1. Thị trường chứng khoán châu Á hầu hết tăng hôm nay trong bối cảnh thị trường Phố Wall tăng đêm qua. Về các đồng tiền, đồng USD mạnh lên ngày thứ 2 liên tiêp so với giỏ các đồng tiền tính theo tỷ trọng thương mại (chỉ số đô la ICE ở vào 94,993). So với đồng USD, đồng Euro tiếp tục yếu đi (tỷ giá EUR/USD ở vào 1,1502); đồng Bảng Anh cũng tiếp tục yếu đi (tỷ giá GBP/USD ở vào 1,2994); đồng Yên đảo chiều yếu đi (tỷ giá USD/JPY ở vào 112,37); đồng NDT cũng tiếp tục yếu đi (tỷ giá USD/CNY ở vào 6,7697).
Phân tích – Nhận định thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 21/7, chi tiết xin mời xem tại đây.

2. Giá dầu tăng với giá dầu WTI trên hợp đồng tương lai ở vào 47,16USD/thùng vào cuối thời gian giao dịch trên thị trường châu Á. EIA đã công bố tồn kho dầu tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 14/7 giảm 4,7 triệu thùng xuống còn 490,6 triệu thùng; trái ngược với ước tính của API là tăng. Theo đó bối cảnh tích cực là tồn kho dầu tại Mỹ giảm trong ngắn hạn vẫn đã được duy trì thêm 1 tuần nữa.
3. Saudi Arabia công bố tồn kho dầu trong nước giảm xuống còn tổng cộng là 259 triệu thùng – là mức thấp kỷ lục kể từ tháng 1/2012 và thấp hơn 71 triệu thùng so với mức đỉnh trong tháng 10/2015. Và tồn kho dầu của Saudi Arabia đã giảm 16 trong số 19 tháng tính đến tháng 5/2017. Gần đây đã có tin đồn là Saudi Arabia dự kiến giảm tiếp lượng dầu xuất khẩu; và nếu đúng thì đây là thông tin tích cực cho giá dầu.
4. Trong một thông tin khác, Ecuador công bố kế hoạch rời khỏi thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và nâng sản lượng vì khó khăn tài chính. Đây là sự lung lay đầu tiên đối với thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC/các nước xuất khẩu dầu ngoài OPEC sau khi thỏa thuận này được gia hạn vài tháng trước. Điều này gia tăng áp lực lên cuộc họp của các nước xuất khẩu dầu chủ chốt diễn ra tuần tới tại St. Petersburg. Tại cuộc họp này các nước tham gia có thể sẽ gây áp lực để Libya và Nigeria dừng việc nâng sản lượng của mình. Do vậy mặc dù giá dầu tăng thì tâm lý NĐT trên thị trường dầu mỏ vẫn còn mong manh.
5. Về tin vĩ mô thế giới, Bộ Tài chính Nhật Bản đã công bố số liệu kim ngạch xuất khẩu tháng 6 tăng 9,7% so với cùng kỳ và là tháng thứ 7 liên tiếp tăng. Số liệu công bố khả quan hơn một chút so với dự báo của thị trường là tăng 9,4%. Đồng Yên yếu đi cộng với nhu cầu đối với chất bán dẫn và thiết bị liên quan cao đã giúp cải thiện kim ngạch xuất khẩu.
6. Tại cuộc họp chính sách mới nhất, NHTW Nhật Bản (BOJ) đã quyết định giữ nguyên chương trình kích thích tiền tệ mặc dù tiếp tục lùi thời hạn đạt được mục tiêu lạm phát 2% (lần gia hạn thứ 6). Chính sách tiền tệ hiện tại của Nhật Bản bao gồm chương trình kiểm soát đường cong lợi suất và mua tài sản và gần đây xuất hiện những quan điểm cho rằng BOJ có thể sẽ chấm dứt chương trình này. Tuy nhiên, có vẻ như cả BOJ và IMF đều tin rằng hiện vẫn là quá sớm để làm điều này, đặc biệt khi BOJ hiện dự báo lạm phát năm nay là 1,1% và tăng lên 1,5% vào năm sau (năm tài khóa của Nhật bắt đầu từ tháng 4). Và thị trường hiện chuyển sự chú ý sang NHTW Châu Âu và những quyết định của cơ quan này tại cuộc họp của ủy ban điều hành vào cuối ngày hôm nay. Cơ quan này cũng đang chịu áp lực, đặc biệt từ phía Đức về việc xem xét thời điểm thích hợp để chấm dứt chương trình nới lỏng định lượng hiện tại.
7. Đối thoại kinh tế thường niên giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra tại Washington đã kết thúc mà không có họp báo hay tuyên bố chung. Có vẻ như cả hai bên đã không thể đi đến thỏa thuận chung trong vấn đề thương mại và các vấn đề khác. Thất bại này có lẽ sẽ dẫn đến những thảo luận thương mại trong tương lai đặc biệt là về vấn đề thép. Mỹ vẫn đang tìm cách tiếp cận thị trường dịch vụ tài chính của Trung Quốc và muốn Trung Quốc giảm công suất sản xuất thép dư thừa, giảm thuế ô tô và cắt giảm trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước.
(HSC)