Tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong Q3/2020 nhờ sản lượng tiêu thụ cao kỷ lục
HPG công bố kết quả kinh doanh sơ bộ Q3/2020 cao kỷ lục với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 24.900 tỷ đồng và 3.785 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước lần lượt là 62% và 110%. Tỷ suất lợi nhuận ròng trong quý cải thiện từ mức 11,6% trong Q3/2019 lên 15,2% trong Q3/2020, đây là mức cao nhất kể từ Q4/2018 nhờ công suất hoạt động tối đa của các lò hiện tại. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG đạt lần lượt 65 nghìn tỷ đồng và 8.845 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 40% và 56% so với cùng kỳ.
Do kết quả kinh doanh Q3/2020 cao hơn ước tính của chúng tôi nhờ sản lượng tiêu thụ và hiệu quả hoạt động của Khu liên hợp thép Dung Quất tốt hơn ước tính, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận ròng năm 2020 thêm 29% từ mức 9,5 nghìn tỷ đồng lên 12,3 nghìn tỷ đồng (+62% so với cùng kỳ). Trong năm 2021, chúng tôi cho rằng doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG sẽ tăng 19% so với cùng kỳ lên 106 nghìn tỷ đồng và 14,6 nghìn tỷ đồng với nhờ đóng góp trong cả năm của giai đoạn 2 của Khu liên hợp Dung Quất.
Với mức giá hiện tại, HPG đang giao dịch với hệ số P/E 2020 và 2021 hấp dẫn lần lượt là 8 lần và 6,8 lần. Với đà tăng trưởng dài hạn đối với doanh thu và lợi nhuận ròng như đã đề cập ở trên, chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu 1 năm là 39.300 đồng/cp (từ 32.400 đồng/cp trước khi chi trả cổ tức năm 2019 trong tháng 7). Do đó, chúng tôi lặp lại khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HPG.
Sản lượng tiêu thụ ở mức cao kỷ lục trong Q3/2020 nhờ nhu cầu thị trường phục hồi và mở rộng thị phần:
Trong 9 tháng 2020, sản lượng thép xây dựng của HPG đạt 2,49 triệu tấn, tăng 26% so với cùng kỳ. Tính riêng Q3/2020, sản lượng tiêu thụ ở mức cao kỷ lục là 974 nghìn tấn, tăng 57% so với cùng kỳ và 25% so với quý trước. Thị phần của HPG tăng lên mức ấn tượng là 35,5% trong Q3/2020 – từ mức 26% trong năm 2019 và 31% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Nhu cầu thép trong Q3/2020 tăng 9% so với cùng kỳ sau khi giảm so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020, do hoạt động xây dựng phục hồi và đẩy nhanh tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, vị trí đắc địa của Khu liên hợp Dung Quất với cảng nước sâu giúp HPG giảm chi phí logistics đến thị trường miền Nam cũng như các thị trường xuất khẩu. Do đó, sản lượng tiêu thụ ở thị trường miền Nam và sản lượng xuất khẩu tăng mạnh lần lượt là 144% và 142% so với cùng kỳ trong Q3/2020 đạt lần lượt 217 nghìn tấn và 167 nghìn tấn, đóng góp tổng cộng 42% tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng của HPG trong Q3/2020 so với 27% trong Q3/2019. HPG đang dần củng cố vị trí dẫn đầu tại thị trường miền Nam với thị phần ở mức 27% trong Q3/2020.
Theo chúng tôi quan sát hầu hết các nhà sản xuất thép xây dựng tại thị trường miền Nam đều bị mất thị phần và sản lượng tiêu thụ giảm trong 9 tháng đầu năm 2020. Các công ty lớn như Vinakyoei, POM, Posco SS và Formosa Hà Tĩnh đều ghi nhận mức sản lượng tiêu thụ giảm lần lượt là -17%, -18%, -54% và -7% so với cùng kỳ (Posco SS đóng cơ sở sản xuất thép dài vào cuối năm 2019 với công suất 500 nghìn tấn/năm).
