Tổng Công ty Viglacera – VGC đã công bố KQKD 6 tháng đầu năm với doanh thu thuần đạt 4,3 nghìn tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ) và LNTT đạt 509 tỷ đồng (tăng 56% so với cùng kỳ). Theo đó VGC đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu thuần và 60% kế hoạch LNTT cả năm sau 6 tháng. VGC đặt kế hoạch kinh doanh khá thận trọng với doanh thu là 8,058 nghìn tỷ đồng (giảm 1%) và LNTT là 890 tỷ đồng (tăng trưởng 16%).
Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VGC là 18.400đ, theo đó P/E dự phóng pha loãng là 10,6 lần. Ước tính LNTT năm 2017 của công ty sẽ tăng trưởng 26% và năm 2018 tăng trưởng 33%. LNST 6 tháng đầu năm tăng 56% so với cùng kỳ. Mảng kinh doanh chính là VLXD đạt kết quả khả quan nhờ nhu cầu ổn định đối với sản phẩm kính xây dựng, thiết bị vệ sinh, gạch xây, gạch ốp lát. Cùng với đóng góp tích cực từ mảng BĐS và KCN. Động lực dài hạn hỗ trợ giá cổ phiếu chủ yếu đến từ tăng trưởng lợi nhuận của các mảng kinh doanh chính cùng với tỷ suất lợi nhuận tăng nhờ tái cơ cấu các công ty con hoạt động kém hiệu quả trong vài năm tới.

Ước tính lợi nhuận 7 tháng đầu năm tăng mạnh. Công ty ước tính LNTT hợp cộng 7 tháng đầu năm đạt khoảng 615 tỷ đồng (tăng 146% so với cùng kỳ). Tuy nhiên lợi nhuận hợp cộng này chưa cấn trừ các giao dịch nội bộ nên chỉ mang tính tham khảo.
Doanh thu 6 tháng tăng trưởng ở mức vừa phả. Cụ thể doanh thu từ bán hàng hóa & cung cấp dịch vụ là 3,76 nghìn tỷ đồng (tăng 7,5% so với cùng kỳ).
Tỷ suất lợi nhuận gộp các mảng không thay đổi nhiều. Lợi nhuận gộp tăng 8,8% so với cùng kỳ và đạt 1.948 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp gần như không đổi ở mức 24,2% (cùng kỳ năm ngoái là 24,4%). Cụ thể:
– Lợi nhuận gộp mảng BĐS đạt 79 tỷ đồng (giảm 13,8% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm còn 14,4% so với 16,8% trong 6 tháng đầu năm ngoái.
– Lợi nhuận gộp mảng kính xây dựng đạt 241 tỷ đồng (tăng 56,3% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng lên 35,1% từ 26,5% trong 6 tháng đầu năm ngoái.
– Lợi nhuận gộp mảng thiết bị vệ sinh đạt 135 tỷ đồng (giảm 1,3% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm còn 27,8% từ 31,5% trong 6 tháng đầu năm ngoái.
– Lợi nhuận gộp mảng gạch ốp lát đạt 207 tỷ đồng (giảm 2,4% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhẹ lên 25,1% từ 24,4% trong 6 tháng đầu năm ngoái.
– Lợi nhuận gộp mảng gạch xây dựng đạt 205 tỷ đồng (giảm 14,1% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp giảm còn 18,1% từ 23,9% trong 6 tháng đầu năm ngoái.
– Lợi nhuận gộp cung cấp dịch vụ bao gồm dịch vụ KCN đạt 180 tỷ đồng (tăng 114% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng đạt 36,7% (6 tháng đầu năm ngoái là 32%).
– Lợi nhuận gộp mảng xây lắp đạt 2,7 tỷ đồng (tăng 35,8% so với cùng kỳ). Tỷ suất lợi nhuận gần như giữ nguyên ở 7,2% (6 tháng đầu năm ngoái là 7,3%).
– Lỗ tài chính thuần giảm nhờ một khoản lãi từ thoái vốn và chi phí lãi vay giảm – Lỗ tài chính thuần giảm 41% so với cùng kỳ xuống còn 51 tỷ đồng.
– Doanh thu HĐ tài chính đạt 28 tỷ đồng (tăng 200% so với cùng kỳ) nhờ khoản lãi 17 tỷ đồng từ thoái vốn khỏi công ty con là CTCP Cơ khí Xây dựng Viglacera (VIMC). VGC còn nhận 837 triệu đồng cổ tức từ công ty liên doanh liên kết (tăng 4 lần so với cùng kỳ).
– Chi phí tài chính giảm 17% so với cùng kỳ xuống còn 79 tỷ đồng; chủ yếu nhờ chi phí lãi vay giảm 15,6% so với cùng kỳ xuống còn 67 tỷ đồng.
Theo đó LNST đạt 411 tỷ đồng (tăng 59% so với cùng kỳ); EPS đạt 1.017đ (tăng 52%) trong quý 1/2017.

Chúng tôi dự báo LNTT năm 2017 tăng trưởng 26%. Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2017 đạt 8,6 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 6%) và LNTT đạt 966 tỷ đồng (tăng trưởng 26%). Chúng tôi dự báo EPS năm 2017 đạt 2.162đ (tăng 18%) và EPS điều chỉnh pha loãng là 1.734đ (giảm 5%). Theo đó P/E cơ bản dự phóng là 9 lần còn P/E pha loãng là 11,3 lần.
Dự báo LNTT năm 2018 tăng trưởng 33%. Chúng tôi dự báo doanh thu năm 2017 đạt 9,7 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 13%) và LNTT đạt 1,29 nghìn tỷ đồng (tăng trưởng 33%). Dự báo EPS năm 2018 đạt 1.973đ; P/E dự phóng là 9,6 lần.
VGC sẽ triển khai tiếp kế hoạch phát hành thêm 21,35 triệu cổ phiếu ESOP, dự kiến là vào cuối Q3. Sau khi phát hành tổng cộng 141,35 triệu cổ phiếu (bao gồm 120 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá và 21,35 triệu cổ phiếu ESOP), tỷ lệ room sẽ giảm còn 5,4% so với mức 21,2% trước phát hành. Vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên 4,48 nghìn tỷ đồng từ mức hiện tại là 3,97 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu nhà nước tại công ty sẽ giảm xuống 54% từ mức 78,8% sau khi hoàn tất hai đợt phát hành trên trong năm nay. VGC cũng dự kiến giảm tiếp sở hữu nhà nước xuống 36% vào sau năm 2020.
Viglacera sẽ trả cổ tức tiền mặt cho năm 2016 là 950đ/cp, theo đó tỷ lệ cổ tức/giá là 6,2%. Ngày thực hiện chưa được xác định nhưng dự kiến sẽ vào Q4 năm nay.
Diễn biến tích cực của thị trường BĐS sẽ duy trì đà tăng trưởng cho mảng VLXD. Thị trường BĐS hồi phục ở từng phân khúc vẫn là động lực duy trì tăng trưởng cho mảng VLXD của VGC, vốn là mảng đóng góp phần lớn vào lợi nhuận gộp. Trong báo cáo ngành BĐS, chúng tôi giữ quan điểm tích cực và dự kiến số lượng căn bán được sẽ tăng với tốc độ gộp bình quân là 11%/năm trong vài năm tới.

Chúng tôi dự báo phân khúc nhà ở bình dân sẽ tăng trưởng 95% trong năm nay và đạt 18.700 căn, chiếm 23,7% tổng số nhà xây mới; sau đó sẽ tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân là 25%/năm cho đến 2020. Số căn hộ xây mới ở phân khúc bình dân sẽ tăng 3,5 lần vào năm 2020 so với 2016. Ở phân khúc văn phòng và biệt thự, Savills cũng dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ lần lượt đạt 9% và 10% trong trung hạn.
Đối với mảng thiết bị vệ sinh. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân gộp hàng năm của doanh thu trong 3 năm tới là 11% với tỷ suất lợi nhuận gộp là 30% – VGC tập trung vào phân khúc trung cấp với tổng công suất là 1,25 triệu thiết bị vệ sinh/năm và 500.000 bộ sen vòi /năm. Mảng này đã tăng trưởng với tốc độ gộp bình quân năm là 19,6% từ năm 2010-2015, và sản xuất hiện tại đã đạt công suất tối đa.
Đối với mảng gạch Granite và Ceramic. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng gộp bình quân hàng năm của doanh thu trong 3 năm tới là 8,7% với tỷ suất lợi nhuận gộp dao động từ 24%-28% – VGC có 3 công ty con với tổng công suất 20 triệu m2 gạch mỗi năm. Công ty đã mua lại nhà máy gạch Mỹ Đức tại Vũng Tàu và dây chuyền sản xuất đầu tiên của nhà máy này đã bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 7 năm nay. Nhà máy có công suất là 2,5 triệu m2 gạch và sẽ chuyển từ sản xuất gạch ceramic sang sản xuất gạch granite nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường. Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2017-2020, công ty sẽ xây dựng thêm 3 nhà máy nữa và theo đó tổng công suất sẽ tăng thêm 70% lên 34 triệu m2. Chúng tôi dự báo mức tăng trưởng vừa phải cho mảng ngày do nhu cầu biến động theo thị trường.
Quỹ đất sẵn có sẽ được sử dụng để phát triển các dự án nhà ở xã hội và chung cư giá rẻ và mở rộng các KCN. Sau khi ghi nhận doanh thu từ dự án chung cư cao cấp Thăng Long Number 1 trong năm 2015, công ty dự kiến sẽ phát triển tiếp giai đoạn 2 với diện tích 2 ha vào năm 2017 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2019. Sau khi đã ghi nhận phần lớn doanh thu từ các dự án hiện tại trước đó, doanh thu mảng BĐS trong năm 2016 chỉ là 1.025 tỷ đồng (giảm 34,45% so với năm 2015). Trong năm 2017, công ty vẫn còn một số sản phẩm thấp tầng tại một số dự án như Xuân Phương, Đặng Xá và Hoàng Hoa Thám (Hà Nội).

Doanh thu KCN biến động nhiều do những thay đổi trong phương pháp hạch toán. Mảng KCN đóng góp danh thu khá nhỏ, là 7%, tương đương 285 tỷ đồng và điều này là do sự khác biệt trong phương pháp ghi nhận doanh thu của VGC. Trước đó, VGC lựa chọn phân bổ doanh thu này trong suốt thời gian cho thuê và áp dụng cách hạch toán này với một số KCN cũ như Tiên Sơn, Yên Phong. Và nhờ vậy, công ty luôn có một khoản thu nhập đều đặn trong 50 năm. Tuy nhiên, đối với các KCN mới như Đồng Văn 4, công ty đã thay đổi cách thức ghi nhận doanh thu và áp dụng phương thức ghi nhận doanh thu một lần tương tự như KBC. Do đó, đóng góp doanh thu từ mảng này sẽ mang tính chu kỳ hơn. Và chúng tôi dự báo đóng góp của mảng này sẽ tăng trở lại trong năm 2017, khi Samsung nhiều khả năng sẽ ký hợp đồng thuê thêm 40 ha tại KCN Yên Phong, khi đó tổng giá trị hợp đồng ghi nhận cho năm nay có thể lên tới 544 tỷ đồng.
Các KCN của VGC hiện thu hút nhiều doanh nghiệp lớn ở khu vực Bắc Á. Các doanh nghiệp thuê đất ở các KCN của VGC hiện tại phần lớn hoạt động trong lĩnh vực điện tử hoặc CNTT và đến từ khu vực Bắc Á như Samsung, Canon, Orion, Sumitomo,… Điều này phản ánh làn sóng đầu từ FDI vào Việt Nam vẫn sẽ ổn định và nhu cầu đối với đất KCN sẽ tiếp tục gia tăng.
Ngoài hoạt động kinh doanh cốt lõi tốt, VGC vẫn còn dư địa tăng trưởng khác trong tương lai – Động lực tăng trưởng của VGC trong vài năm tới có lẽ vẫn sẽ tiếp tục cùng với sự sôi động của thị trường BĐS ở phân khúc bình dân song song với mảng VLXD với các dòng sản phẩm chất lượng tốt, giá cả phải chăng, như kính xây dựng, sứ vệ sinh, gạch xây & gạch ốp lát.
Ngoài triển vọng tăng trưởng của hoạt động kinh doanh cốt lõi thì giá cổ phiếu còn có một số động lực khác như: Thoái vốn các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành nhằm cải thiện hiệu suất hoạt động và nâng cao tỷ suất lợi nhuận. Giảm tỷ lệ sở hữu của Bộ Xây dựng sau khi hoàn tất đấu giá và phát hành ESOP từ mức 54% xuống còn 51% trước cuối năm 2019. Theo đó ban lãnh đạo có thể tập trung hơn trong việc xây dựng chiến lược phát triển cho công ty. Khả năng được bổ sung thêm vào các giỏ chỉ số trong 6-18 tháng tới. Theo đó sẽ làm tăng sức hấp dẫn của cổ phiếu đối với các quỹ đầu tư.
Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu là 18.400đ; tương đương P/E dự phóng là 10,6 lần. Đây là cổ phiếu hấp dẫn để đầu tư dài hạn. Định giá hiện tại cho thấy dư địa tăng giá trong ngắn hạn không còn nhiều. Viglacera là doanh nghiệp đầu ngành vật liệu xây dựng với cổ phần tại nhiều công ty con đang hoạt động khá hiệu quả và tận dụng sự phục hồi của thị trường BĐS. Một lợi thế khác đến từ quỹ đất dồi dào cho phát triển các dự án nhà ở xã hội, chung cư giá rẻ và KCN. Bên cạnh đó, tiềm năng từ quá trình tái cơ cấu các công ty hoạt động kém hiệu quả trong gần 40 công ty con, liên kết hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là sau khi Nhà nước thoái vốn.
(HCM)