FPT Retail từng là công ty con của FPT cho tới cuối 2017. Hoạt động kinh doanh chính là bán lẻ sản phẩm công nghệ thông tin, trong đó chủ yếu là ĐTDĐ. Hiện FRT có thị phần 19%, đứng thứ 2 trong ngành sau TGDĐ (MWG).
Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục có bệ phóng thuận lợi là thị trường dân số 96 triệu, cơ cấu dân số trẻ và số lượng người thuộc tầng lớp trung lưu tăng nhanh.

FPT hoạt động theo mô hình chuỗi, với 2 thương hiệu riêng biệt, bao gồm FPT Shop (556 cửa hàng, bày bán tổng hợp các dòng sản phẩm thiết bị di động và máy tính xách tay), và F-Studio (15 cửa hàng dạng boutique, bày bán riêng biệt các sản phẩm của Apple, với lợi thế FRT là đơn vị phân phối ủy quyền của Apple-Apple Premium Retailler tại Việt Nam.)
Cơ cấu doanh thu của FRT hiện tại được phân bối như sau: Hệ thống cửa hàng truyền thống (FPT Shop và F-Studio) chiếm 74% doanh thu, Các kênh online (FPT Shop online) chiếm 16%, chương trình trả góp F-Friend chiếm 5%, Doanh thu từ các đơn vị liên kết khác chiếm 5%.
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, tăng trưởng tiêu dùng vào các sản phẩm phi thiết yếu như thiết bị di động trong những năm qua đã thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp bán lẻ, trong đó FRT là một trong những cái tên nổi bật. Điều này được minh chứng bằng hai điểm: tăng trưởng kép doanh thu giai đoạn 2013-2018 đạt mức 40%; và số lượng cửa hàng gia tăng nhanh chóng từ 100 năm 2013 lên 533 vào cuối năm 2018, và 556 vào thời điểm hiện tại.
FRT sở hữu lợi thế lớn khi có cổ đông sáng lập là FPT – tập đoàn công nghệ tư nhân lớn nhất Việt Nam. Bản thân thương hiệu FPT tạo ra sự đảm bảo về uy tín sản phẩm và dịch vụ, đây là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào sự lựa chọn địa điểm mua hàng của người tiêu dùng Việt Nam.
Ngoài mảng kinh doanh chính, FRT đã đầu tư mở rộng sang mảng bán lẻ dược phẩm, với việc mua lại chuỗi nhà thuốc Long Châu vào năm 2018. Chúng tôi đánh giá tiềm năng phát triển của FRT khả quan dựa vào những tiêu chí sau.
Trong ngắn hạn, việc mở rộng chuỗi cửa hàng sẽ không còn quá nhiều ý nghĩa, khi thị trường thiết bị di động đã gần đạt điểm bão hòa, với tăng trưởng dự báo giảm còn 5%. Bản thân kế hoạch mở mới các điểm bán hàng của FRT cũng sẽ kết thúc vào năm 2020, với mục tiêu 598 cửa hàng. Trong bối cảnh này, việc tối ưu hóa lại hiệu quả hoạt động, qua đó tăng doanh thu trên mỗi cửa hàng là điều tất yếu.
FRT đã lên kế hoạch thay đổi cơ cấu dòng sản phẩm bày bán theo hướng tập trung nắm bắt nhu cầu thị trường, đồng thời gia tăng số lượng SKU phụ kiện di động bày bán tại mỗi cửa hàng. Cùng với việc FRT đã đàm phán thành công với nhà cung cấp phụ kiện mới, giúp giảm 20% giá vốn đầu vào, kỳ vọng vào việc FRT có thể tăng gấp đôi doanh thu cho mảng phụ kiện trong năm 2019 (lên mức 1,000 tỉ) là có thể thực hiện được.
Về dài hạn, tiềm năng của FRT sẽ dựa nhiều vào hai yếu tố: sự phát triển của chuỗi Long Châu, và đột phá mới từ công nghệ di động. Với mảng dược phẩm, tiềm năng của ngành bán lẻ thuốc và thực phẩm chức năng ở Việt Nam là rất lớn, với dung lượng thị trường ước tính 5.8 tỉ USD, trong khi không có tên tuổi lớn thực sự làm chủ thị trường.

Với mảng bán lẻ di động, thị trường điện thoại toàn cầu sẽ cần một cú hích lớn về công nghệ nhằm tạo ra nhu cầu thay mới thiết bị di động quy mô lớn. Thế hệ mạng di động thứ 5 (5G), với Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong triển khai đang được kỳ vọng sẽ là nhân tố đột phá này. Tuy nhiên, những tác động rõ ràng của 5G tới ngành bán lẻ di động sẽ chỉ tới sau khi Việt Nam tiến hành thương mại hóa nền tảng này (ít nhất là tới sau năm 2020).
Xu hướng thương mại điện tử sẽ tác động tích cực tới FRT, khi cổ đông sáng lập FPT của FRT hiện đang đồng sở hữu sàn thương mại điện tử Sendo.vn (hiện đứng thứ 4 về lượt truy cập). Việc có thể chia sẻ nguồn tài nguyên online với một công ty có vị thế và cùng hệ sinh thái như Sendo có thể mang lại nguồn lợi lớn cho mảng online của FRT trong tương lai.
FRT đã tăng cường nợ vay để mở thêm cửa hàng mới đồng thời đầu tư vào Long Châu, điều này đang gây áp lực lên sức khỏe tài chính trong ngắn hạn: tỉ lệ nợ vay/VCSH tăng lên 2.54 lần, chỉ số thanh toán nhanh còn 0.59 lần, dòng tiền từ HĐKD sau nhiều năm luôn dương thì cũng bị âm trong 2018. Dự báo LNST của FRT trong 2018 – 2019 đạt 398 – 418 tỷ, tương đương EPS (sau quỹ KTPL) đạt 5,713 – 5,999đ/cp.
(nguồn: HSC)
—————————
Nguyễn Hoàng Bách – Nhà quản lý tài khoản chứng khoán
(nhận Hợp tác đầu tư – Quản lý tài khoản chứng khoán)
Điện thoại: 0966 597 938
https://www.facebook.com/cophieu86/
Website: www.cophieu86.com
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.