Doanh thu phôi thép tăng nhờ nhu cầu từ Trung Quốc:
Sản lượng phôi thép tăng lên 519 nghìn tấn trong Q3/2020, tăng 8% so với quý trước. Do HPG không bán phôi thép trong Q3/2019, tổng sản lượng thép dài trong quý – bao gồm doanh thu phôi thép và thành phẩm tăng 141% so với cùng kỳ nhờ sự đóng góp của Khu liên hợp Dung Quất với việc hai lò đầu tiên trong giai đoạn 1 đều đã đạt hơn 100% công suất hoạt động. Việc tiêu thụ phôi thép của HPG được thúc đẩy nhờ nhu cầu từ Trung Quốc, thị trường chiếm khoảng 70% sản lượng xuất khẩu phôi thép của HPG, nhờ vào hoạt động đầu tư công mạnh mẽ tại quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất thế giới.
Mặt khác, sản lượng tiêu thụ thép ống chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ đạt 570 nghìn tấn trong 9 tháng đầu năm 2020.
Lò cao thứ ba đạt công suất hoạt động khá sau 1 tháng hoạt động: Mặc dù mới đi vào hoạt động cuối tháng 8, lò cao thứ 3 của Khu liên hợp Dung Quất đã hoạt động hơn 80% công suất trong tháng 9. Theo đó, sản lượng sản xuất HRC của HPG đạt 100 nghìn tấn trong tháng 9 và 230 nghìn tấn trong Q3/2020. Chúng tôi ước tính rằng lò cao thứ ba sẽ dần đạt công suất tối đa trong quý 4/2020, và lò cao cuối cùng của Khu liên hợp Dung Quất dự kiến đi vào hoạt động vào khoảng đầu năm 2021.
Ước tính lợi nhuận
Kết quả kinh doanh Q3/2020 cao hơn ước tính của chúng tôi nhờ sản lượng tiêu thụ và hiệu quả hoạt động của Khu liên hợp Dung Quất tốt hơn ước tính. Do đó, chúng tôi điều chỉnh tăng ước tính lợi nhuận ròng năm 2020 của HPG thêm 29% từ mức 9,5 nghìn tỷ đồng lên 12,3 nghìn tỷ đồng (+62% so với cùng kỳ). Chúng tôi ước tính thép xây dựng tăng 25% so với cùng kỳ đạt 3,5 triệu tấn, cùng với sản lượng tiêu thụ phôi thép đạt 1,85 triệu tấn – tăng 740% so với cùng kỳ. Chúng tôi cũng giả định giai đoạn 2 của Khu liên hợp Dung Quất sẽ sản xuất 600 nghìn tấn sản lượng HRC trong năm 2020.
Trong năm 2021, chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng của HPG sẽ tăng 19% so với cùng kỳ lần lượt đạt 106 nghìn tỷ đồng và 14,6 nghìn tỷ đồng với giả định tỷ trọng đóng góp trong cả năm của giai đoạn 2 của Khu liên hợp Dung Quất.
Định giá và quan điểm đầu tư
Với mức giá hiện tại, HPG đang giao dịch với hệ số P/E 2020 và 2021 hấp dẫn lần lượt là 8 lần và 6,8 lần. Chúng tôi lặp lại khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu với giá mục tiêu 1 năm là 39.300 đồng/cp (từ 32.400 đồng/cp trước khi chi trả cổ tức năm 2019 trong tháng 7). Các ước tính dựa trên hệ số P/E và EV/EBITDA mục tiêu giữ nguyên ở mức lần lượt là 9 lần và 6,5 lần, và dựa trên kết quả ước tính năm. Rủi ro chính đối với khuyến nghị của chúng tôi là giá bán bình quân thấp hơn và giá đầu vào cao hơn so với giả định ban đầu, điều này có thể khiến lợi nhuận ròng thấp hơn ước tính.
(Nguồn: SSI)