GIÁ DẦU GIẢM MẠNH: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TỚI NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM. | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

GIÁ DẦU GIẢM MẠNH: ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG TỚI NGÀNH DẦU KHÍ VIỆT NAM.

Lượt xem:5580 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Giá dầu giảm mạnh: Ảnh hưởng đối với ngành dầu khí của Việt Nam 

    • Saudi Arabia đã thông báo nâng sản lượng dầu thô thêm 26,8% lên 12,3 triệu thùng/ngày từ ngày 1/4/2020 trước sự đổ vỡ của liên minh OPEC+ với Nga. Quyết định này đã khiến giá dầu giảm hơn 30% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Phiên giảm vào ngày 7/3 là mức giảm mạnh nhất tính theo tỷ lệ % kể từ cuộc chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.

    • Những biện pháp ứng phó toàn cầu trước đại dịch Covid-19 đang khiến tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại, nhiều khả năng dẫn đến một cuộc suy thoái. Theo đó, dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ thế giới năm 2020 được điều chỉnh xuống còn 0,4% từ 1,8% trước đó.

    • Dự báo cho giá dầu trong năm 2020 cũng được điều chỉnh giảm – với giá dầu Brent điều chỉnh giảm 30% từ 61 USD/bbl xuống còn 43 USD/bbl. Ngành dầu khí Việt Nam thời gian qua đã phải đối mặt với nhiều thách thức như: sản lượng khai thác thấp, vốn đầu tư thấp và bất ổn an ninh; theo đó giá dầu ở mức thấp sẽ càng làm tăng thêm khó khăn cho những doanh nghiệp thượng nguồn trong ngành dầu khí của Việt Nam. 

    • Chúng tôi tin rằng giá dầu giảm nhiều khả năng chỉ mang tính chất ngắn hạn và giá dầu Brent sẽ hồi phục về mặt bằng bền vững hơn là 55 USD/bbl vào năm 2021. Trong mô hình của mình, chúng tôi dự báo giá dầu Brent bình quân là 43 USD/bbl trong năm 2020 và hồi phục lên 55 USD/bbl trong năm 2021.

    • Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của toàn bộ các doanh nghiệp thượng nguồn như GAS, PVD và PVS vì những doanh nghiệp này cùng chuỗi giá trị với các nhà thầu dầu khí. Các doanh nghiệp hạ nguồn, sử dụng khí tự nhiên làm đầu vào chính như DPM hay POW sẽ hưởng lợi từ việc giá khí tự nhiên giảm. Trong khi đó, ảnh hưởng của biến động giá dầu đối với những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PLX nói chung là trung tính, nhưng những doanh nghiệp này sẽ chịu ảnh hưởng từ việc tiêu thụ xăng dầu giảm. 

    • Mặc dù giá dầu có ảnh hưởng không đồng đều đối với các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dầu khí của Việt Nam, chúng tôi cho rằng giá toàn bộ các cổ phiếu dầu khí niêm yết đã ở dưới giá trị và chúng tôi đưa ra đánh giá Mua vào đối với toàn bộ các cổ phiếu dầu khí. Những cổ phiếu chúng tôi ưa chuộng nhất là PVD và POW, với giá đã giảm lần lượt 45,8% và 36,1% so với đầu năm; theo đó định giá đã trở nên rất hấp dẫn với EV/EBITDA dự phóng năm 2021 lần lượt đạt 4,5 lần và 3,9 lần. Giá mục tiêu của chúng tôi cho PVD và POW lần lượt cao hơn 91,4% và 61,8% so với thị giá hiện tại.

    Cơ hội đầu tư đang xuất hiện trong bối cảnh có nhiều thông tin xấu   

    Ảnh hưởng của việc giá dầu thô giảm mạnh và dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp niêm yết trong ngành dầu khí của Việt Nam là không đồng đều. Mặc dù vậy, giá các cổ phiếu dầu khí đã giảm mạnh. Trên thực tế, giá 6 cổ phiếu dầu khí chúng tôi chính thức theo dõi phân tích đã giảm xuống mức thấp hơn nhiều kể cả so với mức giá trong trường hợp lợi nhuận của (hầu hết) các doanh nghiệp này giảm. Thị giá những cổ phiếu này hiện thấp hơn từ 22,7% đến 91,4% so với giá mục tiêu sau điều chỉnh của chúng tôi; và chúng tôi đưa ra đánh giá Mua vào đối với toàn bộ những cổ phiếu này.   

    Giá dầu giảm sẽ làm tăng khó khăn mà ngành dầu khí của Việt Nam phải đối mặt và ảnh hưởng đến lợi nhuận của toàn bộ các doanh nghiệp thượng nguồn do nhưng doanh nghiệp này nằm trong cùng chuỗi giá trị với các nhà thầu dầu khí. Chúng tôi cho rằng 3 doanh nghiệp thượng nguồn là PVD, PVS và GAS sẽ bị ảnh hưởng mạnh nhất xét về lợi nhuận năm 2020. Trái lại, lợi nhuận các doanh nghiệp hạ nguồn như DPM và POW nhiều khả năng sẽ được hậu thuẫn nhờ giá dầu ở mức thấp. Những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như PLX không bị ảnh hưởng nhiều từ dự biến động giá dầu nhưng bị ảnh hưởng tiêu cực từ sức tiêu thụ xăng dầu giảm.

    Mặc dù hiện có nhiều thông tin bất lợi – được công bố rộng rãi – chúng tôi vẫn nhấn mạnh rằng chúng tôi đã xem xét lại các giả định của mình và dự báo toàn bộ các công ty trên (ngoại trừ DPM) sẽ có lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm 2021: PLX và POW dự báo sẽ chỉ tăng trưởng vừa phải, lần lượt ở mức 6% và 7,3%; GAS và PVS tăng trưởng mạnh, lần lượt ở mức 19% và 24,3% trong khi PVD sẽ có lợi nhuận sau khi lỗ trong năm nay.

    Ghi chú: Chúng tôi dự báo PVD sẽ lỗ trong năm 2020 và có lợi nhuận trong năm 2021 nên không thể tính toán mức độ tăng trưởng. Do vậy, chúng tôi sử dụng “L” cho năm lỗ và “P” cho năm có lợi nhuận để thuận tiện cho người đọc.

    Giá các cổ phiếu PVD, PVS và GAS giảm mạnh nhất từ đầu năm, với mức giảm lần lượt là 45,8%; 42% và 37,9%; trong khi giá các cổ phiếu POW, PLX và DPM cũng lần lượt giảm 36,1%; 30,2% và 12% so với đầu năm.

    Trong phần tổng quan về ngành của báo cáo này, chúng tôi sẽ phân tích những nhân tố hiện đang ảnh hưởng đến nền tảng căn bản của ngành dầu khí và quan điểm “từ trên xuống” khi phân tích những phân khúc trong ngành – phân khúc thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Chúng tôi cũng sẽ đề cập đến quan điểm cụ thể về các cổ phiếu dưới dạng tóm tắt và cụ thể; và sẽ có báo cáo riêng cho từng công ty trong danh sách chúng tôi theo dõi phân tích chính thức.

    Về nền tảng căn bản, hiện giá dầu thấp rõ ràng sẽ ảnh hưởng nhiều nhất và chúng tôi sẽ tìm hiểu ngọn nguồn của vấn đề (lưu ý: chúng tôi cho rằng nhiều khả năng giá dầu đã chạm đáy và có lý do để giá sẽ tăng trong tương lai). Tiếp theo, chúng tôi đánh giá những thách thức cụ thể mà ngành dầu khí của Việt Nam đối mặt – trong bối cảnh sản lượng khai thác đã ở mức thấp, vốn đầu tư trong ngành thấp và có những bất ổn về an ninh – tuy nhiên chúng tôi nhấn mạnh rằng áp lực mà các doanh nghiệp ở các phân khúc khác nhau trong ngành phải đối mặt là không hoàn toàn giống nhau (trên thực tế, các doanh nghiệp hạ nguồn sẽ hưởng lợi). Cuối cùng, chúng tôi sẽ đánh giá sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành.

