CTCP Cao su Đà Nẵng – DRC vừa công bố KQKD 6 tháng đầu năm kém khả quan vào đêm qua 21/7. Doanh thu thuần là 1.764 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ), nhưng LNTT giảm mạnh 47% so với cùng kỳ chỉ đạt 131,8 tỷ đồng. Lợi nhuận giảm do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh. Trong điều kiện khả năng quyết định giá bán hạn chế, điều này đã ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận. Với kết quả này, công ty mới hoàn thành 49% kế hoạch doanh thu thuần và chỉ 24,4% kế hoạch LNTT cả năm.
Doanh thu tăng 8% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ sản lượng lốp radial tiêu thụ tăng mạnh 63,7%. Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đã bán được 165.700 lốp radial (tăng 63,7% so với cùng kỳ). Tiêu thụ lốp radial tăng mạnh được hỗ trợ từ thị trường xuất khẩu.
DRC đã xuất khẩu 113.000 lốp radial (gần gấp đôi so với cùng kỳ), chiếm 68% tổng sản lượng tieu thụ lốp radial. Thị trường xuất khẩu chính của lốp radial là Brazil (chiếm gần 40% sản lượng xuất khẩu), tiếp đến là Thái Lan và Malaysia, chiếm khoảng 10% sản lượng xuất khẩu cho mỗi quốc gia. Thị trường Mỹ vẫn chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong xuất khẩu. Tuy nhiên, nhu cầu xuất khẩu ổn định và sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng giá bán các sản phẩm xuất khẩu thường thấp hơn khoảng 10% so với giá bán trong nước, do đó tỷ suất lợi nhuận của lốp radial vẫn chịu áp lực. Dù vậy, sự gia tăng trong tiêu thụ và tỷ trọng đóng góp của xuất khẩu vẫn khả quan, trái ngược với tình hình của CSM, vẫn gặp khó khăn với sản phẩm này.

Sản lượng tiêu thụ lốp bias giảm 7,6% so với cùng kỳ. Chúng tôi biết rằng sản lượng tiêu thụ lốp bias đã giảm 7,6% so với cùng kỳ chỉ đạt 405.000 lốp, chủ yếu là do ảnh hưởng từ xu hướng thay thế lốp bias bằng lốp radial cũng như áp lực cạnh tranh từ sản phẩm lốp bias nhập khẩu.
Giá bán bình quân tăng 10% nhưng không đủ để bù đắp chi phí. Trong Q1 năm nay, do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, giá bán bình quân được điều chỉnh tăng hai lần, với mức tăng tổng cộng 10%. Giá bán tăng 5% vào tháng 1 và tăng tiếp 5% trong tháng 3. Với cạnh tranh gia tăng từ lốp nhập khẩu từ Trung Quốc, giá bán bình quân tăng có vẻ đã có tác động tiêu cực lên sản lượng tiêu thụ, đặc biệt là đối với lốp bias. Trong Q1, sản lượng tiêu thụ lốp bias tăng 15,7% nhưng đến Q2 sản lượng tiêu thụ lại giảm mạnh 24,9% so với cùng kỳ. Và mức tăng 10% của giá bán bình quân không đủ để bù đắp chi phí tăng.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng làm giảm tỷ suất lợi nhuận. Giá đầu vào các nguyên liệu chủ chốt tăng mạnh, cụ thể: Cao su tự nhiên (chiếm 40% giá vốn hàng bán), tăng 43,7% so với cùng kỳ. Cao su tổng hợp (chiếm 10% giá vốn hàng bán) tăng 30-40% so với cùng kỳ.
Chính sách quản lý tồn kho chủ động của công ty phản tác dụng, đẩy công ty vào tình thế tồn kho nguyên liệu chi phí cao trong khi giá mua ngay giảm. Công ty đã mua dự trữ cao su tự nhiên với số lượng rất lớn và đủ cho sản xuất đến tháng 8 hoặc lâu hơn. Cũng như CSM, giá cao su tự nhiêm giảm mạnh xuống 32-35 triệu đồng/tấn từ mức đỉnh điểm 50-60 triệu đồng/tấn, nhưng giá cao su tự nhiên bình quân trong 6 tháng đầu năm nay của công ty vẫn ở mức cao là 46-47 triệu đồng/tấn (tăng 43,7% so với cùng kỳ). Thế nên, công ty chỉ đạt lợi nhuận gộp 244 tỷ đồng (giảm 31,3% so với cùng kỳ), tỷ suất lợi nhuận gộp giảm về mức thấp kỷ lục 13,8% từ 21,8% trong cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, chi phí bán hàng tăng 20,2% so với cùng kỳ lên 50,4 tỷ đồng để thúc đẩy bán hàng. Trong khi đó chi phí quản lý giảm còn 28,6 tỷ đồng (giảm 32,1% so với cùng kỳ) nhờ chi phí quản lý giảm mạnh. Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu thuần giảm còn 4,5% từ mức 5,1% trong 6 tháng đầu năm ngoái.

Lỗ tài chính thuần tăng lên 33,4 tỷ đồng từ 26,3 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016, chủ yếu do doanh thu HĐ tài chính giảm mạnh trong khi chi phí tài chính giữ nguyên. Doanh thu HĐ tài chính giảm mạnh xuống còn 4,9 tỷ đồng (giảm 59,3% so với cùng kỳ) do lãi tiền gửi giảm xuống chỉ còn 529 triệu đồng từ 5,4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lãi tỷ giá cũng giảm 35% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận giảm đáng kể 47% so với cùng kỳ, do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm đáng kể cộng với lỗ tài chính thuần tăng. Sự sụt giảm được hạn chế một chút nhờ doanh thu chỉ tăng trưởng nhẹ và chi phí bán hàng & quản lý giảm mạnh. Theo đó LNTT và LNST giảm xuống lần lượt còn 131,8 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ) và 105,3 tỷ đồng (giảm 47% so với cùng kỳ).
Tại thời điểm ngày 30/6/2017, khoản mục hàng tồn kho tăng mạnh lên 1.026 tỷ đồng (tăng 33% so với đầu năm). Trong đó: Tồn kho nguyên liệu là 610 tỷ đồng (tăng 116% so với đầu năm) và tương đương 2,6 tháng sản xuất. Tồn kho thành phẩm là 407 tỷ đồng (tăng 9% so với đầu năm) và bằng doanh thu của 1,6 tháng.
Nhà máy radial đang hoạt động 100% công suất . Trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đã tiêu thụ được 165.700 lốp radial. Do vậy cho cả năm, chúng tôi kỳ vọng công ty có thể tiêu thụ được 290.000-300.000 lốp radial với công suất hoạt động bằng công suất thiết kế là 300.000 lốp. Giai đoạn 2 của nhà máy radial đang trong quá trình xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong khoảng đầu năm sau. Theo đó, công suất sản xuất lốp radial sẽ tăng thêm 300.000 lốp lên tổng cộng 600.000 lốp. Chi phí đầu tư cho giai đoạn 2 là 700 tỷ đồng; được tài trợ từ vốn tự có và vốn vay ngân hàng. Trong khi đó, công ty bổ sung thêm máy móc để tăng công suất hiện tại. Do đó, đến cuối năm nay, công ty có thể tăng công suất lốp radial thêm 20-30% dù giai đoạn 2 của nhà máy chưa đi vào hoạt động. Giải ngân cho dự án này hiện ở mức 100 tỷ.
Tính cho cả năm 2017, Chúng tôi dự báo doanh thu thuần đạt 3.597 tỷ đồng (tăng trưởng 7%) và LNTT đạt 311 tỷ đồng (giảm 37%). Dự báo này dựa trên những giả định chính sau: Sản lượng lốp radial tiêu thụ đạt 299.723 chiếc (tăng 30%) và lốp bias tiêu thụ đạt 838.503 chiếc (giảm 5%). Giả định giá bán bình quân lốp radial là 3,5 triệu đồng/chiếc (giảm 5,4%) và bias là 1,9 triệu đồng/chiếc (tăng 2,1%).
Tóm lại, doanh thu từ lốp radial đạt 1.101 tỷ đồng (tăng trưởng 29,2%) và doanh thu từ lốp bias đạt 1.657 tỷ đồng (giảm 3%). Ngoài ra doanh thu từ các sản phẩm khác đạt 839 tỷ đồng (tăng trưởng 4,8%). Giả sử giá cao su tự nhiên bình quân sẽ tăng lên khoảng 43 triệu đồng/tấn (tăng 31,4%) từ 32,7 triệu đồng/tấn trong năm ngoái.
Chúng tôi dự báo lợi nhuận gộp đạt khoảng 557,6 tỷ đồng (giảm 20,4%) và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 15,5% (năm 2016 là 20,9%). Lỗ tài chính thuần là 78,2 tỷ đồng (năm ngoái là 66,4 tỷ đồng) do lãi tiền gửi giảm 35,7% trong khi chi phí lãi vay tăng 5%. Dự báo LNTT và LNST giảm 37% lần lượt xuống còn 311 tỷ đồng và 247,3 tỷ đồng. Theo đó, EPS năm 2017 đạt 1.915đ; P/E dự phóng là 14,1 lần.

Chúng tôi điều chỉnh giảm giá trị hợp lý xuống 28.726đ, tương đương P/E dự phóng là 15 lần. Giá cổ phiếu DRC hiện đang ở đáy 52 tuần và đã giảm 12,4% so với đầu năm do KQKD 6 tháng đầu năm 2017 gây thất vọng. Do cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa, đặc biệt là từ lốp Trung Quốc, nên công ty khó điều chỉnh giá bán khi giá đầu vào tăng mạnh, ngoài ra công ty còn mua dự trữ nguyên tồn kho nguyên liệu giá cao, từ đó khiến cho tỷ suất lợi nhuận giảm. Công ty đang nâng công suất lốp radial là một điểm cộng mặc dù giá xuất khẩu giảm. Hiện chúng tôi thấy không có nhiều động lực tích cực cho giá cổ phiếu mặc dù kỳ vọng chi phí nguyên liệu đầu vào sẽ giảm trở lại trong nửa cuối năm còn câu chuyên nâng công suất vẫn giữ nguyên giá trị. Dựa trên dự báo mới điều chỉnh của chúng tôi thì hiện giá cổ phiếu đã ở mức giá trị hợp lý với P/E dự phóng năm 2017 là 14 lần.
(HSC)