Diễn biến TTCK thế giới:
Chứng khoán toàn cầu tiếp tục giảm trên diện rộng trong tuần vừa qua, ngoại trừ thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Sự xuất hiện của biến chủng Omicron và những phát biểu cứng rắn hơn trước của Chủ tịch Fed Jerome Powell chính là những lực cản của thị trường trong tuần vừa qua. Tính cả tuần, Dow Jones giảm 0,9%; S&P 500 sụt 1,2%; và Nasdaq giảm 2,6%. Trong khi đó, chứng khoán khu vực Châu Âu và Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản chỉ giảm nhẹ 0,3% và 0,8%. Chứng khoán khu vực Đông Nam Á và Nhật Bản cùng có mức giảm 2,5% trong tuần vừa qua. Dù chỉ mới được công bố cách đây 1 tuần, biến chủng Omicron đã lây nhanh ở châu Á trong tuần này, với các ca nhiễm được báo cáo ở Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Hàn Quốc..
Lịch sử cho thấy thị trường chứng khoán Mỹ thường có một đợt tăng điểm vào cuối năm (Santa Claus rally). Nhưng nhà đầu tư ở Phố Wall đang lo rằng họ sẽ không nhận được “món quà Giáng sinh” đó trong năm nay vì biến chủng mới Omicron của Covid-19 và sự dịch chuyển lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã xói mòn niềm tin trong những phiên giao dịch gần đây.
Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đã khiến chứng khoán Mỹ có một tuần biến động mạnh, khi nhà đầu tư cố gắng tìm hiểu xem biến chủng này có thể ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế và thị trường tài chính. Đến nay, các ca mắc Omicron đã được phát hiện tại 5 bang của Mỹ và hàng chục quốc gia khác. Các ca nhiễm tại Mỹ đều được báo cáo là có triệu chứng nhẹ. Một báo cáo của ngân hàng Barclays khuyến nghị nhà đầu tư giữ vững tâm lý và mua vào khi thị trường đi xuống. “Chúng tôi giữ quan điểm cho rằng các điều kiện vĩ mô và thanh khoản vẫn đang hỗ trợ giá cổ phiếu, theo đó khuyến nghị tăng nắm giữ mỗi khi thị trường giảm điểm, trên cơ sở dự báo thị trường giá lên (bull market) sẽ tiếp tục”, chuyên gia Emmanuel Cau của Barclays nhận định.
Diễn biến TTCK Việt Nam:
Chứng khoán trong nước cũng khép lại một tuần đầy biến động với chỉ số VN-Index có mức giảm mạnh nhất khu vực cũng như trên thế giới. Những diễn biến mới về dịch bệnh bất ngờ làm xáo trộn chứng khoán toàn cầu và rất nhiều thị trường đạt đỉnh rồi giảm mạnh tuần qua cũng khiến thị trường Việt Nam cũng chao đảo.
Chỉ số Vn-index giảm gần 50 điểm (tương đương giảm 3,3%), đây cũng là mức giảm mạnh nhất trong 4,5 tháng, và là tuần giảm thứ 2 trong 3 tuần vừa qua. Nhóm VN30 giảm tới 4%, cũng có tuần giảm thứ 4 trong 5 tuần gần nhất. Đáng chú ý là nhóm Smallcap đã giảm sang tuần thứ 2 liên tiếp trong khi chuỗi tăng kéo dài 8 tuần liền của nhóm Midcap cũng bị chắn ngang trong tuần qua. Như vậy, mức giảm của thị trường đã diễn ra trên diện rộng, ngay cả nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đã có dấu hiệu yếu đi khi quay về mức đỉnh cũ trong 3 tuần vừa qua và nhiều khả năng đang ở vùng phân phối. Nhìn chung, các yếu tố nội tại chi phối phần lớn nguyên nhân giảm so với các tác động bên ngoài.
Đầu tiên là việc thanh khoản “khựng lại” trong bối cảnh chỉ số chỉ đi ngang và giảm nhẹ. Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE tuần trước đó đang ở mức 30.780 tỷ đồng đã giảm về mức 22.000 tỷ đồng và 24.000 tỷ đồng, kéo thanh khoản thị trường giảm về còn 28.000 tỷ đồng trong tuần vừa qua, tương đương giảm 9%. Thanh khoản nhóm VN30 thậm chí giảm mạnh gần 15%, có những phiên chỉ còn 7.000 đến 8.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là dòng tiền đang có dấu hiệu rút khỏi nhóm cổ phiếu midcap và smallcap. Đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp, thanh khoản khớp lệnh giảm ở cả 2 nhóm này.
