CTCP Chứng khoán Bản Việt sẽ niêm yết trên HSX vào ngày 07/7/2017 với mã chứng khoán là VCI. Gần đây VCI đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 11,8 triệu cổ phiếu với giá 48.000đ, thu về tổng cộng 566 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu lưu hành hiện giờ là 103,2 triệu đơn vị và vốn hóa là 4.953 tỷ đồng (dựa trên giá IPO là 48.000đ). Với tỷ lệ free float thấp, chúng tôi cho rằng giá cổ phiếu sẽ tăng tốt sau khi niêm yết, vì NĐT tổ chức và cổ đông khác nhiều khả năng sẽ muốn mua vào thêm. Tại giá IPO, P/B dự phóng là 2,75 lần và P/E dự phóng là 12,3 lần. Hiện chúng tôi thấy P/E trung vị của các công ty chứng khoán trong khu vực là 15,7 lần sau khi đã điều chỉnh theo rủi ro quốc gia.

Chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu VCI là 58.500đ, tương đương P/E dự phóng là 15 lần. Công ty đặt kế hoạch LNTT đạt 548 tỷ đồng (tăng trưởng 31,7%) trong năm nay nhờ mảng môi giới khách hàng tổ chức và IB mạnh. Có lẽ VCI sẽ dùng tiền thu được từ phát hành riêng lẻ và phát hành trái phiếu gần dây để nâng thị phần ở mảng môi giới khách hàng cá nhân, là mảng công ty còn thua kém. Trong khi đó, mảng IB hiện đã có nhiều hợp đồng, còn mảng môi giới khách hàng tổ chức sẽ tiếp tục khả quan. Tin đồn về khả năng M&A trong tương lai có thể sẽ là động lực chính cho giá cổ phiếu VCI. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam tiến gần hơn tới thời điểm được MSCI xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi, nên chắc chắn sẽ được các doanh nghiệp trong khu vực theo dõi.
VCI dự kiến dùng tiền thu được để:
– Bổ sung vốn và giảm nợ
– Đầu tư cho hoạt động tự doanh
– Bổ sung vốn cho vay margin theo sự tăng trưởng của thị trường
– Dùng cho các mục đích chung khác của doanh nghiệp.
Tại thời điểm cuối Q1, thị phần của VCI trên HSX là 7,68% (năm 2016 là 10,18% và năm 2015 là 7,78%). Thị phần môi giới thường không ổn định vì phụ thuộc nhiều vào số lượng thương vụ liên quan đến các hợp đồng IB lớn trong quý trước. Công ty đứng đầu về mảng IB trong vài năm qua, đồng thời cũng đang nâng thị phần môi giới khách hàng tổ chức. Tuy nhiên công ty vẫn kém về thị phần môi giới khách hàng cá nhân do quy mô vốn nhỏ hơn đối thủ.
Ngoài ra, VCSC còn dự kiến phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu kèm quyền chọn với kỳ hạn 2 năm. Trái phiếu được phát hành riêng lẻ, với lãi suất không vượt quá mức lãi suất cho vay trung hạn bình quân của BIDV và VietinBank cộng 4,5%. Quyền chọn sẽ có hiệu lực sau 7 ngày phát hành. Tiền thu được dùng để bổ sung vốn lưu động gồm đáp ứng vốn cho vay margin và các nhu cầu khác khi thị trường phái sinh vận hành. Hiện VCSC có 894 tỷ đồng trái phiếu phát hành và sẽ đáo hạn vào 2017 hoặc Q1/2018. Do đó, ít nhất một phần trong 300 tỷ đồng trái phiếu có khả năng được dùng để thanh toán gốc trái phiếu đáo hạn. Bên cạnh đó trái phiếu phát hành có thể giúp VCI thu hẹp khoảng cách về cho vay margin với 2 công ty chứng khoán đứng đầu.
Ban lãnh đạo có tỷ lệ sở hữu lớn trong công ty – Ông Tô Hải, TGĐ là cổ đông lớn nhất nắm 22,92 triệu cổ phiếu, tương đương 22,24% cổ phần. Bà Nguyễn Thanh Phượng nắm 4,84% cổ phần. Trước đây ba Phượng nắm 8,97%. Rõ ràng là số NĐT tham gia đợt phát hành riêng lẻ gần đây là NĐT tổ chức, hầu hết là NĐTNN.
Dự kiến LNTT tăng trưởng 31,7% trong năm nay. Trong năm 2016, doanh thu đạt 893,7 tỷ đồng; tăng trưởng 27,5% còn LNTT đạt 416 tỷ đồng (tăng trưởng 38,2%). Trong năm nay, công ty đặt kế hoạch doanh thu là 1.095 tỷ đồng (tăng trưởng 21,8%) và LNTT đạt 548 tỷ đồng (tăng trưởng 31,7%). Mặc dù có thế mạnh trong mảng IB và môi giới khách hàng tổ chức, VCI vẫn thua kém HSC và SSI ở mảng môi giới khách hàng cá nhân. Điều này một phần là do quy mô vốn điều lệ của công ty nhỏ nên quy mô cho vay margin kém hơn HSC và SSI. Chúng tôi thấy mô hình hoạt động tập trung vào IB của công ty cũng cần nhiều vốn.
(HSC)