(Đồ thị cổ phiếu PLX ngày 20/11/2020, nguồn: fireant)
Tiềm năng phục hồi mạnh mẽ
Chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN cho Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX) trong khi tăng giá mục tiêu thêm 15,6%, chủ yếu do cập nhật mô hình giá mục tiêu đến cuối năm 2021 và tỷ lệ WACC thấp hơn 70 điểm cơ bản.
Chúng tôi hầu như giữ nguyên dự báo lợi nhuận giai đoạn 2021-2024 trong khi giảm dự báo lợi nhuận năm 2020 thêm 20,6% khi chúng tôi dự báo biến động giá dầu gần đây sẽ ảnh hưởng lợi nhuận quý 4.
Chúng tôi dự báo EPS năm 2020 giảm 75,9% YoY do 1) chi phí đầu vào cao trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020, 2) sản lượng bán giảm 5% YoY, và 3) lợi nhuận mảng dầu nhiên liệu máy bay giảm trong bối cảnh dịch COVID-19. Dự báo lợi nhuận năm 2020 của chúng tôi phản ánh tác động trầm trọng nhất đến từ dịch COVID-19 và giá dầu trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận phục hồi trong quý 3 và sự phục hồi mạnh mẽ hơn trong quý 4/2020.
Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận năm 2021 sẽ tăng gấp ba so với năm 2020, dẫn dắt bởi sự phục hồi của mảng xăng dầu và dầu nhiên liệu máy bay sau dịch COVID-19 cũng như lợi nhuận cao hơn từ mảng nhựa đường, được hỗ trợ bởi chi đầu tư cơ sở hạ tầng tăng tốc. Do đó, chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS giai đoạn 2019-2025 đạt 8,3%.
PLX là lựa chọn đầu tư mạnh mẽ dựa theo mức tăng trưởng dự phóng 5% mỗi năm của tiêu thụ xăng dầu tại Việt Nam, gấp khoảng 3 lần mức trung bình toàn cầu, theo dự báo của BMI Research. Đồng thời, PLX có tiềm năng tăng trưởng từ phát triển các dịch vụ tại các trạm xăng dầu và mảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của công ty.
Rủi ro: giá dầu biến động bất lợi dẫn đến mức chênh lệch đầu ra – đầu vào không thuận lợi.
Chúng tôi kỳ vọng xu hướng phục hồi sẽ tiếp tục trong quý 4/2020.
LN ròng quý 3 của PLX phản ánh sự cải thiện đáng kể so với mức lỗ ròng lớn trong nửa đầu năm, do biến động giá dầu thô trong quý 3 so với biến động lớn và xu hướng giá trong 6 tháng 2020. Mức cải thiện lợi nhuận bất chấp doanh số quý 3 giảm mạnh 13% YoY từ mức cơ sở cao trong quý 3/2019 và và tác động tiêu cực từ làn sóng thứ hai của dịch COVID-19. Trong quý 3, chúng tôi điều chỉnh giảm LN ròng thêm 20% do biến động giá dầu thô bất ngờ và biến động lớn vào đầu tháng 11. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng LN ròng đạt 1 nghìn tỷ đồng – cao hơn 20% so với quý 3 – khi chúng tôi dự báo sản lượng bán sẽ quay trở về mức thông thường trong khi diễn biến giá dầu thô biến động như 6 tháng 2020 nhiều khả năng không lặp lại
Các thay đổi trong Nghị định 83 (quy định về ngành xăng dầu) có thể có tác động tích cực nhẹ đến PLX.
Theo các thông tin truyền thông và qua trao đổi của chúng tôi với các chuyên gia trong ngành, các thay đổi tiềm năng và đáng chú ý nhất trong dự thảo nghị định để thay thế Nghị định 83 bao gồm: 1) thay đổi trong cơ cấu giá xăng bán lẻ; 2) giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu
từ 15 ngày còn 10 ngày, giúp làm giảm độ trễ giữa giá đầu ra và giá đầu vào; 3) giảm số ngày hàng tồn kho tối thiểu từ 30 ngày còn 20 ngày, giúp làm giảm tác động tiêu cực của lỗ hàng tồn kho khi giá dầu thô giảm; và 4) thiết lập mức trần sở hữu nước ngoài tối đa (FOL) là 35% của các công ty phân phối xăng dầu (so với mức 20% hiện tại của PLX). Ngoài ra, chúng tôi ghi nhận khả năng giảm mức chi/lợi nhuận định mức mỗi lít xăng dầu cho các nhà phân phối. Do đó, theo nhận định sơ bộ ban đầu, chúng tôi ghi nhận tác động tích cực nhẹ từ nghị định dự thảo này cho đến khi chúng tôi có thể đánh giá chi tiết hơn khi nghị định chính thức được công bố.
(Nguồn: VCSC)