Diễn biến thị trường quốc tế:
Thị trường chứng khoán Mỹ liên tiếp chinh phục những đỉnh cao mới trong tuần này khi đón nhận những thông tin tích cực từ diễn biến đại dịch cũng như phương pháp điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 sử dụng huyết tương của người đã khỏi bệnh, đến tiến triển của thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung. Phát biểu được kỳ vọng cao của chủ tịch Fed Jerome Powell sau Hội thảo chính sách kinh tế Jackson Hole đã không khiến nhà đầu tư thất vọng mặc dù còn nhiều nghi vấn được đặt ra. Trái lại, các thị trường giao dịch châu Âu giao dịch tương đối thận trọng bối cảnh dịch bệnh tái bùng phát tại châu lục này đi kèm những dữ liệu kinh tế cho tín hiệu trái chiều. Các thị trường châu Á đóng cửa phân hóa.
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được xoa dịu khi các bên nhấn mạnh cam kết của họ đối với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được ký kết đầu năm nay. Đầu tuần, đại diện đàm phán thương mại của Mỹ và Trung quốc đã có một cuộc điện đàm thảo luận đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo đó cả hai bên đều đều đồng thuận tạo điều kiện thúc đẩy tiến triển của thỏa thuận. Như vậy, việc hòa giải chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc đã trở thành một lĩnh vực hợp tác hiếm hoi khi mối quan hệ giữa hai quốc gia trở nên tồi tệ trên nhiều mặt khác từ an toàn công nghệ đến vấn đề Hong Kong và ứng phó đại dịch. Điều này cũng hàm nghĩa rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa hoàn toàn tách rời và những căng thẳng trong mối quan hệ Mỹ – Trung vẫn có khả năng được giải quyết thông qua con đường đàm phán
Trong bối cảnh đó, các quyết định chính sách của Mỹ trở thành tâm điểm của sự chú ý. Thời gian đến ngày bầu cử tổng thống Mỹ đang được rút ngắn gần, trong khi sự bất đồng quan điểm giữa hai đảng cầm quyền tại Mỹ khiến gói chính sách kích thích tài khóa mới vẫn chưa được thông qua, và hai bên khó có thể đạt được một thỏa thuận trong những ngày sắp tới. Thất bại trong việc đưa ra một gói kích thích tài khóa mới có thể đe dọa lớn đến quá trình phục hồi kinh tế Mỹ hiện nay. Vì vậy, sự chú ý đã được chuyển hướng đến chính sách tiền tệ. Đây là lý do Hội thảo Jackson Hole và bài phát biểu của chủ tịch Fed Jerome Powell trở thành sự kiện đáng được mong đợi nhất trong tuần vừa qua.
Không khiến nhà đầu tư thất vọng, ông Powell đã công bố khung chính sách mới của Fed, theo đó, cho phép lạm phát của Mỹ tăng cao hơn 2% trong một khoảng thời gian dài hơn, giúp bù đắp cho những năm lạm phát ở dưới ngưỡng 2% và đưa lạm phát trung bình các năm lên ngưỡng mục tiêu 2%. Nói cách khác, Fed đang phát đi tín hiệu rằng họ sẽ không nâng lãi suất để để kiềm chế lạm phát ngay cả khi lạm phát bắt đầu tăng lên cao hơn 2%, đồng nghĩa rằng lãi suất của Mỹ có thể duy trì ở mức thấp trong khoảng thời gian dài hơn. Đây là một tín hiệu tích cực cho các nhóm tài sản rủi ro như cổ phiếu và được phần lớn thị trường kỳ vọng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nội dung bài phát biểu của chủ tịch Fed chỉ dừng lại ở đó khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về cách thức hoạt động của khung chính sách mới cũng như định hướng về các động thái tiếp theo của NHTW Mỹ trong kỳ họp chính sách sắp tới. Tuần tới, thị trường toàn cầu sẽ có thêm những kết quả kinh tế tháng 8 bên cạnh những chỉ báo sớm đã được công bố trước đây, bao gồm: Sản lượng sản xuất công nghiệp và doanh số bán lẻ của Hàn Quốc, Nhật Bản, PMI sản xuất và dịch vụ của Trung Quốc, PMI chính thức các quốc gia khu vực đồng tiền chung châu Âu, PMI và báo cáo thị trường việc làm tháng 8 của Mỹ… Các dữ liệu này sẽ cho nhà đầu tư có thêm cái nhìn về bức tranh kinh tế thế giới và tình trạng phục hồi kinh tế toàn cầu hiện nay
Tình hình dịch Covid-19: Đỉnh dịch hình thành rõ ràng, kỳ vọng số ca nhiễm mới giảm dần!
Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục được cải thiện với số ca nhiễm mới, số bệnh nhân đang điều trị và số trường hợp tử vong mới vì Covid-19 đều duy trì xu hướng giảm. Brazil là vùng dịch lớn thứ hai thế giới, tuy nhiên số ca nhiễm Covid-19 mới trung bình hàng ngày đã giảm xuống khoảng 37.300 ca mới/ngày trong 7 ngày vừa qua, so với mức 44.000 của 2 tuần liền trước. Giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Mike Ryan hôm 21/8 nhận định số ca nhiễm hàng tuần ở Brazil đã ổn định, tốc độ lây lan đang chậm lạ.Tại châu Âu, số ca nhiễm mới gia tăng dấy lên những lo ngại trước thềm khai giảng năm học mới vào tháng 9 tuần sau.
Đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương, Hàn Quốc tiếp tục dóng hồi chuông cảnh báo với 441 ca nhiễm mới được ghi nhận trong ngày 27/8 – cao nhất kể từ đầu tháng Ba. Cơ quan y tế nước này cảnh báo đợt bùng phát mới này có thể tồi tệ hơn so với trước đây vì virus chủ yếu lây lan tại khu vực thủ đô Seoul và các thành phố lân cận, nơi tập trung dân cư đông đúc. Trong khi đó, Australia về cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và diễn biến dịch tại Nhật Bản tiếp tục được cải thiện. Hong Kong bắt đầu gỡ bỏ một số quy định về giãn cách xã hội và Thái Lan đang tìm cách từ từ nới lỏng các lệnh hạn chế du lịch đã được áp dụng trước đó nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Hoạt động nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa Covid-19 tiếp tục cho những kết quả hứa hẹn. Nhóm nghiên cứu Đại học Oxford cho biết vắc-xin của họ đang được thử nghiệm tại Anh, Brazil, Nam Phi sẽ sớm được thử nghiệm tại Mỹ và các kết quả kiểm nghiệm có thể được chuyển đến cơ quan quản lý trong năm nay. Vắc-xin của AstraZeneca hợp tác với Đại học Oxford là một trong 7 ứng viên vắc-xin đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 và được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội tiếp cận vắc-xin Covid-19 cho các quốc gia nghèo, đang phát triển.
Tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 30/8, tổng số ca nhiễm Covid-19 là 1.040 ca, trong đó 331 trường hợp đang được điều trị, 677 trường hợp đã hồi phục và 32 trường hợp tử vong. Số ca nhiễm mới hàng ngày được ghi nhận tiếp tục giảm kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, với trung bình chỉ khoảng 4 ca nhiễm mới/ngày trong tuần qua, thấp hơn so với mức 13 ca nhiễm mới/ngày của tuần liền trước.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:
Thông tin vĩ mô trong nước:
Dự thảo Thông tư mới của Bộ tài chính có điều khoản quy định về giao dịch chứng khoán trong ngày và giao dịch bán khống. Giao dịch T+0 và được bán khống cổ phiếu sẽ là cú hích giúp TTCK phát triển mạnh nếu dự thảo được thông qua. Giao dịch T+0 giúp thu hút lượng lớn NĐT tham gia và khiến vòng quay giao dịch tăng lên nhiều lần và thanh khoản sẽ tăng mạnh. Bên cạnh đó, được phép bán khống và giao dịch T+0 cũng sẽ giúp Việt Nam cải thiện các tiêu chí đánh giá theo FTSE và MSCI. Từ đó, Việt Nam hoàn toàn có thể sẽ được đánh giá nâng hạng sang thị trường mới nổi và thu hút được lượng lớn dòng vốn ngoại lớn trong thời gian tới.
Đồ thị Vnindex ( tuần )28.08.2020.
Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:
Thị trường chứng khoán trong nước kết thúc tháng 8 tiếp tục có tuần tăng thứ 4 liên tiếp nhờ dòng tiền đổ vào thị trường bùng nổ, qua đó vượt ngưỡng 876 điểm. Bên cạnh đó, lũy kế trong 7 tháng đầu năm, các nhà đầu tư nội đã mở mới xấp xỉ 193.000 tài khoản chứng khoán, vượt qua con số tài khoản mở mới trong cả năm 2019 (gần 189.000 tài khoản). Trong đó, số lượng tài khoản mở mới kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát (từ tháng 3 tới nay) là gần 165.000 tài khoản.
Thị trường tích cực với 280 mã tăng, 77 mã giảm giá và 23 mã đứng giá. Đà tăng lan tỏa ở hầu hết các nhóm cổ phiếu, nhóm Finlead tăng 3,96% và nhóm Finselect tăng 3,97%. Ngoài ra nhóm Diamond với mức tăng 6,02%, nhóm Midcap tăng 2,29%, nhóm Smallcap tăng 3,44%
Về xu hướng dòng tiền: Dòng tiền mới đổ vào thị trường chưa có dấu hiệu dừng lại, thanh khoản tuần vừa qua tăng mạnh trong đó phiên phiên thứ Sáu bùng nổ mạnh mẽ. Thanh khoản bình quân mỗi phiên tuần qua đạt hơn 5.613 tỷ đồng (tăng 51,5% so với tuần trước). Bên cạnh đó thanh khoản nhóm Midcap với mức tăng 30,9% trong khi đó thanh khoản nhóm Smallcap tăng 28,4%, dòng tiền cũng chảy vào các nhóm ETF khi nhóm VN Diamond tăng 60,3%, nhóm Finlead tăng 70,3%, nhóm Finselect tăng 72,4%.
Tuần vừa qua, tổ chức trong nước tiếp tục mua ròng mạnh sang tuần thứ 3 liên tiếp và cũng đã có 12 phiên tăng trong 13 phiên gần đây, trong khi đó khối tổ chức nước ngoài lại quay trở lại bán ròng mạnh nhưng phần nhiều thông qua GD thỏa thuận. Tính chung trong tháng 8, dòng tiền từ các tổ chức trong nước mua ròng tổng cộng hơn 3.161 tỷ đồng so với mức bán ròng 440 tỷ đồng trong tháng 7 cho thấy tín hiệu tích cực hơn. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng đã quay trở lại mua ròng sau hơn 4 tuần liên tiếp với giá trị mua đạt 89,83 tỷ đồng. Cả hai động thái mua ròng của khối NĐT tổ chức trong nước và NĐT cá nhân trong nước đã giúp thanh khoản tăng tốt và thị trường diễn biến tích cực hơn.
Về giao dịch của NĐTNN: Khối ngoại đã trở lại bán ròng mạnh,đặc biệt vào phiên cuối tuần đã bán gần 1.240 tỷ đồng, qua đó tổng giá trị bán ròng trên sàn HSX trong tuần vừa qua đạt 2.674 tỷ đồng, đây cũng là tuần bán mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào 20/03/2020.
Dòng vốn đầu tư quốc tế: : Dòng tiền ngoại mua ròng ở nhiều thị trường mới nổi trong đó có Ấn độ, Nhật Bản, Brazil. Ở trong nước, dòng tiền qua kênh ETF bán ròng nhẹ 4,5 triệu USD tập trung ở 2 quỹ ETF đến từ Hồng Kông. Tín hiệu tích cực của thị trường trong tháng 8 vừa qua một phần được kích hoạt từ dòng vốn ETF khi các quỹ hút được vốn ròng trở lại như VanEck, Kim Index hay FTSE Vietnam. Trong thời gian tới, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm dòng vốn từ các quỹ ETFs mới như SSIAM VN30 ETF hay VinaCapital VNX100 ETF…
TÓM LẠI,
Sau 2 tháng giảm điểm liên tiếp và đi ngược xu hướng với các thị trường chính trên thế giới, thị trường trong nước đã có nhịp phục hồi thành công trong tháng 8 với 4 tuần tăng liên tiếp, chuỗi tăng chỉ sau thành quả trong tháng 5. Chỉ số VN-Index đã có mặt trong TOP các chỉ số chính trên toàn cầu có mức tăng tốt nhất trong tuần vừa qua và cả tháng 8. Với thành quả tích cực như vậy, thị trường đã bứt phá thành công khỏi vùng tích lũy kéo dài 10 phiên trước đó trong vùng dao động từ 840 điểm đến 860 điểm để khép lại tháng 8 thành công trên ngưỡng 880 điểm.
Một số điểm đáng chú ý trong nhịp hồi phục vừa qua là:
1) Về kỹ thuật: Chỉ số VN-Index đã vượt thành công trendline giảm giá kể từ đầu năm nối các đỉnh tháng 6 và tháng 7. Với phiên tăng tốt cuối tuần, thị trường cũng đã chính thức vượt đỉnh tháng 7 ở 876 điểm và hướng tới đỉnh tháng 6 ở khu vực 900 điểm. Đây mới là lần thứ 2 trong năm 2020 chỉ số VN-Index vượt ngưỡng MA200, một ngưỡng kỹ thuật quan trọng hay được các nhà đầu tư chú ý. Trong lần vượt MA200 ở đầu năm và cũng là thời điểm trước dịch covid bùng phát, thị trường chỉ có 3 phiên ở trên ngưỡng kỹ thuật này và khoảng cách cao nhất chỉ đạt 1,5%. Ở thời điểm hiện tại, thị trường đã có phiên thứ 4 nằm trên ngưỡng MA200 và khoảng cách cũng rộng hơn
2) Về thanh khoản: Thanh khoản bình quân tuần vừa qua trên sàn HOSE đạt 5.600 tỷ đồng, tăng 46% so với bình quân 3 tuần trước đó. Nhìn rộng ra thì dòng tiền đã quay lại thị trường trong tháng 8 khi thanh khoản đạt hơn 6.300 tỷ đồng/phiên, tăng 19% so với tháng 7 và ở mức cao thứ ba kể từ đầu năm, sau tháng 5 và tháng 6 lần lượt đạt 6.600 tỷ đồng và 7.900 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng, thanh khoản toàn thị trường đạt bình quân 5.600 tỷ đồng/phiên, tăng 21,8% so với cùng kỳ, trong đó thanh khoản thông qua khớp lệnh tăng 28%, đạt 4.428 tỷ đồng/phiên. Động lực thúc đẩy thị trường đi lên và giao dịch sôi động trong những phiên gần đây đến từ dòng tiền nội, tương tự như giai đoạn tháng 4 và tháng 5. Số lượng tài khoản mở mới trong tháng 7 dù giảm còn gần 27.000 tài khoản, nhưng vẫn cao hơn mặt bằng chung của năm 2019 (phổ biến từ 15.000 – 20.000 tài khoản/tháng).
Bên cạnh đó, dòng tiền từ các tổ chức trong nước mua ròng tổng cộng hơn 3.161 tỷ đồng trong tháng 8 so với mức bán ròng 440 tỷ đồng trong tháng 7. Dòng tiền đổ vào thị trường còn đến từ các doanh nghiệp niêm yết có lượng tiền nhàn rỗi thực hiện đầu tư cổ phiếu hoặc mua cổ phiếu quỹ.
Đóng góp vào sự sôi động trong những phiên giao dịch vừa qua là dòng tiền đến từ kênh ETF. Các quỹ ETF đã hút ròng 33,74 triệu USD kể từ đầu năm, trong đó 2 quỹ ETF nội là VFM DIAMOND và SSIAM VNFIN LEAD lần lượt tăng thêm 64,1 triệu USD và 21,59 triệu USD (tính đến ngày 25/8). Riêng trong tháng 8, các quỹ ETF đã hút ròng gần 41 triệu USD, trong đó V.N.M là 18,43 triệu USD, VFM DIAMOND là 7,1 triệu USD, FTSE Vietnam là 6,3 triệu USD.
3) Về độ rộng thị trường: Tuy thị trường chỉ mới vượt đỉnh tháng 7 trong phiên cuối tuần nhưng đã có tới 54% số mã trong HSX đã vượt đỉnh qua mức cản này và cũng có 48,3% số mã đã vượt đỉnh tháng 6 (tương ứng với mức 900 điểm). Bên cạnh đó, % số cổ phiếu nằm trên đường MA200 lúc này đã đạt hơn 66%, cao hơn so với giai đoạn thị trường ở mức đỉnh tháng 6 và tháng 7 chỉ ở mức 60%, cho thấy thị trường đang tăng trên diện rộng và khá lành mạnh, giúp giảm thiểu những lo ngại về tính bền vững của đà phục hồi trên thị trường. Tâm lý nhà đầu tư còn được đẩy cao hơn nữa trong tuần vừa qua cũng như trong tháng 8 khi các cổ phiếu đi sau bị ảnh hưởng từ dịch bệnh như: Bán lẻ, bảo hiểm, dịch vụ…đây là tín hiệu tích cực cho thị trường nói chung khi nhóm cổ phiếu đi sau đã không bị bỏ lại trong quá trình phục hồi.
Hiện tại những yếu tố hỗ trợ tốt nhất cho thị trường cũng đã xuất hiện, chẳng hạn S&P500 cũng đã vượt đỉnh lịch sử, thanh khoản trong nước cũng đã tăng lên mặt bằng cao mới, tin dịch bệnh gần như bị bỏ qua, các chính sách hỗ trợ mới đang được bàn thảo… Do đó, đây là thời điểm thuận lợi để thị trường thể hiện sức mạnh và tăng lên các đỉnh cao hơn, dòng tiền đã có sự dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu bluechips, thị trường sẽ có cơ hội hướng tới đỉnh tháng 6 trong tuần sắp tới. Trong kịch bản cơ sở thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong tuần giao dịch tới, nhưng nhịp điều chỉnh có thể sẽ xuất hiện trong các phiên giao dịch đầu tuần, VN-Index sẽ dao động trong vùng 875 – 895 điểm. Tại nhiều cổ phiếu “ăn khách” như GTN, KSB, OGC, LCG, DGC, KDC… có tín hiệu giảm nhiệt đã phản ánh hiện tượng “chững giá”, gặp áp lực chốt lời và hạ nhiệt bên cạnh đó tiền sẽ hướng tới nhóm cp có câu chuyện riêng, khi nhóm trụ gặp khó khăn thì cơ hội dành cho nhóm vừa và nhỏ.
Suốt từ tháng 4 tới nay, trong các bản tin chúng tôi liên tục nhắc đến giai đoạn này là giai đoạn TIỀN RẺ và DỄ, dòng tiền vốn thông minh nó sẽ tìm tới các kênh nào đầu tư sinh lời tốt nhất và chứng khoán luôn là một sự lựa chọn tốt. Hãy nhìn lại cách thị trường phản ứng và cơ hội ở thời điểm bùng phát dịch bệnh đợt 1 tháng 3.
Hành động: Tiếp tục nắm giữ danh mục và ưu tiên các nhóm vẫn giữ lực tăng tốt. Cơ cấu danh mục trong các nhịp rung lắc và dịch chuyển sang các nhóm nền tảng cơ bản tốt và xem xét chốt lời dần danh mục ngắn hạn khi thị trường tiệm cận đỉnh tháng 6 tương ứng vùng 900 +- 3 điểm. Với danh mục đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ để cho lãi chạy tới khi đạt giá kỳ vọng.
Cơ hội cho dòng tiền lúc này đang tìm kiếm các mã cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng trưởng hoặc ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh như các nhóm cổ phiếu đầu tư công (HPG,FCN, PLC ), bất động sản khu công nghiệp ( SZC, NTC) , thực phẩm (GTN) , nhóm thoái vốn , các cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng (CTG, STB, ACB) nước sạch (TDM, BWE) , dược phẩm IMP, nhóm cp hưởng lợi từ EVFTA MPC FMC, VHC, Viễn thông, công nghệ ( CTR, VGI). Nhóm dầu khí ( PVT, PVD, PVS)
Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.
Xin chân thành cảm ơn!
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================