Phân tích, nhận định TT ngày 29/10
Chúng tôi cho rằng phiên đầu tuần thị trường vẫn tiếp tục giảm điểm hướng và VNI sẽ test lại vùng hỗ trợ 885 đến 890đ. Đây cũng là vùng đáy đã được xác lập vào giữa tháng 7 vừa qua. Chi tiết xem tại đây.
Thị trường phiên 26/10
Vnindex giảm, có 15 mã tăng trần và 26 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN tăng và khối này bán ròng đáng kể. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra kém sôi động hơn với giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra ở các mã NVL & VHM; giao dịch thỏa thuận nhỏ diễn ra ở mã GEX.
Khối ngoại tích cực mua VNM; HPG và SSI. Đồng thời tích cực bán VHM và NVL.
• Các mã ngân hàng biến động trái chiều và giảm, dẫn đầu là VCB, CTG và VPB.
• Các mã tài chính phi ngân hàng nhìn chung giảm, dẫn đầu là cổ phiếu ngành chứng khoán.
• Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ biến động trái chiều với BHN và QNS tăng trong khi PNJ và MWG giảm.
• Cổ phiếu ngành công nghệ biến động trái chiều với YEG tăng trong khi FPT giảm.
• Cổ phiếu ngành sản xuất nhìn chung tăng, dẫn đầu là HHS và HSG.
• Cổ phiếu dầu khí biến động trái chiều với PVS và PLX tăng trong khi PVD và PXS giảm.
• Cổ phiếu BĐS và xây dựng đồng loạt giảm, ngoại trừ KDH tăng
• Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản biến động trái chiều và giảm, dẫn đầu là VHC và HAG.
• Cổ phiếu ngành dược phẩm nhìn chung lình xình.
• Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, vận tải và logistic biến động trái chiều với NCT và VSC tăng trong khi NT2 và VJC giảm. GMD tăng trần hôm nay.
Tin trong nước
Chứng khoán rủi ro, loạt kế hoạch thoái vốn nguy cơ vỡ. Ở lĩnh vực ngân hàng, khoảng thời gian này các kế hoạch thoái vốn gần như thất bại hoàn toàn. Trong tháng này, Vietcombank lần lượt tổ chức đấu giá để thoái vốn tại Ngân hàng Quân đội (MB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu (Eximbank). Một cuộc gần như “ế” toàn bộ, một cuộc buộc phải hủy vì không có nhà đầu tư tham gia.
Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), kế hoạch thoái vốn trong năm 2018 đang xin được lùi sang giai đoạn 2019-2020, với lý do diễn biến thị trường không thuận lợi. Tập đoàn Cao su Việt Nam chỉ bán được 1/5 số cổ phần chào bán); IPO của Tổng công ty Phát điện 3 chỉ bán chưa được 3%; đợt thoái vốn của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông tại Maritime Bank không có nhà đầu tư đăng ký mua; phiên đấu giá cổ phần của VTVCab phải hủy bỏ do không có đủ lượng tham gia; trước nữa Bộ Giao thông Vận tải cũng thất bại với đợt chào bán quyền mua cổ phần của Vietnam Airlines…
Còn về tổng thể, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, năm 2017-2018 có 316 trường hợp phải thoái vốn, nhưng cập nhật đến tháng 6/2018 mới chỉ có 16 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn. Ở tiến độ cổ phần hóa, số liệu kết quả thực hiện trong 8 tháng đầu 2018 cũng chỉ có 10/85 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa…Với mức độ thực hiện được rất thấp nói trên, trong khi năm 2018 chỉ còn lại hai tháng và bối cảnh thị trường chứng khoán đang bất lợi, có thể dự tính hoạt động thoái vốn Nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp sẽ tiếp tục dồn toa lượng lớn sang năm 2019.
SBT bắt tay với đối tác đến từ Anh đưa sản phẩm sang châu Âu. Công ty mía đường TTC Attapeu – đơn vị trực thuộc CTCP Thành Thành Công – Biên Hòa đã ký kết hợp tác chiến lược với Công ty ED&F Man Sugar (Anh) về việc tiêu thụ đường organic sản xuất tại Lào và bán các loại đường của TTC Sugar niên vụ 2018 – 2019 sang thị trường châu Âu.
MWG: Lãi ròng Thế giới di động tăng 34% trong 9 tháng. Doanh thu online tiếp tục tăng và nâng tỷ trọng ở cơ cấu doanh thu của Thế giới di động, mảng bách hóa xanh vẫn đang tiếp tục nâng cấp lên mô hình chuẩn. Mặc dù vẫn giữ được mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhưng kết quả kinh doanh của Thế giới Di động đã sụt giảm mạnh sau khi lập đỉnh vào quý 1/2018. Những tín hiệu này cho thấy bài toán tăng trưởng của Thế giới Di động trong thời gian tới không hề dễ dàng.
BIDV báo lãi quý III tăng 22%, huy động thêm hơn 11.000 tỷ từ KBNN. Động lực tăng trưởng lợi nhuận BIDV quý III đến từ các mảng thu nhập ngoài lãi. Sau 9 tháng, lợi nhuận BIDV hoàn thành 78% kế hoạch năm.
IDI báo lãi sau thuế 462 tỷ đồng trong 9 tháng, gấp đôi cùng kỳ. Trong đó riêng LNST quý 3/2018 đạt 145 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
ITA lãi sau thuế hợp nhất 84 tỷ quý III, gấp 44 lần cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, ITA báo lãi sau thuế 128,9 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ nhưng mới đạt 35% kế hoạch năm.
PVC lỗ ròng hơn 2 tỷ đồng trong quý III. Doanh thu giảm 47% khiến PVC lỗ ròng quý III, trong khi cùng kỳ 2017 có lãi hơn 17,4 tỷ đồng.
SVC: Biên lãi gộp cải thiện, Savico báo lãi quý III gấp gần 4 lần cùng kỳ. Công ty vượt 36% kế hoạch lợi nhuận sau 9 tháng.
PVS: Lãi hợp nhất quý III tăng 167% giúp PVS vượt kế hoạch năm sau 9 tháng. Lãi sau thuế hợp nhất quý III đạt 190 tỷ đồng, tăng 167% so cùng kỳ năm trước.
DCM: Đạm Cà Mau (DCM): 9 tháng đạt hơn 590 tỷ lợi nhuận, thực hiện 87% chỉ tiêu. Đạm Cà Mau thời gian gần đây được quan tâm nhiều xoay quanh câu chuyện kể từ đầu năm 2019, giá khí áp dụng cho đơn vị này sẽ được Chính phủ xem xét lại ở mức cao hơn so với khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
VCS: Giá cổ phiếu giảm mạnh, Vicostone dự kiến mua 3,2 triệu cổ phiếu quỹ. Giao dịch dự kiến thực hiện theo giá thị trường tại thời điểm thực hiện bằng phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.
VND: VnDirect đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu quỹ. Thời gian dự kiến giao dịch từ 14/11 – 12/12/2018 qua phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Kết thúc phiên giao dịch 26/10, thị giá cổ phiếu VnDirect (VND) còn 17.100 đồng/cp, giảm 25% so với thời điểm đầu tháng. Việc diễn biến cổ phiếu VND kém khả quan trong thời gian qua có nguyên nhân từ việc TTCK Việt Nam biến động kém thuận lợi, chỉ số Vn-Index mất 11% trong cùng giai đoạn. Bên cạnh đó, KQKD quý 3 của VnDirect cũng chỉ tương đương cùng kỳ năm trước (lãi sau thuế 105,6 tỷ đồng) cũng là yếu tố ảnh hưởng tới giá cổ phiếu.
Thị trường chứng khoán thế giới
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á đều giảm điểm trong ngày thứ Sáu (26/10) khi các chuyên viên phân tích hoài nghi về khả năng hồi phục của thị trường. Chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0.19% xuống 2,598.85 điểm, mất mốc tâm lý quan trọng 2,600 điểm. Còn Shenzhen Composite lùi 0.169% xuống 1,290.62 điểm. Bên cạnh đó, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông hạ 276.83 điểm (tương ứng 1.11%).
Trên thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 xóa sạch đà tăng và quay đầu giảm 0.4% xuống 21,184.6 điểm, còn Topix mất 0.31% xuống 1,596.01 điểm.
Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi sụt 1.75% xuống 2,027.15 điểm.
Chỉ số ASX 200 của Australia gần như đi ngang tại mức 5,665.2 điểm.
Tuần qua, Dow Jones mất 3%, S&P 500 sụt 4% và Nasdaq Composite giảm 3.8%. Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số Dow Jones lùi 296.24 điểm (tương đương 1.19%) xuống 24,688.31 điểm, chỉ số S&P 500 mất 46.88 điểm (tương đương 1.73%) còn 2,658.69 điểm và chỉ số Nasdaq Composite sụt 151.12 điểm (tương đương 2.07%) xuống 7,167.21 điểm.
Giá dầu và các hàng hóa khác
Dầu sụt hơn 2% tuần qua bất chấp đà tăng trong phiên. Trong những tuần gần đây, sự gia tăng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu giữa cả Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh cùng với Mỹ đã tạo sức ép lên thị trường từ phía nguồn cung. Ngoài ra, những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong thời gian này biến động thị trường cao, cũng không hỗ trợ cho đà tăng của giá dầu.
Giá vàng tăng với tình hình thị trường chứng khoán giảm. Giá vàng tăng vào sáng thứ Sáu tại Châu Á, hướng đến tuần thứ 4 tăng liên tiếp. Vàng tăng giá khi lực cầu tăng với thị trường chứng khoán châu Á giảm vào sáng thứ Sáu dù chứng khoán Mỹ tăng điểm qua đêm.
Trung Quốc yêu cầu hai công ty dầu quốc doanh ngừng mua dầu từ Iran. Việc ngừng hoạt động nhập khẩu dầu của China National Petroleum Corp. (CNPC) và Sinopec chỉ là tạm thời và việc hai công ty có thể mua dầu trở lại hay không còn tùy thuộc vào kết quả đàm phán với Mỹ, dựa trên nguồn thông tin thân cận. Các công ty tiếp tục mua dầu thô từ Iran sau khi lệnh trừng phạt có hiệu lực vào ngày 04/11/2018 thì sẽ gặp nguy cơ bị cắt đứt khỏi hệ thống tài chính Mỹ. Trong tháng này, có lúc giá dầu Brent vượt mốc 85 USD/thùng lần đầu tiên trong 4 năm, nhưng sau đó giá đã giảm mạnh sau khi Ả-rập Xê-út và các nhà sản xuất khác cho biết họ sẽ nỗ lực để khỏa lấp khoảng trống về nguồn cung.
Loạt bất lợi “bủa vây” kinh tế châu Âu. Kinh tế châu Âu duy trì tăng trưởng vượt bậc trong nhiều thập kỷ cho đến năm 2017. Sang năm 2018, tăng trưởng khu vực này được dự báo sẽ giảm tốc đáng kể khi phải vật lộn với loạt rào cản thương mại mới, tình hình bất ổn sau khi Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – còn gọi là Brexit, cũng như những rắc rối chính trị làm suy yếu niềm tin vào đồng Euro và gây áp lực lên hệ thống ngân hàng, theo CNN.
TH.