MARKET STRATEGY WEEKLY 19/10 – 23/10/2020: Đừng ngủ quên - Cần 2 tuần nghỉ ngơi! | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY 19/10 – 23/10/2020: Đừng ngủ quên – Cần 2 tuần nghỉ ngơi!

Lượt xem:4891 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Diễn biến thị trường quốc tế:

    Chứng khoán toàn cầu chững đà tăng khi giới đầu tư lo ngại sự gia tăng các ca nhiễm covid-19 ở Châu Âu và hy vọng ngày càng mờ nhạt về bất kỳ biện pháp kích thích tài chính nào từ Quốc hội trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào đầu tháng 11. Tuy nhiên Cả Dow Jones và S&P 500 đều ghi nhận tuần tăng thứ 3 liên tiếp, còn Nasdaq Composite có 4 tuần leo dốc liên tiếp. Trong khi đó, các thị trường châu Âu giảm sâu khi nhà đầu tư lo ngại các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới hiện nay này có thể tác động đến quá trình phục hồi kinh tế trong khu vực. Các thị trường châu Á diễn biến phân hóa.

    Khi mùa báo cáo lợi nhuận quý 3 lặng lẽ khởi động với những kết quả kinh doanh được công bố đầu tiên cho thấy một bức tranh tương đối phân hóa, sự chú ý của các nhà đầu tư toàn cầu vẫn hướng về triển vọng các gói kích thích tài khóa, đặc biệt là tại Mỹ. Các nhà lập pháp tại quốc gia này tiếp tục rơi vào bế tắc sau khi Quốc hội Mỹ bác bỏ để xuất chương trình kích thích trị giá 1,8 nghìn tỷ USD của Nhà Trắng, và bất kỳ cuộc thảo luận nào diễn ra trong thời gian tới đều có thể trở nên phức tạp khi ngày bầu cử tổng thống Mỹ (03/11) đang đến gần. Như vậy, có khả năng cao rằng gói kích thích tài khóa mới cho nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không được thông qua trước ngày bầu cử tháng 11.

    Trong khi đó, triển vọng kinh tế toàn cầu có thể kém khả quan hơn, khi Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) kỳ vọng giai đoạn phục hồi của nền kinh tế thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng có thể là một chặng đường “dài, gập ghềnh và nhiều bất chắc”. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của tổ chức này, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có giá trị âm trong năm nay và ở mức tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại Suy thoái vào những năm 1930. Quan điểm này được đưa ra ngay cả khi những dự báo tăng trưởng cho năm 2020 của IMF được điều chỉnh tăng. Cụ thể, cho năm 2020, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ chỉ giảm 4,4% thay vì dự báo giảm 5,2% được đưa ra trong báo cáo tháng 6. Trái lại, cho năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được kỳ vọng chỉ ở mức 5,2%, thấp hơn so với con số 5,4% được dự báo trước đó.

    Theo IMF, Trung Quốc sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất được dự báo ghi nhận tăng trưởng dương với tốc độ 1,9% trong năm nay và 8,2% trong năm 2021. Tổng sản lượng toàn cầu vào cuối năm 2021 được kỳ vọng sẽ cao hơn 0,6% so với cuối năm 2019 – thời điểm trước khi đại dịch xảy ra, tuy nhiên phần lớn đà tăng bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ sẽ cần chờ ít nhất tới năm 2022 mới có thể phục hồi hoàn toàn về ngưỡng tiền đại dịch.

    Về tiến triển nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, hai công ty dược phẩm của Mỹ là Eli Lilly và Johnson & Johnson đã tạm ngừng cuộc thử nghiệm thuốc điều trị và vắc-xin phòng ngừa Covid-19 của họ vì những quan ngại về tính an toàn của sản phẩm. Điều này khiến những kỳ vọng sớm có một một giải pháp y tế để kiểm soát đại dịch bị đẩy lùi xa hơn

    THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:

    Thông tin vĩ mỗ quan trọng:

    • Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư vào ASEAN. Theo Nikkei Asia, chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả tới một nửa chi phí cho các khoản đầu tư vào Đông Nam Á đối với nhóm doanh nghiệp lớn và tới 2/3 chi phí đối với các công ty nhỏ hơn. Trợ cấp áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng tập trung sản xuất ở một quốc gia nhất định. Mục đích của chương trình mới là cho phép doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng mạng lưới cơ sở sản xuất tại Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn đang quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhờ yếu tố chi phí rẻ, Đông Nam Á là một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà sản xuất Nhật Bản. Mức thu nhập trung bình hàng năm cho một công nhân chế tạo là 5.956 USD/người tại Indonesia và 4.041 USD/người ở Việt Nam, trong khi của Trung Quốc là gần 10.000 USD. Căng thẳng thương mại Mỹ Trung cùng tình trạng thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trong đại dịch COVID-19, đã nêu bật lên rủi ro khi mạng lưới cung ứng quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Đầu năm nay, các dây chuyền lắp ráp ô tô tại Nhật Bản đã buộc phải đóng cửa vì không có đủ nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc. Do đó, xây dựng nhà máy mới ở một nước Đông Nam Á song song với duy trì công suất hoạt động tại Trung Quốc sẽ được coi là một hình thức đa dạng hóa và sẽ là đủ điều kiện nhận hỗ trợ.
    • NHNN ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam 2020 từ 2,5-3%. Ngày 12/10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Kế hoạch số 09/KH-NHNN góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, NHNN ước tính tăng trưởng GDP cả năm 2020 của Việt Nam từ 2,5-3%. Năm 2021, theo NHNN, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ hồi phục trở lại, tuy nhiên đà hồi phục có thể theo 2 kịch bản. Kịch bản 1: nếu dịch bệnh trong nước được tiếp tục kiểm soát, dịch bệnh trên thế giới được đẩy lùi. Theo đó, các hoạt động dịch vụ, thương mại hàng hóa sẽ nhanh chóng được khôi phục trở lại. Sự kết nối lại chuỗi cung ứng sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ do lợi thế về kiểm soát sớm dịch bệnh. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP năm 2021 dự kiến có thể đạt 6,5-7,5%. Kịch bản 2: dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động của nền kinh tế trong nửa đầu năm 2021. Sự hồi phục chậm của kinh tế thế giới sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế trong nước do Việt Nam có độ mở cửa lớn và đang tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 có thể đạt từ 5- 6%.
    • Trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới năm 2020 mới được cập nhật, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam là điểm sáng trong khu vực Đông Nam Á khi có mức tăng trưởng GDP dương trong năm nay. IMF dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2020 ở mức 1,6% và đến năm 2021, con số này sẽ đạt 6,7%. Trong khu vực ASEAN5, ngoài Việt Nam có dự báo tăng trưởng GDP dương thi các nước còn lại đều có mức tăng trưởng âm
    • Thị trường đã tăng 2 tháng liên tiếp và đang hướng tới chuỗi tăng liên tục trong tháng 10, nhà đầu tư “ồ ạt” mở tài khoản chứng khoán trong tháng 9. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.418 tài khoản, tăng hơn 3.000 tài khoản so với tháng trước đó. Trong đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 9 là 31.340 và 78 tài khoản mở mới từ các tổ chức. Tính chung trong tháng 9, toàn thị trường có thêm 31.709 tài khoản chứng khoán được mở mới. Lũy kế tới hết tháng 9/2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,63 triệu tài khoản, tương đương 2,7% dân số Việt Nam. Với thông tin vĩ mô tích cực từ tăng trưởng GDP, đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm, cho tới việc Bộ Tài chính lên kế hoạch bơm tiền, nhà đầu tư “ồ ạt” mở thêm tài khoản…đã hỗ trợ thị trường chứng khoán có chuỗi leo dốc bền bỉ hơn so với hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua

    Đồ thị Vnindex 16.10.2020. ( Fireant)

    Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:

    TTCK Việt nam đã vượt qua mốc 940 điểm sau khi thị trường đã tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu Bluechips đang dẫn dắt thị trường. Dòng tiền tiếp tục đổ vào thị trường là tác nhân chính đưa thị trường có chuỗi phục hồi kéo dài lịch sử. Với mức tăng này, chỉ số VN-Index đã củng cố xu hướng tăng khi tận dụng cơ hội để vượt đường xu hướng giảm kể từ năm 2018 một cách thuyết phục.

    Về chỉ số, VN-Index tuần vừa qua đã mở rộng đà tăng, thị trường chung đã tăng 2,09% khi được ủng hộ từ thị trường chung trên thế giới. Tuy nhiên độ rộng thị trường không mấy tích cực khi duy trì xu hướng phân hóa mạnh với số mã tăng giá chỉ chiếm 1/3 trong khi đó số mã giảm giá chiếm tới 2/3 còn lại tạo nên hiện tượng xanh vỏ đỏ lòng. Độ lan tỏa ở nhóm VN30 vẫn khá tích cực khi số mã tăng vẫn chiếm đa số qua đó là động lực chính cho đà tăng của thị trường. Đà tăng tập trung ở nhóm cổ phiếu nhóm Diamond với mức tăng 3,01%, nhóm Finlead và nhóm Finselect lần lượt tăng 4,83% và 4,05%. Ngoài ra, nhóm Midcap và nhóm Smallcap giảm lần lượt 0,89% và 3,14%.

    Đóng góp vào mức tăng 19,3 điểm của VN-Index trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: MSN, VIC, CTG, VCB, BID, TCB… Trong khi đó, rổ VN30 tăng 27,06 điểm và đóng góp nhiều nhất giúp cho chỉ số này tăng 3,09% trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: MSN, TCB, CTG, VIC, VPB…

    Về xu hướng dòng tiền: Thanh khoản tuần vừa qua tăng 7,6% đạt mức bình quân 7.426 tỷ đồng/phiên, đây cũng là tuần tăng cao nhất kể từ đầu năm 2019 cho tới nay. Dòng tiền tăng mạnh ở nhóm VN30 với mức tăng 28.1% so với tuần trước đó. Đáng chú ý dòng tiền gia tăng mạnh trở lại với nhóm ETF nội với nhóm Finlead, Finselect và Diamond với mức tăng lần lượt 39,3% ,41,2% và 36,5%. Các nhóm Midcap, Smallcap và các nhóm này có mức giảm khá lần lượt 11,0% và 18,1%.

    Tuần vừa qua, NĐT cá nhân trong nước mua ròng tuần thứ 3 liên tiếp với giá trị ròng tăng mạnh lên 1.426 tỷ đồng và đóng vai trò bệ đỡ chính cho thanh khoản chung toàn thị trường. Trong khi đó, nhóm tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài tiếp tục bán ròng lần lượt là -237,2 tỷ đồng và -1.206 tỷ đồng.

    Về giao dịch của NĐTNN: Khối ngoại tiếp tục bán ròng mặc dù thị trường tăng điểm liên tục, qua đó tổng giá trị bán ròng trên sàn HSX trong tuần vừa qua đạt 1.650,5 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 1.522,4 tỷ đồng

    Dòng vốn đầu tư quốc tế tuần  qua : Dòng tiền quốc tế hiện đã trở lại ở một số thị trường như: Ấn độ, Nhật Bản, Brazil trong tuần này. Tuy nhiên nhìn chung, xu hướng dòng vốn vào các thị trường mới nổi và cận biên chưa thực sự sáng sủa..

    Đối với xu hướng dòng vốn ETF: Dòng tiền qua kênh ETF cũng rút ròng nhẹ -1,7 triệu USD trong tuần này và chủ yếu ở quỹ E1VFVN30. Lũy kế từ đầu năm tới nay dòng tiền vẫn rút ròng qua kênh ETF giảm còn 22,39 triệu USD từ mức hơn 60 triệu USD đầu năm

    TÓM LẠI,

    TTCK Việt Nam tiếp tục duy trì chuỗi tăng trưởng hơn 2,5 tháng qua nhờ dòng tiền cuồn cuộn đổ vào thị trường và đưa chỉ số VN-Index tiền gần thời điểm đầu năm. Tuần vừa qua cũng là tuần chỉ số này lọt Top các thị trường có mức tăng trưởng tốt nhất toàn cầu và khỏe hơn so với thị trường chứng khoán Mỹ. Ngoài kết quả kinh doanh quý 3 đã bắt đầu thì không có thông tin hỗ trợ nào đáng chú ý trong tuần vừa qua, điểm nhấn chính là giao dịch bùng nổ ở một số cổ phiếu lớn như MSN, TCB hay STB. Dòng tiền nội chính là nhân tố tạo ra các điểm nóng như trên bất chấp khối ngoại tăng cường bán ròng. Theo thống kê, tuần vừa qua cũng là tuần thứ 3 liên tiếp khối nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh mẽ, điều này khác với thời điểm đỉnh tháng 6 vừa qua khi nhà đầu tư cá nhân liên tục bán ròng.

    Đến lúc này, thị trường chỉ còn cách thời điểm đầu năm hơn 1,8% nhưng ở nhiều nhóm cổ phiếu đã về hoặc cao hơn so với thời điểm đầu năm. Các nhóm cổ phiếu như: chứng khoán, XD&VLXD, thực phẩm, dược phẩm, hóa chất hiện đang có mức giá cao nhất kể từ đầu năm tương ứng với thời điểm VN-Index đạt 991,46 điểm. Số cổ phiếu có mức tăng nóng hoặc đi vào vùng quá mua hiện đang trong xu hướng điều chỉnh. Tín hiệu đáng lưu ý đối với thị trường chung là tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, các mã giảm giá chiếm ưu thế trong 8 phiên vừa qua, thanh khoản tập trung ở các mã tăng hiện thấp hơn so với ở các mã giảm.

    Thị trường đang có nhiều thuận lợi để mở rộng đà tăng và trở về mức trước đại dịch trong năm nay khi kết quả kinh doanh quý 3 được dự báo sẽ có nhiều tích cực khi nền kinh tế đã qua đáy. Ở bên ngoài, mặc dù chỉ còn hơn 2 tuần nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nhưng cũng chưa có sự biến động đáng kể nào đến thị trường tài chính, trong khi đó kỳ vọng của nhà đầu tư về giói kích thích tài khóa của Mỹ sớm hay muộn rồi cũng sẽ được thông qua nhờ đó sẽ xua tan bớt “mây mù” đang bao phủ nền kinh tế toàn cầu và hỗ trợ thị trường chứng khoán.

    Xét về mặt định giá, tính tới thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 30/9/2020:
    ❑ Theo quan sát , P/E của Việt Nam ở mức 14,99 – thấp thứ ba trong mẫu quan sát gồm 13 TTCK , chỉ cao hơn P/E của TTCK Indonesia và Hồng Kông. Tuy nhiên nếu xét theo ROE, thì ROE của VnIndex đang ở mức cao nhất so với 12 TTCK khác. Điều này cho thấy TTCK Việt Nam đang hấp dẫn so với TTCK của các quốc gia khác.
    ❑ Khi so sánh với diễn biến của P/E của Việt Nam trong chính quá khứ 10 năm vừa qua thì tính đến thời điểm hết quý 3, P/E của VnIndex đã cao hơn mức trung bình 10 năm là 13,79, tuy nhiên với tiềm năng tăng trưởng nhanh trở lại trong năm 2021, mức PE hiện nay vẫn ở mức hấp dẫn.
    ❑ Hiện P/E của Việt Nam vẫn chưa vượt lên trên đường biên trên của dải P/E, trong ngắn hạn khả năng xuất hiện đợt điều chỉnh mạnh khiến VnIndex giảm sâu là rất thấp.

    Ngoài trước bầu cử mỹ thì 2 tháng trước đó sẽ 2 tháng biến động khá chậm với thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó vào tháng 10, Quốc hội Việt Nam sẽ họp kỳ họp thứ 10, đây là giai đoạn thị trường sẽ khó tăng điểm như 02 tháng vừa qua, thị trường sẽ tích lũy cho đợt bùng nổ tăng điểm trong quý I/2021.

    Trong giai đoạn này, diễn biến thị trường sẽ tiếp tục bị chi phối bởi thông tin kết quả kinh quý 3 của các doanh nghiệp, hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ đầu tư theo bộ chỉ số VN30 và VN-Diamond vào những tuần cuối tháng 10 ( thời điểm vùng trũng thông tin ). Trong tuần tới, Sau khi vượt qua vùng cản quanh 920 điểm, Sau một loạt các phiên bứt phá mạnh về điểm số, thị trường có khả năng chịu áp lực rung lắc mạnh  trong ngắn hạn vì từ tháng 8 tới nay chưa có một nhịp chỉnh nào đúng nghĩa. Các mốc cản bây giờ thực sự không có quá nhiều ý nghĩa với dòng tiền khỏe như bây giờ nhưng chúng tôi nhận thấy rủi ro bắt đầu gia tăng tại vùng 940 +/- này. 

    Chúng tôi cho rằng đến thời điểm hiện tại, thị trường duy trì đà tích cực được như bây giờ ngoài các yếu tố từ chính sách, kích thích kinh tế còn phần quan trọng nữa là tiền bây giờ quá rẻ. Các kênh đầu tư như tiết kiệm, vàng hay bất động sản đã và đang có động thái chuyển dịch sang thị trường chứng khoán. Tiền nhiều và rẻ thì thị trường đang đi lên bằng tự kỳ vọng chứ không hoàn toàn từ cổ phiếu định giá rẻ, hay doanh nghiệp tăng trưởng tốt ( trừ một số doanh nghiệp ngoại lệ)- đây là điều đáng thận trọng.

    Hành động: Tốt nhất đừng nên đoán đỉnh, qua đỉnh mới thấy đỉnh nhưng đừng ngủ quên trên chiến thắng. Ở Thời điểm báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đã bắt đầu và thường là các cổ phiếu có kết quả trước sẽ có xu hướng tích cực, dòng tiền vẫn tiếp tục tăng cao và mang tính đầu cơ lớn. Một số điểm “nóng” cũng đã được hạ nhiệt, thị trường có khả năng sẽ đi vào giai đoạn phân hóa, NDT nên cơ cấu lại danh mục theo hướng giảm dần tỷ trọng cổ phiếu, nhất là bán hạ lượng margin hiện nay khi  rủi ro ngắn hạn đang có chiều hướng gia tăng .Với danh mục đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ để cho lãi chạy tới khi đạt giá kỳ vọng.

    Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS, BVSC..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.

    Xin chân thành cảm ơn!

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

     

     

     

     

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn