KQKD Q2/2020 tiếp tục khả quan
Lợi nhuận thuần Q2/2020 tăng 18,8% đạt 2.889 tỷ đồng nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng 22,7% và chi phí hoạt động được kiểm soát tốt (chỉ tăng 7,9%). Kết quả thực hiện sát kỳ vọng của chúng tôi.
Tỷ lệ NIM có xu hướng giảm trong Q2/2020 (giảm 0,15% so với quý trước và tăng 0,36% so với cùng kỳ) nhưng thu nhập lãi thuần vẫn tăng trưởng tốt (tăng 23%). Thu nhập ngoài lãi cũng tăng tốt, tăng 21,8%.
Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục giảm còn 0,91% (cuối năm 2019 là 1,33%). Chi phí dự phòng tăng mạnh 510% từ mức rất thấp cùng kỳ và điều này không nằm ngoài dự đoán.
Duy trì đánh giá Mua vào và giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư là 25.700đ.
Sự kiện: Công bố KQKD Q2/2020
TCB đã công bố KQKD Q2/2020 với lợi nhuận thuần đạt 2.889 tỷ đồng (tăng 18,8% so với cùng kỳ). Nhờ tổng thu nhập lãi thuần tăng trưởng mạnh, tăng 22,7% so với cùng kỳ trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát tốt (chỉ tăng 7,9% so với cùng kỳ). Chi phí dự phòng tăng mạnh từ mức thấp cùng kỳ (tăng 510% so với cùng kỳ).
Lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2020 đạt 5.395 tỷ đồng (tăng 19,2% so với cùng kỳ), bằng 49,7% dự báo của HSC cho năm 2020. Tính đến nay lợi nhuận của TCB vẫn sát dự báo của chúng tôi.
Tín dụng tăng khiêm tốn, tăng 3,5% so với đầu năm
Tín dụng tăng khiêm tốn, tăng 3,5% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng chủ yếu rơi vào Q1/2020 (tăng 3,7% so với quý trước) trong khi tín dụng Q2/2020 giảm 0,2% so với quý trước. Đáng chú ý là cho vay khách hàng chỉ tăng 0,4% so với đầu năm nên động lực tăng trưởng chính là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (tăng 27% so với đầu năm). Tăng trưởng cho vay khách hàng đạt thấp có thể do nhu cầu tín dụng nói chung thấp cộng với doanh số bán nhà giảm trong kỳ.
Trái lại, vốn huy động tăng mạnh 9,9% so với đầu năm. Trong đó tiền gửi khách hàng tăng 8,5% so với đầu năm và giấy tờ có giá tăng 34% so với đầu năm. Hiện tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn của TCB là 34,4%; quay về bằng với mức của năm 2019. Đây là tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn cao nhất trong ngành ngân hàng; từ đó giúp TCB duy trì chi phí huy động ở mức thấp.
Tỷ lệ NIM bắt đầu có xu hướng giảm trong Q2/2020
Tỷ lệ NIM bắt đầu có xu hướng giảm trong Q2/2020 sau khi cải thiện liên tục trong 3 quý trước đó. Tỷ lệ NIM 6 tháng đầu năm 2020 là 4,58% (giảm 0,15% so với quý trước và tăng 0,36% so với cùng kỳ), chủ yếu xuất phát từ việc chi phí huy động giảm còn 3,48% (giảm 0,08% so với quý trước và giảm 0,49% so với cùng kỳ) trong khi lợi suất gộp cũng giảm nhẹ xuống 7,56% (giảm 0,2% so với quý trước và giảm 0,07% so với cùng kỳ). Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tỷ lệ NIM của TCB đã bắt đầu thể hiện trong Q2/2020 và cho đến nay tác động vẫn chưa lớn nếu so với nhiều ngân hàng khác.
Nhờ tỷ lệ NIM tăng 0,36% so với cùng kỳ và tín dụng tăng 9,9% so với cùng kỳ trong Q2/2020, thu nhập lãi thuần tăng mạnh 23% so với cùng kỳ đạt 3.935 tỷ đồng (6 tháng đầu năm 2020 tăng 22,9% so với cùng kỳ đạt 8.148 tỷ đồng)
Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng vững nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ và lãi thuần mua bán trái phiếu
Thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng tốt, tăng 21,8% so với cùng kỳ đạt 1.818 tỷ đồng; chủ yếu nhờ lãi thuần HĐ dịch vụ và lãi thuần mua bán trái phiếu.
Lãi thuần HĐ dịch vụ đạt 1.131 tỷ đồng (tăng 47,1% so với cùng kỳ) trong Q2/2020, cụ thể:
Thu nhập dịch vụ thanh toán tăng vững, tăng 17,6% so với cùng kỳ
Thu nhập hoa hồng Bancassurance kém khả quan, giảm 13,6% so với cùng kỳ
Mảng trái phiếu doanh nghiệp, gồm phát hành, môi giới, quản lý quỹ đạt kết quả khả quan, ghi nhận mức thu nhập 597 tỷ đồng (tăng 84,4% so với cùng kỳ).
Lãi thuần mua bán trái phiếu ghi nhận mức tăng trưởng mạnh 110,6% so với cùng kỳ đạt 328 tỷ đồng nhờ thị trường diễn biến thuận lợi. Đây là quý thứ 4 liên tiếp TCB ghi nhận đáng kể lãi từ HĐ mua bán trái phiếu.
Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt hơn trong Q2/2020
Chi phí hoạt động là 1.697 tỷ đồng (tăng 7,9% so với cùng kỳ và giảm 20,6% so với quý trước), cho thấy sự kiểm soát chi phí chặt chẽ của TCB trong Q2/2020. Chi phí nhân sự chiếm 70,5% tổng chi phí hoạt động vẫn tăng 18,9% so với cùng kỳ trên cơ sở số lượng nhân sự tăng 8,9%. Sự cắt giảm chi phí chủ yếu là ở các hoạt động quản lý chung.
Do đã tăng mạnh trong Q1/2020 nên chi phí hoạt động vẫn tăng 20,6% so với cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên nhờ tổng thu nhập hoạt động tăng mạnh hơn (tăng 29,7% so với cùng kỳ), nên hệ số CIR vẫn cải thiện và giảm còn 32,6% trong 6 tháng đầu năm 2020 từ 35% trong 6 tháng đầu năm 2019.
Tỷ lệ nợ xấu giảm còn 0,91% nhờ Ngân hàng xóa nợ xấu
Đến cuối Q2/2020, tổng nợ xấu là 2.100 tỷ đồng (tại thời điểm cuối 2019 là 3.078 tỷ đồng), tương đương 0,91% tổng dư nợ cho vay (tại thời điểm cuối năm 2019 là 1,33%). TCB tiếp tục xóa nợ xấu trong Q2/2020 và tổng nợ xấu đã xóa trong 6 tháng đầu năm 2020 là 1.747 tỷ đồng (bằng 0,75% tổng dư nợ cho vay). Như vậy đã có 769 tỷ đồng nợ xấu mới hình thành trong 6 tháng đầu năm 2020 (bằng 0,33% tổng dư nợ cho vay), là một con số thấp trong bối cảnh có dịch Covid-19.
Chi phí dự phòng tăng đáng kể, tăng 510% so với cùng kỳ lên 772 tỷ đồng trong Q2/2020 và tăng 406% so với cùng kỳ lên 1.211 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2020. Điều này nằm trong dự đoán vì năm 2019 là năm có chi phí tín dụng ở mức rất thấp so với bình thường.
Duy trì đánh giá Mua vào với giá mục tiêu giữ nguyên ở 25.700đ
Chúng tôi duy trì đánh giá Mua vào và giữ nguyên giá mục tiêu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư ở 25.700đ. Hiện chúng tôi dự báo lợi nhuận thuần cả năm 2020 đạt 10.853 tỷ đồng (tăng trưởng 5,7%).
(Nguồn HSC)
GIANG LÂM
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0911096879.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây