DGW đã công bố KQKD năm 2018 tăng trưởng mạnh với doanh thu đạt 5.943,4 tỷ đồng (tăng trưởng 55,5%) còn LNST đạt 109,2 tỷ đồng (tăng trưởng 39,2%). Động lực tăng trưởng chính là mảng ĐTDĐ với doanh thu tăng trưởng 231%.
Dự báo LNST năm 2019 tăng trưởng 27,6%. Lợi nhuận năm 2018 tăng trưởng mạnh nhờ mảng ĐTDĐ tăng trưởng mạnh nhờ cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) cho Xiaomi. Công ty đã thành công trong việc chuyển đổi mô hình kinh doanh và đã trở thành một nhà cung cấp dịch vụ MES.

Trong khi đó DGW cũng dần mở rộng vị thế ở các lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn hơn chẳng hạn như thực phẩm chức năng và hàng tiêu dùng khác. Giá cổ phiếu có vẻ hấp dẫn ở mặt bằng hiện tại. Chúng tôi coi DGW là một cổ phiếu vốn hóa nhỏ có câu chuyện đặc biệt.
Doanh thu máy tính xách tay và máy tính bảng tăng trưởng 6,0% – Trong năm 2018, doanh thu mảng này đạt 2.401 tỷ đồng, tăng trưởng 6,0%, nổi bật hơn so với xu hướng chung của thị trường trong nước (tăng trưởng nhẹ hoặc không tăng trưởng). Thị trường máy tính xách tay và máy tính bảng trong nước hiện đã bão hòa với nhu cầu gần như phụ thuộc vào chu kỳ thay thế. Bên cạnh đó còn có áp lực cạnh tranh gián tiếp từ ĐTDĐ với ưu thế về giá, cấu hình và sự tiện lợi.
Phân phối ĐTDĐ tăng trưởng mạnh – Doanh thu phân phối ĐTDĐ đạt 2.354 tỷ đồng, tăng trưởng 213,0% nhờ thị phần của Xiaomi tăng từ khoảng 2% lên 5% về sản lượng tiêu thu (và từ 1% lên 3% về giá trị). Vào đầu năm 2017, DGW đã thay đổi chiến lược phân phối ĐTDĐ, tập trung vào các thương hiệu sử dụng dịch vụ phát triển thị trường (MES) của công ty. Bắt đầu từ Xiaomi khi công ty này thâm nhập thị trường Việt Nam. Xiaomi hiện có thị phần ĐTDĐ khoảng 5% và đặt mục tiêu đạt thị phần 7-8% vào năm 2019.
Mảng thiết bị văn phòng tăng trưởng tốt hơn thị trường chung nhờ công ty phân phối những thương hiệu mới – Trong năm 2018, doanh thu thiết bị văn phòng đạt 1.112 tỷ đồng, tăng trưởng 48,0% nhờ có những hợp đồng phân phối mới ký với LG và Eaton. DGW phân phối máy tính để bàn PC, bộ lưu điện UPS dành cho máy tính, thiết bị lưu trữ dữ liệu, ổ cứng & camera. Đồng thời cung cấp dịch vụ bảo hành/hậu mãi cho những sản phẩm này.
Mảng phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) & thực phẩm chức năng đạt kết quả thấp hơn kỳ vọng -Trong năm 2018, doanh thu mảng này đạt 76,0 tỷ đồng (tăng trưởng 50,0%), thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của công ty, là 200 tỷ đồng (tăng trưởng 200%) do DGW mất nhiều thời gian hơn dự kiến để phát triển kênh phân phối cho các sản phẩm mới hoàn toàn này.
DGW bắt đầu tham gia phân phối thực phẩm chức năng và sản phẩm FMCG từ cuối Q3/2017 sau khi mua 80% cổ phần của một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng và 80% cổ phần của một doanh nghiệp sản xuất FMCG. DGW cung cấp dịch vụ trọn gói cho những sản phẩm thực phẩm chức năng và FMCG gồm phân tích thị trường, phát triển thị trường, hậu cần, phân phối và bán hàng cũng như dịch vụ hậu mãi. Do vậy mảng này có tỷ suất lợi nhuận gộp khoảng 15%, cao hơn các mảng khác.
DGW đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 25% trong năm 2018 – DGW đặt kế hoạch doanh thu năm 2019 đạt 7.150 tỷ đồng (tăng trưởng 20,3%) và LNST đạt 137 tỷ đồng (tăng trưởng 25,4%). Doanh thu tăng chủ yếu nhờ đóng góp của mảng thiết bị di động, thiết bị văn phòng và mảng phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) & thực phẩm chức năng.
Gần đây, công ty đã ký một số hợp đồng mới với các nhà sản xuất ở những mảng này. Trong khi đó, lợi nhuận tăng trưởng nhờ doanh thu tăng, và tỷ suất lợi nhuận được cải thiện nhờ mảng phân phối sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) & thực phẩm chức năng đóng góp nhiều hơn vào tổng doanh thu.

Dự báo LNST năm 2019 tăng trưởng 27,6% – Trong mô hình của mình, chúng tôi dự báo DGW sẽ đạt doanh thu 7.165 tỷ đồng (tăng trưởng 20,6%) và LNST là 139,3 tỷ đồng (tăng trưởng 27,6%). Dựa trên các giả định chính sau:
1. Chúng tôi dự báo doanh thu phân phối laptop và máy tính bảng đạt 2.401 tỷ đồng (không tăng so với năm 2018). Chúng tôi tin rằng tăng trưởng của mảng này sẽ tương đương mức tăng trưởng của thị trường.
2. Chúng tôi dự báo doanh thu phân phối điện thoại di động đạt 3.013 tỷ đồng (tăng trưởng 28,0%) do Xiaomi giành thêm thị phần từ các thương hiệu Trung Quốc khác như Oppo.
3. Tiếp đó dự báo doanh thu phân phối thiết bị văn phòng đạt 1.401 tỷ đồng (tăng trưởng 26,0%). Đây là mảng ít cạnh tranh hơn và có thêm thương hiệu sản phẩm mới.
4. Chúng tôi dự báo doanh thu sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) & thực phẩm chức năng đạt 350 tỷ đồng (tăng trưởng 360%) với các hợp đồng mới ký trong năm 2018 với Lion Japan (FMCG), Kingsmen, PNiKids, và Nestle Health Science (thực phẩm chức năng) và nhờ công ty đã xây dựng được kênh phân phối cho các sản phẩm mới này.
5. Chúng tôi cũng giả định tỷ suất lợi nhuận gộp chung sẽ tăng nhẹ từ 6,2% lên 6,7% nhờ doanh thu phân phối thực phẩm chức năng với tỷ suất lợi nhuận cao tăng.
6. Về chi phí quản lý và bán hàng, chúng tôi dự báo tỷ lệ chi phí này/doanh thu là 3,8%, tương đương năm 2018.
Theo đó, EPS dự phóng năm 2019 là 3.419đ; P/E dự phóng là 6,7 lần, là mức hấp dẫn theo quan điểm của chúng tôi.
DGW chuyển từ phân phối thuần túy sang các dịch vụ phát triển thị trường – DGW đã chuyển mô hình hoạt động từ phân phối sản phẩm điện tử phổ thông sang cung cấp các dịch vụ mở rộng thị trường. Trước đây DGW là nhà phân phối bán buôn thuần túy các mặt hàng kỹ thuật: thiết bị văn phòng, laptop, máy tính bảng và ĐTDĐ.
DGW mua sỉ từ nhà sản xuất và bán cho các cửa hàng với tỷ suất lợi nhuận mỏng. Và với nhiều chuỗi bán lẻ hiện đại liên tục phát triển như MWG và FPT retail, mô hình trên ngày càng khó tồn tại do quyền quyết định giá đã thuộc về các chuỗi bán lẻ. Đồng thời các chuỗi bán lẻ này cũng mua trực tiếp từ nhà sản xuất hoặc ép biên lợi nhuận của nhà phân phối bán buôn xuống mức cực thấp.
Hiện DGW đã thay đổi chiến lược theo 2 hướng. Cụ thể là:
(1) Tăng thêm dịch vụ giá trị gia tăng vào mảng phân phối sản phẩm CNTT thông qua
• Cung cấp dịch vụ marketing cho các thương hiệu điện thoại chưa phổ biến
• Cung cấp dịch vụ sau bán hàng như bảo dưỡng cho các nhà sản xuất
(2) Mở rộng chuyên môn về phát triển thị trường vào các lĩnh vực hấp dẫn hơn như
• Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là thực phẩm chức năng
• Các sản phẩm hàng tiêu dùng nhanh khác.
Nói chung khó có thể nói rằng những chiến lược mới này chắc chắn sẽ thành công. Tuy nhiên, lợi nhuận 2018 tăng trưởng tốt đã chứng minh rằng công ty đã khởi đầu tốt đẹp.
Dịch vụ phát triển thị trường (MES) là dịch vụ giúp hàng hóa thâm nhập vào thị trường mới hoặc hiện tại và đạt được thị phần mong muốn trong thời gian nhất định. Các dịch vụ trong phát triển thị trường bao gồm dịch vụ nghiên cứu thị trường và xây dựng chiến lược, kế hoạch marketing, hậu cần (nhập khẩu, kho bãi, đóng gói, giao hàng, tài chính…), phân phối, hậu mãi (bảo hành, tư vấn…).
MES phổ biến trong mảng tiêu dùng nhanh (FMCG) và sản phẩm chăm sóc sức khỏe do trong ngành này, để đơn vị sản xuất tự xây dựng hệ thống phân phối, quản lý đội ngũ bán hàng, marketing cần rất nhiều thời gian, vốn đầu tư và sự am hiểu thị trường.
Trong khi đó, nếu sử dụng dịch vụ của bên cung cấp chuyên nghiệp, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và sản phẩm chăm sóc sức khoẻ có thể tận dụng sự am hiểu thị trường của đối tác, cải thiện hiệu quả, linh hoạt hơn và giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, khi tiếp cận thị trường mới, việc sử dụng dịch vụ MES chuyên nghiệp sẽ giúp các công ty tránh được những khó khăn về khác biệt ngôn ngữ, tập quán, quy định pháp lý, thủ tục của địa phương, nguồn nhân lực và tài chính. Điều này lý giải vì sao thậm chí những tập đoàn khổng lồ như Samsung, P&G, Nestle với nguồn nhân lực và tài chính sẵn có để thực hiện các hoạt động bán hàng vẫn sử dụng các dịch vụ MES từ nhà cung cấp chuyên nghiệp.

Thị trường MES ở Việt Nam có tiềm năng lớn – Theo Roland Berger, quy mô thị trường MES ở:
• Mảng tiêu dùng nhanh ở Việt Nam đạt khoảng 8 tỷ USD, tương đương khoảng 35% tổng giá trị toàn mảng FMCG của Việt Nam và có thể tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân là 12% lên 12,6 tỷ USD đến năm 2021.
• Mảng sản phẩm chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam có giá trị khoảng 3,5 tỷ USD, tương đương 60% – 65% tổng giá trị toàn mảng này ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, nhiều tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia như P&G, Milex, Nestle, Obagi, Vietnamobile, Shell Lubes, Rhoto, Kewpie và nhiều hãng dược phẩm như Sanofi, GSK, Bayer, Pfizer đã sử dụng dịch vụ MES của các nhà cung cấp dịch vụ MES như MESA, DKSH, và Phú Thái (ở mảng tiêu dùng nhanh) hay Pharma, DKSH và Mega Lifesciences (ở mảng chăm sóc sức khỏe).
Ngoài những thương hiệu tiêu dùng nhanh và chăm sóc sức khỏe quốc tế, nhu cầu đối với dịch vụ MES cũng đến từ các nhà sản xuất trong nước và trong khu vực như Xiaomi (sản phẩm công nghệ của Trung Quốc), Lion (sản phẩm tiêu dùng nhanh của Nhật Bản) và PNKid (thực phẩm bổ sung vitamin của Singapo).
Ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 27.400đ, tương đương PE dự phóng 2019 là 8 lần. Ở thị giá hiện tại, cổ phiếu có P/E dự phóng hấp dẫn. DGW là công ty chuyên về phân phối đang chuyển đổi mô hình kinh doanh sang cung cấp dịch vụ phát triển thị trường thông qua bổ sung các dịch vụ giá trị gia tăng cho mảng phân phối cơ bản đồng thời mở rộng thị phần ở các phân khúc ít cạnh tranh hơn như các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng khác. Chiến lược kép này có thể giúp lợi nhuận tăng nhanh trong vài quý tới.
———————–
NGUYỄN HỮU BÌNH – Quản lý tài khoản chứng khoán
(Hỗ trợ tư vấn đầu tư – mở tài khoản chứng khoán)
☎️ Điện thoại: 0983 361 688
✔️ Skype: cophieu86.com
✔️ Zalo: 0983 361 688
✔️ Website: www.cophieu86.com
✔️ https://www.facebook.com/cophieu86/
✔️ Website: www.cophieu86.com
✔️ Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.