MARKET STRATEGY WEEKLY 13/07 – 17/07/2020: Chọn lọc cơ hội - Đãi cát tìm vàng! | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

MARKET STRATEGY WEEKLY 13/07 – 17/07/2020: Chọn lọc cơ hội – Đãi cát tìm vàng!

Lượt xem:4494 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Diễn biến thị trường quốc tế:

    Thị trường thế giới đóng cửa tương đối phân hóa, với chỉ số cổ phiếu tại châu Âu gần như đi ngang, trong khi tăng nhẹ tại Mỹ và giảm điểm trên phần lớn các thị trường châu Á. Chứng khoán Mỹ lập kỷ lục mới, thị trường Trung Quốc vượt đỉnh 5 năm. Mặc dù những bất ổn liên quan đến triển vọng kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19 vẫn còn đó, giới đầu tư lại đi tìm chỗ trú ẩn tại một nơi đầy bất ngờ, đó là cổ phiếu công nghệ. Tuần vừa qua, Chỉ số ChiNext (gồm các cổ phiếu vốn hóa nhỏ của các hãng công nghệ nhỏ ở Thâm Quyến) tăng 12,8%. Trong khi đó ở Mỹ: Apple, Netflix, Microsoft và Amazon đều tăng tới gần đỉnh hoặc chạm đỉnh lịch sử. Cả 4 cổ phiếu trên đều tăng ít nhất 29% trong năm 2020 và đóng góp lớn cho thành tích vượt trội của chỉ số Nasdaq Composite so với S&P 500 trong năm nay. Tính từ đầu năm tới nay, tỉ suất sinh lợi của Nasdaq là 18% còn chỉ số S&P 500 là -1,4%.

    Phố Wall ưa chuộng những đại gia công nghệ vì tin rằng mô hình kinh doanh của chúng không chỉ chống đỡ được suy thoái do COVID-19 gây ra mà thậm chí còn tăng trưởng mạnh trong thời kì này.

    Tâm điểm chú ý trong tuần qua rơi vào Trung Quốc sau một bài báo thể hiện quan điểm của chính phủ nước này về việc thúc đẩy phục hồi kinh tế và thị trường được đăng trên Tạp chí chứng khoán Trung Quốc vào thứ Hai vừa qua. Giọng điệu lạc quan dường như đã chính thức xác nhận lập trường ủng hộ xu hướng tăng giá trên thị trường chứng khoán của nhà nước Trung Quốc, nhờ đó thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư, giúp đưa chỉ số Shanghai Composite lên mức cao nhất trong 2 năm qua. Mặc dù vượt trội hơn so với mặt bằng chung cổ phiếu toàn cầu, nhưng đà tăng giá của cổ phiếu Trung Quốc được cho rằng có rất ít tác động đến thị trường thế giới.

    Dù vậy, tâm lý tích cực trên thị trường Trung Quốc cũng đã lan tỏa sang các thị trường còn lại của thế giới trong những phiên giao dịch tuần qua trước khi bị những lo ngại về dịch bệnh lấn át. Tuy nhiên, thị trường cổ phiếu Mỹ vẫn được nâng đỡ sau khi Gilead Sciences công bố một nghiên cứu mới cho thấy thuốc remdesivir điều trị Covid-19 của họ có thể giảm đến gần 2/3 tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân nặng. Bên cạnh đó, các kết quả hồi phục kinh tế tại Mỹ tiếp tục tạo những bất ngờ tích cực: Chỉ số hoạt động ngành dịch vụ tăng cao hơn so với kỳ vọng trong tháng Sáu và gần quay trở về ngưỡng tháng Hai trước khi đại dịch bùng nổ. Số việc làm mới trong tháng Năm cũng cao hơn so với kỳ vọng trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới giảm nhiều hơn so với dự kiến.

    Quá trình khôi phục hoạt động kinh tế trên thế giới được kỳ vọng sẽ tiếp tục có những tiến triển tích cực. Tuy nhiên con đường đó sẽ không hoàn toàn suôn sẻ mà có thể vấp phải một số cản trở đáng quan ngại như:

    (i) Sự gia tăng số ca nhiễm mới hàng ngày trên thế giới hiện nay có thể được phản ánh vào các số liệu kinh tế sắp tới khi các biện pháp hạn chế mới được chính phủ ban hành và quá trình tái mở cửa bị đình trệ.

    (ii) Hy vọng vắc-xin Covid19 được công bố sớm nhất vào cuối năm nay nhưng có rất ít những tiến triển cụ thể thực tế giúp thúc đẩy sự phục hồi của thị trường.

    (iii) Kết quả bầu cử tổng thống Mỹ có thể ảnh hưởng lớn đến tâm lý thị trường trong những tháng sắp tới.

    Tình hình dịch Covid-19: Số ca nhiễm Covid-19 gia tăng kỷ lục mới, làn sóng bùng phát dịch gây khó khăn cho sự phục hồi về kinh tế. Tính đến ngày 12/7, số ca nhiễm Covid-19 trong ngày trên toàn cầu tiếp tục tăng chóng mặt và đạt kỷ lục mới khi có thêm 222,967 ca nhiễm chỉ trong vòng 24h, đưa tổng số ca nhiễm lên 12,85 triệu người trên toàn cầu, trong đó 567,961 người đã tử vong, theo thống kê của trang Worldometer.

    Số ca nhiễm mới tại Mỹ tăng mạnh so với hai tuần trước khiến khả năng tái mở cửa kinh tế và các hoạt động xã hội gặp khó khăn lớn. Kể từ khi nhiều tiểu bang tại Mỹ bắt đầu nới lỏng giới hạn phòng chống dịch, Covid-19 đã bắt đầu quay trở lại. Số ca nhiễm COVID-19 mới tăng lên hơn 63.000 ca trên toàn nước Mỹ tính đến ngày 12/7 lập kỉ lục ngày thứ ba liên tiếp trong khi Tổng thống Donald Trump đang thúc ép để trường học khắp cả nước mở cửa lại. Các bang như Florida, Texas, California, Georgia, Arizona…vẫn là các bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và đạt đỉnh số ca mới trong ngày. Số ca nhiễm được xác nhận ở Mỹ là hơn 3,3 triệu ca, với Gần 134.000 người Mỹ đã tử vong, một con số mà các chuyên gia cảnh báo có phần chắc sẽ tăng vọt cùng với sự gia tăng các ca nhiễm dấy lên lo ngại rằng các bệnh viện sẽ bị quá tải. Các ca nhiễm đang gia tăng mạnh ở 44 bang của Mỹ trong hai tuần qua so với hai tuần trước.

    Lần lượt các quốc gia và vùng lãnh thổ chịu tác động mạnh nhất của Covid-19 đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 2 hoặc thứ 3. Điều này càng chỉ ra rằng rất khó kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh ngay cả khi áp dụng các biện pháp đóng cửa biên giới hoặc cách ly từng phần. Chính vì vậy thời gian còn lại của năm vẫn sẽ là thời gian thách thức của các chính phủ trong cuộc chạy đua không chế dịch và khởi động lại nền kinh tế.

    THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:

    Tin vĩ mô đáng chú ý trong tuần:

    Ngày 9/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia. Thủ tướng cho biết những cân đối lớn về tài chính, tiền tệ của nền kinh tế đến nay vẫn giữ vững. Việt Nam vẫn còn dư địa lớn để kích thích tổng cầu và thúc đẩy tăng trưởng. Theo đó cũng yêu cầu họp giao ban nửa tháng một lần để thúc đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, góp ý tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng Tư vấn cho rằng, nguy cơ dịch bệnh còn hiện hữu, trong khi suy giảm kinh tế thế giới tác động nặng nề ở nhiều phương diện. Do vậy, các gói chính sách phục hồi kinh tế cần triển khai nhanh hơn và tính cả kịch bản cho năm 2021-2022, chứ không riêng năm 2020.

    Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên trong trạng thái bình thường mới hậu Covid-19 của nhà đầu tư Nhật Bản. Theo kết quả khảo sát của JETRO, gần 64% doanh nghiệp Nhật Bản sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong năm tới, mức cao nhất trong ASEAN. Nhà đầu tư Nhật Bản cho rằng Việt Nam cần cải thiện tỷ lệ thực hiện dự án đầu tư công hiện nay.

    Thủ tướng vừa phê duyệt danh mục thoái vốn Nhà nước năm 2020. Trong đó, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) nằm trong danh sách chuyển giao từ Bộ Công Thương về SCIC trước ngày 31/8 để thực hiện thoái toàn bộ phần vốn Nhà nước. Hiện, cổ đông Nhà nước hiện nắm gần 231 triệu cổ phần, tương đương sở hữu 36% vốn tại Sabeco. Tính theo thị giá cổ phiếu SAB tại phiên giao dịch gần nhất là 162.800 đồng, tổng giá trị số cổ phiếu này đạt gần 37.600 tỷ đồng, tương đương hơn 1,6 tỷ USD.

    Nhiều công ty công nghệ lớn chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam .LG, Panasonic hay Foxconn – nhà cung ứng của Apple… đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, chuỗi sản xuất tại Việt Nam sau Covid-19. Bộ Công Thương cho biết, LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Trả lời họp báo trực tuyến hôm thứ Năm (9/7), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, các công ty Mỹ sẽ chuyển một phần sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do các biện pháp của chính quyền Washington, cũng như hậu quả mà đại dịch Covid-19 gây ra.

    Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động tiết kiệm. Trong tháng 6 vừa qua, các tổ chức tín dụng đã có thêm một đợt giảm lãi suất từ 0,2- 0,4 điểm phần trăm. Sang tháng 7, một loạt ngân hàng lại quyết định giảm lãi suất huy động.

    Đồ thị Vnindex 12.07.2020.

    Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:

    Thị trường trong nước có tuần tăng điểm với thanh khoản tăng trở lại, đóng góp vào sự sôi động trở lại của thị trường trong tuần vừa qua là dẫn dắt đà tăng là nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhờ có sự luân phiên đổi trụ thành công, nhà đầu tư đã tỏ ra lạc quan về triển vọng của thị trường qua đó lôi kéo được dòng tiền lớn nhập cuộc. Trong quá trình đi lên vừa qua, một số cổ phiếu trụ cột như VHM, SAB, BID, CTG…đóng vai trò dòng cổ phiếu dẫn dắt thị trường, nhờ có sự luân phiên đổi vài thành công giữa các nhóm cổ phiếu trụ. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index cũng chứng kiến tuần tăng mạnh nhất hơn 1 tháng qua. Nhân tố hỗ trợ đà phục hồi của thị trường trong những tuần gần đây chính là thanh khoản đã có sự cải thiện sau khi tạo đáy. Động thái dòng tiền đổ vào thị trường trong những tuần vừa qua có phần đối lập với khối ngoại có chiều hướng co cụm

    Về xu hướng dòng tiền: Dòng tiền tuần này đã quay trở lại ở khắp các nhóm ngành. Giá trị khớp lệnh tuần vừa qua đạt 3.768 tỷ đồng, tăng 8,9% so với tuần trước. Tổng giá trị giao dịch đạt 4.741 tỷ đồng ( tăng 7,2%). Thanh khoản nhóm Smallcap với mức tăng 0,5% trong khi đó thanh khoản nhóm Midcap giảm 1,2%, bên cạnh đó dòng tiền cũng đổ vào các nhóm ETF khi nhóm VN Diamond tăng 23,6%, nhóm Finlead tăng 40,6%, nhóm Finselect tăng 39,6%

    Điểm trừ tuần qua về giao dịch của khối ngoại: Nhà đầu tư nước ngoài đã bán mạnh trên sàn HSX trong tuần này khi thị trường đi lên. Theo đó, trong tuần vừa qua họ đã bán ròng tổng cộng 555 tỷ đồng, bên cạnh đó đã bán ròng thông qua khớp lệnh là 434 tỷ đồng. Trong tuần vừa qua, khối ngoại đã mua ròng ở nhóm cổ phiếu Vingroup, VN Diamond, Bất động sản, Ô tô và phụ tùng, Bán lẻ, Dược phẩm, Dệt may, Bảo hiểm. Ở nhóm 3 chỉ số ETF, tuần vừa qua nhóm Diamond trở lại mua ròng 78,2 tỷ trong khi tuần trước bán 16,8 tỷ, bên cạnh đó ở 2 nhóm FinLead và FinSelect tiếp tục bán ròng với mức bán bình quân 115 tỷ trong khi tuần trước đó bán 200 tỷ đồng.

    Dòng vốn đầu tư quốc tế: dòng vốn đầu tư quốc tế qua kênh ETF đã duy trì mua ròng trong tuần vừa qua nhờ quỹ VanEck và quỹ FUESSVFL VN ngược lại quỹ Kim Index rút ròng trở lại. Kể từ đầu năm cho tới nay dòng vốn qua kênh ETF bị rút khoảng 63 triệu USD, chủ yếu tập trung ở 3 quỹ VanEck, VFMVN30 và FTSE Vietnam…

    Kết Luận:

    Thị trường trong nước bước vào mùa báo cáo kết quả quý 2, hầu hết được dự báo kết quả không khả quan nhưng chúng tôi cho rằng thị trường đã thông cảm và đã chiết khấu vào giá. Bù lại rõ ràng các thông tin tiêu cực từ lo ngại bùng dịch đợt 2 trên thế giới hầu như cũng không làm thay đổi tâm lý hành vi đầu tư trở nên xấu đi. Diễn biến từ thị trường chung đang cho thấy là khá tích cực cho dù giá trị giao dịch chưa thực sự lớn. Dòng tiền vẫn đang chỉ tập chung vào một số cổ phiếu có kết quả kinh doanh khởi sắc cũng như có triển vọng tươi sang dự báo trong nửa cuối năm 2020.

    Nếu chưa có thông tin mới về vĩ mô, các gói kích cầu của chính phủ thì theo phân tích kỹ thuật trong sóng eliot thì Vnindex đang hướng tới mốc 950 nhưng rõ ràng trong tháng 7 này chúng tôi thấy chưa khả thi, một tháng luôn khó khăn cho nhà đầu tư khi theo thống kê 8/10 năm đều giao dịch trầm lắng và ảm đạm. Đặc điểm của giai đoạn hiện nay cũng khá hợp lý về việc không có nhiều thông tin hỗ trợ, giai đoạn không quá thuận lợi cho việc hồi phục mạnh, điều chỉnh lên xuống chưa kết thúc, thị trường vẫn cần thêm thời gian để điều chỉnh sideway trước khi tăng tốc vào giai đoạn tháng 8. Thị trường sẽ gặp khó khăn ở mốc tâm lý cứng vùng index 900 điểm.

    Toàn cầu đang trong giai đoạn TIỀN RẺ nên Thận trọng chứ Không có gì phải bi quan quá về thị trường sắp tới khi mà kinh tế vĩ mô hay diễn biến giao dịch trên thị trường đang ủng hộ quan điểm thị trường cuối cùng cũng sẽ vượt khó đi lên. Xét trên phương diện mặt bằng cổ phiếu, thị trường vẫn đang trong giai đoạn phân hóa mạnh, cho dù biến động chỉ số tăng hay giảm thì vẫn sẽ có một số cơ hội rõ nét.

    Cơ hội cho dòng tiền lúc này đang tìm kiếm các mã cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 2 khả quan bên cạnh các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công VLXD (HPG,FCN, PLC,HSG ), bất động sản khu công nghiệp, thực phẩm (GTN, VLC) , nhóm thoái vốn, các cổ phiếu ngân hàng có câu chuyện riêng (CTG,STB, ACB, LPB..) nước sạch (TDM, BWE); Bảo hiểm: ABI, BVH…Công ngh (FPT. CTR, VGI)

    Chiến lược đầu tư: Chốt lời đối với danh mục trading ngắn hạn khi VN-Index tiệm cận các vùng kháng cự mạnh tiềm năng từ 885-900 trong tuần tới. Xem xét giải ngân một phần danh mục khi thị trường điều chỉnh về các vùng hỗ trợ gần nhất như 845-855 điểm, tập trung cho các cổ phiếu có kết quả kinh doanh khả quan quý 2. Phần còn lại có thể chờ đợi & quan sát nếu thị trường có những nhịp chỉnh mạnh về sát vùng 800 hoặc thấp hơn có thể chia ra các khoảng để mua vào dần..

    Các kịch bản thị trường trong tuần tới:

    Kịch bản 1 ( 70%) : Trong kịch bản lạc quan, chỉ số VN-Index tiếp tục duy trì xu hướng tăng điểm hướng tới kiểm nghiệm vùng kháng cự 885 – 900 điểm.

    Kịch bản 2 ( 30%): Trong một kịch bản thận trọng hơn, chỉ số VN-Index đang thiết lập kênh điều chỉnh đi ngang sideway giảm với biên độ hẹp từ mức 850 -875 điểm. Do đó, trong trường hợp không vượt được vùng kháng cự trên 875 điểm có thể diễn ra các nhịp chỉnh kỹ thuật

    Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.

    Xin chân thành cảm ơn!

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

     

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn