MARKET STRATEGY WEEKLY: ĐÓN CHỜ TUẦN ĐẦU NĂM MỚI 2022 ! | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY: ĐÓN CHỜ TUẦN ĐẦU NĂM MỚI 2022 !

Lượt xem:3518 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Diễn biến TTCK thế giới:
    Một năm bứt phá đối với chứng khoán đã diễn ra ngay cả khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, với các biến thể như Delta và gần đây là Omicron đã dẫn đến các đợt bùng phát dịch trong năm. Thị trường được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ có khả năng thích ứng cao. Tuy vậy, mức tăng tập trung ở các thị trường như Mỹ và Châu âu, một số thị trường Châu Á bị bỏ lại ở phía sau.

    Các chỉ số chính của chứng khoán Mỹ đều chứng kiến mức tăng 2 chữ số trong năm nay, khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) duy trì các biện pháp hỗ trợ được thực hiện lần đầu tiên khi đại dịch bùng phát.

    Chỉ số chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản giảm 4,9% với trọng tâm là thị trường Hong Kong giảm mạnh 14,1%. Chỉ số chứng khoán khu vực Đông Nam Á cũng giảm 2,9% do lực cản đến từ các thị trường như Malaysia giảm 3,7% và Philippine giảm nhẹ 0,2%.

    Việc Trung Quốc kiềm chế lĩnh vực bất động sản và các quy định đối với các lĩnh vực như giáo dục, thương mại điện tử và fintech cùng chính sách Covid Zero của họ đã đẩy Chỉ số Hang Seng vào mức lỗ hai con số trong năm vừa qua, khiến chỉ số này hoạt động kém hiệu quả nhất trên toàn cầu, trong khi chứng khoán Malaysia bị ảnh hưởng do cổ phiếu của nhà sản xuất găng tay giảm khi các nền kinh tế mở cửa trở lại trên toàn thế giới. Trong khi đó, sự bùng nổ liên tục trong giao dịch của các nhà đầu mới tham gia thị trường đã hỗ trợ các chỉ số ở Việt Nam và Đài Loan, khiến các thị trường này trở thành những người chiến thắng trong khu vực ngay cả khi các trận chiến trước đây bùng phát virus.

    Diễn biến TTCK Việt Nam:

    Chứng khoán trong nước hoàn tất một năm thăng hoa và lọt Top 7 thị trường có mức tăng mạnh nhất thế giới năm 2021. Hỗ trợ đà tăng của thị trường là sự trỗi dậy của dòng tiền nội, bất chấp áp lực bán ròng từ khối ngoại và các đợt bùng phát dịch trong năm.

    Đồ thị tuần vnindex.

    Chỉ số VN-Index khép lại năm 2021 với mức tăng 394,41 điểm (+35,7%), kéo dài xu hướng tăng trưởng trong dài hạn, qua đó đánh dấu năm tăng thứ 3 liên tiếp của chỉ số này mặc dù có những nhịp điều chỉnh do tác động của đại dịch, khi xuất hiện biến chủng virus Covid-19 mới Delta và Omicron. Trong 10 năm qua, chỉ số này đã tăng tới 9 năm ngoại trừ năm 2018. Với mức tăng gần 36%, đây cũng là mức tăng cao thứ 2 trong 10 năm qua, chỉ sau mức tăng 48% ở năm 2017.

    Trong năm vừa qua, thị trường giao dịch rất sôi động và thanh khoản cũng liên tiếp lập các kỷ lục mới nhưng mức tăng mạnh nhất về chỉ số lại thuộc nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chứ không phải là nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechips). Theo thống kê, chỉ số Smallcap có mức tăng gần 102%, mạnh nhất trên thị trường, bên cạnh đó nhóm cổ phiếu Midcap có mức tăng 76,4%, các nhóm ETF nội cũng có mức tăng bình quân 65,6%, trong khi đó nhóm Vn30 chỉ có mức tăng 43,4%.

    Về thanh khoản, thị trường không những xác lập kỷ lục về chỉ số sau 20 năm mà thanh khoản thị trường cũng đạt mức chưa từng có, các phiên giao dịch tỷ USD đã trở nên quen thuộc với nhà đầu tư nhờ sự trỗi dậy của dòng tiền nội. Theo thống kê, thanh khoản bình quân toàn thị trường năm vừa qua đạt mức 26.258 tỷ đồng (~ 1,15 tỷ USD), tăng 3,6 lần so với mức bình quân năm 2020. Thanh khoản thị trường cổ phiếu đã gia tăng nhanh chóng và liên tục qua các tháng, đến tháng 11 đạt mức kỷ lục 40.117 tỷ đồng/phiên. Trong đó, thanh khoản bình quân sàn HSX đạt 21.470 tỷ đồng (~942 triệu USD), tăng 248,6% so với năm 2020, đứng thứ 2 trong nhóm ASEAN 6, đã có phiên thanh khoản đạt mức kỷ lục gần 2 tỷ USD.

    Để có được những con số kỷ lục như trên, thị trường đã thực sự có chuyển biến cơ bản về chất. Thống kê từ đầu năm đến nay đã có thêm 2,13 triệu tài khoản mở mới, đưa tổng số lượng tài khoản lên con số 4,08 triệu Tài khoản, chiếm trên 4% so với quy mô dân số của Việt Nam. Với sự tham gia mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong nước, TTCK đã giảm dần sự phụ thuộc vào khối nhà đầu tư nước ngoài và cho thấy sự chuyển dịch bền vững ( hiện tại giao dịch của NĐT NN chỉ chiểm 9% tổng giá trị giao dịch thay vì mức 15% như trước đây).

    Cùng với sự tăng trưởng mạnh mẽ về chỉ số, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu cũng tăng mạnh. Năm vừa qua, mức vốn hóa toàn thị trường đạt 7,7 triệu tỷ đồng, tăng 46,74% so với cuối năm 2020, tương đương 122,8% GDP. Mặc dù thanh khoản bình quân trên sàn HSX đứng thứ 2 khu vực Đông Nam Á nhưng mức vốn hóa còn khiêm tốn, chỉ sếp thứ 5 trong nhóm ASEAN 6.

    Về giao dịch NĐTNN: giao dịch của NĐTNN năm vừa qua chiếm 7,2% chiều mua và 8,2% chiều bán, so với mức 11,95% chiều mua và 12,93% chiều mua của năm 2020. Theo thống kê, khối ngoại bán ròng 62.319 tỷ đồng (~ 2,73 tỷ USD). Theo Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, hiện giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài khoảng 53 tỷ USD, trong khi hồi đầu năm khoảng 45 tỷ USD. Như vậy, dù rút ròng nhưng tài sản khối ngoại trên thị trường chứng khoán vẫn tăng. Người đứng đầu UBCKNN cho rằng giá trị bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thời gian vừa qua đạt kỷ lục nhưng không đủ để thành một câu chuyện lớn.

    Về các nhóm ngành/cổ phiếu: Đà tăng của thị trường năm vừa qua diễn ra trên diện rộng, có tới 20/21 nhóm cổ phiếu mà chúng tôi theo dõi tăng điểm, trong đó có ½ nhóm cổ phiếu đánh bại thị trường. Một năm thăng hóa của TTCK cả về chỉ số và thanh khoản, do vậy nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng chính là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất, đây cũng là nhóm có mức tăng bình quân tốt nhất thị trường, đạt 176,5%, tiếp theo là các nhóm cổ phiếu khác như Hóa chất, Bất động sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp,… tuy vậy vẫn có một vài nhóm cổ phiếu hoạt động kém hiệu quả do ảnh hưởng từ đại dịch như: dịch vụ (hàng không), bảo hiểm, ô tô và phụ tùng, v.v

    Tuần tới, thị trường sẽ đón nhận nhiều thông tin hỗ trợ mà nổi bật là Bốn nội dung quan trọng của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 4/1/2022 và các thông tin từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 4 cũng như năm 2020. Do vậy, niềm tin vượt đỉnh cũ và lập các mốc cao mới sẽ rất cao trong tuần đầu năm mới. Trong ngắn hạn, thị trường đang duy trì trạng thái đi ngang trong vùng 1.486 – 1.498 điểm trên nền thanh khoản thấp, cho thấy thị trường đang chờ đợi các thông tin hỗ trợ để bứt phá ngưỡng tâm lý 1.500 điểm. Đây là thời điểm mà niềm tin thị trường vượt đỉnh lịch sử trong tuần đầu năm 2022 là rất cao khi có nhiều thông tin hỗ trợ cả trong và ngoài nước, trong khi các lực cản thị trường đã hấp thụ và con đường phía trước cũng đang gặp ít rào cản nhất. Chúng tôi cho rằng thị trường sẽ tích cực trong tuần đầu năm với mục tiêu vượt mức đỉnh năm 2021.

    Dòng tiền đã quay trở lại nhóm ngân hàng rất tích cực trong tuần qua, do đó chiến lược tiếp tục mua và nắm giữ với cổ phiếu ngân hàng có động lực tăng trưởng cao và dịnh giá hợp lý. Nhà đầu tư có thể xem xét tích lũy nhóm cổ phiếu VN30 khi mùa báo cáo kết quả kinh doanh sắp bắt đầu. Riêng với nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap với lực tăng duy trì tốt và cả 2 nhóm này vẫn đang ở mức đỉnh do đó có thể xem xét nằm giữ hoặc chốt lời dần.

    MBS Research.

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn