Phân tích, nhận định TT ngày 23/10
Dưới góc độ kỹ thuật thì đà tăng của VNI vẫn còn nhiều khó khăn khi MACD vẫn dưới đường 0, VNI vẫn nằm ở phần nửa dưới của dải Bollinger Bands… Dự báo trong các phiên tới thị trường vẫn tiếp tục giằng co rung lắc và VNI sẽ test lại mốc hỗ trợ 940-950 điểm và vùng kháng cự vẫn là 980-990 điểm. Chi tiết xem tại đây.
Vnindex giảm với GTGD vẫn thấp hơn bình quân gần đây. Độ rộng thị trường mở rộng, có 13 mã tăng trần và 25 mã giảm sàn. Mức độ tham gia thị trường của NĐTNN tăng và khối này bán ròng đáng kể. Hoạt động giao dịch thỏa thuận diễn ra kém sôi động hơn với giao dịch thỏa thuận lớn diễn ra ở các mã NVL & VNM; giao dịch thỏa thuận nhỏ diễn ra ở mã VIC.
Khối ngoại tích cực mua VNM; BID và MSN. Đồng thời tích cực bán MSN và VCB.
• Các mã ngân hàng biến động trái chiều với BID và HDB tăng trong khi STB và EIB giảm.
• Các mã tài chính phi ngân hàng đồng loạt giảm, dẫn đầu là cổ phiếu ngành chứng khoán.
• Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng và bán lẻ biến động trái chiều với SAB và BHN tăng trong khi QNS và PNJ giảm.
• Cổ phiếu dầu khí biến động trái chiều và giảm, dẫn đầu là PXS và PLX.
• Cổ phiếu BĐS và xây dựng nhìn chung giảm, dẫn đầu là SJS và DXG. DIG giảm sàn.
• Cổ phiếu ngành nông nghiệp và thủy sản biến động trái chiều với VFG và HNG tăng trong khi BFC và GTN giảm. VHC tăng trần.
• Cổ phiếu ngành dược phẩm nhìn chung lình xình.
• Cổ phiếu ngành dịch vụ tiện ích, vận tải và logistic nhìn chung giảm, dẫn đầu là GMD và NT2.
Tin trong nước
Thủ tướng: Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản, chứng khoán. Sáng 22/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội năm 2018 và kế hoạch 2019. Kết quả nổi bật được người đứng đầu Chính phủ đề cập là tín dụng 9 tháng tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng dưới 17%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt, dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD. Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế; Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi .
MPC giao dịch đột biến 4 triệu cp trước thềm ĐHĐCĐ bàn tăng vốn. Trong phiên sáng 22/10, cổ phiếu MPC của CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú bất ngờ ghi nhận thanh khoản đột biến với hơn 4 triệu cp. Trong đó, gần 3,3 triệu cp chiếm 88% thanh khoản phiên sáng được trao tay ở giá 45.000 đồng/cp, tương đương giá trị gần 148 tỷ đồng.
STB: Sacombank báo lãi 9 tháng 1.300 tỷ, nợ xấu giảm về 3,1%. Quý 3 Sacombank trích lập dự phòng gấp 4 lần cùng kỳ 2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Sacombank báo lãi tăng trưởng 28%, đạt 1.315 tỷ đồng. So với kế hoạch đề ra đầu năm, ngân hàng hiện hoàn thành hơn 71% kế hoạch đề ra.
VPB: Lợi nhuận hợp nhất trước thuế 9 tháng của VPBank đạt 6.125 tỷ đồng. Tính tới 30/09/2018, dư nợ cấp tín dụng đạt 211.092 tỷ đồng và huy động tiền gửi đạt 212.701 tỷ đồng, tăng lần lượt 17% và 11% so với cùng kỳ.
VHC: Vĩnh Hoàn lãi sau thuế 9 tháng hơn 1.000 tỷ đồng, vượt 67% kế hoạch năm. VHC lãi 609 tỷ trong quý III, tăng trưởng 260%.
DHG: Lãi ròng quý III của Dược Hậu Giang tăng trở lại sau 2 quý giảm liên tiếp. Tiết giảm chi phí giúp Dược Hậu Giang có quý tăng trưởng đầu tiên trong năm 2018.
DXG: Lợi nhuận 9 tháng của DXG đạt trên 1.000 tỷ. Theo kế hoạch được thông qua tại Đại hội thường niên năm 2018, DXG đặt kế hoạch doanh thu 5.000 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.068 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã hoàn thành hơn 95% kế hoạch lợi nhuận năm.
DRC: Quý III lãi 31 tỷ đồng, cả năm DRC ước không hoàn thành kế hoạch năm.
VJC: Quý 3 Vietjet tiếp tục đà tăng trưởng, vượt kế hoạch đề ra. Kết quả luỹ kế đến tháng 9/2018, Vietjet đạt được doanh thu gần 34.000 tỷ đồng, trong đó doanh thu cốt lõi đạt 25.400 tỷ đồng tăng trưởng 50% so với 9 tháng năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 3.868 tỷ đồng tăng 30% so với cùng kỳ.
BSR: Lợi nhuận 9 tháng của BSR hơn 4.600 tỷ, vượt 32% kế hoạch năm. Doanh thu 9 tháng ghi nhận 82.714 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch doanh thu năm đặt ra là 78.108 tỷ đồng.
SHS lãi sau thuế gần 271 tỷ đồng trong 9 tháng, tăng trưởng 8,3% so với cùng kỳ 2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu hoạt động và LNST của công ty lần lượt đạt 932,7 tỷ đồng và 270,6 tỷ đồng tương ứng với mức tăng trưởng 27,0% doanh thu và 8,3% về lợi nhuận ròng so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường chứng khoán thế giới
Ngày 22/10: Chứng khoán châu Á phục hồi, Trung Quốc tăng hơn 4%. Chỉ số Shanghai composite tăng 4,09%, đóng cửa tại mức 2.654,88 điểm. Shenzhen composite tăng 4,9% đóng cửa ở mức 1.325,73 điểm. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,37% trong khi chỉ số Topix tăng 0,15%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,25% đóng cửa ở mức 2.161,71 điểm. Tại Hồng Kông, chỉ số Hang Seng tăng 2,32% đạt 26.153,15 điểm. Tại Australia, ASX 200 giảm 0,58%.
Dow Jones và S&P 500 giảm điểm trong phiên giao dịch đầy biến động ngày thứ Hai (22/10) khi lĩnh vực năng lượng và tài chính lao dốc cùng với sự thận trọng ngày càng tăng trước một loạt báo cáo lợi nhuận công bố trong tuần này, Reuters đưa tin. Chỉ số Dow Jones lùi 126.93 điểm (tương đương 0.5%) xuống 25,317.41 điểm, chỉ số S&P 500 mất 11.9 điểm (tương đương 0.43%) còn 2,755.88 điểm, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tiến 19.60 điểm (tương đương 0.26%) lên 7,468.63 điểm.
Giá dầu và các hàng hóa khác
Dầu tăng nhẹ vì căng thẳng Mỹ và Ả-rập Xê-út. Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng nhẹ vào ngày thứ Hai (22/10), khi hợp đồng dầu WTI giao tháng 11 hết hạn cùng với việc nhà đầu tư theo dõi căng thẳng giữa Mỹ và Ả-rập Xê-út sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi, MarketWatch đưa tin.
Giá vàng hôm nay (23/10) giảm do thị trường chứng khoán và đồng USD đi lên. Trên thị trường thế giới, giá vàng hôm qua giảm khi thị trường chứng khoán đi lên cho thấy tâm lý chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư được cải thiện, trong khi đồng USD mạnh lên cũng làm giảm sức hấp dẫn của vàng.
Tỷ giá USD hôm nay (23/10) đi ngang so với yen Nhật nhưng giảm so với euro và bảng Anh trong phiên giao dịch sớm tại châu Á vào lúc 5h47 sáng nay (giờ Việt Nam). Giá USD hôm qua tăng do bảng Anh mất giá sau khi có tin đàm phán Brexit về vấn đề Bắc Ireland vẫn bế tắc, và đồng euro tiếp tục lao dốc do bất ổn chính trị về kế hoạch ngân sách của Italy.
Dòng vốn FDI đổ xô vào Đông Nam Á vì chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Đông Nam Á đang chứng kiến sự bùng nổ về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khi chiến tranh thương mại ngày càng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc buộc các công ty phải chuyển hoạt động sản xuất đến Đông Nam Á. Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung có thể thu hút nhiều công ty tới mở nhà máy ở Đông Nam Á để né tránh các hàng rào thuế quan. Các lĩnh vực như sản phẩm tiêu dùng, công nghiệp, phần cứng công nghệ và viễn thông, xe hơi và hóa chất đều rất hấp dẫn ở Đông Nam Á.
Đông Nam Á có lẽ đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại, khi khu vực này trở thành cơ sở sản xuất thay thế cho các công ty muốn chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc để né tránh hàng rào thuế quan. Khoảng 1/3 của hơn 430 công ty Mỹ ở Trung Quốc đã hoặc đang xem xét chuyển nhà máy sản xuất ra nước ngoài giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dâng cao, dựa trên kết quả khảo sát trong giai đoạn 29/08 – 05/09. Dù vậy, khu vực này chắc chắn không hoàn toàn miễn nhiễm trước những tác động của cuộc xung đột thương mại Mỹ – Trung. Một báo cáo công bố trong ngày thứ Hai (22/10) cho thấy, chiến tranh thương mại là một lý do để giải thích tại sao kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan bất ngờ suy giảm trong tháng 9/2018.
TH.