MARKET STRATEGY WEEKLY 20/4 – 24/4/2020: CẨN TRỌNG TRƯỚC TÍN HIỆU ĐẢO CHIỀU? | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY 20/4 – 24/4/2020: CẨN TRỌNG TRƯỚC TÍN HIỆU ĐẢO CHIỀU?

Lượt xem:1352 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • MARKET STRATEGY WEEKLY 20/4 – 24/4/2020:   CẨN TRỌNG TRƯỚC TÍN HIỆU ĐẢO CHIỀU?

    Thị trường chứng khoán thế giới tiếp đà phục hồi bất chấp dự báo của IMF và các dữ liệu kinh tế về GDP và thất nghiệp vừa công bố khiến giới đầu tư lo lắng suy thoái kinh tế lần này còn tồi tệ hơn cuộc đại suy thoái kinh tế 1930. Đỉnh dịch covid-19 dương như đã đi qua và các nền kinh tế chuẩn bị mở cửa trở lại đã hỗ trợ đà tăng của chứng khoán.

    Rất nhiều thị trường đã bước ra khỏi thị trường giá xuống (bear market) trong tuần vừa qua, cho thấy các biện pháp kích thích nền kinh tế từ các tổ chức cho tới chính phủ đang có tác động chấn an tâm lý nhà đầu tư bất chấp số liệu kinh tế đầy u ám từ báo cáo kết quả kinh doanh quý I từ các doanh nghiệp dưới tác động của Covid-19. Các nhà đầu tư chứng khoán đang đặt cược rằng các biện pháp can thiệp từ chính phủ sẽ đủ để các doanh nghiệp lớn vực dậy với ít thiệt hại đến lợi nhuận dài hạn. Dẫn đầu đà tăng trong tuần vừa qua là thị trường Mỹ, Hàn Quốc cho tới Việt Nam, cùng với đó ở 3 nước Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia và Phillipines đã tăng điểm tích cực. Ngoài ra những thị trường tăng nhẹ như Trung Quốc là do tâm lý nhà đầu tư thận trọng khi ghi nhận lần giảm tăng trưởng kinh tế đầu tiên trong gần ba thập kỷ.

    Hỗ trợ chứng khoán toàn cầu trong tuần vừa qua tiếp tục là các động thái nhằm xoa dịu tác động từ Covid-19: i) Tổng thống Donald Trump ngày 16/4 (giờ Mỹ) tuyên bố, việc mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ sẽ diễn ra theo từng giai đoạn, với điều kiện tiên quyết là các bang cho thấy tình trạng thuyên giảm của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. ii) Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc quyết định hạ lãi suất đối với khoản vay kỳ hạn một năm từ 3,15% xuống 2,95% và bơm 14 tỷ USD vào hệ thống tài chính nhằm giúp kinh tế khắc phục hậu quả do Covid-19 gây ra. iii) Phát biểu ngày (16/4), ông Abe cho biết Nhật sẽ phát 100.000 yên (tương đương 926 USD) cho tất cả mọi người thay vì chỉ nhắm vào một bộ phận như trước kia. iv) Mỹ thông qua gói cứu trợ 25 tỷ USD cho ngành hàng không đang tê liệt vì Covid-19.

    Với bối cảnh hiện tại, TTCK hồi phục những tuần đã và đang phản ánh kỳ vọng của giới đầu tư về khả năng tạo đỉnh của Covid-19 trong ngắn hạn và nền kinh tế sẽ sớm lấy được đà hồi phục nhờ các gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ Dollar Mỹ. Tuy nhiên, ngắn hạn đây là trận chiến giữa kỳ vọng bơm tiền của các NHTW và rủi ro suy thoái sâu rộng trên toàn cầu do tác động đình đốn sản xuất, sụt giảm tiêu dùng và cần thời gian để chữa lành cũng như bôi trơn lại nền kinh tế.

    Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, lợi nhuận doanh nghiệp vẫn là yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất tới diễn biến giá cổ phiếu trong dài hạn. Do vậy, trong thời gian tới triển vọng lợi nhuận quyết định quỹ đạo thị trường. Các doanh nghiệp đang bước vào mùa báo cáo lợi nhuận quý 1, mặc dù các báo cáo này chỉ phản ánh những kết quả kinh doanh trong quá khứ, nhưng chúng có thể giúp các nhà đầu tư điều chỉnh lại kỳ vọng lợi nhuận trên thị trường và bắt đầu định giá lại khả năng phục hồi lợi nhuận của doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2020 và năm 2021, khi dịch bệnh dần được đẩy lùi. Theo thống kê, lợi nhuận doanh nghiệp giảm trung bình khoảng 20% trong các thời kỳ suy thoái, với mức sụt giảm giá hơn 30% của các thị trường từ giữa tháng Hai đến giữa tháng Ba vừa qua, có thể giá cổ phiếu đã được đưa về mức giá phù hợp với kịch bản lợi nhuận tăng trưởng âm. Vì vậy, triển vọng lợi nhuận sẽ đóng vai trò quyết định tới quỹ đạo thị trường trong trung và dài hạn.

    Trong ngắn hạn, thị trường sẽ tiếp tục biến động mạnh. Mặc dù vẫn còn thấp hơn 15% so với đầu năm, tuy nhiên thị trường cổ phiếu toàn cầu đã phục hồi hơn 20% trong 3 tuần qua, dựa trên cơ sở kỳ vọng diễn biến tích cực của đại dịch. Tuy nhiên, khi sự tập trung của nhà đầu tư bắt đầu chuyển hướng từ tiến triển của dịch bệnh sang diễn biến thực của nền kinh tế, thì những kết quả đáng thất vọng có thể khiến thị trường rung lắc mạnh mẽ.

    Ngoài ra, một điểm đáng lưu ý khác là: Ngay cả trong thị trường theo chiều giá xuống vẫn có những nhịp giá lên( bear market rally). Các thị trường gấu thường có những nhịp phục hồi ngắn hạn khi kỳ vọng và tâm lý trên thị trường dao động. Do đó, những nhịp phục hồi mạnh mẽ trong giai đoạn thị trường theo chiều giá xuống thường không phải là một tín hiệu an toàn. Điểm tích cực duy nhất là các nhịp phục hồi này thường xảy ra vào nửa cuối của giai đoạn thị trường gấu, vì vậy, có thể báo hiệu những tiến triển trong đà suy giảm của thị trường.

    Tình hình dịch bệnh: Vùng đỉnh dịch đang hình thành nhưng diễn biến khó lường!

    Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu tiếp tục có những tiến triển tích cực cho thấy hiệu quả của chính sách đóng cửa giãn cách xã hội đang được áp dụng trên khắp thế giới trong nhiều tuần qua. Tính đến hết ngày 17/04, thế giới ghi nhận hơn 2,25 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2, tăng 4,3% trong 24 giờ qua và 33,4% so với một tuần trước đó. Trong khi 3 tuần liền trước, tốc độ tăng trưởng số ca nhiễm virus toàn cầu lần lượt là 51,65%; 86,4% và 116,5%.

    Các điểm nóng trên thế giới như Mỹ, Italy, Tân Ban Nha, Anh, Pháp, Đức… mặc dù có số ca nhiễm mới hàng ngày trồi sụt khác nhau, nhưng đều chứng kiến một xu hướng giảm chung. Điều này đồng nghĩa rằng trên đường cong lây nhiễm, các quốc gia này đều đã bước vào pha hậu tích lũy (đặc điểm: tăng trưởng số ca nhiễm giảm tốc, số ca nhiễm mới cao, số ca phục hồi cao) và dần bước sang pha phục hồi (đặc điểm: số ca nhiễm mới thấp, số ca phục hồi cao).

    Chiến lược tái mở cửa: Nhanh nhất nếu có thể và chậm nhất nếu cần thiết

    Với những diễn biến tích cực của đại dịch, một số quốc gia tiếp tục kéo dài thời hạn phong tỏa đất nước trong khi lên kế hoạch để tái mở cửa nền kinh tế của mình. Cụ thể, Pháp sẽ tiếp tục lệnh đóng cửa đến 11/5 và sau đó sẽ cho phép các trường học được mở cửa trở lại. Trong khi đó, học sinh tại Denmark đã quay trở lại trường học và nhà trẻ, Italy đã mở cửa một số hiệu sách báo và cửa hàng nhỏ, Áo cho các xưởng sửa chữa nhà cửa được phép hoạt động, Séc dừng hạn chế các hoạt động thể thao thông thường. Các công ty sản xuất ô tô tại Đức dự kiến sẽ quay lại hoạt động vào tuần tới và Tây Ban Nha cho phép các công nhân trong các ngành không thiết yếu được quay lại làm việc.

    Ngay cả Mỹ, quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch cũng đã công bố kế hoạch phân giai đoạn tái mở cửa cho nền kinh tế Mỹ. để dần dần nối lại các hoạt động kinh tế về trạng thái bình thường. Cách tiếp cận theo từng giai đoạn này đặt nền tảng để các bang có thể tự tiến hành các trình tự kiểm tra xem xét các điều kiện y tế trước khi cho phép nhà hàng, phòng tập gym, rạp chiếu phim và các sự kiện thể thao giải trí quy mô lớn được mở cửa trở lại.

    Trước đó, Trung Quốc và mới gần đây nhất là Việt Nam cũng có cách tiếp cận thận trọng khi thực hiện tái mở cửa nền kinh tế. Cụ thể, các địa phương nguy cơ thấp được mở cửa hoạt động trước trong khi các địa phương nguy cơ cao tiếp tục bị phong tỏa cho đến khi dịch bệnh được đưa vào tầm kiểm soát.

    Hai cách tiếp cận theo giai đoạn (tại Mỹ) và theo khu vực (tại Trung Quốc và Việt Nam) có thể sẽ là hai phương thức chính để các quốc gia trên thế giới nối lại hoạt động, theo đó vừa đảm bảo nền kinh tế không bị đình trệ và hệ thống y tế không bị quá tải, cũng như kéo dài thời gian cho các nhà khoa học tìm được thuốc đặc trị và vaccines để xử lý tận gốc cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay.

    Diễn biến thị trường chứng khoán Việt Nam: Điều chỉnh trước vùng kháng cự mạnh?

    TTCK trong có tuần phục hồi tuần thứ 3 liên tiếp, tăng mạnh thứ 2 khu vực Đông Nam Á và cũng chứng kiến tuần tăng trọn vẹn với 5/5 phiên tăng liên tiếp. Hỗ trợ đà tăng là các mã cổ phiếu vốn hóa lớn trong bối cảnh dòng tiền tham gia bùng nổ. Tín hiệu tích cực lúc này là khối ngoại đã giảm đà bán ròng đáng kể trong cả tuần.

    Chuỗi tăng 15/17 phiên liên tiếp vừa qua cũng chính là thành quả tốt nhất kể từ khi dịch covid-19 bùng phát sau kỳ nghỉ lễ tết nguyên đán. Sau chuỗi giảm mạnh khiến chỉ số Vnindex mất 27,3% kể từ đầu năm và rơi vào thị trường giá xuống (bear market), thị trường đã thu hẹp đà giảm cùng biên độ dao động khi vượt ngưỡng 700 điểm. Mức tăng 4,18% trong tuần vừa qua cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp, cùng với đó mức tăng ở các nhóm idnex khác đã được tăng mạnh. Nhóm midcap và smallcap cũng tăng ấn tượng trong tuần vừa qua với mức tăng bình quân 6%, ở bộ 3 chỉ số ETF cũng có mức tăng mạnh so với tuần trước đó, bình quân khoảng 7,6%. Như vậy, áp lực chốt lời đã xuất hiện ở các mã vốn hóa lớn khiến dòng tiền đang có xu hướng dịch chuyển sang nhóm midcap hoặc các mã trong bộ chỉ số ETF

    Hầu hết các nhóm cổ phiếu chính đều tăng điểm trong tuần vừa qua, trong đó phải kể đến các nhóm ngành như dịch vụ, logistics, bán lẻ, xây dựng và VLXD, thủy sản đều tăng trên 8%.

    Có thể thấy, thị trường tích cực nhờ các nhóm cổ phiếu vốn chịu tác động mạnh từ covid-19 như: hàng không, bán lẻ, xây dựng,….đã phục hồi mạnh mẽ khi giới đầu tư đang đặt cược ở một mức nhất định rằng mọi thứ có thể trở lại bình thường sớm. Giá cổ phiếu đang cho thấy giả định rằng một loạt các thất bại sẽ không xảy ra. Rằng mất việc làm trên diện rộng và giảm thu nhập sẽ không dẫn đến đóng cửa hàng loạt doanh nghiệp. Rằng mọi người sẽ có một công việc trở lại và sẽ sẵn sàng chi tiêu khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng giảm xuống.

    Về xu hướng dòng tiền: Dòng tiền mới đổ vào thị trường, thanh khoản tuần vừa qua duy trì cao so với tuần trước đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt trên 3.402 tỷ đồng, cao hơn với mức bình quân kể từ đầu năm cho tới nay. Trong khi đó, tổng giá trị giao dịch đạt trên 4.409 tỷ đồng, tăng hơn 4,1% so với tuần trước đó. Việc thanh khoản tăng cao cùng sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu lớn chính là chất xúc tác giúp thị trường tăng trưởng ấn tượng. Thị trường tăng tốt khi dòng tiền có sự lan tỏa mạnh mẽ ở tất cả các nhóm index. Tăng mạnh nhất là thanh khoản nhóm Smallcap với mức tăng 11,3%, tiếp đến là nhóm Midcap với mức tăng 9,8%, Diamond tăng 1,4%, ngoài ra các nhóm index còn lại đã giảm nhiệt.

    Về giao dịch của khối ngoại: Mặc dù bán ròng sang tuần thứ 12 liên tiếp trên sàn HSX nhưng việc xuất hiện những phiên giảm bán đáng kể từ đầu tuần đang là tín hiệu tích cực nhất đối với thị trường lúc này. Kể từ đầu năm cho tới nay, khối ngoại đã bán ròng 11.996 tỷ đồng trên sàn HSX, trong đó giao dịch thông qua khớp lệnh là 12.451 tỷ đồng

    Ở thị trường trong nước, dòng vốn đầu tư quốc tế qua kênh ETF vẫn trong xu hướng bán ròng trong khi không có quỹ nào mua ròng trong tuần vừa qua, kể từ đầu năm cho tới nay dòng vốn qua kênh ETF bị rút khoảng 53,3 triệu USD, chủ yếu tập trung ở 2 quỹ VanEck và FTSE Vietnam.

    Về kỹ thuật, sau nhịp giảm sâu và đi vào thị trường giá xuống (giảm 27% kể từ đầu năm và 32% so với mức đỉnh gần nhất) thị trường đã có sự khỏi đầu tháng 4 thuận lợi với 3 tuần tăng liên tiếp trong đó có 15/17 phiên tăng để hướng tới mốc 800 điểm. Hiện tại, ngưỡng 650 điểm là ngưỡng hỗ trợ sau nhịp giảm sâu vừa qua, đây cũng là ngưỡng hỗ trợ của thị trường trong năm 2016 trước khi thị trường có nhịp tăng phi mã năm 2017 và 2018. Trong kịch bản tích cực, thị trường có khả năng tạo mô hình 2 đáy nhỏ ở ngưỡng hỗ trợ này (650 điểm) và hướng đến vùng giá mục tiêu ở vùng 800 điểm – 815 điểm. Vùng 815 điểm là một vùng kháng cự mạnh và có ý nghĩa quan trọng đối việc đánh giá sức mạnh xu hướng của thị trường trong thời gian tới. Khả năng cao chỉ số sẽ vấp phải áp lực điều chỉnh mạnh khi tiếp cận vùng cản này trong ngắn hạn. Tuy nhiên chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm khi VNI càng áp sát kháng cự 800, 820 thì mức độ rủi ro càng tăng cao (mức tăng trên 20% kể từ đáy 652) và khả năng hình thành một nhịp chỉnh kha khá là có thể. Tuy nhiên nhịp chỉnh rất khó để có thể quay trở lại mức 652 và tôi đánh giá mức 652 chính là đáy của VNI trong giai đoạn này.

    Chiến lược đầu tư: không mua đuổi trong các phiên tăng mạnh, chốt lời các cổ phiếu đã có tỷ suất lợi nhuận 20% trở lên.

    Cơ hội đầu tư: Nhóm cổ phiếu midcap và các cổ phiếu trong nhóm ETF, các cổ phiếu được hưởng lợi từ việc giá dầu giảm, các cổ phiếu thực phẩm thiết yếu và nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công… Ưu tiên các ngành có mức độ tập trung của dòng tiền cao, thanh khoản tốt như: xây dựng và vật liệu xây dựng, thực phẩm, bán lẻ, công nghệ, SX&PP điện, Dược phẩm, săm lốp…

    Source:  CLTT MBS.

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

     

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn