Sự kiện: Công bố doanh số tháng 10/2021
Sau khi chạm đáy trong tháng 9/2021, doanh số tháng 10/2021 đã hồi phục mạnh so với tháng trước nhờ nhu cầu tích lũy được giải tỏa sau khi các cửa hàng và showroom được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, doanh số vẫn giảm do việc phong tỏa kéo dài đã tác động tới thu nhập khả dụng của người tiêu dùng. Hiện tại, diễn biến dịch COVID-19 vẫn đang phức tạp. Về mặt tích cực, tốc độ tiêm chủng nhanh đã cho phép một số hoạt động được trở lại bình thường và khả năng tái áp đặt các biện pháp phong tỏa là khó xảy ra. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới trong những ngày gần đây đã tăng mạnh, do đó, một số biện pháp giãn cách có thể được áp dụng tại một số khu vực bị ảnh hưởng.
Do đó, chúng tôi dự báo doanh số xe máy và ô tô sẽ giảm so với cùng kỳ trong 2 tháng cuối năm 2021. Đối với xe máy, việc học sinh/sinh viên chưa thể tới trường sẽ khiến đà hồi phục chậm lại, trong khi đối với ô tô, doanh số nhiều khả năng sẽ giảm so với cùng kỳ do mức nền cao trong Q4/2020.
Xe máy: Doanh số Honda tháng 10/2021 tăng 69% so với tháng trước
Doanh số xe máy Honda trong tháng 10/2021 giảm 5,4% so với cùng kỳ xuống 168.857 chiếc, nhưng tăng 69,4% so với tháng trước. Trong 10 tháng đầu năm 2021, doanh số Honda là 1.535.975 chiếc xe máy, giảm 9,8% so với cùng kỳ.
Lưu ý, mặc dù đánh mất thị phần trong nửa đầu năm 2021, thị phần của Honda trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt mức vững chắc là 79% nhờ thị phần giành được trong Q3/2021. Thị phần của Honda trong 9 tháng đầu năm 2021 tương đương trong 9 tháng đầu năm 2020.
Ô tô: Doanh số của liên doanh trong tháng 10/2021 tăng 139% so với tháng trước
Trong Q4/2020, doanh số ô tô có mức nền cao, do Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ miễn 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước áp dụng từ 28/6/2020 tới 31/12/2020.
Do đó, doanh số tháng 10/2021 giảm so với cùng kỳ đối với hầu hết hãng xe, ngoại trừ một số hãng ngoài VAMA như Huyndai, Vinfast và Ford. Hai doanh nghiệp ngoài VAMA có mức tăng trưởng khoảng 15%, trong khi doanh số của Ford tăng 20,9% so với cùng kỳ. Doanh số của Ford được hỗ trợ nhờ mẫu xe Ford Ranger, được lắp ráp trở lại tại Việt Nam Nam từ tháng 7/2021. Mẫu xe này trước đó được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan.
Tuy nhiên, doanh số Toyota và Honda giảm lần lượt 18,7% và 24,2% so với cùng kỳ trong tháng 10/2021. Tổng doanh số của các liên doanh của VEA giảm 11,3% so với cùng kỳ xuống 11.916 xe so với doanh số toàn ngành giảm 7,1% so với cùng kỳ trong tháng 10/2021.
Theo đó, thị phần của các liên doanh giảm xuống 30,2% từ 31,8% trong tháng 10/2020. Trong khi đó, Huyndai và Vinfast lần lượt giành được 4,0% và 1,7% thị phần.
Chính sách miễn 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước được tái ban hành
Bộ Tài chính đang chờ đợi quyết định chính thức từ Chính phủ về việc ban hành trở lại chính sách miễn 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước. Chính sách sẽ có hiệu lực trong 6 tháng kể từ ngày bắt đầu, sớm nhất là ngày 15/11/2021. HSC kỳ vọng chính sách này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thị trường ô tô, trong đó, các liên doanh của VEA sẽ là đối tượng hưởng lợi. Xe lắp ráp trong nước đóng góp hơn 50% tỷ trọng doanh số ô tô của các liên doanh.
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào, giá mục tiêu và dự báo
HSC duy trì khuyến nghị Mua vào đối với VEA với giá mục tiêu là 53.900đ, tiềm năng tăng giá là 28,3%. VEA hiện đang giao dịch với P/E dự phóng 2021 là 11,2 lần và P/E trượt dự phóng 1 năm là 9,8 lần, so với mức bình quân trong quá khứ là 10,8 lần. HSC tiếp tục ưa thích cổ phiếu VEA nhờ mức lợi suất cổ tức hấp dẫn, trong khi đó, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của VEA sẽ hồi phục trong năm 2022 nhờ doanh số của các liên doanh hồi phục.