Cập nhật DBC: Giá heo tăng cao giúp Dabaco tăng trưởng lợi nhuận | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

Cập nhật DBC: Giá heo tăng cao giúp Dabaco tăng trưởng lợi nhuận

Lượt xem:4730 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Giá thịt heo tăng cao và khó giảm trong tương lai gần

    Nguyên nhân chính dẫn đến giá thịt heo neo cao là do nguồn cung hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng. Cụ thể, ước tính cả nước tiêu thụ tầm 920.000-950.000 tấn thịt heo mỗi quý, trong khi nguồn cung thịt heo chỉ ở mức 811.000 tấn trong quý 1. Về nguồn cầu, người dân Việt Nam có thói quen tiêu thụ thịt heo gần như mỗi ngày (thịt heo chiếm 65-70% rổ thực phẩm và người Việt Nam tiêu thụ thịt heo tính trên đầu người đứng hàng thứ 2 thế giới, sau Trung Quốc) do đó đây là một thói quen khó có thể thay đổi “một sớm một chiều”. Hiện tại, dù giá gà, giá vịt hay thủy sản đang tương đối rẻ tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ những loại thực phẩm này lại chưa tăng do thói quen ăn thịt heo của người tiêu dùng vẫn còn cao. Về nguồn cung, hiện nguồn cung đã bị sụt giảm nghiêm trọng sau khi dịch tả châu Phi lan rộng trên khắp cả nước. Trước khi dịch tả châu Phi xuất hiện ở nước ta, tổng đàn lợn cả nước ước đạt trên 31 triệu con. Vì dịch bệnh nên hiện cả nước chỉ còn 24,9 triệu con lợn, giảm 20% so với trước khi có dịch. Vậy nên, tổng sản lượng thịt hiện tại của cả nước đã bị sụt giảm đáng kể.

    Ngoài chênh lệch cung-cầu, giá thịt heo không giảm cũng một phần do chi phí sản xuất cao. Dịch tả châu Phi đã giết chết hay buộc phải tiêu hủy một lượng lớn heo nái và heo hậu của những hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Do đó, nhu cầu con giống cho hoạt động tái đàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ các doanh nghiệp lớn. Các doanh nghiệp chăn nuôi chủ yếu cung cấp con giống cho các đơn bị kinh doanh nằm trong hệ thống của mình nên nhìn chung nguồn cung con giống trên toàn thì trường là tương đối thiếu hụt. Điều này khiến giá heo giống tăng cao và hiện đang dao động ở mức 2,5 – 3 triệu đồng/con (6-10 kg). Bên cạnh đó, với tình hình dịch bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh hay thuốc đặc trị nên tỷ lệ chết hiện ước tính ở mức 30%, cao hơn rất nhiều so với mức 3-5% khi không có dịch bệnh. Điều này khiến cho chi phí chăn nuôi tính trên mỗi con heo đủ điều kiện mang đi bán tăng cao so với trước đây khoảng 50-80%.

    Trước tình hình giá heo tăng quá cao, Chính phủ đã chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi hạ giá bán heo hơi xuống còn 70.000 đồng/kg kể từ ngày 1/4 nhưng chưa mang lại hiệu quả, do 2 nguyên nhân: (1) Sản lượng thịt heo cung cấp bởi các doanh nghiệp chăn nuôi chỉ chiếm 35% thị trường, nhỏ hơn nhiều so với 65% thị phần của các trang trại, gia trại và hộ dân những đơn vị vẫn đang bán thịt heo hơi với mức giá 80.000-90.000 đồng/kg. (2) Phần lớn thịt heo của các doanh nghiệp chăn nuôi được bán cho các thương lái với mức giá 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên, các thương lái bán lại tại chợ với mức giá 85.000-90.000 đồng/kg.

    Các biện pháp từ Chính phủ

    • Nhập khẩu: để thu hẹp chênh lệch cung cầu, Chính phủ đã đề ra mục tiêu nhập khẩu 100.000 tấn thịt heo trong quý 1. Thực tế, đến hết tháng 4, tổng sản lượng thịt heo nhập khẩu chỉ đạt xấp xỉ 50.000 tấn, tăng 300% YoY. Hiện giá bán thịt heo nhập khẩu tại các siêu thị thấp hơn giá bán thịt heo tươi tại chợ tầm 30-40%. Dự kiến, hoạt động nhập khẩu sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm cân đối cung cầu trong Q2 năm nay.
    • Tăng tốc tái đàn: hiện cả nước còn 2,7 triệu con heo nái và 109.000 con heo cụ kỵ, ông bà. Ngoài ra, trong quý 1 đã có 1.808 con lợn giống được nhập khẩu, vậy nên nhu cầu nhân giống nhằm phục vụ cho việc tái đàn là điều có thể đối với ngành chăn nuôi. Theo ước tính, sản lượng thịt lợn xuất chuồng Q2, Q3, Q4 sẽ lần lượt đạt 900.000 tấn, 1 triệu tấn và 1,1 triệu tấn. Với nhu cầu tiêu thụ thịt lớn cả nước đang ở mức 920.000-950.000 tấn/quý. Vậy nên, cung cầu dự kiến được cân bằng và giá sẽ giảm ở Q3 năm nay.
    • Kích cầu các sản phẩm thay thế: hiện tổng đàn gia cầm đang ở mức cao 500 triệu con nên cung có phần vượt cầu nên giá gà và vịt hiện đang ở mức thấp, đôi khi thấp hơn cả giá thành sản xuất. Do đó, Chính phủ đang vận động người dân thay đổi thói quen để tiêu thụ nhiều thịt gia cầm và thủy sản trong khi giảm tỷ lệ thịt heo xuống.

    Dabaco hưởng lợi từ giá thịt heo cao

    Trong Q1-2020, doanh thu thuần của Dabaco đạt mức 2.387 tỷ đồng, tăng 41% YoY. Doanh thu tăng trưởng đến từ hoạt động chăn nuôi và sản xuất dầu ăn. Doanh thu thịt heo đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thịt bán ra tăng 15% YoY còn giá bán tăng mạnh 65%. Do công ty tổ chức chăn nuôi heo với tiêu chuẩn cao và khép kín nên đàn heo của DBC không bị ảnh hưởng nhiều từ dịch tả châu Phi, vậy nên sản lượng thịt cung cấp bởi công ty vẫn ổn định. Giá bán tăng cao do dịch bệnh khiến hơn 6 triệu con heo phải tiêu hủy trên cả nước, từ đó làm giảm mạnh nguồn cung. Chênh lệch cung cầu khiến giá bán thịt heo tăng và giữ vững ở mức cao. Ngoài ra, việc nhà máy sản xuất dầu ăn đi vào hoạt động từ nửa sau năm 2019 góp phần giúp doanh thu tăng gần 160 tỷ đồng.

    Tổng lợi nhuận gộp đạt 620 tỷ đồng, tăng 171% YoY. Biên LNG đạt mức 26% tăng mạnh so với biên LNG Q1-2019 với 14%. Biên LNG được cải thiện đáng kể do tỷ suất lợi nhuận mảng chăn nuôi tăng cao khi giá bán được duy trì ở mức cao trong khi giá vốn tăng nhẹ (ở chi phí thuốc men và kiểm dịch trong thời gian dịch tả kéo dài). Đồng thời, biên LNG của mảng thức ăn chăn nuôi vẫn được duy trì so với cùng kỳ với giá đầu vào và giá bán không biến động khi nhu cầu thức ăn chăn nuôi sụt giảm. Thật vậy, nhiều đơn vị kinh doanh heo vẫn còn rụt rè trong hoạt động tái đàn heo khi mà dịch tả châu Phi vẫn chưa có thuốc đặc trị.

    Tổng các chi phí (gồm chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp) hiện ở mức 251 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ. Chi phí tăng do việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mảng chăn nuôi và sản xuất dầu ăn.

    Một điểm đáng lưu ý là tỷ suất thuế Q1-2020 ở mức 7%, thấp hơn rất nhiều so với mức 28% của Q1-2019. Phần lớn lợi nhuận Q1 đến từ mảng chăn nuôi và mảng hiện đang được hưởng ưu đãi thuế suất thấp, thay vì 15% như thông thường. Ngoài ra, thuế suất đánh trên mảng thức ăn chăn nuôi là 15% và 20% cho những hoạt động kinh doanh khác như đầu tư bất động sản, bao bì hay thương mại.

    Tựu chung, LNST Q1-2020 đạt mức 349 tỷ đồng, tăng 17,3x.

    Kết luận lại, dự kiến trong Q2 giá thịt heo vẫn sẽ giữ ở mức cao do hiện tại nguồn cung trong nước vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Do đó, chúng tôi cho rằng DBC vẫn có thể thu được nhiều lợi nhuận từ mảng chăn nuôi như trong Q1. Bên cạnh đó, hoạt động tái đàn đang được Chính phủ hỗ trợ mạnh mẽ, vậy nên nhu cầu thức ăn chăn nuôi có thể tăng trong thời gian tới. Điều này sẽ giúp giá bán cũng như biên LNG mảng thức ăn chăn nuôi tăng nhẹ so với Q1. Tựu chung lại, chúng tôi dự kiến cả doanh thu và lợi nhuận của Q2 đều sẽ cao hơn Q1.

    Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy ().., tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào. ĐỂ CÓ CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH MUA BÁN TỪNG CỔ PHIẾU, QUẢN TRỊ DANH MỤC THÌ XIN LIÊN HỆ VÀO HOTLINE.

    Xin chân thành cảm ơn!

    Source: VDSC

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn