Diễn biến TTCK thế giới:
Chứng khoán toàn cầu điều chỉnh sang tuần thứ 2 liên tiếp dưới sức ép từ chứng khoán châu âu khi các quốc gia này công bố các hạn chế đi lại mới trong bối cảnh làn sóng đại dịch covid-19 lần thứ 5 đang nổi lên trên toàn cầu. Các nhà đầu tư lại tìm kiếm sự an toàn ở những cổ phiếu được hưởng lợi thông thường của nền kinh tế lưu trú – cổ phiếu phần mềm và internet.
Chứng khoán Mỹ bị ảnh hưởng tiêu cực sau khi Áo thông báo vào đầu phiên rằng nước này sẽ tái áp dụng phong tỏa toàn quốc do số ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến. Thông báo này được đưa ra sau những yêu cầu hạn chế mới đối với người chưa được tiêm chủng ở Đức, được giới thiệu vào ngày 18/11 khi làn sóng Covid-19 thứ 4 khiến số ca nhiễm mỗi ngày tăng cao kỷ lục Trong một diễn biến khác, Hạ viện Mỹ ngày 19/11 đã phê chuẩn gói chi tiêu 1,7 nghìn tỷ USD mà ông Biden khởi xướng dành cho phúc lợi xã hội. Tiếp đến, kế hoạch này sẽ được gửi lên Thượng viện. Việc kế hoạch được phê chuẩn ở Hạ viện đã giải toả bớt những lo ngại trước đó trong tâm trí nhà đầu tư.
Thị trường đang chờ xem ông Biden sẽ chọn ai cho cương vị Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiệm kỳ tiếp theo, với quyết định được dự kiến công bố vào cuối tuần này. Nhiều người tin rằng ông Lael Brainard, một thống đốc với quan điểm mềm mỏng của Fed, sẽ được chọn. Họ cho rằng, nếu ông Brainard trở thành Chủ tịch mới của Fed thay cho ông Jerome Powell từ tháng 2 năm sau, Fed sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ chậm hơn.
Diễn biến TTCK Việt Nam:
Thị trường chứng khoán trong nước khép lại một tuần biến động mạnh với tâm điểm là phiên giảm cuối tuần, thanh khoản thị trường được đẩy lên mức cao kỷ lục và dòng tiền có dấu hiệu quay lại nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng sau khi chốt lời ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Độ rộng thị trường tuần vừa qua đã kém đi khi nhóm cổ phiếu smallcap bị chốt lời mạnh, chỉ còn non nửa số cổ phiếu vẫn tăng điểm so với tuần trước trong khi ½ số cổ phiếu đã giảm. Tình trạng này cũng diễn ra tương tự ở nhóm midcap, thậm chí nhóm Vn30 chỉ có 1/3 số mã tăng giá. Phiên giảm cuối tuần qua cũng là phiên chốt lời thứ 2 trong tuần, trước đó ngày 3/11 thị trường cũng đã chốt lời nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ với thanh khoản cao đột biến nhưng kết quả cả 2 chỉ số này đều đi lên tìm các đỉnh cao mới. Điều khác biệt là mức biến động ở cả 2 chỉ số này đều lớn hơn so với các phiên chốt lời trước đó và cũng là phiên giảm thứ 2 trong 4 phiên gần nhất.
Áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trên 2 sàn niêm yết đã khiến dòng tiền đầu cơ ngày càng dịch chuyển sang sàn Upcom để trú ẩn. Phiên giảm cuối tuần vừa qua cũng không phải là phiên giảm mạnh nhất trong tháng 11, vẫn có gần 100 cổ phiếu chốt phiên ở mức giá trần và chỉ số này vẫn duy trì đà tăng sang tuần thứ 7 liên tiếp. Thanh khoản sàn Upcom vẫn tiếp tục tăng, tuần vừa qua bình quân mỗi phiên đạt 3.355 tỷ đồng so với mức 1.430 tỷ đồng kể từ đầu năm. Với lợi thế, biên độ dao động giá cổ phiếu trong ngày được phép lên đến 15%, gấp đôi so với HOSE (7%) và gấp rưỡi so với HNX (10%), không ít cổ phiếu trên UpCom đã và đang mang lại cơ hội kiếm lời lớn cho nhà đầu tư.
Thanh khoản thị trường có thêm tuần lập kỷ lục mới, giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HSX tuần vừa qua đạt 32.985 tỷ đồng (+13% so với tuần trước đó), sàn HNX cũng tăng 23% đạt 4.851 tỷ đồng và sàn Upcom tăng 18,4% đạt 3.355 tỷ đồng. Tính toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt 43.220 tỷ đồng/phiên, tăng 12% so với tuần trước đó. Thanh khoản tháng 11 đang ở mức kỷ lục mới, bình quân toàn thị trường đạt 40.239 tỷ đồng, so với mức bình quân 25.659 tỷ đồng kể từ đầu năm. Tháng 11 năm ngoái, cũng là tháng đầu tiên ghi nhận mức 10.000 tỷ đồng/phiên, sau đó thanh khoản tiêp tục tăng thêm 49% trong tháng 12. Diễn biến thanh khoản năm nay cũng đang có phần tương đồng với năm ngoái, sau khi chững lại trong quý 3 thì 2 tháng cuối quý 4 là thời điểm tăng tốc của thanh khoản. Dòng tiền được khơi thông kể từ đầu tháng 11 cũng là hệ quả của số lượng tài khoản mở mới tiếp tục tăng so với tháng trước đó. Số liệu từ Trung tâm Lưu ký cho thấy, tháng 10/2021 đã có thêm 129.564 tài khỏa chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới, tăng gần 13% so với tháng 9. Đây là tháng thứ 8 liên tiếp số lượng tài khoản này vượt mốc 100.000. Tính chung 10 tháng năm nay, đã có gần 1,09 triệu tài khoản của nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường. Lũy kế 10 tháng, số lượng tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 1.085.645 tài khoản, gấp 2,8 lần số tài khoản mở mới của cả năm 2020. Thậm chí, con số 10 tháng này còn cao hơn cả lũy kế 4 năm liên tiếp từ 2017-2020 (với 1.028.321 tài khoản).
Tuần vừa qua, chúng tôi ghi nhận mức tăng vượt trội của nhóm cổ phiếu chứng khoán (+7,09%) nhờ một số cổ phiếu nổi bật như: SHS, SSI, VND, CTS,… điều này là hiển nhiên khi thanh khoản thị trường ngày càng lập kỷ lục mới, các công ty chứng khoán phần lớn đều có kết quả kinh doanh vượt kế hoạch chỉ sau 9 tháng.Ngoài nhóm chứng khoán, tuần vừa qua thị trường ghi nhận sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, cao su tự nhiên và ô tô,…. ở chiều ngược lại, phần lớn các nhóm ngành khác đều giảm điểm trong đó đáng chú ý là nhóm cổ phiếu thép (-9,79%), dầu khí (-8,01%), thủy sản (- 7,22%)
Khối ngoại tiếp tục bán ròng 1.183 tỷ đồng trên sàn HSX và 1.160 tỷ đồng trên toàn thị trường, đây cũng là tuần bán ròng thứ 3 liên tiếp sau tuần mua ròng nhẹ 330 tỷ đồng cuối tháng 10 vừa qua. Tâm điểm bán ròng tập trung ở cổ phiếu HPG và SSI trong tuần vừa qua. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại bán ròng 53.427 tỷ đồng, tuy nhiên áp lực bán ròng đang giảm dần trong 3 tuần vừa qua và dòng vốn qua kênh ETF đang có dấu hiệu chảy mạnh vào thị trường nhờ quỹ ETF Diamond giải ngân hơn 19,5 triệu USD trong tuần vừa qua.
Tuần tới chúng tôi cho rằng thị trường có nhiều phiên biến động hơn khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trên 2 sàn niêm yết tiếp tục bị chốt lời, bên cạnh đó một số cổ phiếu vốn hóa lớn đã mất ngưỡng hỗ trợ sẽ chịu áp lực giảm tiếp để tìm vùng hỗ trợ mới. Dòng tiền về cơ bản vẫn tiếp tục lựa chọn các cổ phiếu mang tính đầu cơ ở sàn Upcom khi các cổ phiếu này mua bằng tiền tươi thóc thật, do đó không chịu áp lực từ sức căng margin khi thị trường giảm. Dòng tiền tiếp tục có sự chuyển dịch rõ nét sang nhóm cổ phiếu ngân hàng khi phần lớn các cổ phiếu đã có quá trình đi ngang hơn 3 tháng qua, một số cổ phiếu đã hình thành vùng tích lũy và đang cho tín hiệu tăng trở lại. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán và Bán lẻ tiêu dùng vẫn mạnh so với mặt bằng chung của thị trường. Chúng tôi kỳ vọng, ở những phiên điều chỉnh mạnh nhà đầu tư có thể canh mua vào đối với nhóm cổ phiếu này.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index giảm tuần đầu tiên sau 3 tuần tăng liên tiếp chưa ảnh hưởng đến xu hướng tăng kể từ đầu năm. Tuy nhiên trước vùng cản kỹ thuật FiboProjections 150% với các cụm nến đi ngang và chưa thể vượt qua cùng với một cây nến bán mạnh cho thấy tín hiệu nên cẩn trọng trước những diễn biến rung lắc điều chỉnh trong ngắn hạn. Thanh khoản được đẩy lên cao và có dấu hiệu phân phối trong 5 phiên gần đây nhất cho thấy áp lực bán vẫn có thể sẽ duy trì trong tuần tới.
Vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số VN-Index trong ngắn hạn ở ngưỡng 1.400 – 1.425 điểm trong khi mức thấp nhất của cây nến phiên thứ 6 vừa qua cũng ở mức 1.435 điểm là vùng đệm của chỉ số trong khả năng rung lắc có thể tiếp diễn trong tuần tới.
Trên nền thanh khoản cao như hiện nay, các nhịp điều chỉnh cũng nhanh chóng qua đi khi lượng hàng bị hấp thụ nhanh hơn. Nhịp điều chỉnh trước áp lực chốt lời cũng cần thiết khi nhiều cổ phiếu BĐS và xây dựng trong thời gian vừa qua có dấu hiệu tăng rất nóng và thiếu vắng yếu tố cơ bản. Chính vì vậy, chúng tôi cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng khi bắt đáy với nhóm cổ phiếu này trong ngắn hạn.
Chứng khoán toàn cầu đang duy trì đà tăng trong tháng 11 trên diện rộng sau nhịp điều chỉnh lớn ở tháng 9 vừa qua, chỉ số VN-Index đang có chuỗi tăng 4 tháng liên tiếp, kể từ đầu năm cho tới nay, chỉ số này đã tăng 9 tháng và chỉ điều chỉnh 2 tháng, mức tăng kể từ đầu năm đạt 31,6% cho thấy việc chỉ số đang ở khu vực thị trường giá lên (bullmarket) nên các nhịp điều chỉnh (nếu có) là nhịp nghỉ để hướng tới các mốc cao hơn. Theo thống kê, kể từ năm 2015, thị trường đều tăng vào tháng 12 ngoại trừ năm 2018, mức tăng bình quân đạt 1,8%. Năm ngoái thị trường tăng rất mạnh 11%, là tháng tăng mạnh thứ 3 chỉ sau tháng 4 và tháng 5. Do vậy, chúng tôi cho rằng, thanh khoản tháng 12 sẽ tiếp tục trong xu hướng tăng từ 20 – 30% so với mức tăng 49% trong năm ngoái.
MBS CLTT.