Diễn biến thị trường quốc tế:
Chứng khoán toàn cầu phục hồi vào những phiên cuối tuần trước tin đàm phán về gói kích thích có tiến triển và bảng cân đối tài sản của Fed tiếp tục tăng lên, tuy vậy mức tăng chưa đủ để bù đắp thông tin PMI giảm trong tháng 10 ở thị trường Châu Âu. Thiếu những chất xúc tác quan trọng như tiến triển đàm phán gói kích thích tài khóa tại Mỹ hay đột phá trong nghiên cứu phát triển vắc-xin Covid-19, thị trường cổ phiếu toàn cầu tiếp tục đi xuống trong tuần vừa qua giữa bối cảnh diễn biến dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn trên khắp thế giới. Dow Jones và S&P 500 đã chấm dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp và Nasdaq Composite ghi nhận tuần sụt giảm đầu tiên trong 5 tuần. S&P 500 mất 0.5% trong tuần qua, còn Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt giảm 0.95% và 1.1%.
Các kết quả kinh tế quý 3 của Trung Quốc cho thấy đà phục hồi vẫn tiếp diễn. Tuy nhiên, IMF dự báo sản lượng kinh tế khu vực châu Á Thái Bình Dương trong trung hạn có thể vẫn thấp hơn so với mức tiền đại dịch, ngay cả khi đà phục hồi của Trung Quốc dẫn dắt phần còn lại của thế giới.
Bức tranh kinh tế thế giới phân hóa rõ nét hơn. GDP Trung Quốc quý III tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, thấp hơn mức dự báo 5,2% của giới chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc tháng 9 tăng 3,3% so với tháng 9/2019, cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vẫn chưa bị chệch hướng
Trái lại, những số liệu PMI sơ bộ tháng 10 cho thấy hoạt động kinh doanh tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã bị thu hẹp khi làn sóng lây nhiễm virus dâng cao. Cụ thể, PMI tổng hợp sơ bộ của IHS Markit cho khu vực đồng euro đã giảm xuống 49,4 điểm trong tháng 10 từ mức 50,4 điểm của tháng 9. Sự sụt giảm này chủ yếu do áp lực từ ngành dịch vụ, khi PMI ngành này đã giảm mạnh từ 48 điểm trong tháng 9 xuống 46,2 điểm – thấp hơn đáng kể so với kỳ vọng 47 điểm của các chuyên gia kinh tế. Với số ca nhiễm mới gia tăng, niềm lạc quan trong nền kinh tế cũng giảm xuống, với chỉ số kỳ vọng kinh doanh dịch vụ trong khu vực giảm từ 59,2 điểm xuống 54,6 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 5 khi đợt đóng cửa đầu tiên được nới lỏng
Độ biến động thị trường có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần giao dịch sắp tới. Những diễn biến xung quanh các cuộc thảo luận gói kích thích tài khóa Mỹ đã chi phối tâm lý thị trường thế giới trong nhiều tuần qua, tuy nhiên với cuộc bầu cử tổng thống đang cận kề, khả năng đạt được một gói kích trước ngày bầu cử càng trở nên mong manh. Việc thị trường đặc biệt nhạy cảm với tiến triển của thỏa thuận gói kích thích hiện nay có nét tương đồng với giai đoạn đàm phán thỏa thuận thương mại Mỹ Trung hay khoảng thời gian đầu đại dịch khi nhà đầu tư tập trung theo dõi tình hình lây lan của virus corona… Trong khi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa sẽ đến ngày bầu cử tổng thống tại Mỹ, độ biến động trên thị trường thế giới được kỳ vọng sẽ gia tăng trong những tuần sắp tới bất kể ai là người thắng cử và chính sách kích thích tài khóa nào sẽ được đưa ra.
Về tiến triển nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, sau giai đoạn tạm ngừng thử nghiệm, hai ứng viên vắc-xin của AstraZeneca Plc và Johnson & Johnson được kỳ vọng sẽ tái khởi động tại Mỹ ngay từ cuối tuần này. Mặc dù một tình nguyện viên ở Brazil đã tử vong trong cuộc thử nghiệm vaccine Covid-19 của AstraZeneca và Đại học Oxford, tuy nhiên loại vắc-xin này vẫn tiếp tục được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới do tình nguyện viên trên thuộc nhóm đối chứng đã được tiêm giả dược thay vì vaccine thử nghiệm.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:
Thông tin vĩ mỗ quan trọng:
- Thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm đạt hơn 16 tỷ USD, cao nhất trong 15 năm. Viện Nghiên cứu Kinh tế & Chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3/2020 với nhiều tín hiệu lạc quan trong việc khôi phục nền kinh tế. Trong đó, thặng dư thương mại 9 tháng đầu năm của Việt Nam gây ấn tượng khi đạt 16,52 tỷ USD – đây là mức cao nhất trong vòng 15 năm trở lại.
- Ủy ban Chứng khoán bảo lưu quan điểm “mở hết room ngoại” cho tất cả công ty đại chúng. Giải thích về quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty đại chúng là không hạn chế, kể cả với lĩnh vực ngân hàng, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, quy định nêu trên là phù hợp với luật pháp Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.
- Tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam không ngừng giảm. Theo Báo cáo đánh giá nợ công giai đoạn 2016 – 2020 của Chính phủ tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 55% năm 2019, ước năm 2020 đạt 56,8%. Chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP cũng giảm tương tứng từ 52,7% xuống 50,8% ước năm 2020. Nợ nước ngoài quốc gia/GDP có xu hướng tăng đáng kể, từ mức 44,8% năm 2016 tăng lên 47,9% năm 2020. Riêng nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách nhà nước tăng từ 15,8% năm 2016 lên mức 24,1% năm 2020.
- Xuất khẩu tôm tăng mạnh. Trong tháng 9, trừ xuất khẩu (XK) sang Nhật Bản giảm, XK tôm Việt Nam sang các thị trường chính khác đều tăng như Mỹ (+39,6%), Trung Quốc (+22,9%), EU (+35,4%), Hàn Quốc (+3,2%), Anh (+54,3%), Canada (+47%), Australia (+50,7%). XK tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2020 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm nhờ một phần tác động tích cực từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Các thị trường NK chính của tôm Việt Nam đồng loạt tăng NK để phục vụ các lễ hội cuối năm. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, XK tôm đạt 2,7 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tôm chân trắng chiếm 72% tổng kim ngạch, tôm sú chiếm 16%, còn lại là tôm biển.
- Đề xuất mới của MCSI về lộ trình đưa Kuwait ra khỏi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index. Trong tuần này, MSCI đã đưa ra đề xuất thay đổi lộ trình đưa Kuwait ra khỏi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index. Qua đó, tổ chức này đề xuất tiến hành giảm tỷ trọng từ từ các mã chứng khoán đến từ Kuwait qua 5 kỳ review bắt đầu từ kỳ review tháng 11/2020 và kết thúc tại kỳ review tháng 11/2021 thay vì chỉ trong 1 kỳ. Lý do được đưa ra cho đề xuất này là để tránh tạo ra biến động thị trường và tạo sự thuận lợi cho việc tái cơ cấu do tỷ trọng của Kuwait trong MSCI Frontier Markets 100 Index là khá lớn. Theo như đề xuất của MSCI, quá trình loại bỏ dần dần các cổ phiếu của Kuwait ra khỏi chỉ số MSCI Frontier Markets 100 Index được diễn ra trong 5 kỳ review sau: Kỳ 1 – Tháng 11/2020, Kỳ 2 – Tháng 2/2021, Kỳ 3 – Tháng 5/2021, Kỳ 4 – Tháng 8/2021 và Kỳ 5 – Tháng 11/2021. Theo tính toán của BVSC dựa trên công thức, số liệu của MSCI và iShares, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam qua 5 kỳ review sẽ tăng dần từ 12,68% lên 15,76%, 19,01%, 22,23%, 25,49% và 28,78%. Ngoài ra, dựa trên kết quả được công bố bởi MSCI, nhiều khả năng sẽ có 2 mã mới sẽ được đưa vào trong rổ chứng khoán MSCI Frontier Markets 100 trong thời gian tới là KDC và PDR.
Đồ thị Vnindex 23.10.2020. (Nguồn Fireant)
Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:
Đây đã là tuần tăng thứ 6 liên tiếp của chỉ số VN-Index trong chuỗi tăng trưởng gần 3 tháng qua. Thị trường Việt Nam cũng trở thành 1 trong số các thị trường có mức tăng trưởng trong năm nay cùng với các thị trường lớn khác như: Mỹ (S&P500), Trung Quốc (Shanghai composite) và Hàn Quốc (Kospi)… Như vậy, chỉ số VN-Index đã hồi phục 48% kể từ mức đáy hồi tháng 3 và đang hướng tới chuỗi 3 tháng tăng liên tiếp cùng với các thị trường như Hàn Quốc và Nhật Bản…
Chỉ số VN-Index tuần vừa qua tiếp tục mở rộng đà tăng, thị trường chung đã tăng 1,9% khi được ủng hộ tích cực từ thanh khoản ở mức cao. Độ rộng thị trường cũng tích cực khi có 191 mã tăng và có 165 mã giảm, độ rộng ở nhóm Vn30 ấn tượng hơn với 20 mã tăng trong khi chỉ có 8 mã giảm. Bên cạnh đó đà tăng vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu nhóm Diamond với mức tăng 2,47%, nhóm Finlead và nhóm Finselect lần lượt tăng 3,45% và 2,86%. Ngoài ra, nhóm Midcap tăng 0,25% và nhóm Smallcap giảm 3,1%.
Hỗ trợ đà tăng của thị trường vẫn chủ yếu đến từ dòng tiền nội, tuần vừa qua cũng là tuần thứ 2 liên tiếp thị trường đạt mức khớp lệnh bình quân trên 7.000 tỷ đồng, tuy giảm nhẹ 3,3% so với tuần trước đó (7.400 tỷ đồng) nhưng mức thanh khoản trên 7.000 tỷ đồng đang là mức thanh khoản kỷ lục. Theo thống kê trên cả 3 sàn trong tháng 10, tổng mức thanh khoản bình quân mỗi phiên đã lên đến con số 9.731 tỷ đồng, cao hơn cả thời điểm thị trường tạo đỉnh 1.200 điểm tháng 3 đến tháng 4 năm 2018, có thể đây là mức thanh khoản kỷ lục từ trước đến nay (theo tháng).
Về xu hướng dòng tiền của từng nhóm nhà đầu tư: Tuần vừa qua, tiếp tục đóng góp cho chỉ số VN-Index mở rộng đà tăng là lực mua của tổ chức trong nước và NĐT cá nhân trong nước. Trong đó, NĐT cá nhân trong nước mua ròng tuần thứ 4 liên tiếp với giá trị ròng tăng mạnh lên 1.429 tỷ đồng và đóng vai trò bệ đỡ chính cho thanh khoản chung toàn thị trường. Trong khi đó, nhóm tổ chức trong nước cũng quay trở lại mua ròng với giá trị hơn 803 tỷ đồng hỗ trợ thị trường trong các phiên vượt cản. Riêng nhóm tổ chức nước ngoài tiếp tục bán ròng -2.279 tỷ đồng tuần thứ 4 liên tiếp.
Về giao dịch của NĐTNN: Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh tuy nhiên tín hiệu tích cực vào cuối tuần khi khối ngoại đã giảm bán ròng, qua đó tổng giá trị bán ròng trên sàn HSX trong tuần vừa qua đạt 2.462,3 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 1.997,2 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 7.656 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 29.179 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 21.523 tỷ đồng.
Dòng vốn đầu tư quốc tế tuần qua : Dòng tiền quốc tế hiện đã trở lại ở một số thị trường như: Ấn độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…Đây là tín hiệu tích cực theo tuần đầu tiên trong suốt hơn 3 tháng rút ròng liên tục vừa qua. Điều đó cho thấy dòng vốn đang có xu hướng tìm cơ hội trở lại tại khu vực Asia và Emerging Market.
Đối với xu hướng dòng vốn ETF: Dòng tiền qua kênh ETF tuần qua bị rút ròng 7,06 triệu USD tập trung ở một số quỹ lớn như VNM ETF, E1VFVN30, Kim Index. Lũy kế từ đầu năm tới nay dòng tiền vẫn rút ròng qua kênh ETF giảm còn -29,44 triệu USD từ mức hơn 60 triệu USD đầu năm.
TÓM LẠI,
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục bay cao trên đôi cánh của nhóm cổ phiếu ngân hàng, bên cạnh đó nhóm cổ phiếu Vingroup cũng hỗ trợ thị trường “xóa lỗ” trong năm nay. Việc thị trường tiếp tục tăng điểm với thanh khoản cao trong tuần vừa qua vẫn chủ yếu đến từ dòng tiền nội và tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng hơn là việc kỳ vọng vào thông tin rổ cổ phiếu của thị trường được tăng tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier Markets 100 và thị trường còn tiếp tục phải chờ kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra trong kỳ xem xét tháng 6/2021.
Điều đáng chú ý nhất đối với thị trường trong chuỗi tăng vừa qua là dòng tiền tập trung ở nhóm cổ phiếu ngân hàng liên tục tăng, từ mức chiếm tỷ trọng hơn 23% toàn thị trường tương ứng với chỉ số VN-Index ở ngưỡng 850 điểm, cho tới nay tỷ trọng thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã chiếm gần 40% toàn thị trường. Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng thì các mã như MSN, HPG hay nhóm Vingroup cũng đang có mức tập trung vốn cao. Đây chính là nhóm tín hiệu của thị trường ở thời điểm này, nhìn chung các nhóm này đang luân phiên đổi vai cho nhau trong việc đưa chỉ số VN-Index tăng điểm, do vậy bất kỳ dấu hiệu đảo chiều hay dòng tiền rút khỏi các nhóm này sẽ là chỉ báo cho xu hướng của thị trường trong thời gian tới.
Về kỹ thuật, xu hướng tăng dài hạn của chỉ số VN-Index ngày càng rõ nét khi chỉ số này đã vượt trendline giảm kể từ đỉnh thị trường năm 2018, bên cạnh đó khoảng cách với đường MA200 cũng đang được nới rộng. Đáng chú ý có lẽ là độ rộng thị trường hiện đang rất tích cực với gần 79% số cổ phiếu hiện có giá cao hơn mức bình quân 200 ngày. Thậm chí khi thị trường đạt đỉnh vào tháng 4 năm 2018 thì độ rộng thị trường khi đó vẫn không bằng ở thời điểm hiện tại. Những dấu hiệu trên cho thấy xu hướng tăng dài hạn của thị trường là khá bên vững, tuy nhiên không có chỉ số nào cứ tăng mãi mãi, trong xu hướng tăng luôn cho nhịp điều chỉnh để thị trường tích thêm năng lượng và rũ bớt lượng hàng lỏng, các ngưỡng cản phía trước có thể trong vùng 960 – 970 điểm.
Chúng tôi cho rằng đến thời điểm hiện tại, thị trường duy trì đà tích cực được như bây giờ ngoài các yếu tố từ chính sach, kích thích kinh tế còn phần quan trọng nữa là tiền bây giờ quá rẻ. Các kênh đầu tư như tiết kiệm, vàng hay bất động sản đã và đang có động thái chuyển dịch sang thị trường chứng khoán. Tiền nhiều và rẻ thì thị trường đang đi lên bằng tự kỳ vọng chứ không hoàn toàn từ cổ phiếu định giá rẻ, hay doanh nghiệp tăng trưởng tốt ( trừ một số doanh nghiệp ngoại lệ). Do đó mấy tháng qua chúng tôi đã cố gắng trấn an và liên tục khuyến nghị mua gom trong 2 đợt dịch còn bây giờ khi mức sinh lời đã rất tốt thì nhà đầu tư nên thận trọng tránh hưng phấn quá mức.
Hành động: Đây được coi là giai đoạn nước rút của Vnindex, khi thị trường tập trung kéo trụ : VIC, VHM , VNM, BVH … cho nên chúng tôi đã dừng khuyến nghị các vị thế mua mới trên 940 và đã đến lúc nghỉ ngơi chốt lời. Tốt nhất đừng nên đoán đỉnh, qua đỉnh mới thấy đỉnh nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng. Ở Thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đã bắt đầu và thường là các cổ phiếu có kết quả trước sẽ có xu hướng tích cực, dòng tiền vẫn tiếp tục tăng cao và mang tính đầu cơ lớn. Một số điểm “nóng” cũng đã được hạ nhiệt, thị trường có khả năng sẽ đi vào giai đoạn phân hóa, NDT nên cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm dần tỷ trọng cổ phiếu, nhất là bán hạ lượng margin hiện nay khi rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng gia tăng .Với danh mục đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ để cho lãi chạy tới khi đạt giá kỳ vọng.
Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.
Xin chân thành cảm ơn!
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================