Ước tính KQKD 6 tháng đầu năm, LNST của HPG sẽ tăng 22,6% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm. Chúng tôi dự báo KQKD 6 tháng đầu năm của CTCP Tập đoàn Hòa Phát, với doanh thu thuần đạt 20,7 nghìn tỷ đồng (tăng 36,2% so với cùng kỳ). LNST đạt 3,74 nghìn tỷ đồng (tăng 22,6% so với cùng kỳ). Doanh thu thuần tăng mạnh 36,2% nhờ sản lượng tiêu thụ và giá bán bình quân đều tăng. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đã tiêu thụ được 1.012.921 tấn thép xây dựng (tăng 29% so với cùng kỳ), và 271.800 tấn ống thép (tăng 28,7% so với cùng kỳ). Hơn nữa, giá bán bình quân thép xây dựng trong 6 tháng đầu năm tăng 13,4% lên 10,838 triệu đồng/tấn.

Tốc độ tăng trưởng lợi nhuận dự báo sẽ chậm hơn so với doanh thu do tỷ suất lợi nhuận giảm khi không còn lợi thế từ tồn kho chi phí thấp như trong năm ngoái. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 51,7% kế hoạch doanh thu và 62,3% kế hoạch lợi nhuận.
Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 41.188 đ/cp, theo đó PE dự phóng là 8,0 lần. Chúng tôi dự báo LNST năm 2017 đạt 7,43 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12,4%). Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm từ mức đỉnh điểm trong năm ngoái, do giá nguyên liệu đầu vào biến động trong năm nay. Động lực tăng trưởng, là sự gia tăng không ngừng của công suất sản xuất, trong bối cảnh nhu cầu tăng mạnh. Công ty trong dài hạn sẽ mở rộng sang phân khúc thép mới, nhờ giai đoạn 1 của khu liên hợp gang thép mới tại Dung Quất sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Trong khi đó, mảng thức ăn chăn nuôi cho thấy nhiều tiềm năng mặc dù giá thịt lớn giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm. Nhưng nhu cầu dài hạn được dự báo sẽ tăng trở lại. Quá trình xây dựng dự án BĐS theo đúng tiến độ và sẽ đóng góp lợi nhuận cho cả năm 2017 và 2018. Cổ phiếu vẫn rất rẻ và chúng tôi cho rằng đây là lựa chọn phù hợp cho đầu tư dài hạn.

Trong quý 2, chúng tôi ước tính doanh thu thuần là 10,5 nghìn tỷ đồng (tăng 19% so với cùng kỳ) và LNST là 1,8 nghìn tỷ đồng (giảm 11,1% so với cùng kỳ). Dự báo của chúng tôi phản ánh thực tế rằng, LNST Q1/2016 đã đạt mức kỷ lục nhờ tỷ suất lợi nhuận tăng mạnh, chủ yếu nhờ lợi thế tồn kho nguyên liệu chi phí thấp như chúng tôi đã đề cập trong những báo cáo trước. Trong năm nay, giá nguyên liệu đầu vào như quặng sắt và than cốc có nhiều biến động, cụ thể như giá quặng sắt hiện tại là 55 USD/tấn, giảm 42% sau khi tăng lên mức đỉnh điểm là 95 USD/tấn vào ngày 21/2/2017. Ngoài ra, giá than cốc biến động hơn và giao dịch trong khoảng 140USD-300USD/tấn, một phần do ảnh hưởng từ bão lớn tại Úc trong tháng 4 năm nay. Hiện tại, giá than cốc là khoảng 140-150USD/tấn, giảm 50%.
Gần đây, giá bán bình quân thép xây dựng đã tăng nhẹ lên 10,6 triệu đồng/tấn từ 10,4 triệu đồng/tấn, mức tăng nhẹ kể từ cuối tháng 6 nhờ sự phục hồi của giá sắt phế liệu. Giá thép phế liệu đã tăng lên 290USD/tấn từ 270USD/tấn trước đó. Khoảng 80% sản xuất thép xây dựng trong nước sử dụng sắt phế liệu thay vì quặng sắt.
Quá trình triển khai siêu dự án Dung Quất vẫn theo đúng tiến độ. Siêu dự án này sẽ được xây dựng trong 2 giai đoạn với tổng chi phí đầu tư là 40 nghìn tỷ đồng, bao gồm:
– Giai đoạn 1 có công suất 2 triệu tấn mỗi năm bao gồm 1 triệu tấn thép xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao (cho phân khúc công nghiệp và không phải cho thép xây dựng). Giai đoạn này dự kiến xây dựng trong vòng 24 tháng từ tháng 2/2017 và đi vào sản xuất vào đầu năm 2019. Vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là khoảng 20 nghìn tỷ đồng. Công ty sẽ huy động 10 nghìn tỷ đồng tư nguồn nội bộ và sẽ vay 10 nghìn tỷ đồng từ Vietinbank.
– Giai đoạn 2 sẽ bổ sung 2 triệu tấn HRC mỗi năm sau 24 tháng xây dựng từ tháng 8/2017. Vốn đầu tư dự kiến cho giai đoạn này là 20 nghìn tỷ đồng được tài trợ một phần từ vốn huy động được từ phát hành quyền mua 253 triệu cổ phiếu với giá 20.000đ/cp trong tháng 7 này. Phần còn lại là từ nguồn nội bộ và vay nợ.
Trong tháng 6 năm nay, công ty đã ký hợp đồng D&B với CTD để xây dựng dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát – Dung Quất. Theo đó, CTD đã khởi công xây dựng trong tháng 6. Thời gian xây dựng là 24 tháng. Chi phí xây dựng cho cả hai giai đoạn là 10.300 tỷ đồng. Giai đoạn 1 dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào đầu năm 2019 trong khi đó Giai đoạn 2 sẽ đi vào hoạt động trong tháng 8/2019.
Nhà máy cán thép thuộc giai đoạn 1 của Dự án Dung Quất, sẽ đi vào hoạt động trong Q3/2018, sớm hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu. Qua trao đổi với công ty, chúng tôi được biết công ty mong muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng Giai đoạn 1. Dự kiến nhà máy cán sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2018. Nhà máy cán này sẽ bổ sung 500.000 – 600.000 tấn thép xây dựng (tăng 25%) và duy trì tăng trưởng của công ty trong năm tới. Hiện tại, các nhà máy hiện tại của công ty đã hoạt động với gần 100% công suất. Ban đầu, công ty sẽ kết hợp mua phôi thép từ Thái Lan và chuyển một phần lượng phôi thép từ các nhà máy hiện tại ở phía Bắc về Dung Quất cho việc cán thép xây dựng thành phẩm trước khi Giai đoạn 1 của dự án đi vào hoạt động vào đầu năm 2019.

Sản phẩm thép dài chất lượng cao sẽ được bán cho các nhà sản xuất ốc ít và bu lông trong nước và thay thế thép dài nhập khẩu. Sản lượng tiêu thụ thép dài chất lượng cao trong nước hiện vào khoảng 1,5 triệu tấn mỗi năm. Và 100% được nhập khẩu. Do đó, khi sản phẩm này được sản xuất vào năm 2019, HPG sẽ bán cho các nhà sản xuất ốc vít, bu long trong nước và thay thế cho hàng nhập khẩu.
Quá trình xây dựng nhà máy tôn theo đúng tiến độ. Nhà máy mới này sẽ bắt đầu sản xuất trước cuối năm 2017. Và sau một vài tháng chạy thử, nhà máy sẽ bắt đầu sản xuất thương mại trong những tháng đầu năm sau. Đến hiện tại, công ty đã đầu tư khoảng 600 tỷ đồng vào dự án này trong tổng vốn đầu tư dự kiến là 2.700 tỷ đồng. Tổng công suất của nhà máy này là 400.000 tấn mỗi năm. Công ty dự kiến sản phẩm tôn trước hết sẽ được tiêu thụ ở thị trường phía Bắc trên cùng hệ thống phân phối sử dụng cho ống thép. HPG sau đó sẽ xây dựng hệ thống phân phối bổ sung cho các sản phẩm này.
Về mảng BĐS, dự án Mandarin Garden cũng theo đúng tiến độ. Công ty dự kiến sẽ bàn giao nhà trước cuối năm nay. Trong năm 2017, công ty ước tính sẽ ghi nhận khoảng 20% giá trị hợp đồng trong tổng số căn hộ đã bán. Theo đó chúng tôi ước tính đóng góp của dự án này trong năm nay là khoảng 400 tỷ đồng doanh thu và 140 tỷ đồng LNST.
Chúng tôi dự báo doanh thu thuần cho năm 2017 là 40,2 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 20,7%) và LNST là 7,43 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 12,4%). Các giả định hỗ trợ dự báo của chúng tôi là:
– Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng đạt 2,08 triệu tấn, tăng trưởng 15,1%. Sản lượng tiêu thụ ống thép là 612.000 tấn, tăng trưởng 27,5%. Chúng tôi cũng ước tính sản lượng tiêu thụ phôi thép là khoảng 200.000 tấn, giảm 9,9% do công tỷ chuyển sang sản xuất thép xây dựng cho tỷ suất lợi nhuận cao hơn.
– Giá bán bình quân thép xây dựng dự báo sẽ tăng lên 10,49 triệu đồng/tấn (tăng 8,25%).
– Do đó, chúng tôi dự báo doanh thu từ thép là 34,9 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 21,8%).
– Doanh thu từ thức ăn chăn nuôi dự báo tăng đạt 1.699 tỷ đồng (tăng trưởng 25%) trong khi đó đối với các mảng kinh doanh nhỏ khác, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng doanh thu là 5-10%.
– Lợi nhuận gộp dự báo là 10 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 15,2%) theo đó tỷ suất lợi nhuận là 25,1% giảm từ 26,3% trong năm ngoái.
– Lỗ tài chính thuần dự báo tăng lên 226 tỷ đồng do chi phí lãi vay tăng trong khi đó chi phí bán hàng và quản lý dự báo là 1.249 tỷ đồng (tăng 39,6%) với tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý/doanh thu thuần là 3,1%.
Dự báo LNTT và LNST lần lượt là 8.536 tỷ đồng (tăng trưởng 10,8%) và 7.427 tỷ đồng (tăng trưởng 12,4%). EPS pha loãng dự phóng 2017 là 5.148đ và P/E dự phóng 2017 là 6,5 lần.
Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 41.188đ, theo đó P/E dự phóng là 8.0 lần. Giá cổ phiếu HPG đã tăng khoảng 23,7% so với đầu năm. Như dự báo, cổ phiếu gần đây biến động khá tích cực sau ngày giao dịch không hưởng quyền cho đợt phát hành quyền mua. Rủi ro pha loãng cổ phiếu hiện đã không còn.
Xét về các yếu tố căn bản, định giá cổ phiếu vẫn rẻ với P/E pha loãng dự phóng 2017 chỉ là 6,5 lần. Kế hoạch mở rộng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai khi hiện tại công ty đã hoạt động sát công suất tối đa với cả sản xuất thép xây dựng và ống thép. Thị trường tôn rất tiềm năng trong khi mảng thức ăn chăn nuôi bắt đầu cho lợi nhuận. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp chung giảm, chiến lược mở rộng sang mảng chăn nuôi để cải thiện tỷ suất lợi nhuận thấp này là hoàn toàn hợp lý. Tiếp đó, ghi nhận từ dự án Mandarin Garden 2 phần lớn sẽ rơi vào năm 2018 và sẽ là động lực chính cho năm tới.
(HSC)