MARKET STRATEGY WEEKLY: Covid sẽ KHÔNG là một chủ đề khiến thị trường phải lo lắng quá lâu. ! | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY: Covid sẽ KHÔNG là một chủ đề khiến thị trường phải lo lắng quá lâu. !

Lượt xem:3524 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Diễn biến TTCK thế giới:

    Chứng khoán toàn cầu giảm mạnh tuần vừa qua vì biến chủng Omicron, Mỹ và EU cùng nhiều nước khác đã siết hạn chế đi lại với khu vực phía nam Châu Phi. Ngoại trừ thị trường Việt Nam và Trung Quốc ngược dòng, các thị trường lớn trên thế giới đều có mức giảm trên 2% trong tuần vừa qua, chủ yếu là do phiên giảm cuối tuần.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) họp khẩn ngày 26/11 và đổi tên biến chúng B.1.1.529 mới phát hiện thành Omicron, xếp vào danh sách biến chủng đáng lo ngại do khả năng lây nhiễm cao hơn Delta. Omicron được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, một số ca nhiễm khác được báo cáo tại Botswana, Bỉ và đặc khu hành chính Hong Kong của Trung Quốc.
    Chứng khoán Mỹ cũng giảm điểm chóng mặt trong phiên cuối tuần vừa qua, lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones sụt 905,04 điểm, tương đương giảm 2,53%, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm, còn 34.899,34 điểm. Có thời điểm trong phiên giao dịch, Dow Jones giảm hơn 1.000 điểm. Phiên giao dịch ngày thứ Sáu được rút ngắn do kỳ nghỉ lễ Tạ ơn. Khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp có thể là một nguyên nhân làm gia tăng mức biến động của các chỉ số. Tính cả tuần này, Nasdaq giảm 3,5%, trong khi S&P 500 và Dow Jones giảm tương ứng 2,2% và 2%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sụt mạnh vì giới đầu tư đổ xô mua trái phiếu để tìm kiếm sự an toàn. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 15 điểm cơ bản, còn 1,49%. Đây là một sự đảo chiều mạnh bởi trong phiên, có lúc lợi suất tăng lên mức 1,68%, duy trì xu hướng tăng của thời gian gần đây.

    Diễn biến TTCK Việt Nam:
    Sau 2 thập kỷ, thị trường chứng khoán trong nước cũng đã có lần đầu tiên chứng kiến chỉ số Vnindex vượt ngưỡng 1.500 điểm nhờ lực kéo từ nhóm cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán toàn cầu “rực lửa” trong phiên cuối tuần đã khiến chỉ số này không giữ được mốc 1.500 điểm nhưng vẫn có tuần tăng mạnh 2,8% và đứng thứ 2 trong danh sách các thị trường có mức tăng mạnh nhất trong tuần vừa qua, chỉ sau thị trường Chile tăng 5,07%.

    Về chỉ số: Chỉ số Vn-Index đã tăng 4/5 tuần gần đây, mức cao nhất đạt 1.512 điểm trong tuần vừa qua nhờ lực đẩy từ nhóm cổ phiếu bluechips, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhóm VN30 đã có tuần tăng đầu tiên sau chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp, mức tăng khá mạnh 66,5 điểm, tương đương 4,43%, hiện chỉ số này cũng đã vượt đỉnh lịch sử. Tuần này tiếp tục chứng kiến sự dịch chuyển của dòng tiền trên thị trường giữa các nhóm cổ phiếu khác nhau. Vào đầu tuần, nhà đầu tư rút vốn khỏi cổ phiếu vừa và nhỏ cùng các các phiếu đầu cơ, và đổ tiền vào cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản. Phiên cuối tuần thị trường giảm mạnh, nhà đầu tư lại chứng kiến sự chảy ngược lại của các dòng vốn.

    Nhóm cổ phiếu ngân hàng chính là điểm nhấn trong tuần vừa qua khi kéo lần lượt các chỉ số lên đỉnh cao lịch sử mới. VN-Index đã không điều chỉnh mà trái lại, có một tuần mạnh bất ngờ và ngược dòng phần lớn các thị trường trên thế giới. Nhóm cổ phiếu này tuần vừa qua có mức tăng bình quân 6,25% nhờ một số cổ phiếu nổi bật như: VIB (+15,38%), STB (+10,57%), TPB (+9,2%), VPB (+8,3%),… Đáng chú ý là mức tập trung vốn đã quay lại nhóm này với tỷ trọng 31,4% trong tuần vừa qua, tương đương với cơ cấu kể từ đầu năm. Biên độ tăng lớn, thanh khoản rất cao gợi nhớ lại thời kỳ đỉnh cao của nhóm này cách đây 4 tháng. Yếu tố thúc đẩy làn sóng ngân hàng trở lại có lẽ được xuất phát từ thông tin về hạn mức tăng trưởng tín dụng hoặc câu chuyện tăng vốn.

    Về thanh khoản: Dòng tiền có sự suy yếu ở nhóm Midcap và Smallcap trong khi nhóm bluechips cũng có chưa có sự đột phá. Do vậy thanh thoản thị trường tuần vừa qua vẫn chưa có gì nổi bật so với tuần trước dù nhóm cổ phiếu ngân hàng có phiên giao dịch rất sôi động. Theo thống kê, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX giảm nhẹ 6,7% còn 30.780 tỷ đồng/phiên, đây cũng là tuần thứ 2 liên tiếp, thanh khoản khớp lệnh trên sàn HSX được giữ trên ngưỡng 30.000 tỷ đồng cũng như trong ¾ tuần vừa qua. Trên toàn thị trường, thanh khoản tháng 11 đang đạt mức kỷ lục 40.000 tỷ đồng/phiên, tăng 1,5 lần so với mức bình quân trong tháng 10, đẩy thanh khoản kể từ đầu năm lên mức 25.650 tỷ đồng/phiên, gấp 3,5 lần so với năm 2020.

    Về khối ngoại: Khối ngoại tiếp tục bán ròng 3.095 tỷ đồng trên sàn HSX và 2.965 tỷ đồng trên toàn thị trường, đây cũng là tuần bán ròng thứ 4 liên tiếp sau tuần mua ròng nhẹ 330 tỷ đồng cuối tháng 10. Tâm điểm bán ròng tập trung ở cổ phiếu VPB chiếm gần 50% trong tuần vừa qua.

    Tuần tới, chúng tôi cho rằng, thị trường vẫn còn áp lực điều chỉnh ở phiên đầu tuần. Tuy vậy, sẽ không có sự hoảng hốt của nhà đầu khi thị trường đang ghi nhận những bước tiến gần đây về vaccine, các loại thuốc đặc trị Covid và các phương pháp khác để chống lại căn bệnh này. Trước đó, nhà đầu tư cũng đã trải qua hết làn sóng này đến làn sóng khác của Covid và các biến chủng khác nhau của virus, kết quả là thị trường luôn tạo các đỉnh cao hơn. Một phần là do dòng tiền có sự xoay vòng giữa các nhóm cổ phiếu. Một phần là do sau mỗi làn sóng Covid, chúng ta lại học thêm được cách sống chung và ứng phó với virus. Do vậy, chúng tôi không cho rằng Covid sẽ là một chủ đề khiến thị trường phải lo lắng quá lâu.

    Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index tuần vừa qua tăng 40,68 điểm, tương đương 2,8% và là tuần tăng thứ 4/5 tuần vừa qua. Việc thị trường điều chỉnh phiên cuối tuần dù là do tác động từ thông tin về chủng mới Omicron hoặc nếu  không do thông tin từ biến chủng covid-19 mới này thì việc thị trường giảm cũng tương đối bình thường sau phiên
    vượt đỉnh 1.500 điểm. Bất chấp phiên giảm cuối tuần cho tín hiệu cần thận trọng tuy vậy chúng tôi cho rằng việc chỉ số Vn-index đã có 2 tuần tích lũy ở vùng 1.470 –1.480 điểm trước đó sẽ là vùng đệm cho thị trường ở nhịp điều chỉnh này.

    Về cơ bản, chúng tôi cho rằng, thị trường trong tuần tới có thể còn chịu áp lực điều chỉnh ở 1 đến 1,5 phiên đầu tuần nhưng sẽ ổn định trở lại trong các phiên cuối tuần. Áp lực giải phóng lượng margin cũng là tín hiệu tốt để thị trường đi lên bền vững hơn. Nhóm cổ phiếu bluechips vẫn là lựa chọn ưu tiên cho giai đoạn cuối năm, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Về kỹ thuật, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn còn nhiều dư địa tăng trường khi còn chưa vượt đỉnh tháng 7 trong khi các nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đang ở cách đỉnh khá xa.

    MBS Research.

     

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn