phiếu KDF trên Upcom vẫn theo đúng tiến độ và dự kiến diễn ra trong tháng này. Việc niêm yết cổ phiếu KDF trên Upcom được dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 8 hoặc đầu tháng 9. Với ngày cụ thể có thể là 18/8 như đã đề cập mặc dù việc này vẫn chưa được xác nhận. KDF là công ty con chuyên về các sản phẩm đông lạnh của KDC, tập trung vào kem, sữa chua và các thức ăn đông lạnh khác như bánh bao, khoai tây chiên và xúc xích.
– Cổ phiếu được giao dịch gần nhất trên OTC với giá khoảng 60.000 trước khi tạm ngừng giao dịch chuẩn bị cho niêm yết trên Upcom.
– Chúng tôi vẫn chưa có thông tin rõ ràng về giá tham chiếu nhưng thông thường giá tham chiếu sẽ sát với giá giao dịch cuối cùng trên OTC.
– Ở mức giá trên, vốn hóa thị trường của KDF là khoảng 3,36 nghìn tỷ đồng.
– Chúng tôi dự báo NĐT tổ chức sẽ tỏ ra quan tâm đến cổ phiếu sau niêm yết do rất ít tổ chức tham gia phiên IPO trước đó mà phần lớn là các NĐT cá nhân. Và quy mô vốn hóa hiện tại cũng cho phép các NĐT tổ chức có thể tiếp cận cổ phiếu.
Dự báo LNST của KDF tăng trưởng 22% trong năm nay. Cho năm 2017, chúng tôi dự báo doanh thu thuần của KDF tăng trưởng 22% và đạt 1.707 tỷ đồng còn LNST đạt 174,2 tỷ đồng, tăng trưởng 22%. Tăng trưởng của KDF đạt được nhờ cải thiện kênh phân phối và nâng công suất. Tại thời điểm cuối Q1 năm 2016, KDF có 70.000 điểm phân phối hàng lạnh và đông lạnh; và công ty dự kiến sẽ nâng lên 100.000 điểm phân phối vào năm 2018.

Trong năm 2016, KDF đã nâng cấp nhà máy hiện tại tại TPHCM và đưa nhà máy mới tại Bắc Ninh đi vào hoạt động. So với năm 2015, tổng công suất sản xuất kem tăng 167% lên 24 triệu lít và công suất sản xuất sữa chua tăng 213% lên 25 triệu lít. KDF cũng mở rộng sang phân phối các dòng sản phẩm thực phẩm chế biến khác chẳng hạn như khoai tây chiên, xúc xích, thịt gà viên, heo viên, bánh bao. Giả định chính của chúng tôi gồm:
– Doanh thu thuần tăng trưởng 22% và đạt 1.707 tỷ đồng dựa trên giả định:
– Doanh thu từ kem tăng 16,5% lên 1.118,5 tỷ đồng.
– Doanh thu từ sữa chua tăng 12,4% lên 399,3 tỷ đồng.
– Doanh thu hàng đông lạnh đạt 120 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với mức 21,3 tỷ đồng trong năm 2016.
– Lợi nhuận gộp tăng trưởng 18% và đạt 924,5 tỷ đồng; tỷ suất lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống 54,1% so với mức 56% trong năm 2016.
– Lỗ tài chính thuần giảm còn 1,7 tỷ đồng từ 6,3 tỷ đồng trong năm 2016
– Tỷ lệ chi phí bán hàng&quản lý/doanh thu là 41,3% (năm 2016 là 43%).
– LNST đạt 174,2 tỷ đồng (tăng trưởng 22%).
Với KDC, dự báo LNST của cổ đông công ty mẹ tăng trưởng 49,1% trong năm nay. Chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 7.197 tỷ đồng (tăng trưởng 221,3%) và LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 589 tỷ đồng (giảm 49,1%) nhờ khoản lãi không thường xuyên 240 tỷ đồng liên quan đến việc hợp nhất VOC. LNST vẫn giảm so với cùng kỳ do năm ngoái KDC đã hạch toán một khoản lợi nhuận không thường xuyên lớn là 1.665 tỷ đồng từ bán nốt 20% cổ phần công ty bánh kẹo BKD. Nếu không tính lợi nhuận không thường xuyên thì lợi nhuận thuần từ HĐSXKD tăng trưởng 270%. Các giả định chính của chúng tôi là:
– Doanh thu mảng kem và sữa chua (KDF) tăng trưởng 22% và đạt 1.707 tỷ đồng còn LNST đạt 174 tỷ đồng, tăng trưởng 22%.
– Doanh thu thuần của TAC tăng trưởng 10,5% và đạt 4.394 tỷ đồng nhờ tái cơ cấu hoạt động bán hàng và làm lại thương hiệu; còn LNST đạt 140 tỷ đồng, tăng trưởng 109,4% với giả định tỷ suất lợi nhuận gộp tăng thêm 3% nhờ hoạt động mua hàng được cải thiện, cơ cấu sản phẩm tốt hơn. Ngoài ra chúng tôi còn kỳ vọng công ty sẽ đưa một số sản phẩm mới ra thị trường vào giữa năm. TAC sẽ hợp nhất nguyên năm vào KDC và sẽ đóng góp đáng kể vào KQKD của công ty.
– Doanh thu thuần của Vocarimex (VOC) đạt 4.625 tỷ đồng, giảm 16,9% còn LNST của cổ đông công ty mẹ đạt 298 tỷ đồng, giảm 3% vì TAC không còn là công ty con của VOC và không hợp nhất vào VOC. Chúng tôi giả định VOC vẫn bán nguyên liệu cho TAC nhưng không còn độc quyền như trước đây.
– Công ty sẽ ngừng hoạt động mảng mỳ ăn liền và dầu ăn Đại Gia Đình; và sẽ không ghi nhận lợi nhuận từ đây trong năm 2017.
Theo đó chúng tôi dự báo EPS là 2.865đ; P/E dự phóng là 14,8 lần.

Sử dụng phương pháp định giá tổng hợp từng phần, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu KDC là 50.000đ, tương đương P/E dự phóng là 17,5 lần; EV/EBITDA là 17,1 lần và P/B là 1,5 lần. KDC đã quay lại là một doanh nghiệp hàng tiêu dùng với triển vọng khả quan sau vài năm tiến hành tái cơ cấu tài sản. Với danh mục sản phẩm trải rộng từ kem & sữa chua cho đến dầu ăn và bánh bao. Chiến lược mở rộng ra mảng sản phẩm đông lạnh, sản phẩm mát, nước sốt và gia vị có vẻ rất hợp lý; cụ thể là tập trung vào những phân khúc nhỏ còn manh mún có quy mô dưới 100-150 triệu USD, là chưa đủ lớn đối với các công ty đa quốc gia; thông qua kênh phân phối thuộc dạng tốt nhất cho hàng khô và sản phẩm lạnh/đông lạnh; từ đó thu hút đối tác hợp tác kinh doanh.
(HCM)