MARKET STRATEGY WEEKLY 24/08 – 28/08/2020: CHINH PHỤC HAY LỠ HẸN ??? | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY 24/08 – 28/08/2020: CHINH PHỤC HAY LỠ HẸN ???

Lượt xem:4524 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Diễn biến thị trường quốc tế:

    Bức tranh thị trường cổ phiếu toàn cầu trong tuần này tương đối phân hóa, với phần lớn các chỉ số cổ phiếu châu Âu và châu Á giảm điểm dưới áp lực từ làn sóng lây nhiễm mới của virus corona, triển vọng phục hồi kinh tế chậm hơn so với kỳ vọng, cũng như những căng thẳng Mỹ-Trung còn chưa hạ nhiệt. Trái lại, cổ phiếu Mỹ đã chinh phục đỉnh cao kỷ lục mới trong tuần vừa qua sau hơn một tuần tiếp cận vùng đỉnh cũ. Tuy nhiên giọng điệu mềm mỏng từ biên bản cuộc họp chính sách tháng 7 của Fed, cùng với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới cao hơn so với kỳ vọng đang là phép thử kiểm nghiệm lại tâm lý nhà đầu tư trên thị trường này.

    Kết thúc tuần, chỉ số Dow Jones gần như đi ngang khi giữ nguyên ở ngưỡng 27,930.33 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,72% lên 3,397.16 điểm, mức đóng cửa cao kỷ lục mới. Chỉ số Nasdaq Composite tăng mạnh 2,65% lên 11,311.80 điểm, cũng ghi nhận mức đóng cửa cao kỷ lục. Trong khi đó, đa phần các thị trường từ Châu Á tới Châu Âu đều điều chỉnh nhẹ trở lại

    Đàm phán về gói kích thích tài khóa mới tại Mỹ rơi vào bế tắc, Fed cảnh báo có những rủi ro đáng kể đe dọa triển vọng kinh tế trong trung hạn. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn chưa thể đạt được sự đồng thuận về gói hỗ trợ tài khóa mới đang được đa số thị trường mong đợi. Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới tuần kết thúc ngày 15/8 đã tăng lên hơn 1 triệu so với con số 971.000 (đã được điều chỉnh tăng) của tuần liền trước. Không thể ghi nhận 2 tuần giảm liên tiếp, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần mới cho thấy thị trường lao động Mỹ vẫn rất dễ bị tổn thương với triển vọng tương đối u ám.

    Kinh tế Mỹ phát đi tín hiệu hồi phục khi số ca nhiễm Covid-19 mới giảm dần, xu hướng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn tiếp diễn nhưng với tốc độ chậm hơn đáng kể tại Châu Âu, Nhật Bản và Autralia. Dữ liệu từ IHS Markit cho thấy chỉ số sản xuất tại Mỹ đã chạm mức cao nhất trong 19 tháng vào tháng 8/2020, trong khi chỉ số dịch vụ ở mức cao nhất trong 17 tháng.Trong khi đó, doanh số bán nhà ở hiện có trong tháng 7 đã tăng kỷ lục 24.7%. Giá bán nhà trung bình cũng chạm đỉnh cao mọi thời đại, vọt lên 304,100 USD/nhà.

    Những kết quả kinh tế đã và đang thử thách niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường. Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới một số những diễn biến khác có thể làm lung lay niềm tin vào quá trình phục hồi toàn cầu, bao gồm (i) tiến triển của đại dịch khi các trường học trên toàn thế giới tái mở cửa cho năm học mới vào tháng 9 – thời gian này cũng đánh dấu khởi đầu của mùa cúm trên nửa Bắc bán cầu, khi thời tiết tạo điều kiện cho virus dễ dàng lây lan; (ii) kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11 có thể dẫn đến những thay đổi chính sách lớn về thương mại, thuế quan, thuế thu nhập doanh nghiệp tại Mỹ, do đó làm ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp trong tương lai

    Tình hình dịch Covid-19: Hình thành vùng đỉnh dịch tại Mỹ và Brazil!

    Tại Mỹ, tình hình dịch bệnh tiếp tục được cải thiện với số lượng mẫu xét nghiệm mới hàng ngày tăng trở lại. Sau một số gián đoạn gần đây, số mẫu xét nghiệm virus corona mỗi ngày tại Mỹ đã tăng trở lại. Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 mới hàng ngày duy trì xu hướng giảm, với trung bình khoảng 45.000 ca nhiễm mới/ngày trong tuần vừa qua, so với hơn 50.000 ca mới/ngày của một tuần trước đó. Một điểm sáng nữa là số ca nhiễm đang được điều trị tại bệnh viện Mỹ tiếp tục giảm trong 3 tuần gần đây.Bộ y tế Brazil, quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ hai thế giới, cho biết có những dấu hiệu cho thấy sự lây lan của virus corona tại nước này đang chậm lại. Số ca nhiễm mới tuần qua chỉ ở mức 304.684 ca so với đỉnh 319.653 ca vào tuần kết thúc ngày 25/7. Tương tự, số ca tử vong trong tuần cũng giảm xuống 6.755 từ đỉnh 7.677 ca tử vong được ghi nhận trong tuần cuối cùng của tháng 7.

    Đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương, Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ 7 liên tiếp có số ca nhiễm mới ở mức 3 chữ số. Các nhà chức trách nước này đã cảnh báo về rủi ro làn sóng lây nhiễm mới trên toàn quốc khi các ca nhiễm mới xuất hiện đồng thời tại nhiều thành phố của quốc gia này. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn tại Australia và Nhật Bản với số ca nhiễm mới có xu hướng giảm dần.

    Về tiến triển nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa Covid-19, hiện có 29 ứng viên vắc-xin đang được thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới, với 9 ứng viên cho những kết quả hứa hẹn đang được thử nghiệm ở giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Trong khi đó, Sputnik-V được Nga phê duyệt là vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3 trên ít nhất 2.000 người và chuẩn bị được thử nghiệm trên diện rộng với 40.000 người. Ngoài ra, Pfizer và BioNTech cho biết vắc-xin Covid-19 hai công ty này đồng phát triển dự kiến được đệ trình xin cấp phép theo quy định sớm nhất là vào tháng 10 sắp tới.

    Tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 21/8, tổng số ca nhiễm Covid-19 là 1.007 ca, trong đó 341ca nhiễm nhập cảnh và 666 ca do lây nhiễm trong nước với 525 ca được ghi nhận chỉ trong giai đoạn từ 25/7 đến nay. Dịch bệnh đã xuất hiện tại 15 tỉnh, thành phố trong đó ổ dịch lớn nhất tại khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam về cơ bản đã được kiểm soát. Số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày trong tuần qua đã giảm rõ rệt, với trung bình khoảng 13 ca nhiễm mới/ngày trong tuần qua, thấp hơn so với mức hơn 20 ca nhiễm mới/ngày của tuần liền trước

    THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:

    Thông tin vĩ mô trong nước:

    • Trong 7 tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất siêu tới 8,39 tỷ USD, tăng gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7/2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt gần 47 tỷ USD, tăng mạnh 8,5% so với tháng 6 năm 2020, tương ứng tăng 3,69 tỷ USD. Như vậy, hoạt động xuất nhập khẩu đã có diễn biến tích cực hơn so với tháng trước đó. Với kết quả này, cán cân thương mại hàng hóa trong tháng 7/2020 thặng dư 2,78 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, cán cân thương mại của cả nước thặng dư 8,39 tỷ USD, cao gấp hơn 4 lần so với con số 1,98 tỷ USD thặng dư của cùng kỳ năm 2019. Như vậy, dù tổng giá trị xuất siêu ở mức lớn nhưng lại chủ yếu đến từ việc nhập khẩu giảm do giảm nhập nguyên vật liệu đầu vào sản xuất.. Thặng dư thương mại lớn cũng sẽ tiếp tục giúp nguồn dự trữ ngoại tệ tiếp tục dồi dào và giúp ổn định tỷ giá USD/VND trong thời gian tới.
    • Giãn lộ trình siết vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 08/2020/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 của Thống đốc NHNN Việt Nam quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.. Với áp lực của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh, lượng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng dự kiến sẽ còn giảm. Vì vậy, để đảm bảo thực hiện các chính sách ưu đãi lãi suất, duy trì dư nợ trung dài hạn ổn định cho khách hàng, NHNN thấy rằng có thể xem xét lùi lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung dài hạn..
    • NHNN không thực hiện hoạt động bơm/hút ròng trên thị trường mở trong thời gian gần đây. Theo một số nguồn tin, NHNN đã mua vào gần 2 tỷ USD trong các tuần gần đây. Điều này đồng nghĩa với việc đã có khoảng hơn 40.000 tỷ đồng được NHNN bơm vào thị trường. Trong khi đó, NHNN cũng không có động thái hút ròng vốn về thông qua kênh tín phiếu. Do vậy, thanh khoản hệ thống tiếp tục ở trạng thái dồi dào. Chúng tôi cho rằng để tạo mặt bằng ổn định cho thanh khoản, qua đó tạo điều kiện để các NHTM cắt giảm lãi suất cho vay, NHNN có thể sẽ tiếp tục không thực hiện can thiệp vào thị trường mở trong ngắn hạn.
    • Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề xuất gói hỗ trợ lần 2 khoảng 18.600 tỷ dành cho doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Gói hỗ trợ lần này tập trung vào chính sách sách tín dụng để phát triển sản xuất kinh doanh và người lao động vay vốn ưu đãi để khôi phục, duy trì và mở rộng việc làm.

    Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:

    Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua tiếp tục đà hồi phục trong tuần qua nhờ tín hiệu lạc quan của dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu Midcap và nhóm cổ phiếu trong rổ ETFs, qua đó giữ vững ngưỡng 850 điểm. Với mức tăng này, chỉ số VN-Index đã có tuần thứ 3 liên tiếp tăng điểm và có cơ hội tiệm cận vùng kháng cự ngắn hạn tại trendline trong tuần này. Với xu hướng đi ngang khi nhóm bluechips yếu, dòng tiền đã dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Tuần vừa qua, nhóm midcap và smallcap tăng bình quân 3% trong khi nhóm VN30 chỉ có mức tăng nhẹ 0,2%. Đây cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp của 2 nhóm này, lúc này dòng tiền đang có dấu hiệu dịch chuyển sang nhóm midcap và chờ chốt lời ở nhóm smallcap.

    Điểm tích cực của thị trường trong tuần đi ngang vừa qua là mặt bằng cổ phiếu tăng giá vẫn gấp đôi so với số giảm giá và tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Tỷ suất sinh lời T+3 đến T+5 đối với nhóm VN100 bình quân gần 70% (tức gần 70% số cổ phiếu đang có tỷ suất lợi nhuận dương), tuy vậy số mã tăng trên 5% chỉ chiếm 10% (tức chỉ có 10 mã) như: CMG, PHR, KDC, DPM, CRE, HDG, VCI, HAG, SJS, BMP. Thanh khoản tuần vừa qua giảm nhưng nhìn chung càng thanh khoản thấp thì càng dễ tăng giá nhưng giá trị giao dịch nhỏ cũng có nghĩa là rất ít nhà đầu tư tham gia, hoặc mức lời chỉ tính được trên phần vốn đầu tư quá bé.

    Về xu hướng dòng tiền: Thị trường hấp thụ tốt lượng hàng T+ về tài khoản khi áp lực bán gia tăng vào những phiên giữa tuần. Thanh khoản bình quân mỗi phiên tuần qua đạt hơn 3.706 tỷ đồng (giảm 8,9% so với tuần trước). Tuy vậy thanh khoản nhóm Midcap với mức tăng 3,6% trong khi đó thanh khoản nhóm Smallcap giảm 6,3%, bên cạnh đó dòng tiền cũng chảy vào các nhóm ETF khi nhóm VN Diamond tăng 2,2%, nhóm Finlead giảm 1,4%, nhóm Finselect giảm 0,7%.

    Với xu hướng phục hồi của thị trường trong 3 tuần gần đây, áp lực bán của khối NĐT cá nhân trong nước không những không giảm mà còn gia tăng mạnh trong những phiên nhiễu động tuần qua. Trong đó, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đã bán ròng hơn 2 nghìn tỷ đồng. Vậy là chúng ta đã chứng kiến nhóm NĐT cá nhân trong nước giảm giao dịch 14 tuần liên tiếp kể từ khi chỉ số VN-Index tạo đỉnh ngày 6/8 tại vùng 905 điểm

    Ngược lại, khối NĐT tổ chức trong nước đã quay lại mua ròng tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị mua ròng tuần này đạt 520 tỷ đồng. Khối NĐT tổ chức nước ngoài cũng mua ròng 1.000 tỷ đồng mà chủ yếu thông qua deal thỏa thuận VHM

    Khối ngoại đã trở lại mua ròng mạnh tuy việc này đến từ mua thỏa thuận VHM hơn 1.700 tỷ đồng vào trong tuần, tổng giá trị mua ròng trên sàn HSX trong tuần vừa qua đạt 769,3 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 673,8 tỷ đồngCác cổ phiếu được khối ngoại mua ròng trong tuần vừa qua tập trung ở: VHM (1.601 tỷ đồng), PHR (122 tỷ đồng), KSB (44 tỷ đồng), DPM (29 tỷ đồng), HSG (19 tỷ đồng)…ở chiều ngược lại, khối ngoại bán ròng đối với các mã: VGC (199 tỷ đồng), VNM (164 tỷ đồng), VIC (97 tỷ đồng), MSN (91 tỷ đồng).

    Dòng vốn đầu tư quốc tế: Dòng tiền ngoại mua ròng ở nhiều thị trường mới nổi trong đó có Ấn độ, Nhật Bản, Brazil và Việt Nam. Ở trong nước, dòng tiền qua kênh ETF tiếp tục vào ròng hơn 10,55 triệu USD qua đó rút ngắn lượng bán ròng kể từ đầu năm xuống còn 25,77 triệu USD. Mức mua ròng trong tuần vừa qua tập trung ở quỹ VFMVN30 và VanEck. Tín hiệu tích cực của thị trường trong tuần này một phần được kích hoạt từ dòng vốn ETF khi các quỹ hút được vốn ròng trở lại như VanEck hay VFMVN30. Trong thời gian tới, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục đón nhận thêm dòng vốn từ các quỹ ETFs mới như SSIAM VN30 ETF hay VinaCapital VNX100 ETF…

     

    Đồ thị Vnindex 21.08.2020.

    TÓM LẠI :

    Trong khi tuần trước phân hóa không có sự đồng pha do tạo lập dùng trụ xoay tua để điều tiết trên thị trường phái sinh như chúng tôi đề cập trong bài viết trước. (Quý vị có thể tham khảo bài viết tuần trước tại: https://cophieu86.com/market-strategy-weekly-17-08-21-08-2020-song-chi-con-la-gon-thoi/ ).Và ngày 20/8 tới đây hành động này sẽ chấm dứt lúc đó câu chuyện thị trường chung đi theo một chiều hướng mới..Về tổng thể, chỉ số VN-Index có mức tăng tốt trong phiên cuối tuần nhưng vẫn đang dao động trong xu hướng đi ngang suốt 2 tuần vừa qua và vẫn chưa có sự thay đổi lớn. Đã có thời điểm thị trường vượt ngưỡng 856 điểm nhưng đều kết thúc phiên dưới ngưỡng cản này, vùng cản 856 – 860 đang kiềm chế được sức cầu cũng 1 phần do khối ngoại bán ròng chủ yếu các cổ phiếu Bluechips.

    Về xu hướng, kể từ đầu tháng 8 cho tới nay, thị trường vẫn đang trong nhịp hồi phục từ vùng đáy kỹ thuật ngắn hạn và đang mở ra cơ hội chinh phục kháng cự tại đường trendline nối các đỉnh giảm từ đầu năm. Lúc này, các thông tin hỗ trợ trong nước vẫn chưa đủ mạnh để thị trường có thể bứt phá rõ nét qua đường xu hướng giảm này cũng như mức đỉnh 860 điểm ở tuần trước đó. Trong khi đó, thị trường có thể chịu áp lực giảm về vùng đi ngang khi thị trường chứng khoán Mỹ đang ở đỉnh cao mọi thời đại và có thể điều chỉnh bất cứ lúc nào. Cả về xu hướng và tâm lý nhà đầu tư đều đã đồng thuận cho nhịp tăng ngắn hạn mới của VNI với mục tiêu tiếp theo 875 880 điểm. Do vậy trong kịch bản thuận lợi, thị trường nếu tăng tiếp thì mức tăng cũng rất từ tốn và mục tiêu cho nhịp tăng này có thể là đỉnh tháng 7 (876 điểm), cũng là vùng có mặt của MA200 và cơ hội chủ yếu nằm ở các cổ phiếu cụ thể với động lực đầu cơ ngắn hạn.

    Mặc dù không có thêm thông tin hỗ trợ tích cực nào mới nhưng khả năng thúc đẩy chỉ số tăng liên tục như trong tuần vừa qua sẽ có tác dụng thúc đẩy dòng tiền đứng ngoài quay trở lại thị trường. Và thực tế chúng tôi đã thấy dòng tiền đã nhập cuộc, cũng có thể do dòng tiền từ lượng NĐT chốt lời vàng chuyển qua. Suốt từ tháng 4 tới nay, trong các bản tin chúng tôi liên tục nhắc đến giai đoạn này là giai đoạn TIỀN RẺ và DỄ, dòng tiền vốn thông minh nó sẽ tìm tới các kênh nào đầu tư sinh lời tốt nhất và chứng khoán luôn là một sự lựa chọn tốt. Thận trọng chứ Không có gì phải bi quan quá về thị trường sắp tới khi mà kinh tế vĩ mô hay diễn biến giao dịch trên thị trường đang ủng hộ quan điểm thị trường cuối cùng cũng sẽ vượt khó đi lên. Hãy nhìn lại cách thị trường phản ứng và cơ hội ở thời điểm bùng phát dịch bệnh đợt 1 tháng 3.

    Chiến lược đầu tư: Tiếp tục nắm giữ danh mục và ưu tiên các nhóm vẫn giữ lực tăng tốt, theo xu hướng tăng ngắn hạn của VNI và thận trọng chốt lời nếu chỉ số chạm các vùng kháng cự mạnh từ 875-878 trở lên mà gặp áp lực bán mạnh hoặc lực cầu suy yếu. Còn đối với những mã đầu tư trung hạn thì mục tiêu  khi đã đạt kỳ vọng lợi nhuận theo kế hoạch.

    Cơ hội cho dòng tiền lúc này đang tìm kiếm các mã cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng trưởng hoặc ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh như các nhóm cổ phiếu đầu tư công (HPG,FCN, PLC ), bất động sản khu công nghiệp ( SZC, NTC) , thực phẩm (GTN) , nhóm thoái vốn , các cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng (CTG, STB, ACB)  nước sạch (TDM, BWE) , dược phẩm  IMP, nhóm cp hưởng lợi từ EVFTA MPC FMC, VHC, Viễn thông, công nghệ ( CTR, VGI), Logistic ( GMD, VSC, HAH. SGP, SAC).

    Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.

    Xin chân thành cảm ơn!

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

     

     

     

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn