MARKET STRATEGY WEEKLY 16/11 – 20/11/2020: Câu cá ( tiếp theo)! | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY 16/11 – 20/11/2020: Câu cá ( tiếp theo)!

Lượt xem:5335 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Diễn biến thị trường quốc tế:

    Thị trường cổ phiếu toàn cầu ghi nhận tuần tăng điểm thứ hai liên tiếp khi được hỗ trợ bởi thông tin về tiến triển nghiên cứu vắc-xin phòng ngừa Covid-19. Các chỉ số cổ phiếu đã bật tăng mạnh mẽ vào đầu tuần qua sau khi Pfizer và BioNTech công bố vắc-xin của họ đạt hiệu quả hơn 90% về khả năng phòng ngừa lây nhiễm virus corona. Điều đó đã kích hoạt một làn sóng kỳ vọng rằng sẽ sớm có một giải pháp cho cuộc khủng hoảng y tế hiện nay và thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu.

    Chỉ số chứng khoán toàn cầu đã tăng lên mức cao nhất mọi thời đại vào ngày 11/11 với giá trị vốn hóa đạt 95.000 tỷ USD. Tăng mạnh nhất trong tuần vừa qua là chứng khoán khu vực Châu Á ngoại trừ chứng khoán Trung Quốc, thị trường Nhật Bản tăng 4,4% lên mức cao nhất kể từ năm 1991, thị trường Hàn Quốc thậm chí còn đạt mức cao nhất mọi thời đại với mức tăng 3,2%. Ấn tượng nhất là mức cao của các thị trường chứng khoán Đông Nam Á, chỉ số chung của khu vực này tăng 5,6% trong đó thị trường Thái lan có mức tăng mạnh nhất 6,9%, Malaysia tăng 4,5%, Singapore tăng 4,9%…

    Các nhà phân tích cho rằng, chứng khoán châu Á có thể nhận cú huých từ đà suy yếu của đồng USD và thông tin tích cực về vắc-xin từ Pfizer cho nhà đầu tư lý do để chuyển sang chứng khoán châu Á. Chỉ số Bloomberg JPMorgan Asia Dollar – vốn đo lường sức mạnh của các đồng tiền trong khu vực châu Á với đồng bạc xanh – lên gần mức cao nhất kể từ tháng 6/2018, ngay cả khi đồng Yên giảm giá khi nhà đầu tư rút khỏi các kênh trú ẩn an toàn. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương khép phiên ở mức đỉnh gần 2 năm trong ngày 09/11 và nới dài đà tăng trong ngày thứ Ba (10/11) cùng với chứng khoán toàn cầu.

    Hiệu quả bất ngờ của vắc-xin và xu hướng luân chuyển dòng vốn toàn cầu. Tỷ lệ hiệu quả hơn 90% của vắcxin do Pfizer và BioNTech đồng phát triển đã không chỉ thúc đẩy đà phục hồi trên các thị trường cổ phiếu mà còn kích hoạt vòng luân chuyển vốn toàn cầu từ các nhóm cổ phiếu công nghệ, tăng trưởng, hưởng lợi từ đại dịch, sang các nhóm cổ phiếu chu kỳ, giá trị, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Nhờ đó những ngành tài chính, năng lượng, công nghiệp đều phục hồi mạnh hơn so với ngành công nghệ. Không những vậy, cổ phiếu quốc tế đã tăng 4% trong tuần qua so với mức tăng 2,2% của cổ phiếu Mỹ cho thấy sự gia tăng lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu trong dài hạn

    Kỳ vọng về các biện pháp nới lỏng tiền tệ bổ sung từ các NHTW. Mặc dù các thống đốc, chủ tịch của các NHTW lớn trên thế giới đã bày tỏ sự khích lệ trước triển vọng vắc-xin nhưng vẫn duy trì quan điểm thận trọng trong bối cảnh diễn biến đại dịch phức tạp và nhiều quốc gia trên thế giới đã buộc phải quay lại với các biện pháp giãn cách xã hội và đóng cửa nền kinh tế. Trong khi NHTW Anh đã tăng quy mô chương trình mua tài sản và để ngỏ khả năng hạ lãi suất xuống dưới ngưỡng 0%, các nhà chức trách NHTW châu ÂU cũng tái khẳng định thông điệp mới nhất của chủ tịch ECB rằng “tất cả các công cụ” sẽ được điều chỉnh vào tháng 12 nhằm tạo môi trường chính sách tiền tệ hỗ trợ hơn cho nền kinh tế.

    Tương tự, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng cho biết ông cảm thấy Fed cần nới lỏng chính sách tiền tệ hơn trong khi kêu gọi các thành viên Quốc hội Mỹ cũng cần có động thái tương tự đối với các gói hỗ trợ tài khóa. Tín hiệu này từ ông có thể khơi gợi những kỳ vọng vào các biện pháp nới lỏng tiền tệ mới từ Fed trong kỳ họp chính tiếp theo của NHTW Mỹ này vào ngày 15-16/12 sắp tới.

    THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:

    Thông tin vĩ mỗ quan trọng:

    • Chính phủ phê duyệt giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành. Ngày 11/11, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1777/QĐ – TTg phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Theo Quyết định, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 sẽ được thực hiện từ 2020 đến 2025, với tổng mức đầu tư hơn 109 ngàn tỷ đồng, tương đương 4,664 tỷ USD. Trong giai đoạn 1, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ được xây dựng thành 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F, gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đáp ứng công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
    • Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), FTA có quy mô lớn nhất thế giới giữa ASEAN và 5 nước đối tác, vừa được ký sáng 15/11. RCEP khi được thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.

    Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:

    Thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp và tiệm cận mức đỉnh cao trong tháng 10. Với mức tăng gần 3% trong tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đã “xóa lỗ” kể từ đầu năm qua đó trở thành thị trường dẫn đầu mức tăng trưởng trong khu vực Đông Nam Á. Đà tăng đang tập trung vào nhóm Midcap và nhóm Smallcap khi tăng lần lượt 3,91% và 2,97%. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu nhóm Diamond với mức tăng 4,70%, nhóm Finlead và nhóm Finselect lần lượt tăng 4,73% và 4,40%. Tuy vậy, so với các thị trường khác trên thế giới, mức tăng của chỉ số VN-Index trong 2 tuần vừa qua vẫn khá khiếm tốn.

    Về cơ cấu dòng tiền: Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tỷ trọng 28,7% toàn thị trường, giảm từ mức 33,4% ở tuần trước đó, tiếp theo là các nhóm cổ phiếu khác như: xây dựng và VLXD (16,7%), thực phẩm (8,1%), Vingroup (8,0%)…

    Về xu hướng dòng tiền của từng nhóm nhà đầu tư: Tuần vừa qua, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục duy trì chuỗi mua ròng sang tuần thứ 7 liên tiếp với giá trị ròng 1.900 tỷ đồng. Trong khi đó, khối tổ chức trong nước lại quay ra chốt lời tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị -211 tỷ đồng. Riêng nhóm NĐTNN vẫn duy trì bán ròng tuần thứ 7 liên tiếp với giá trị ròng -1.698 tỷ đồng.

    Khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng trong tuần qua trên thị trường, tuy nhiên mức bán đã giảm đáng kể so với tuần trước đó và có tín hiệu tích cực khi quay trở lại mua ròng vào phiên cuối tuần. Qua đó tổng giá trị bán ròng trên sàn HSX trong tuần vừa qua đạt 1.488,1 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 1.807,1 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán ròng trên sàn HSX 13.043 tỷ đồng, trong đó bán ròng thông qua khớp lệnh 34.980 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 21.937 tỷ đồng.

    Dòng vốn đầu tư quốc tế tuần  qua : Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia là các thị trường Châu Á có vốn vào cổ phiếu trong tháng 10. Thị trường Trung Quốc vẫn hút vốn mạnh nhất, tổng cộng 4,58 tỷ USD trong tháng 10 với dòng vốn vào cả các quỹ ETF và các quỹ chủ động. Với 3 thị trường còn lại, dòng vốn vào tập trung phần lớn ở các quỹ ETF. Ngoại trừ Malaysia, các nước Đông Nam Á khác (Indonesia, Thái Lan, Philippines, Việt Nam) đều bị rút ròng ở cả quỹ ETF và quỹ chủ động.

     

    Các quỹ đầu tư cổ phiếu vào thị trường Việt Nam rút ròng -23,7 triệu USD trong tháng 10 – ghi nhận tháng rút ròng đầu tiên sau chuỗi 5 tháng liên tiếp có dòng tiền vào. Trong đó, dòng vốn vào các quỹ chủ động vẫn bị rút -18,3 triệu USD trong tháng 10, tổng cộng đã rút -76,3 triệu USD kể từ tháng 3 đến nay. Dòng vốn vào ETF bất ngờ đảo chiều trong tháng 10 khi bị rút ròng -5,4 triệu USD (tương đương khoảng 124 tỷ đồng) sau diễn biến tích cực trong giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 9/2020. Xu hướng đảo chiều chủ yếu do 3 quỹ ETF bị rút ròng là VFM VN30 (-163 tỷ đồng), VanEck (-71 tỷ đồng) và KIM Kindex VN30 (- 27 tỷ đồng). Tuy nhiên, các quỹ này đã ghi nhận dòng vốn vào lại trong tuần đầu tháng 11.

    Nhìn chung, diễn biến dòng tiền toàn cầu hiện vẫn khá tích cực với cổ phiếu, các động thái rút vốn của các quỹ ETF tại Việt Nam trong tháng 10 nằm trong xu hướng chung của khu vực có thể là hoạt động tái cơ cấu, bảo toàn tài sản để chuẩn bị cho chu kỳ giải ngân mới trong bối cảnh ngày bầu cử Mỹ chưa chấm dứt. Hiện tại, dù ai trong 2 ứng cử viên lên làm Tổng thống Mỹ, các thị trường mới nổi khu vực Châu Á vẫn sẽ là điểm trũng hút vốn đầu tư toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc chiến pháp lý sau bầu cử nếu có sẽ khiến rủi ro bất ổn chính trị gia tăng và tác động đến dòng vốn vào cổ phiếu toàn cầu theo chiều hướng tiêu cực.

    TÓM LẠI,

    Thị trường trong nước đang trong xu hướng tăng cùng với các thị trường trong khu vực và trên thế giới, mức tăng mạnh kể từ giữa tháng 8 có tới nay sẽ là động lực để thị trường vượt đỉnh tháng 10 và hướng tới các mốc cao hơn trong thời gian tới. Hỗ trợ đà tăng của thị trường là sự gia tăng trở lại của thanh khoản, giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân tuần vừa qua đã tăng lên mức 6.975 tỷ đồng, tức tăng gần 31% so với tuần trước đó. Bên cạnh đó, độ rộng thị trường rất tích cực, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu Midcap và Bluechips. Mức tăng mạnh của thị trường trong tuần vừa qua đã đưa một số nhóm cổ phiếu vượt đỉnh kể từ đầu năm, tức tương ứng với chỉ số VN-Index ở ngưỡng 991,46 điểm. Nổi bật trong nhóm các cổ phiếu này là: nhóm cổ phiếu dệt may, chứng khoán, bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng, hóa chất… Một số nhóm cổ phiếu cũng đã vượt ngưỡng 970 điểm và tiệm cận ngưỡng 991,46 điểm có thể kể đến là: Thủy sản, Logistics, dược phẩm, ô tô và phụ tùng…

    Nổi bật nhất trong các nhóm cổ phiếu trong tuần vừa qua vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng khi nhóm này có mức tập trung vốn lớn, chiếm 1/3 thanh khoản toàn thị trường. Đây cũng là nhóm đã dẫn dắt thị trường tăng điểm mạnh mẽ trong phiên cuối tuần bất chấp lượng hàng T+3 ở phiên 10/11 khi gần 8.300 tỷ đồng về tài khoản. Trong đó, VCB, CTG, BID, TCB, MBB…là những mã đóng góp mạnh vào đà tăng của thị trường. Sức hấp dẫn của các cổ phiếu này được minh chứng qua thanh khoản rất lớn. Lần lượt các mã ngân hàng gây chú ý bằng các phiên bùng nổ thanh khoản lẫn giá. Xu hướng tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu ngân hàng diễn ra trong bối cảnh đà hưng phấn của thị trường liên tục được duy trì suốt bốn tháng qua.

    Bên cạnh đó, sự bùng nổ được hỗ trợ bởi các thông tin tích cực về vĩ mô và ngành, đi cùng câu chuyện riêng của mỗi ngân hàng. Trong 10 tháng vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần giảm lãi suất điều hành nhằm thúc đẩy hạ mặt bằng trên thị trường. Hành động này dẫn đến làn sóng hạ lãi suất tiết kiệm liên tục từ các nhà băng. Tính từ đầu năm, tổng mức giảm lãi suất đầu dao động 1,2 – 2,4 điểm phần trăm. Lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 12 tháng còn 5,8-6,9%, trong khi kỳ hạn 6 tháng còn 4,2-6,7%. Diễn biến giảm của lãi suất đã tạo điều kiện để các ngân hàng có được nguồn vốn với chi phí thấp để sử dụng. Đây cũng là một trong những yếu tố khiến các ngân hàng tăng huy động tiền gửi. Một yếu tố khác giúp nhà đầu tư gia tăng kì vọng đối với cổ phiếu ngân hàng là kết quả kinh doanh trong quý III nói riêng và cả năm 2020 không xấu như dự đoán. Vừa qua, một số ngân hàng đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với lợi nhuận tăng trưởng mạnh, thậm chí vượt kế hoạch cả năm 2020. Cụ thể, LienVietPostBank và MSB đều đã vượt mục tiêu lợi nhuận cả năm trong khi VIB và MB cũng hoàn thành 90% kế hoạch chỉ sau ba quý.

    Có thể kỳ vọng chuỗi bán ròng của khối ngoại đang trong xu hướng giảm, bên cạnh đó tín hiệu dòng vốn quốc tế đang quay trở lại với các thị trường Châu Á, trong đó có các thị trường Đông Nam Á đã trở nên rõ nét sau thông tin tích cực về Vắc xin và từ đà suy yếu của đồng USD. Tuần vừa qua, dòng vốn quốc tế đã quay trở lại mua ròng ở các thị trường Châu Á: Thái Lan, Đài loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Ấn độ,… sau chuỗi bán ròng kèo dài. Chỉ số MSCI AC ASEAN, nơi quy tụ 164 cổ phiếu tiêu biểu có vốn hóa vừa và lớn ở sáu thị trường Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam, tăng vọt 13,6% trong tuần vừa qua trong khi chỉ có mức tăng nhẹ 0,4% trong cả tháng 10.

    Bối cảnh bên ngoài hiện khá tích cực sau thông tin từ vắc xin, các thị trường trên thế giới đang có mức tăng mạnh mẽ chỉ trong 2 tuần đầu tháng 11, tương đương mức tăng hồi tháng 4, đà tăng này đã đưa một số thị trường lớn quay trở lại mức cao kỷ lục. Tình hình trong nước chưa có gì mới, thanh khoản đã tăng trở lại trong tuần vừa qua và thị trường cũng mạnh hơn dự kiến trong phiên cuối tuần nhưng về cơ bản là thị trường vẫn chưa vượt đỉnh cả về chỉ số và thanh khoản so với tháng trước. Do vậy, tâm lý chờ đợi thị trường vượt đỉnh như thế nào trong tuần tới vẫn là xu hướng chủ đạo.

    Về mặt kỹ thuật, vùng kháng cự 970+/- là vùng cản kỹ thuật quan trọng vừa là giao điểm của Trendline và Fibonacci. Kịch bản lạc quan thị trường nhiều khả năng sẽ sớm vượt qua vùng cản này để hướng đến thử thách vùng kháng cự 980-990 trong ngắn hạn. Đây vẫn là vùng kháng cự mạnh được đánh giá có khả năng sẽ tạo ra áp lực rung lắc đủ mạnh.

    Đồ thị Vnindex 13.11.2020 ( theo fireant).

    Tuần trước ,Khi nhận thấy lượng tiền bên ngoài còn khá dồi dào trong bối cảnh lượng margin đang tiếp tục hạ bớt tại một số công ty chứng khoán lớn, hơn nữa gần như kịch bản bầu cử mỹ cùng dần ngã ngũ thì đây là thời gian quan sát và bắt đầu lựa chọn danh mục đầu tư cho 2 tháng cuối năm. Rủi ro điều chỉnh vẫn còn nhưng mức độ điều chỉnh cũng sẽ không mạnh và pha chỉnh này tạo tiền đề cho nhịp tăng cuối năm 2020 và dòng dẫn dắt sẽ là ngân hàng.

    Thay vì mua bán theo chỉ số VN index , chúng ta hãy tập trung giao dịch mua bán hướng đến những cổ phiếu có câu chuyện riêng, có dòng tiền mạnh, được hưởng lợi theo sóng ngành.

    Cơ hội chọn lọc: sẽ tiếp tục phân hóa ở các nhóm lớn mà tập trung ở một số mã cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện như: Dòng dẫn dắt sẽ là Ngân hàng (ACB, TCB, TPB, CTG) , Bất động sản hưởng lợi sau khi có nới cơ chế BDS TP HCM  (NLG, DXG, ) Vật liệu xây dựng từ thúc đẩy đầu tư công quý 4 điển hình là sân bay Long Thành  (HPG, PLC, HT1 KSB),  Thực phẩm (MCH, VNM,), BĐS Khu CN (SZL, SZC, SIP, KBC, PHR), Bán lẻ (MWG, PNJ, DGW, PET), Cao Su (GVR, DRI), Cảng biển (VSC, GMD), SX&PP điện: (REE ), Dệt may (GIL, TCM, TNG), Thủy sản (ANV, VHC), Chứng khoán (SSI, HCM…). Hàng không ( VJC) Oto VEA…

    Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS, HSC.SSI.), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.

    Xin chân thành cảm ơn!

    ==================================================

    VIỆT KHUÊ.

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 098 171 2523.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

     

     

     

     

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn