Diễn biến thị trường quốc tế:
Một tuần thiếu vắng những sự kiện kinh tế chính, tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư lại chịu tác động lớn từ nhịp điều chỉnh (được cho là lành mạnh) của nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ dưới áp lực chốt lời mạnh mẽ, khiến thị trường cổ phiếu nước này hướng đến tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp.Trái lại, cổ phiếu châu Âu và châu Á vẫn trụ vững bất chấp làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ Mỹ, quyết định giữ nguyên chính sách tiền tệ của ECB, và những tranh chấp chưa hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc, Anh và Liên Minh châu Âu..
Sự kiện đáng được chờ đợi nhất trong tuần vừa qua là kỳ họp chính sách tháng 9 của NHTW châu Âu (ECB). Theo đó, ECB giữ nguyên chính sách tiền tệ hiện tại và chỉ điều chỉnh tăng nhẹ dự báo tăng trưởng GDP trong khu vực cho năm 2020 lên -8% từ mức -8,7% được công bố trong tháng Sáu. Trái với kỳ vọng của thị trường, đại diện của ECB đã không đề cập nhiều đến xu hướng tăng giá gần đây của đồng euro, thay vào đó chỉ xem sự biến động này phản ánh các rủi ro bất chắc hiện nay và cần được theo dõi trong trong thời gian tới. Đây chính là yếu tố vẫn sẽ giúp nâng đỡ thị trường cổ phiếu trong thời gian tới. Trong đó chiến lược gia David Kostin của Goldman Sachs cũng đã tiếp tục nâng dự báo chỉ số S&P500 lên mức 3.800 điểm vào giữa 2021 với mức tăng 12 tháng là +11%.
Các nhà hoạch định chính sách cũng đã không thảo luận về việc mở rộng chương trình mua trái phiếu trị giá 1,35 nghìn tỷ euro nhưng rất có thể họ sẽ triển khai toàn bộ chương trình đến mức tối đa. Hiện tại, hàng loạt các biện pháp kích thích tài khóa và tiền tệ toàn cầu vẫn là động lực chính hỗ trợ thị trường thế giới, trong khi những dữ liệu kinh tế cho thấy đà phục hồi vẫn tiếp diễn.
Tuần tới, nhà đầu tư toàn cầu sẽ tập trung theo dõi các kỳ họp chính sách của các NHTW lớn gồm Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), NHTW Nhật Bản (BOJ), NHTW Anh (BOE). Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ công bố các số liệu kinh tế quan trọng cho tháng Tám như tốc độ tăng trưởng sản lượng công nghiệp, đầu tư tài sản cố định, doanh số bán lẻ và tỷ lệ thất nghiệp, giúp nhà đầu tư có thêm góc nhìn cụ thể hơn về quá trình phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nói riêng và toàn cầu nói chung
Trong bài phân tích chung mới được đưa ra ngày 9/9, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva và Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath đều có chung nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu sẽ còn kéo dài, khả năng hồi phục vẫn rất mong manh và không đồng đều giữa các vùng và các lĩnh vực. Kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại sau thời gian suy giảm nghiêm trọng vì tác động của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 nhưng nếu không có một loại vaccine phòng bệnh hiệu quả, khả năng kinh tế hồi phục hoàn toàn là rất thấp. Cả 2 quan chức của IMF đều nhấn mạnh rằng các chính phủ nên tiếp tục hỗ trợ người lao động và các doanh nghiệp vì bản chất chưa từng có tiền lệ của cuộc khủng hoảng lần này có thể đẩy làn sóng phá sản và mất việc làm lên cao.
Tình hình dịch Covid-19: Hạ nhiệt!
Tính đến sáng ngày 13/09, số người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra trên thế giới đã tăng vượt ngưỡng 28,93 triệu, trong đó 924,558 trường hợp đã tử vong. Tại Mỹ, diễn biến dịch bệnh Covid-19 tiếp tục cải thiện dần dần. Ấn Độ trở thành tâm điểm chú ý trong tuần vừa qua khi quốc gia này liên tục lập kỷ lục về số ca nhiễm mới hàng ngày. Trong 24h qua, quốc gia Nam Á này tiếp tục ghi nhận kỷ lục mới khi có thêm 94.409 ca mắc mới. Trước đó, vào thứ Hai, quốc gia này đã vượt qua Brazil trở thành nước có số ca nhiễm Covid-19 nhiều thứ 2 trên thế giới, sau Mỹ. Điều đáng lo ngại hơn hiện nay là số ca nhiễm mới tại Ấn Độ vẫn duy trì xu hướng tăng mà chưa có dấu hiệu tạo đỉnh. Thêm vào đó là cơ sở y tế nghèo nàn và những khu vực dân cư đông đúc điều kiện đảm bảo vệ sinh kém có thể khiến tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Á này trở nên tồi tệ hơn.
Tại châu Âu, sự lây lan của virus chưa có dấu hiệu chậm lại, đặc biệt tại Pháp và Tây Ban Nha, hai quốc gia hiện có số ca nhiễm mới vượt đỉnh tháng Ba-tháng Tư trước đó. Ngược lại, Diễn biến dịch bệnh tại khu vực châu Á Thái Bình Dương đang dần hạ nhiệt. Cụ thể, chính phủ Nhật Bản đã lên kế hoạch dỡ bở các lệnh hạn chế giờ mở cửa của các quán bar, nhà hàng khi số ca nhiễm mới tại thủ đô nước này duy trì xu hướng giảm. Tương tự, Bộ trưởng Y tế Australia cũng nói rằng bang Victoria nên xem xét dỡ bỏ giờ giới nghiêm nếu không vì những lý do y tế…
Về diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam, đến 13/9 đã bước sang ngày thứ 11 không có ca mắc Covid-19 trong cộng đồngđược ghi nhận. Số ca bệnh hiện vẫn là 1.060, 35 trường hợp tử vong. Riêng tại Đà Nẵng, ổ dịch lớn nhất cả nước một tháng trước đây, đã 14 ngày không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng. Vùng cách ly cụm dân cư thuộc thôn Thượng Bì 2, xã Yết Kiêu (Gia Lộc – Hải Dương) được dỡ bỏ sau 14 ngày cách ly y tế phòng chống dịch Covid-19. Trong khi đó, trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu mở lại đường bay với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan từ 15/09 và với Lào, Campuchia từ 22/09. Mỗi tuần sẽ đón khoảng 5.000 khách nhập vào Việt Nam.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:
Đồ thị Vnindex 11.09.2020.
Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:
Sau chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp của chứng khoán trong nước đã chững lại trước vùng cản mạnh 905 điểm trước áp lực chốt lời của NĐT trong nước cùng đồng pha với nhịp điều chỉnh của nhóm cổ phiếu công nghệ và TTCK Mỹ. Đây cũng là vùng đỉnh cũ của chỉ số VN-Index được thiết lập vào tháng 6/2019 cùng với giao dịch tích lũy với khối lượng và giá trị cao nhất trong năm nay. Do đó, việc điều chỉnh và tích lũy trước khi vượt được vùng kháng cự này là hoàn toàn bình thường Tuy để mất điểm trong tuần vừa qua nhưng tính theo khung thời gian tháng, thị trường Việt Nam vẫn nằm trong TOP các thị trường có mức tăng tốt nhất trên toàn cầu. Mức giảm trong tuần vừa qua chủ yếu tập trung vào phiên đầu tuần (giảm hơn 13 điểm, tương đương giảm 1,5%), 4 phiên còn lại thị trường chủ yếu đi ngang trong biên độ hẹp (mức dao động của 4 phiên đều nằm dưới mức bình quân 5 phiên), như vậy đà giảm đã chững lại và đó có thể là dấu hiệu tích cực.
Riêng với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30, và nhóm ETFs nội đều điều chỉnh giảm nhẹ. Trong đó, VN30 giảm 1,78%, nhóm Diamond với mức giảm 1,09%, nhóm Finlead giảm 1,72% và nhóm Finselect giảm 1,56%. Điều đó đủ cho thấy sự phân hóa khá rõ nét của các nhóm cổ phiếu trước vùng cản manh. Sự đồng thuận chưa đạt được do vậy xu hướng điều chỉnh và tích lũy đan xen là điều dễ hiểu. Nhóm cổ phiếu có mức tăng bình quân theo vốn hóa mạnh nhất trong tuần vừa qua thuộc về nhóm Logistics (4,83%), hóa chất (3,58%), tài nguyên (3,50%), thủy sản (3,46%), dịch vụ (2,97%), Bất động sản (2,19%)… Trong khi đó các nhóm cổ phiếu giảm giá là bảo hiểm (-5,92%), dầu khí (-3,67%), Vingroup (-2,70%).
Về xu hướng dòng tiền: Dòng tiền hướng đến nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong bối cảnh thị trường điều chỉnh tại vùng cản mạnh. Thanh khoản bình quân mỗi phiên tuần qua đạt hơn 5.140 tỷ đồng (giảm 8,6% so với tuần trước). Bên cạnh đó thanh khoản nhóm Midcap với mức giảm 2% trong khi đó thanh khoản nhóm Smallcap tăng 0,1%, dòng tiền tiếp tục khỏi các nhóm ETF khi nhóm VN Diamond giảm 17%, nhóm Finlead giảm 18,1%, nhóm Finselect giảm 15,3%.
Tuần vừa qua, nhóm Tổ chức nước ngoài quay trở lại mua ròng mạnh với giá trị 3.864 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị này chịu ảnh hưởng lớn từ thương vụ mua thỏa thuận VHM. Trong khi đó, về cơ bản nhóm này vẫn đang bán ròng. Thêm vào đó, nhóm tổ chức trong nước và cá nhân trong nước cũng quay trở lại bán ròng với giá trị lần lượt 2.360 tỷ và 2.307 tỷ đồng gây áp lực khá lớn lên thị trường chung.
Về giao dịch của NĐTNN: : Khối ngoại quay trở lại mua ròng tuy nhiên đóng góp nhiều nhất là nhờ mua thỏa thuận VHM trị giá 5.000 tỷ đồng, qua đó tổng giá trị mua ròng trên sàn HSX trong tuần vừa qua đạt 3.898 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 1.535 tỷ đồng. Kể từ đầu năm, khối ngoại bán thông qua khớp lệnh 22.038 tỷ đồng và mua ròng thông qua thỏa thuận 21.945 tỷ đồng
Dòng vốn đầu tư quốc tế: : Nhờ thương vụ VHM, dòng tiền ngoại đã quay trở lại thị trường Việt Nam trong tuần vừa qua, bên cạnh đó là các thị trường khác như Malaisia và Nhật Bản. Ở trong nước, dòng tiền qua kênh ETF tiếp tục bán ròng sang tuần thứ 2 liên tiếp hơn 4 triệu USD tập trong đó có 2 quỹ ETF đến từ Hồng Kông, lũy kế từ đầu năm tới nay dòng tiền vẫn rút ròng qua kênh ETF hơn 32,3 triệu USD…
TÓM LẠI,
Chuỗi tăng 5 tuần liên tiếp của chỉ số VN-Index đã bị chững lại trong tuần vừa qua khi thị trường gặp vùng cản mạnh 900 – 905 điểm, tương ứng với đỉnh tháng 6. Thanh khoản giảm, không có dòng cổ phiếu lớn dẫn dắt, khối nhà đầu tư tổ chức trong nước chốt lời sau 4 tuần mua ròng và NĐTNN duy trì mạch bán ròng sang tuần thứ 5 liên tiếp…là những lực cản đối với thị trường trong tuần vừa qua. Về kỹ thuật, vùng 900 – 905 điểm không chỉ là vùng cản theo khung thời gian ngày mà cũng là vùng kháng cự theo khung thời gian tuần, thị trường hồi tháng 6 đã không thể vượt chính ngưỡng cản này khi không thể thành công với mức cản MA200 theo tuần.Ngoài ra, tâm lý nhà đầu tư lúc này cũng bị tác động từ sự biến động đang tăng lên từ thị trường chứng khoán Mỹ và cơ cấu danh mục đầu tư ETFs cũng như đáo hạn phái sinh sắp tới.
Đáng chú ý là dòng tiền đang bị rút khỏi nhóm Vn30, tuần qua thanh khoản nhóm này giảm hơn 16% và đây cũng có thể là nguyên nhân khiến thị trường đi ngang hụt hơi ở vùng cản mạnh. Sự suy yếu của nhóm Vn30 đã khiến nhà đầu tư tìm cơ hội ở nhóm Midcap và small cap khi cả 2 nhóm này đều tăng trong tuần vừa qua. Như vậy, việc thị trường đang ngập ngừng ở ngưỡng cản mạnh có thể khiến nhà đầu tư chốt lời xong sẽ đi tìm cơ hội ở nhóm vừa vừa nhỏ hoặc cũng có thể sẽ đứng ngoài quan sát để tìm tín hiệu rõ ràng hơn. Việc thị trường dao động trong biên độ hẹp cũng có yếu tố tích cực nhưng cũng có thể sụt giảm mạnh khi gặp yếu tố bất lợi từ bên ngoài.
Sau khi hoàn tất công bố kết quả cơ cấu danh mục đầu tư quí III, hai quĩ ETF tiến hành giao dịch hoàn đổi danh mục trong tuần tới (14 – 18/9). Theo dự báo, cổ phiếu GEX và VIC được mua ròng nhiều nhất trong khi POW, SSI, BVH bị xả mạnh. Trong tháng 9 này các quỹ sẽ hoạt động cơ cấu khá mạnh, nên dòng tiền sẽ tiếp tục dịch chuyển sang nhóm midcap và smallcap, hoặc có thể là smallcap khi midcap cũng đã có 6 tuần tăng liên tiếp trong khi nhóm smallcap chỉ mới tăng trở lại trong tuần vừa qua. Riêng nhóm cổ phiếu Bluechips đã điều chỉnh sâu cũng sẽ là cơ hội của NĐT sau những biến động cơ cấu ETFs và chốt HĐTL trong tuần tới..Do đó, việc thị trường rung lắc cũng sẽ là nhịp cần thiết để kiểm nghiệm sức cầu, giúp NĐT cơ cấu danh mục trước khi nhóm Bluechip trở lại giúp chỉ số VN-index bước vào nhịp tăng mới. Chính vì vậy, kich bản cơ bản vẫn là tích lũy tích cực quanh vùng 880 – 905 điểm.
Hiện tại nhiều doanh nghiệp đã định được bức tranh tài chính cả năm và nhà đầu tư bắt đầu tìm hiểu hoạt động doanh nghiệp cho kỳ kinh doanh năm sau. Quý III thường là quý thấp điểm nhất trong năm với giới đầu tư và cả nhiều doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp đều đặt trọng tâm vào hoạt động kinh doanh quý IV với nhiều mục đích vì vậy quý III thường ít được chú ý. Năm nay là một năm rất khó khăn mà các doanh nghiệp phải đối mặt sự tăng trưởng sẽ thể hiện rất rõ trong thời gian qua và các quý I-II sẽ là dữ liệu quá khứ quan trọng để các nhà đầu tư có thể lựa chọn cổ phiếu. Bức tranh rõ nét về các doanh nghiệp, các cổ phiếu có triển vọng lợi nhuận tốt trong 2020 (do đặc thù kinh doanh không bị thiệt hại nhiều bởi dịch Covid, hoặc thậm chí phần nào hưởng lợi) thì đã có sự tăng giá tốt trong những tháng vừa qua của thị trường. Việc chốt lời dễ dàng có thể xảy ra ở các nhóm đó.
Nhu cầu yếu phẩm : Lương thực thực phẩm, gạo.
Nhóm hưởng lợi từ cú hích EVFTA : thủy sản , dệt may, gỗ, vận tải cảng biển.
Nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn là dòng trọng tâm cho câu chuyện tăng trưởng dài hạn.
Nhóm chứng khoán sẽ hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường, thanh khoản thị trường gia tăng.
Nhóm vật liệu xây dựng và xây dựng hạ tầng sẽ hưởng lợi lớn từ việc đẩy mạnh đầu tư công của Chính phủ.
Nhóm cổ phiếu được đón đầu sóng thoái vốn nhà nước.
Năng lượng mặt trời , thủy điện…
Nhóm phân bón hóa chất kỳ vọng vào thay đổi chính sách thuế VAT, vvv…..
Suốt từ tháng 4 tới nay, trong các bản tin chúng tôi liên tục nhắc đến giai đoạn này là giai đoạn TIỀN RẺ và DỄ, dòng tiền vốn thông minh nó sẽ tìm tới các kênh nào đầu tư sinh lời tốt nhất và chứng khoán luôn là một sự lựa chọn tốt. Hãy nhìn lại cách thị trường phản ứng và cơ hội ở thời điểm bùng phát dịch bệnh đợt 1 tháng 3.
Hành động: Tiếp tục nắm giữ danh mục và ưu tiên các nhóm vẫn giữ lực tăng tốt. Cơ cấu danh mục trong các nhịp rung lắc và dịch chuyển sang các nhóm nền tảng cơ bản tốt và xem xét chốt lời dần danh mục ngắn hạn khi thị trường tiệm cận đỉnh tháng 6 tương ứng vùng 900 +- 3 điểm. Với danh mục đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ để cho lãi chạy tới khi đạt giá kỳ vọng. Thị trường đi ngang cũng là cơ hội để nhà đầu tư lướt sóng ngắn trên nhóm danh mục có sẵn.
Cơ hội cho dòng tiền lúc này đang tìm kiếm các mã cổ phiếu vẫn giữ được đà tăng trưởng hoặc ít bị ảnh hưởng từ dịch bệnh như các nhóm cổ phiếu đầu tư công (HPG,FCN, PLC ), bất động sản khu công nghiệp ( SZC, NTC) , thực phẩm (GTN) , nhóm thoái vốn , các cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng (CTG, STB, ACB) nước sạch (TDM, BWE) , dược phẩm IMP, nhóm cp hưởng lợi từ EVFTA MPC FMC, VHC, Viễn thông, công nghệ ( CTR, VGI). Nhóm dầu khí ( PVT), Vận tải logistic ( GMD, VSC) Thủy điện ( TMP, SJD..)
Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.
Xin chân thành cảm ơn!
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================