Cổ phiếu HPG gần đây biến động khá tích cực sau ngày giao dịch không hưởng quyền cho đợt phát hành quyền mua. Rủi ro pha loãng cổ phiếu hiện đã không còn. Xét về các yếu tố căn bản, định giá cổ phiếu vẫn rẻ với P/E pha loãng dự phóng 2017 chỉ là 6,5 lần. Kế hoạch mở rộng sẽ là động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai, khi hiện tại công ty đã hoạt động sát công suất tối đa với cả sản xuất thép xây dựng và ống thép. Thị trường tôn rất tiềm năng trong khi mảng thức ăn chăn nuôi bắt đầu cho lợi nhuận. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp chung giảm, chiến lược mở rộng sang mảng chăn nuôi để cải thiện tỷ suất lợi nhuận thấp này là hoàn toàn hợp lý. Tiếp đó, ghi nhận từ dự án Mandarin Garden 2 phần lớn sẽ rơi vào năm 2018 và sẽ là động lực chính cho năm tới.

Như dự báo trong bài Phân tích và định giá cổ phiếu HPG lần trước, Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu HPG là 41.188đ, tương đương P/E dự phóng là 8,0 lần. Giá cổ phiếu HPG đã tăng khoảng 23,7% so với đầu năm. Dự báo doanh thu thuần của cả năm 2017 của HPG là 40,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 20,7%) và LNST là 7,43 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12,4%). Các giả định hỗ trợ dự báo của chúng tôi bao gồm:
– Sản lượng thép xây dựng tiêu thụ đạt 2,08 triệu tấn, tăng 15,1%. Sản lượng ống thép tiêu thụ là 612.000 tấn, tăng 27,5%. Chúng tôi cũng ước tính sản lượng phôi thép tiêu thụ là khoảng 200.000 tấn, giảm 9,9% do công ty chuyển sang sản xuất thép xây dựng cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Giá bán bình quân thép xây dựng dự báo sẽ tăng lên 10,49 triệu đồng/tấn (tăng 8,25%). Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu từ thép là 34,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 21,8%).
– Doanh thu từ thức ăn chăn nuôi dự báo tăng đạt 1.699 tỷ đồng (tăng trưởng 25%) trong khi đó đối với các mảng kinh doanh nhỏ khác, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu là 5-10%.
– Lợi nhuận gộp dự báo là 10 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 15,2%) theo đó tỷ suất lợi nhuận là 25,1% giảm từ 26,3% trong năm ngoái.
– Lỗ tài chính thuần dự báo tăng lên 226 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng trong khi đó chi phí bán hàng và quản lý dự báo là 1.249 tỷ đồng (tăng 39,6%) với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu thuần là 3,1%.
Chúng tôi dự báo LNTT và LNST lần lượt là 8.536 tỷ đồng (tăng trưởng 10,8%) và 7.427 tỷ đồng (tăng trưởng 12,4%). EPS pha loãng dự phóng 2017 là 5.148đ và P/E dự phóng 2017 là 6,5 lần.

Với thông tin về việc Trung Quốc nhập khẩu trở lại heo sống từ Việt Nam 5 ngày qua. Thì đây là tín hiệu tích cực cho cả ngành chăn nuôi nói chung và Hòa Phát nói riêng. Việc Trung Quốc nhập khẩu trở lại heo sống đã giúp giá heo tăng 12,5%. Trong khi đó giá heo hơi hiện là 28.000đ/kg, tăng 8.000đ so với một tháng trước. Giá heo hơi đã giảm xuống mức thấp khoảng 14.000 – 20.000 đồng/kg trong tháng 6/2017. Quy mô đàn heo bắt đầu giảm giúp cải thiện cán cân cung/cầu. Cùng với sự phục hồi của nhu cầu, chúng tôi cũng nhận thấy nguồn cung heo đã giảm bớt. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng đàn heo trên toàn quốc đã giảm 3,67% còn 27,23 triệu con trong 6 tháng đầu năm 2017. Dù sản lượng thịt vẫn tăng 2,7% lên 2,2 triệu tấn.
Giá thịt heo tăng là thông tin tích cực cho các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn đó là HPG, MSN, và GTN. Khoảng 55% thức ăn chăn nuôi hiện tại được tiêu thụ tại các nông trại nuôi lợn. KQKD 6 tháng đầu năm của ba công ty trên đều sẽ đã bị ảnh hưởng bởi giá bán heo giảm. Và có vẻ như triển vọng Q3 sẽ khả quan hơn nhiều. Trong số 3 công ty đề cập trên, mức độ ảnh hưởng lên MSN là lớn hơn nhiều do mảng protein động vật đóng góp quan trọng vào doanh thu của công ty (là khoảng 56%) so với HPG (4,23% doanh thu) và GTN (chỉ 4% doanh thu). Thức ăn chăn nuôi hay chăn nuôi là mảng kinh doanh mới đối với cả MSN và HPG và do đó được là điểm quan tâm của NĐT. Cả HPG và MSN có kế hoạch mở rộng phát triển toàn diện mảng thức ăn chăn nuôi và protein động vật trong tương lai. Do đó, diễn biến của giá thịt heo là yếu tố quan trọng trong triển vọng dài hạn của mảng kinh doanh này.
(HSC)