NHNN Việt Nam giảm lãi suất điều hành
- Lãi suất tái cấp vốn giảm 1 điểm phần trăm so với dự báo của chúng tôi là 0,5 điểm %.
- Quyết định hạ lãi suất đối với cho vay ngắn hạn và lãi suất tiền gửi sẽ hỗ trợ cả ngân hàng và khách hàng vay vốn.
- Tác động của việc tăng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc lên doanh thu ngân hàng sẽ không đáng kể.
Chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất chính sách trong năm 2020 bởi CPI so với cùng kỳ vẫn trên mức mục tiêu chính phủ đề ra là 4%.
Vào ngày 17/3/2020, NHNN Việt Nam đã giảm lãi suất điều hành chủ chốt tối đa là 1 điểm phần trăm, bao gồm:
- Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%
- Lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4% xuống 3,5%.
- Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với NHTM giảm từ 7% xuống 6%.
- Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở giảm từ 4% xuống 3,5%.
- Lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn (dưới 6 tháng) giảm từ 5% xuống 4,75% và
- Lãi suất đối đa đối với cho vay ngắn hạn cho các khách hàng vay vốn ưu tiên hoạt động trong nhóm DNNVV, nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, giảm từ 6% xuống 5,5%.
Trong khi đó, NHNN cũng tăng lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ từ 0,8% lên 1%. Đây là lần thứ 2 NHNN giảm lãi suất kể từ tháng 7/2017 và động thái này nằm trong cùng xu hướng của thế giới là hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Sự bùng phát dịch Covid-19 đã gây bất lợi đáng kể đối với môi trường kinh tế toàn cầu.
Lãi suất điều hành giảm nhiều hơn so với dự báo của chúng tôi
Lãi suất tái cấp vốn giảm 1% so với dự báo của chúng tôi là 0,5%, trong khi lãi suất tái chiết khấu giảm 0,5% như dự báo của chúng tôi. Chúng tôi không kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất điều hành trong năm 2020 bởi CPI tổng thể hiện vẫn ở trên mức mục tiêu của chính phủ là 4%.
Tác động đối với các ngân hàng
Do thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng đang dồi dào, chúng tôi không thấy tác động đáng kể từ việc giảm lãi suất điều hành. Tuy nhiên, chúng tôi dự báo việc giảm lãi suất đối đa đối với tiền gửi ngắn hạn (giảm 0,25%) và tăng lãi suất chi trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc (DTBB; tăng 0,2%) sẽ thực sự hỗ trợ các ngân hàng (Hình 1).
Cuối năm 2019, tổng tiền gửi khách hàng và tổng tín dụng của ngành ngân hàng lần lượt là 8.892 nghìn tỷ đồng và 8.195 nghìn tỷ đồng. Theo các cơ quan chức năng, tổng dư nợ cho vay khách hàng tạm thời bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 là 925 tỷ đồng (11,3% dư nợ toàn ngành). Nếu tất cả các ngân hàng đồng thời giảm lãi suất cho vay 1% đối với khoản dư nợ này, thu nhập lãi vay của ngành sẽ giảm 9.250 tỷ đồng (chiếm 6,3% tổng LNTT của ngành và tỷ lệ NIM của ngành sẽ giảm 0,11%).
Tuy nhiên, với việc giảm lãi suất tối đa mới áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng (ước tính chiếm 70% tổng tiền gửi khách hàng), chúng tôi dự báo toàn ngành ngân hàng sẽ tiết kiệm được tới 15.387 tỷ đồng chi phí huy động vốn (chiếm 10,5% LNTT của ngành). Theo đó, tác động đối với tỷ lệ NIM dự kiến sẽ không đáng kể.
Bên cạnh đó, NHNN cũng tăng lãi suất chi trả cho tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VNĐ thêm 0,2%, từ 0,8% lên 1%. Điều này sẽ tạo ra một khoản thu nhập lãi khoảng 451 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng, dựa trên tổng dự trữ bắt buộc của toàn ngành ngân hàng hiện tại, ước tính là 225 nghìn tỷ. Mức tăng lãi suất này tác động khá nhỏ lên doanh thu của ngành ngân hàng.
Những vấn đề lo ngại
Theo lý thuyết, việc điều chỉnh đồng thời lãi suất cho vay và lãi suất huy động sẽ khiến cho tổng thu nhập lãi từ các khoản cho vay hiện tại của hệ thống ngân hàng không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có 2 vấn đề khiến chúng tôi lo ngại:
- Tăng trưởng cho vay của ngành trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt 0,1% so với mức 0,85% cùng kỳ năm ngoái. Tăng trưởng tín dụng của một số NHTM có vốn nhà nước thậm chí âm trong 2 tháng đầu năm 2020.
Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ không tăng nếu tình hình Covid-19 vẫn tiếp tục.
- Dịch Covid-19 càng kéo dài thì nền kinh tế càng khó hồi phục trong ngắn hạn. Do đó, bất chấp các nỗ lực tái cơ cấu khoản nợ và kéo dãn dòng tiền nhưng nhiều công ty có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện các nghĩa vụ trả nợ và thậm chí phá sản. Nếu điều này xảy ra, toàn bộ ngành ngân hàng sẽ phải đối mặt với tình hình nợ xấu gia tăng và chi phí trích lập dự phòng lớn.
Chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn về các viễn cảnh này trong báo cáo ngành ngân hàng sắp tới.
Hiện tại, lựa chọn hàng đầu của chúng tôi đối với cổ phiếu ngân hàng là VPB, ACB và HDB do định giá hấp dẫn và tiềm năng ghi nhận lợi nhuận bất ngờ trong năm nay.
Nguồn HSC.
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================