Thứ hai là dòng tiền vẫn từ chối cơ hội ở nhóm cổ phiếu bluechips, trong đó chủ yếu là nhóm cổ phiếu ngân hàng mặc dù nhóm cổ phiếu này trong 4 đến 5 tháng vừa qua phần lớn không tăng, bên cạnh đó các hoạt động bắt đáy sớm cũng không mang lại hiệu quả. Việc thanh khoản giảm và trong bối cảnh nắm giữ cổ phiếu trong thời gian dài không mấy hiệu quả sẽ kích hoạt áp lực bán khi thị trường có động mạnh như ở phiên cuối tuần vừa qua.
Thứ ba là nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong đó có nhóm cổ phiếu đầu cơ mạnh trong thời gian vừa qua có nhiều dấu hiệu phân phối ở vùng đỉnh mới. Thanh khoản ở cả 2 nhóm ngày đều giảm 2 tuần liên tiếp trong khi chỉ số cũng không thể vượt qua vùng đỉnh mới trong 3 tuần gần đây, độ rộng thị trường ngày càng hẹp dần và nhiều cổ phiếu phải hạ giá mới tìm được lực cầu, phiên giảm cuối tuần vừa qua sàn HOSE có hơn 400 mã giảm đã phản ánh rõ nét tín hiệu này.
Dòng tiền bắt đáy tỏ ra thận trọng khi các yếu tố ngắn hạn cả trong và ngoài nước lúc này đều bất lợi. Những bấp bênh liên quan đến biến chủng Omicron là rất cao, bên cạnh đó là sự dịch chuyển lập trường của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang khiến các thị trường bên ngoài biến động mạnh. Ở trong nước, mặc dù các chỉ số vĩ mô CPI và PMI tháng 11 đều tích cực nhưng nhà đầu tư dường vẫn cần thêm thời gian để đánh giá gói kích thích kinh tế năm 2020 có quy mô 800.000 tỷ đồng (35 tỷ USD).
Khối ngoại đã có một năm bán ròng rã không ngơi nghỉ, tuần qua họ tiếp tục bán ròng 3.181 tỷ đồng trên sàn HSX và 3.300 tỷ đồng trên toàn thị trường, đây cũng là tuần bán ròng thứ 5 liên tiếp sau tuần mua ròng nhẹ 330 tỷ đồng cuối tháng 10. Tâm điểm bán ròng tập trung ở cổ phiếu VPB và MSN. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 59.898 tỷ đồng. Áp lực bán ròng trong tuần vừa qua đã mạnh lên khi một số quỹ ETF bị rút ròng như VFMVN30, Fubon, …trong khi đó dòng vốn quốc tế cũng ghi nhận một tuần rút ròng ngoại trừ thị trường Hàn Quốc và Đài Loan.
Về kỹ thuật, phiên giảm mạnh cuối tuần vừa qua chưa làm thay đổi xu hướng tăng kéo dài kể từ đầu năm. Tuần tới, chúng tôi cho rằng thị trường vẫn còn áp lực điều chỉnh ở những phiên đầu tuần, tuy nhiên nếu áp lực bán càng mạnh và chỉ số giảm càng sâu thì khả năng phục hồi sẽ diễn ra nhanh sau đó. Ngược lại, nếu mức giảm nhẹ kèm thanh khoản sụt giảm thì thời gian điều chỉnh có thể sẽ kéo dài hơn. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm, nhịp điều chỉnh là cơ hội cho dòng tiền đến với nhóm cổ phiếu bluechips. Nhịp điều chỉnh có thể khiến chỉ số Vn-Index kiểm tra lại các ngưỡng hỗ trợ ở đỉnh tháng 7 và MA50 tương ứng ở 1.400 – 1.423 điểm.Trong kịch bản lạc quan, nếu chỉ số VN-Index phục hồi sớm tại vùng 1.430 thì có thể có nhịp tăng vượt vùng kháng cự 1.450 điểm chỉ số sẽ duy trì nhịp tăng hướng đến chinh phục vùng đỉnh cũ quanh mức 1.480 – 1500 điểm.
MBS CLTT.