Diễn biến TTCK thế giới:
Chỉ số chứng khoán toàn cầu tăng 1,6% trong tuần đầu tiên của tháng 11 nhờ lực đẩy từ thị trường Mỹ và Châu Âu, trong khi chứng khoán Châu Á đuối sức do lực kéo từ chứng khoán Trung Quốc.
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ cùng có một tuần tăng rực rỡ. S&P 500 tăng 2%, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp, chuỗi chiến thắng dài nhất kể từ tháng 8 năm 2020 và nâng tổng mức tăng từ đầu năm lên 25%. Dow Jones tăng 1,4% trong tuần, còn Nasdaq tăng 3,1%, đánh dấu tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 4. Thị trường chứng khoán Mỹ được hỗ trợ khi báo cáo việc làm tháng 10 khả quan hơn kỳ vọng giúp củng cố tâm lý lạc quan của nhà đầu tư về sự phục hồi kinh tế và tin tốt về thuốc đặc trị Covid-19. Tuyên bố từ hãng dược Pfizer
về một loại thuốc đặc trị Covid mà hãng đang nghiên cứu làm dấy lên hy vọng về tiến trình mở cửa trở lại nền kinh tế thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng tin tưởng vào lập trường kiên nhẫn của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về nâng lãi suất. Các dữ liệu kinh tế khả quan cũng kích thích tâm lý thị trường.
Trong khi đó, chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm nhẹ 0,3% do lực kéo đến từ chứng khoán Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc và Hong Kong lần lượt giảm 1,6% và 2% trong tuần vừa qua khi đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất ở quốc gia này đã lan sang tỉnh thứ 20 với gần 800 ca mắc được ghi nhận, bất chấp giới chức nước này áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt
Diễn biến TTCK Việt Nam:
Thị trường chứng khoán trong nước khép lại một tuần kỷ lục cả về chỉ số và thanh khoản. Đáng chú ý là dòng tiền nhàn rỗi tiếp tục đổ vào kênh chứng khoán, đây cũng là tháng thứ 8 liên tiếp số lượng tài khoản mở mới tiếp tục duy trì trên mốc 100.000 mỗi tháng.
Chỉ số VN-Index đã lập kỷ lục mới trong tuần vừa qua khi tăng thêm 0,85% đạt 1.456,51 điểm và mốc tâm lý 1.500 điểm không còn xa. Đây cũng là tuần tăng thứ 2 liên tiếp của chỉ số này trong chuỗi tăng 4/5 tuần vừa qua. Đà tăng của thị trường có dấu ấn khá rõ của các cổ phiếu vốn hóa lớn, trong khi nhiều blue-chips vẫn bị chốt lời mạnh, trong khi đó nhóm cổ phiếu nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu đầu cơ tuy cũng chỉ có 1 phiên chao đảo mạnh ngày 3/11 nhưng vẫn có mức hồi phục khá mạnh. Thậm chí doanh nghiệp kết quả kinh doanh kém quý 3 giá vẫn tăng rất mạnh, thanh khoản cao.
Kết thúc tuần, cả 2 nhóm cổ phiếu midcap và smallcap có mức tăng lần lượt 4,44% và 1,81% trong khi nhóm Vn30 giảm nhẹ 0,04%. Độ rộng thị trường ở nhóm cổ phiếu vừa vừa nhỏ cho thấy sóng tăng ở nhóm này có nhiều triển vọng trong tuần tới bất chấp lượng cổ phiếu khổng lồ ở phiên kỷ lục sẽ về tài khoản trong đầu tuần tới. Theo thống kê ở nhóm smallcap, chỉ có 24% số cổ phiếu giảm trên 4%, tức chưa quay lại mức tham chiếu của phiên giảm mạnh ngày 3/11, trong khi đó có tới 40% số cổ phiếu không bị ảnh hưởng bởi phiên giảm này thậm chí còn tăng thêm.
Về thanh khoản: Tín hiệu đáng chú ý trong tuần vừa qua là dòng tiền đã được khai thông, thanh khoản trung bình theo tuần toàn thị trường gây “choáng” khi tăng lên mức 38.932 tỷ đồng/phiên. Trong đó phiên giao dịch ngày 3/11 thanh khoản chính thức lập kỷ lục mới với khối lượng dao dịch đạt hơn 1,5 tỉ cổ phiếu và thanh khoản toàn thị trường đạt mốc 52.000 tỉ đồng, tương đương 2,2 tỉ USD.
Nếu như trong tháng 10, chỉ số Vn-Index tăng 7,6% và lọt Top các thị trường có mức tăng trưởng mạnh trên thế giới, thanh khoản bình quân toàn thị trường cũng chỉ đạt 27.371 tỷ đồng thì mức tăng hơn 42% của tuần đầu tháng 11 so với tháng 10 cho thấy đã có 1 lượng tiền mới đổ thêm vào thị trường. Đây cũng là tuần đầu tiên trong lịch sử, thanh khoản khớp lệnh ở nhóm midcap và smallcap lần lượt đạt con số rất “khủng” hơn 10.000 tỷ/phiên và 6.000 tỷ/phiên.
Số liệu từ Trung tâm Lưu ký cho thấy, tháng 10/2021 đã có thêm 129.564 tài khỏa chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng 9. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp số lượng tài khoản này vượt mốc 100.000. Tính chung 10 tháng năm nay, đã có gần 1,09 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường. Lũy kế 10 tháng, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 1.085.645 tài khoản, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020. Thậm chí, con số 10 tháng này còn cao hơn cả lũy kế 4 năm liên tiếp từ 2017-2020 (với 1.028.321 tài khoản).
Bên cạnh đó, dòng tiền cũng có xu hướng chốt lời khá mạnh ở nhóm cổ phiếu BĐS đã tăng khá nóng trong thời gian qua như HDC, NLG, DIG, NTL, HLD…và xoay vòng sang nhóm cổ phiếu như: Ngân hàng, Chứng khoán, dầukhí, thép, bất động sản (bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp)… Tuy vậy, ngắn hạn cơ hội lại chủ yếu nằm ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu đầu cơ. Mặc dù nhóm cổ phiếu blue-chips hay nhóm Vn30 đã đi ngang suốt 3 tháng qua nhưng dòng tiền nhìn chung vẫn chưa tham gia mạnh ở nhóm này, trong khi đó nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ liên tục lập các đỉnh cao mới đã lôi kéo được dòng tiền mang tính đầu cơ cao, khiến lợi nhuận hấp dẫn hơn so với nhóm bluechips chỉ tăng nhẹ hoặc đi ngang. Bên cạnh đó, lượng vốn đọng lại ở nhóm bluechips lớn, đồng nghĩa với lượng cung nhiều, giá khó có thể tăng dài như ở nhóm cổ phiếu nhỏ với cùng một lượng cầu. Theo thống kê, thanh khoản thị trường đã tăng lên mức kỷ lục, tương đồng với thanh khoản ở nhóm midcap và smallcap tuần vừa qua nhưng thanh khoản ở nhóm Vn30 vẫn thấp hơn cả đỉnh tháng 7 và tháng 8.
Về diến biến nhóm NĐTNN: Sau khi mua ròng hơn 300 tỷ đồng ở tuần trước đó, khối ngoại tiếp tục quay lại bán ròng 2.154 tỷ đồng trong tuần vừa qua, áp lực bán chủ yếu diễn ra ở 2 phiên đầu tuần. Trong đó, danh mục bán ròng tập trung vào bộ 3 gồm NVL, PAN và SSI, còn mua mạnh các cổ phiếu ngân hàng. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 50.898 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,2 tỷ USD), gấp 2,7 lần so với lượng bán ròng cả năm 2020.
Trong tuần tới, thị trường vẫn trong giai đoạn không có nhiều thông tin hỗ trợ trong nước, ngược lại chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục lập các mức cao mới nhờ tin tốt về thuốc đặc trị Covid-19, triển vọng kinh tế phục hồi, Fed kiên nhẫn về lập trường nâng lãi suất, gói cơ sở hạ tầng lớn nhất trong nhiều thập kỷ đã được thông qua, giải phóng 550 tỷ đô la chi tiêu mới cho đường, cầu phương tiện giao thông công cộng và các dự án khác trong những năm tới, bên cạnh đó ECB có thể cũng không vội nâng lãi suất. Trong tuần vừa qua, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) giữ nguyên lãi suất trong ngày 04/11, trái ngược với kỳ vọng nâng lãi suất từ phía nhiều nhà đầu tư. Dù vậy, tín hiệu đáng quan tâm nhất vẫn là hiện tượng nóng trở lại của nhóm cổ phiếu vừa vừa nhỏ hoặc nhóm cổ phiếu đầu cơ. Với mức thanh khoản đã được nâng lên một tầm cao mới, hiện tượng đầu cơ sẽ sôi động hơn, đặc biệt đối với các cổ phiếu sàn Upcom vốn có biên độ rộng và hấp dẫn về mức tăng.
Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index chốt tuần ở mức cao lịch sử (theo giá đóng cửa), đà tăng được hỗ trợ bởi thanh khoản kỷ lục, do vậy các tín hiệu kỹ thuật ủng hộ xu hướng tăng mở rộng lên các mức cao mới. Vì vậy, không cần phải đoán đỉnh, hãy cứ bơi theo dòng chảy, đừng đi ngược xu hướng của thị trường cho đến khi có các dấu hiệu nhận diện xu hướng đảo chiều. Các ngưỡng mà chỉ số VN-index có thể phải thử thách trong tuần sau ở vùng 1.475 – 1.500 điểm , 1.500 – 1.539 điểm, trong khi ngưỡng hỗ trợ ở 1.410 – 1.424 điểm. Các phiên đầu tuần sẽ là cơ hội để kiểm định sức mạnh của dòng tiền mới khi lượng cổ phiếu ở phiên kỷ lục về tài khoản. Khả năng cao là dòng tiền sẽ tiếp tục xoay vòng ở các nhóm cổ phiếu lớn, tiếp theo có thể là dòng dầu khí và thép, luân phiên vẫn có vai trò của nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng, bất động sản (bao gồm cả BĐS khu công nghiệp)…
Nguồn: CLTT MBS