    Giá dầu giảm do Saudi Araibia đẩy mạnh sản lượng trong khi nhu cầu yếu đi   

    Giá dầu đã giảm mạnh sau khi cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia đối tác vào ngày 6/3/2020. Các bên đã không đạt được thỏa thuận về sản lượng mặc dù nhu cầu dầu mỏ của thế giới đang đang tăng chậm lại một cách nhanh chóng sau khi dịch Covid-19bùng phát. Vào phiên giao dịch đầu tiên sau cuộc họp, giá dầu Brent đã giảm xuống đáy trong vòng 4 năm là 31,02 USD/thùng (hiện là khoảng 28,5 USD/thùng).

    Đây là lần đầu tiên kể từ sau những năm 1930 mới thấy sự cộng hưởng khi cú sốc lớn về nhu cầu dầu mỏ (dịch Covid-19 bùng phát) diễn ra cùng lúc với cú sốc về nguồn cung dầu mỏ. Vấn đề nguồn cung là vấn đề đa chiều, nhưng về cơ bản thị trường đã kỳ vọng quốc gia duy nhất có thể ảnh hưởng mạnh đến nguồn cung là Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu (như vẫn thường diễn ra trước đó). Từ đó các nước xuất khẩu dầu mỏ khác sẽ hưởng lợi từ sự “hy sinh” của Saudi Arabia.

    Tuần trước, các nước xuất khẩu dầu mỏ đã thống nhất duy trì thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2,1 triệu thùng/ngày (kết thúc vào cuối tháng 3) kéo dài đến cuối năm. Đồng thời, OPEC đề xuất cắt giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày; trong đó các nước ngoài OPEC sẽ cắt giảm 0,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên Nga đã từ chối.

    Cuộc chiến giá dầu do Nga khởi sướng bằng việc từ chối cắt giảm sản lượng trên thực tế đã khiến giá dầu giảm mạnh nhất trong lịch sử do Saudi Arabia bắt đầu tăng sản lượng để trả đũa.     Và không có gì bất ngờ khi các chuyên gia phân tích ngành dầu mỏ trên thế giới giảm triển vọng đối với giá dầu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự báo giá dầu Brent bình quân sẽ ở vào 43 USD/thùng (giảm 32,8%) trong năm 2020. Cho Q1 năm nay, EIA kỳ vọng nhu cầu dầu mỏ thế giới sẽ giảm 2,5 triệu thùng/ngày. Những tổ chức nghiên cứu khác gồm Goldman Sachs và Standard Chartered thậm chí còn tỏ ra bi quan hơn và giảm dự báo giá dầu Brent bình quân cho năm 2020 về 35-36 USD/thùng.

    Việc dự đoán giá dầu là công việc rất khó khăn vì có nhiều biến số liên quan. Trong đó một trong số những biến số quan trọng nhất là thời gian kéo dài của dịch Covid-19 và mức độ ảnh hưởng về mặt kinh tế của dịch bệnh. Đồng thời cũng khó có thể lường trước được động thái của các nước có ảnh hưởng lớn đến ngành dầu mỏ là Nga, Saudi Arabia và Mỹ (Mỹ muốn giá dầu tăng để sản phẩm dầu đá phiến có thể sản xuất thương mại).

    Giá dầu có thể ổn định ở mức chi phí hòa vốn   

    Chúng tôi sử dụng dự báo của EIA cho giá dầu là 43 USD/bbl cho năm 2020. Giả định cơ bản ở đây là sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC sẽ ổn định mức mà giá bằng với chi phí sản xuất hòa vốn bình quân (bằng chi phí khai thác cộng với tất cả các chi phí khác phát sinh trước và sau sản xuất). Chi phí này khoảng 45 USD/bbl (EIA, 2019).

    Sản lượng của Saudi Arabia chỉ bằng 14,9% tổng sản lượng dầu thế giới trong năm 2019 và sản lượng của toàn bộ OPEC bằng 44,9% tổng sản lượng của thế giới. Do vậy, có thể kỳ vọng rằng các nước sản xuất dầu OPEC và ngoài OPEC sẽ giảm sản lượng đề bù đắp cho phần sản lượng gia tăng từ Saudi Arabia – và kỳ vọng này là hoàn toàn có cơ sở vì hầu hết các nước sản xuất dầu mỏ có chi phí hòa vốn cao hơn Saudi Arabia.

    Chẳng hạn, EIA dự tính sản lượng dầu hàng tháng của Mỹ sẽ bắt đầu giảm từ khoảng tháng 5 với sản lượng giảm từ 13 triệu thùng/ngày hiện nay xuống 12,8 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2020. EIA cũng dự đoán sản lượng dầu bình quân của Mỹ năm 2020 là 12,9 triệu thùng/ngày; sau đó giảm xuống 12,7 triệu thùng/ngày vào năm 2021 do các công ty dầu mỏ giảm sản lượng trước xu hướng giảm của giá dầu. Trong mô hình dự báo của EIA, sản lượng sẽ chịu tác động sau khi giá dầu giảm với độ trễ khoảng 6 tháng.

    EIA giả định sản lượng dầu của thế giới sẽ đạt 102,44 triệu thùng/ngày (tăng 0,3%) trong năm 2021. Trong khi đó nhu cầu của thế giới trong năm 2021 dự báo là 102,85 triệu thùng/ngày (tăng 1,7%). Dựa trên cân bằng cung cầu nói trên, EIA dự báo giá dầu Brent sẽ hồi phục về 55 USD/thùng (tăng 27,9%) trong năm 2021 trong bối cảnh tồn kho dầu thế giới giảm sẽ gây áp lực tăng lên giá dầu.

    Giá dầu giảm làm tăng thêm thách thức cho ngành dầu khí Việt Nam     

    Trước khi có dịch Covid-19 và cuộc chiến giá dầu, ngành dầu khí Việt Nam đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn với sản lượng khai thác thấp, vốn đầu tư trong ngành thấp và bất ổn về an ninh. Kể từ năm 2015, sản lượng dầu khí của Việt Nam đã giảm 10%/năm  do mỏ Bạch Hổ – mỏ dầu lớn nhất tại Việt Nam (chiếm 60% tổng sản lượng) – đang hết dần trữ lượng và sẽ cạn kiệt trong 4-5 năm tới.

    Trên thực tế, PetroVietnam (PVN), tập đoàn nhà nước chịu trách nhiệm thăm dò và khai thác dầu khí trên danh nghĩa của nhà nước Việt Nam, ước tính sản lượng dầu khai thác sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn 2020-2025. Điều này là do các mỏ dầu hết dần trữ lượng, trữ lượng được xác minh và vốn đầu tư cho ngành giảm.

    Sản lượng khai thác giảm cùng với giá dầu không ổn định khiến các nhà thầu dầu khí không có nhiều nguồn lực để đầu tư cho hoạt động thăm dò các mỏ dầu khí mới.

    Trong giai đoạn 2016-2019, PVN chỉ đầu tư 3,6 tỷ USD cho hoạt động thăm dò khai thác, thấp hơn khoảng 80% so với giai đoạn 2011-2015. Theo đó, PVN chỉ xác minh thêm được trữ lượng là 25,6 triệu tấn quy dầu so với 207,5 triệu tấn quy dầu trong giai đoạn 2011-2015.

    Vốn đầu tư cho hoạt động thăm dò khai thác trong giai đoạn 2016-2019 giảm là hệ quả trực tiếp của mặt bằng giá dầu thấp trong giai đoạn 2015-2017. Dòng tiền thoạt động giảm đồng nghĩa với việc doanh nghiệp dầu khí đã sử dụng lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư vào hoạt động thăm dò khai thác. Doanh nghiệp dầu khí còn gặp trở ngại trong hoạt đông thăm dò vì giá hòa vốn; bao gồm chi phí sản xuất và toàn bộ các chỉ phí trước & sau sản xuất) ở luôn ổn định ở mức 55 USD/bbl kể từ năm 2015.

    Tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông cũng cản trở các hoạt động dầu khí thượng nguồn. Trong năm 2019, Trung Quốc đã tăng cường hoạt động của hải quân tại và quanh lãnh hải của Việt Nam. Điều này đã khiến các nhà thầu dầu khí lo ngại và gây khó khăn cho việc huy động vốn đầu tư. Tranh chấp lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc là lý do trực tiếp khiến Repsol rút khỏi dự án Cá Rồng Đỏ, một trong những dự án dầu khí chủ chốt của Việt Nam trong 5 năm qua.

    Với giá dầu dự báo ở khoảng 43 USD/bbl trong năm 2020, thấp hơn nhiều mức hòa vốn là 55 USD/bbl; chúng tôi tin rằng các nhà thầu dầu khí sẽ kích hoạt chế độ “ngủ đông”, nghĩa là cắt giảm chi phí, cắt giảm lao động, tối ưu hóa quy trình tại các mỏ hiện tại và trì hoãn các dự án thượng nguồn.

    Một chiến lược khả quan hơn có lẽ là tiếp tục đầu tư vào các dự án thượng nguồn trong khi cắt giảm chi phí sản xuất; chờ đợi giá dầu hồi phục. EIA dự báo giá dầu Brent năm 2021 là 55 USD/bbl; tăng 64,2% so với mức hiện tại là 28,5 USD/bbl.

    Tuy nhiên, các công ty dầu khí vẫn chịu áp lực về dòng tiền hoạt động. Sau khi sử dụng dần lợi nhuận giữ lại trong giai đoạn 2015-2017 và hiện không còn nhiều tiền, để đầu tư cho các dự án thượng nguồn sẽ cần đến dòng tiền hoạt động.

    Việc giảm sản lượng cũng là việc làm khó khăn. Việc giảm sản lượng xuống dưới mục tiêu đề ra cần được Bộ Công thương cho phép; và đây là việc không hề dễ xin phép do dầu thô chiếm 2,32% thu ngân sách của Việt Nam.  

    Ảnh hưởng của mặt bằng giá thấp đối với các công ty dầu khí của Việt Nam     

    Việc cắt giảm chi phí của các nhà thầu dầu khí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn do các doanh nghiệp này phải xoay sở với (1) nhu cầu giảm, (2) yêu cầu giảm giá dịch vụ và (3) chậm thanh toán từ khách hàng.    Tại mặt bằng hiện tại của giá dầu là 28,5 USD/bbl (giá dầu Brent), chúng tôi tin rằng lợi nhuận toàn bộ các doanh nghiệp thượng nguồn và trung nguồn gồm GAS, PVD, PVS sẽ lần lượt giảm 89,8%; 173,3% và 22,2% trong năm 2020 so với năm 2019. PVD và PVS thậm chí có thể không duy trì được dòng tiền tự do dương do các nhà thầu dầu khí gặp khó khăn về dòng tiền hoạt động. 

    Trái lại, các doanh nghiệp hạ nguồn (sử dụng các sản phẩm dầu khí làm đầu vào chính) như DPM và POW sẽ hưởng lợi từ giá đầu vào thấp. Ngay cả khi giá đầu ra giảm xuống, thì biên lợi nhuận của những doanh nghiệp này vẫn sẽ cải thiện. Chúng tôi ước tính lợi nhuận thuần của DPM có thể tăng trưởng 16,5% còn lợi nhuận thuần của POW có thể tăng 1,4% nếu giá dầu Brent giảm 1 USD/bbl. Chúng tôi sẽ phân tích chi tiết mô hình lợi nhuận của các doanh nghiệp này trong phần sau của báo cáo.

    Trong khi đó các doanh nghiệp kinh doanh bán buôn và bán lẻ xăng dầu như PLX sẽ không bị ảnh hưởng của sự biến động giá dầu do giá bán các sản phẩm xăng dầu hưởng biên lợi nhuận cố định.

    Tại Việt Nam, giá xăng bán lẻ được kiểm soát chặt. Công thức tính giá bán lẻ xăng của Bộ Công thương và Bộ Tài chính như sau:

    Giá bán lẻ xăng dầu = chi phí đầu vào + cước vận chuyển và bảo hiểm đến Việt Nam + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + phân bổ quỹ bình ổn giá + thuế môi trường + chi phí bán hàng & quản lý định mức + lợi nhuận định mức.

    Chi phí đầu vào là giá bình quân của xăng dầu được giao dịch trong 15 ngày tại thị trường Singapore đối với xăng và nhiên liệu xăng dầu lỏng. Chi phí vận tải & bảo hiểm về đến Việt Nam do Bộ Công thương công bố dựa trên chi phí vận tải & bảo hiểm để vận chuyển xăng dầu từ Singapore về đến Việt Nam. Các yếu tố khác do Bộ Tài chính công bố và có thể thay đổi theo thời gian sau khi có hướng dẫn về giá của chính phủ. Do vậy, về mặt lý thuyết, sự biến động của giá nhiên liệu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của các doanh nghiệp xăng dầu như PLX vì các Công ty này có thể chuyển toàn bộ tác động tăng chi phí đầu vào sang cho khách hàng.

    Một thách thức khác: dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhu cầu đối với sản phẩm dầu khí.

    Dịch Covid-19 diễn ra trên toàn cầu ảnh hưởng đến các nhà thầu dầu khí và các công ty liên quan do ảnh hưởng đến nhu cầu đối với các sản phẩm từ dầu mỏ. Trước tiên, các biện pháp hạn chế đi lại trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh làm giảm tiêu thụ dầu nhiên liệu jet, và thứ hai là chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng và hoạt động sản xuất công nghiệp suy giảm do các doanh nghiệp đưa người lao động về nước.

    Tất cả những điều này khiến nhu cầu sử dụng sản phẩm từ dầu mỏ giảm; từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến sức tiêu thụ dầu của thế giới. Như đề cập trên đây, dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2020 đã được điều chỉnh giảm còn 0,4% từ 1,8% trước đó.

    Nhu cầu dầu mỏ giảm cộng với cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga đã khiến giá dầu giảm mạnh như vừa qua. Giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của toàn bộ các doanh nghiệp thượng nguồn do các doanh nghiệp này chia sẻ cùng một chuỗi giá trị với các nhà thầu dầu khí.

    Tuy nhiên, giá dầu giảm khiến giá khí tự nhiên giảm và điều này sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận của các doanh nghiệp hạ nguồn sử dung khí tự nhiên làm đầu vào chính, chẳng hạn như DPM và POW.

    Mức tiêu thụ các sản phẩm xăng dầu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng theo hai cách (1) các biện pháp hạn chế đi lại của các chính phủ trên toàn thế giới sẽ làm giảm nhu cầu nhiên liệu của các hãng hàng không và công ty vận tải, và (2) các ngành và hoạt động kinh doanh không thiết yếu ngừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền tại các thành phố lớn gồm Hà Nội và TP HCM sẽ làm giảm mức tiêu thụ xăng dành cho phương tiện đi lại của cá nhân.

    Lợi nhuận các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực từ sự sụt giảm sức tiêu thụ trong nước.

    Ảnh hưởng đối với các cổ phiếu ngành dầu khí

    Sau khi giá dầu giảm gần đây và triển vọng nhu cầu dầu mỏ không mấy khả quan trong năm 2020, hiện chúng tôi quyết định sử dụng dự báo của EIA cho giá dầu Brent. Theo đó, chúng tôi điều chỉnh giảm 29,5% giả định giá dầu từ 61 USD/bbl xuống 43 USD/bbl cho năm 2020.

    Chúng tôi cũng giả định giá dầu Brent sẽ hồi lục 27,9% trong năm 2021 lên 55 USD/bbl (theo dự báo của EIA). Với những thay đổi trên đây về dự báo cho giá dầu, chúng tôi đã thay đổi dự báo, giá mục tiêu và đánh giá đối với những cổ phiếu trong danh sách chúng tôi chính thức theo dõi phân tích như sau:

    1. Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (GAS), doanh nghiệp trung nguồn, độc quyền trong ngành khí tự nhiên sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ xu hướng giảm của giá dầu. Chúng tôi điều chỉnh giảm 37,3% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 xuống còn 7.672 tỷ đồng nhưng kỳ vọng năm 2021 sẽ tăng trưởng 19%. Giá cổ phiếu đã giảm 37,9% trong 3 tháng qua, hiện P/E dự phóng năm 2020 là 14,8 lần; thấp hơn mức bình quân các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực hiện là 15,2 lần. Do vậy, chúng tôi nâng đánh giá đối với cổ phiếu GAS từ Nắm giữ lên Mua vào với giá mục tiêu dựa trên phương pháp so sánh P/E là 72.000đ; thấp hơn 32,9% so với giá mục tiêu trước đây nhưng cao hơn 22,7% thị giá hiện tại.

    2. Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khoan ngoài khơi trong khu vực sẽ phải xoay sở trước việc giá cho thuê giàn khoan giảm. Chúng tôi điều chỉnh giảm 189% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 xuống mức lỗ 138,7 tỷ đồng; nhưng chúng tôi kỳ vọng Công ty sẽ đạt lợi nhuận thuần 137 tỷ đồng trong năm 2021. Chúng tôi duy trì đánh giá Mua vào đối với cổ phiếu PVD với giá mục tiêu là 15.600đ; thấp hơn 23,5% so với giá mục tiêu trước đây nhưng cao hơn 91,4% thị giá hiện tại. Giá cổ phiếu PVD đã giảm 45,8% trong 3 tháng qua.

    3. Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thượng nguồn lớn nhất tại Việt Nam, sẽ gặp phải khả năng trì hoãn các dự án dầu khí chủ chốt. Chúng tôi điều chỉnh giảm 48,7% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 xuống còn 569 tỷ đồng (giảm 22,2%) nhưng kỳ vọng năm 2021 tăng trưởng 24,3%. Giá cổ phiếu đã giảm 42% trong 3 tháng qua, hiện P/E dự phóng năm 2020 là 8,8 lần; thấp hơn mức bình quân các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực hiện là 10,2 lần. Chúng tôi duy trì đánh giá đối với cổ phiếu PVS là Mua vào với giá mục tiêu là 15.900đ; thấp hơn 30,3% so với giá mục tiêu trước đây nhưng cao hơn 55,9% thị giá hiện tại.

    4. Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí-CTCP (DPM), doanh nghiệp sản xuất phân bón với đầu vào chính là khí tự nhiên, sẽ hưởng lợi từ xu hướng giảm giá khí tự nhiên. Chúng tôi điều chỉnh tăng 21,3% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 lên 496,8 tỷ đồng. Giá cổ phiếu đã giảm 12% so với đầu năm, hiện EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là 2,9 lần; thấp hơn mức bình quân các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực hiện là 3,9 lần. Chúng tôi nâng đánh giá đối với cổ phiếu DPM từ Tăng tỷ trọng lên Mua vào với giá mục tiêu là 15.300đ; cao hơn 4,1% so với giá mục tiêu trước đây và cao hơn 34,2% thị giá hiện tại.

    5. Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW), doanh nghiệp sản xuất điện với 64% là nhiệt điện chạy khí, sẽ hưởng lợi một chút từ việc giá khí giảm. Tuy nhiên, tác động tích cực từ giá khí giảm không đủ để bù đắp cho tác động tiêu cực từ việc hợp đồng mua bán điện cho nhà máy Cà Mau 1&2 được ký lại và nhà máy Nhơn Trạch 1 & 2 được bảo dưỡng. Chúng tôi điều chỉnh giảm 23,3% dự báo lợi nhuận thuần cho năm 2020 xuống còn 2.088 tỷ đồng và kỳ vọng năm 2021 tăng trưởng 7,3%. Giá cổ phiếu đã giảm 36,1% trong 3 tháng qua, hiện EV/EBITDA dự phóng năm 2020 là 3,4 lần; thấp hơn mức bình quân các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực hiện là 5,9 lần. Chúng tôi duy trì đánh giá Mua vào đối với cổ phiếu POW với giá mục tiêu dựa trên phương pháp so sánh EV/EBITDA là 12.300đ; thấp hơn 24,1% so với giá mục tiêu trước đây và cao hơn 61,8% thị giá hiện tại.

    6. Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), doanh nghiệp bán buôn và bán lẻ xăng dầu lớn nhất tại Việt Nam, sẽ không bị ảnh hưởng khi giá dầu biến động. Tuy nhiên sản lượng xăng dầu tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu. Chúng tôi điều chỉnh giảm 4,2% dự báo lợi nhuận thuần năm 2020 xuống còn 4.236 tỷ đồng và kỳ vọng năm 2021 tăng trưởng 6%. Chúng tôi cũng nâng đánh giá đối với cổ phiếu PLX từ Tăng tỷ trọng lên Mua vào với giá mục tiêu dựa trên phương pháp định giá từng phần là 48.800đ; thấp hơn 24,7% so với giá mục tiêu trước đây nhưng cao hơn 23,7% thị giá hiện tại. Giá cổ phiếu PLX đã giảm 30,2% trong 3 tháng qua.

    Nguồn HSC

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn