Thị trường chứng khoán toàn cầu khép lại tháng 10 với mức tăng trên diện rộng, ngoại trừ các thị trường lớn ở Châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Đáng chú ý là thị trường Hàn Quốc đang có chuỗi giảm 4 tháng liên tiếp, bên cạnh đó đà tăng 2 tháng liên tiếp ở các thị trường Nhật Bản và Trung Quốc đã chững lại về nửa cuối tháng 10 vừa qua.
Chỉ số chứng khoán toàn cầu tăng 5% trong tháng 10 bù đắp mức giảm 4,3% ở tháng 9, bên cạnh đó chứng khoán Mỹ cũng có mức tăng gần 7%, chứng khoán khu vực Châu Âu tăng 4,6% trong khi chứng khoán khu vực Châu Á Thái Bình Dương chỉ tăng 1,7%. Tuần vừa qua, cả ba chỉ số chính trên thị trường mỹ cùng có tuần tăng thứ tư liên tiếp và khép lại tháng 10 với mức
tăng rực rỡ. Nasdaq tăng 7,2% trong tháng; S&P 500 tăng 6,9%; và Dow Jones tăng 5,8%. Đây là tháng tăng mạnh nhất của S&P 500 và Nasdaq kể từ tháng 11/2020, và là tháng tăng mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 3. Trong tháng 9, cả ba chỉ số cùng giảm mạnh. Mặc kết quả kinh doanh không đạt dự báo của một số Big Tech và mối lo về chuỗi cung ứng toàn cầu, thị trường
chứng khoán Mỹ liên tiếp lập kỷ lục mới trong những phiên gần đây. Động lực cho sự đi lên này là kết quả kinh doanh khả quan nói chung của các công ty niêm yết. Đến thời điểm hiện tại đã có khoảng một nửa trong số các công ty thuộc S&P 500 công bố kết quả kinh doanh quý 3, trong đó có hơn 80% đạt kết quả vượt dự báo. Lợi nhuận của các công ty trong chỉ số này được dự báo tăng 38,6% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tâm lý thị trường cũng được hỗ trợ bởi kỳ vọng gói kích tích chi tiêu xã hội trị giá 1.75 ngàn tỷ USD của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đang được thỏa thuận khung vào ngày 28/10. Thỏa thuận này, vốn được cho là sẽ giúp dễ dàng thông qua dự luật chi tiêu cơ sở hạ tầng riêng biệt hiện đang bị đình trệ ở Quốc hội, có mức chi tiêu và thuế thấp hơn so với các đề xuất trước đó.
Diễn biến TTCK Việt Nam:
Chứng khoán trong nước khép lại tháng 10 với mức tăng 7,6%, đà tăng theo tháng của chỉ số Vn-index cũng đã lan sang tháng thứ 3 liên tiếp. Đáng chú ý hơn là tuần cuối tháng 10 vừa qua, chỉ số này có mức tăng gần 4%, đứng đầu các thị trường chứng khoán toàn cầu. Đà tăng cũng được hỗ trợ bởi mức tăng thanh khoản và khối ngoại có tuần mua ròng, cắt chuỗi 11 tuần bán ròng liên tiếp.
Về chỉ số: Sau 17 tuần, chỉ số Vn-Index đã lấy lại ngưỡng 1.420 điểm, chốt tuần cuối tháng 10 ở mức 1.444,27 điểm, tăng gần 4% so với tuần trước đó, đây cũng là tuần có mức tăng mạnh nhất kể từ tuần thứ 2 trong tháng 6 vừa qua. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu Vn30 cũng có tuần tăng mạnh nhất trong 3 tháng vừa qua. Nhóm midcap và smallcap thậm chí còn có mức tăng tốt hơn khi vẫn duy trì đà tăng mạnh mẽ sang tuần thứ 4 liên tiếp. Nhóm smallcap tuần vừa qua có mức tăng mạnh nhất thị trường, gần 5% và trong 14 tuần gần đây, chỉ có 2 tuần giảm.
Về thanh khoản: Thanh khoản bình quân toàn thị trường (cả 3 sàn) tăng 20,7% so với tuần trước, đạt 31.962 tỷ đồng, trong đó thanh khoản bình quân khớp lệnh đạt 29.794 tỷ đồng, tăng 19% so với tuần trước. Theo thống kê, thanh khoản toàn thị trường trong tháng 10 đạt 27.371 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng 9 nhưng vẫn thấp hơn so với tháng 8 ở mức 28.800 tỷ đồng và mức đỉnh hồi tháng 6 ở mức 29.690 tỷ đồng.
Tuần vừa qua, thanh khoản ở các nhóm cổ phiếu đều có mức tăng mạnh mẽ, nhưng đáng chú ý nhất vẫn là mức tăng ở nhóm cổ phiếu smallcap 20,8% đạt 4.870 tỷ đồng/phiên. Đây cũng là mức thanh khoản cao kỷ lục của nhóm này trong năm nay. Như vậy, có thể thấy thanh khoản thị trường trong tháng 10 chỉ tương đương với tháng 9 và chưa trở lại mức cao cũ dù số lượng tài khoản mở mới ngày càng nhiều và mức sử dụng margin vẫn rất cao.
Về cơ cấu dòng tiền: Nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng tiếp tục có mức độ tập trung vốn lớn, đứng đầu thị trường với tỷ trọng gần 19%, tiếp theo là nhóm cổ phiếu ngân hàng 17%, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bất động sản vươn lên vị trí thứ 3 chiếm tỷ trọng 12,8%,… Việc chỉ số Vn-Index vượt ngưỡng tâm lý 1.400 điểm và đỉnh 1.424 điểm đã lôi kéo được dòng tiền quay trở lại thị trường, trong tuần vừa qua dòng tiền đều có mức tăng ở hầu hết các nhóm cổ phiếu so với tuần trước cũng như 1 tháng trước đó. Đáng chú ý vẫn là nhóm dệt may, bảo hiểm, bất động sản, bất động sản khu công nghiệp, nhóm đầu tư công…
Về nhóm ngành (cổ phiếu): Tuần vừa qua ghi nhận mức tăng trên diện rộng ở hầu khắp các nhóm cổ phiếu ngoại trừ nhóm cổ phiếu hàng không, trong tháng 10 các nhóm cô phiếu có mức tăng ấn tượng như: dầu khí, thủy sản, cao su tự nhiên, nhóm khai thác đá, bất động sản khu công nghiệp
Về giao dịch của khối ngoại: Khối ngoại đã cắt mạch bán ròng 11 tuần liên tiếp bằng tuần mua ròng 300 tỷ đồng là một tín hiệu khá tích cực trong tuần vừa qua. Trong khi đó dòng vốn quay trở lại kênh ETF tuần thứ 2 liên tiếp cùng cho thấy tín hiệu tích cực. Với yếu tố dịch bệnh dần được đi vào kiểm soát, kỳ vọng thoái vốn những doanh nghiệp lớn cuối năm nay và đầu năm 2022 sẽ là điều kiện tốt để hút vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam.
Mùa KQKD Q3 đã thúc đẩy các chỉ số chứng khoán lớn tại Mỹ tiếp tục vượt đỉnh mới bên cạnh đó là kỳ vọng về dự luật chi tiêu cơ sở hạ tầng sớm được thông qua sẽ tạo cú huých lớn cho thị trường chứng khoán Mỹ nói chung và toàn cầu nói riêng. Trong những ngày đầu tháng 11, tâm điểm sự chú ý có lẽ là cuộc họp chính sách của NHTW Mỹ Fed vào ngày 2-3/11 định hình chương trình mua tài sản cuối năm nay và lộ trình trong năm 2022 cũng như thời điểm tăng lãi suất đầu tiên.
Với thị trường Việt Nam trong tuần tới, nhà đầu tư vẫn kỳ vọng vào thông tin về các gói kích thích cũng như hỗ trợ nền kinh tế hậu covid sẽ sớm được công bố và đi vào thực tế. Trong khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đã đi vào giai đoạn cuối và không tác dụng nhiều đối với nhóm bluechips, nhưng một khi tin xấu nhất đã đi qua và giá nhiều cổ phiếu đã neo ở vùng đáy kỹ thuật có lẽ sẽ là yếu tố giúp NĐT kỳ vọng giá phục hồi trở lại và điển hình trong thời gian qua nhiều cổ phiếu suy giảm tăng trưởng thậm chí lỗ nhưng giá vẫn tăng mạnh.
Về kỹ thuật, việc chỉ số Vn-Index vượt đỉnh 1.424 điểm đang mở ra xu hướng tăng tiếp diễn trong sóng 5 theo lý thuyết sóng Elliott. Mục tiêu của sóng 5 có thể sẽ nằm ở những vùng kháng cự từ 50% đến 61.8% chiều dài sóng (0) đến sóng (3) tương đương từ mức điểm kỳ vọng 1.600 – 1.700 điểm. Tuy nhiên, ngắn hạn việc chỉ số tăng vượt đỉnh gần nhất 1.424 sẽ kèm theo áp lực chốt lời và rung lắc tiếp diễn ở các vùng kháng cự tiềm năng tiếp theo như vùng 1.450 – 1.475. Trong đó, nhóm VN30 vẫn chưa vượt đỉnh lịch sử cho thấy sức nặng ở nhóm bluechips. Do vậy, tuần tới cũng là thời điểm để thị trường kiểm chứng sức mạnh của dòng tiền mới khi chỉ số chung đã vượt đỉnh. Các ngưỡng hỗ trợ của chỉ số VN-Index ngắn hạn 1.360 – 1.400 điểm.
Chúc quý vị đầu tư thành công!
Nguồn : CLTT MBS