Thị trường phiên 30/10
Cả 2 sàn khởi đầu trong sắc đỏ nhưng đã vượt lên trên tham chiếu vào giữa phiên sáng và đầu phiên chiều. Hnindex đóng cửa tăng khoảng 0,5% trong khi Vnindex giảm nhẹ. GTGD trên sàn HSX giảm nhẹ còn trên sàn HNX tăng nhẹ. Độ rộng thị trường tiếp tục giảm với 18 mã tăng trần và 30 mã giảm sàn. GTGD của khối ngoại không thay đổi nhiều và khối này tiếp tục bán ròng trên sàn HSX. Trên sàn HNX, mức độ tham gia thị trường của NĐTNN tăng và khối này vẫn mua ròng nhưng mức độ mua ròng giảm. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra trầm lắng hơn trên sàn HSX, chỉ bằng khoảng 1/2 xét về tỷ trọng so với phiên hôm qua. Hoạt động giao dịch thỏa thuận trên sàn HNX sôi động hơn so với mức bình thường. Chúng tôi thấy có giao dịch thỏa thuận lớn đã diễn ra ở mã VPB, giao dịch thỏa thuận nhỏ diễn ra ở các mã VRE và MSN. Hôm nay không có giao dịch thỏa thuận đáng chú ý nào trên sàn Hà Nội.
NĐTNN tích cực mua và bán VPB; VRE và VHM (mua bán cân bằng ở VPB, mua ròng ở VRE và bán ròng ở VHM). Khối ngoại cũng tích cực mua VCB và SSI; đồng thời tích cực bán VNM và VIC.
• Các mã ngân hàng nhìn chung có phiên giao dịch tốt hơn trong hôm nay, dẫn đầu VCB và ACB tăng. Tuy nhiên BID tiếp tục giảm trong khi đó EIB đóng cửa tại chiếu.
• Các mã tài chính phi ngân hàng biến động trái chiều và tăng, dẫn đầu là BVH và VCI.
• Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ bật tăng mạnh hôm nay, dẫn đầu là MCH, MWG và PNJ. Tuy nhiên mã có tỷ trọng lớn VNM và KDF giảm.
• Cổ phiếu ngành công nghệ đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu ngành sản xuất biến động trái chiều, với STK, EVE và NKG giảm. HHS tăng trong khi đó PAC cũng tăng khá.
• Cổ phiếu dầu khí đồng loạt tăng hôm nay, dẫn đầu là GAS và PVD.
• Cổ phiếu BĐS và xây dựng tiếp tục giảm, trong đó CII, CTD, KDH và một số mã khác tăng nhưng không đủ bù đắp cho mức giảm điểm của DXG, HBC, TDH và các mã khác. KBC đóng cửa tại tham chiếu và SJS cũng vậy.
• Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản giảm, dẫn đầu là HNG, VHC, GTN trong khi đó HAG trái lại tăng mạnh và DPM cũng tăng. VFG đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu ngành dược phẩm giảm, ngoại trừ DMC đóng cửa tại tham chiếu.
• Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, vận tải và logistic tăng, với VNS bật tăng 6%. Chỉ VSC và HVN giảm, trong khi đó NT2 và VSH đóng cửa tại chiếu.
Tin trong nước
PVD: Lãi ròng quý III của PVDrilling gấp 4 lần cùng kỳ nhờ lợi nhuận từ công ty liên kết. Khoản lợi nhuận dương quý vừa qua đã giảm lỗ lũy kế từ đầu năm của PVDrilling còn hơn 197 tỷ đồng.
SAB: Lãi ròng Sabeco giảm 11% trong quý III, có hơn 12.000 tỷ đồng tiền và tiền gửi. Sau 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của Sabeco giảm 6% và thực hiện 82% kế hoạch cả năm.
VNM: 9 tháng, Vinamilk lãi ròng 7.927 tỷ đồng, thực hiện 73% kế hoạch. Thị trường nước ngoài đóng góp 24% trong cơ cấu doanh thu của Vinamilk trong 9 tháng đầu năm.
AAA: AAA lãi ròng gần 129 tỷ đồng sau 9 tháng. AAA thực hiện 98% kế hoạch doanh thu cả năm và 46% chỉ tiêu lợi nhuận 2018.
POW: PV Power lãi ròng 147 tỷ đồng quý III, 9 tháng vượt 24% kế hoạch năm. Việc hạch toán một số chi phí sau khi chuyển đổi thành công ty cổ phần từ 1/7 khiến lợi nhuận quý III của PV Power thấp hơn so với 2 quý trước.
DIG: Lãi ròng DIG tăng 42% trong quý III nhờ bất động sản. Doanh thu kinh doanh bất động sản nâng cao đẩy lợi nhuận ròng 9 tháng của DIG gấp 3 lần cùng kỳ.
HPG: Lũy kế 9 tháng đầu năm, HPG đã đạt 41.988 tỷ đồng doanh thu và 6.833 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng tương ứng 24% và 22% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Hòa Phát đã hoàn thành 85% kế hoạch lợi nhuận năm 2018.
VGC: Lợi nhuận hợp nhất quý III của Viglacera sụt giảm 28%. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng của VGC đạt 662 tỷ, thực hiện 70% kế hoạch năm.
HBC: Chi phí tài chính tăng 19% và chi phí quản lý bán hàng tăng 89% khiến HBC báo lợi nhuận trước thuế quý III sụt giảm 12% còn 267 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 206 tỷ, giảm 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận 9 tháng của HBC đạt trên 500 tỷ đồng, giảm 19% và mới hoàn thành 47% kế hoạch năm.
VJC: Doanh thu Quý 3 tăng trưởng 105%, tỷ trọng doanh thu quốc tế chiếm trên 50%. Với các kết quả kinh doanh khả quan sau 9 tháng 2018, Vietjet dự kiến sẽ hoàn thành tốt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của năm 2018
ACV: Giá vốn giảm, lãi ròng quý III của ACV tăng gấp rưỡi cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, ACV báo lãi sau thuế đạt 4.953 tỷ, tăng 67% cùng kỳ năm trước.
HVG: HVG báo lãi sau thuế 373 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với khoản lỗ lớn 608 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế cả năm, doanh thu của HVG giảm phân nửa còn 8.043 tỷ đồng. Doanh thu tài chính tăng và áp lực chi phí giảm mạnh giúp Hùng Vương có lãi 7 tỷ đồng năm tài chính 2018, năm trước lỗ 705 tỷ đồng.
CTG: Chi phí dự phòng ăn mòn lợi nhuận VietinBank, nợ xấu tăng 35%. Chi phí dự phòng tăng 85% cùng kỳ là nguyên nhân khiến lợi nhuận VietinBank giảm dù ngân hàng này đã gia tăng đáng kể các nguồn thu nhập.
TCB: Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng giám đốc Techcombank, cho biết ngân hàng ông vừa được Ngân hàng Nhà nước nới hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Như vậy, Techcombank sẽ có thêm 6.000 – 8.000 tỉ đồng để cho vay trong những tháng cuối năm.
REE: REE bị phạt và truy thu thuế hơn 10 tỷ đồng. Phần lớn tiền phạt và truy thu thuế của REE là thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017.
VPB: Vợ chủ tịch VPBank mua hơn 7 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện từ ngày 2/10 đến 24/10 thông qua hình thức khớp lệnh trên sàn.
TNG: Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Mạnh muốn gom 1 triệu cp.Thời gian giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 31/10 – 28/11/2018 thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
IDI: Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai vừa đăng ký mua vào 27 triệu cổ phiếu Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa Quốc Gia I.D.I trong thời gian 2/11 đến 30/11.
Thị trường chứng khoán thế giới
Ngày 30/10: Trung Quốc dẫn đầu đà tăng của chứng khoán châu Á. Bất chấp những lo lắng từ cuộc chiến thương mại, hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á đều giao dịch tích cực trong ngày 30/10.
Chỉ số Shanghai composite tăng 1,02% đóng cửa ở mức 2.568,05 điểm trong khi Shenzen composite tăng 0,9% lên 1.276,45 điểm sau khi giao dịch kém tích cực vào đầu phiên. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 0,91% còn 24.585,53 điểm.
Chỉ số Nikkei 225 Nhật Bản tăng 1,45% lên 21.457,29 điểm trong khi chỉ số Topix tăng 1,38%.
Tại Australia, ASX 200 phục hồi với mức tăng 1,34% lên 5.805,1 điểm với hầu hết các ngành đều tăng.
Trong khi đó, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,93% lên 2.014,69 điểm.
Chứng khoán Mỹ 30/10: Cổ phiếu chip, vận tải tăng mạnh, Phố Wall tăng hơn 1%. Dow Jones tăng 431,72 điểm, tương đương 1,77%, lên 24.874,64 điểm. S&P 500 tăng 41,38 điểm, tương đương 1,57%, lên 2.682,63 điểm. Nasdaq tăng 111,36 điểm, tương đương 1,58%, lên 7.161,65 điểm.
Giá dầu và các hàng hóa khác
Giá dầu thô ngày 31/10 giảm hơn 1% do các dấu hiệu nguồn cung đang tăng, lo ngại tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng sẽ giảm bởi ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Tháng qua, dầu WTI lao dốc 9.7%, dầu Brent sụt 8.2%.
Thị trường dầu tháng 10 bị ảnh hưởng khi thị trường chứng khoán toàn cầu giảm mạnh, chứng khoán chịu áp lực từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Mỹ đã áp thuế với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, Bắc Kinh đáp lại bằng thuế với 110 tỷ hàng hóa của Washington.
USD mạnh lên nhờ chiến tranh thương mại, giá vàng chạm đáy 2 tuần. Giá vàng đã giảm 10% kể từ đỉnh hồi tháng 4 khi nhà đầu tư chọn USD làm tài sản an toàn trong bối cảnh Mỹ tăng lãi suất. USD mạnh hơn sẽ khiến vàng đắt hơn với những nhà đầu tư dùng đồng tiền khác còn lãi suất tăng làm tăng chi phí cơ hội của nắm giữ vàng.
Giá nhân dân tệ xuống đáy 10 năm. Nội tệ Trung Quốc hiện yếu nhất kể từ giữa năm 2008, tiến gần mốc quan trọng so với đôla Mỹ. Nội tệ Trung Quốc gần đây chịu thêm sức ép, khi PBOC hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc lần thứ 4 trong năm, chênh lệch lãi suất giữa trái phiếu chính phủ Mỹ và Trung Quốc cũng đang tiến gần mức thấp nhất 7 năm. 6 tháng qua, NDT đã mất giá 9% so với đôla Mỹ và là một trong những đồng tiền tệ nhất châu Á. Căng thẳng thương mại với Mỹ leo thang và kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại đã khiến NDT yếu đi. Dòng vốn tại Trung Quốc đang có dấu hiệu rút ra, khi nhu cầu đổi lấy ngoại tệ tại đây tăng vọt tháng trước, lên cao nhất kể từ cuối năm 2016.
Trung Quốc chuyển sang mua lại cổ phiếu để giải cứu thị trường. Mua lại cổ phiếu là phương án mới nhất trong danh sách các biện pháp mà Trung Quốc đã đưa ra để ngăn chặn đà giảm trê.n thị trường chứng khoán nước nhà.Sau một sự điều chỉnh luật nhanh đến bất thường, các công ty giờ có thể mua lại cổ phiếu với sự đồng thuận từ ít nhất 2/3 hội đồng quản trị nếu cần thiết để bảo vệ lợi ích của các cổ đông, hoặc nếu để trao đổi trái phiếu chuyển đổi. Trước đó, các công ty chỉ được phép mua lại cổ phiếu vì các mục tiêu bao gồm cả thưởng cổ phiếu và bắt buộc phải được đại hội đồng cổ đông biểu quyết thông qua. Hiện Trung Quốc đang là thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trên thế giới trong năm nay.
TH.