Diễn biến thị trường quốc tế:
Tuần vừa qua, TTCK Mỹ và thế giới ghi nhận diễn biến tích cực khi tổng thống Trump đã nhanh chóng quay lại làm việc tại Nhà Trắng đồng thời ông cũng đưa ra tín hiệu ủng hộ gói kích thích mới về cuối tuần. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều ghi nhận đà tăng mạnh mẽ lần lượt tăng 3,8% và 4,6% và tính từ đầu năm hai chỉ số lớn đã tăng là 7,63% và 29,06% vượt qua ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đây là tuần, các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận diễn biến theo tuần khởi sắc nhất kể từ đầu tháng 7 mặc dù diễn biến bầu cử đang tới gần và dịch Covid19 vẫn điễn biến khá phức tạp.
Đến thời điểm hiện tại, nhà đầu tư toàn cầu dường như đã gạt những quan ngại về kết quả bầu cử tổng thống Mỹ sang một bên bởi lẽ bất kể đại diện của Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa lên nắm quyền đều có thể dẫn đến một thỏa thuận kích thích tài khóa mới cho nước Mỹ, ngay cả khi thỏa thuận này sẽ đến sau cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11 sắp tới. Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục hỗ trợ với chính sách tiền tệ siêu nới lỏng và các tiến bộ y tế vẫn có khả năng gây bất ngờ.
Mặc dù trải qua một tuần rung lắc giữa những làn sóng bất chắc, thị trường cổ phiếu toàn cầu vẫn tiếp tục đi lên trên những kỳ vọng về gói hỗ trợ tài khóa mới của Mỹ và những tiến triển trong công cuộc nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, khi có thêm các công ty dược phẩm xin cấp phép sử dụng thuốc điều trị Covid19 trong điều kiện khẩn cấp.
Trong khi đó, các kết quả kinh tế tháng 9 gần đây cho thấy một bức tranh phục hồi kinh tế toàn cầu tương đối phân hóa. Cụ thể, các chỉ số PMI, bảng lương và doanh số bán lẻ cho thấy đà phục hồi vẫn tiếp diễn tại Mỹ và Trung Quốc, trong khi tiến triển khôi phục hoạt động kinh tế tại châu Âu lại ảm đạm hơn giữa bối cảnh làn sóng lây nhiễm virus mới đang buộc các quốc gia tại khu vực này phải tái áp dụng các lệnh hạn chế.
Như vậy, nền kinh tế toàn cầu có thể đang chuyển sang giai đoạn 2 của quá trình phục hồi. Sau nhịp bật tăng mạnh mẽ đầu tiên từ đáy khủng hoảng trong giai đoạn từ tháng Tư đến tháng Bảy, nền kinh tế toàn cầu có thể đã chuyển sang giai đoạn thứ 2 kể từ tháng 8, khi đà phục hồi diễn ra với nhịp độ từ từ hơn do nguồn cung thiếu hụt được bổ sung và nhu cầu bị dồn nén đã được thỏa mãn. Trong giai đoạn này, quá trình hồi phục cũng trở nên bất đồng đều hơn (giữa hoạt động sản xuất và dịch vụ khi những mảng chính trong ngành dịch vụ như du lịch và giải trí vẫn đang bị hạn chế) và có nguy cơ bị gián đoạn khi một số chính quyền địa phương tái áp dụng các lệnh đóng cửa để ngăn chặn những làn sóng lây nhiễm mới.
Để chuyển dịch sang giai đoạn thứ 3 cũng là giai đoạn cuối cùng của quá trình phục hồi, khi tất cả các ngành tại bất kể khu vực địa lý nào đều có thể quay trở lại trạng thái bình thường, nền kinh tế sẽ cần tới sự phân phối rộng rãi của vắc-xin Covid-19. Tuy nhiên, thế giới có thể sẽ phải chờ đợi thêm nhiều tháng nữa trước khi có một loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19 an toàn và hiệu quả. Đây cũng là lý do thị trường đang và sẽ tiếp tục nhạy cảm với những thông tin liên quan đến tiến triển trong công cuộc nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:
Thông tin vĩ mỗ quan trọng:
- Theo báo cáo về tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm của NHNN, tín dụng toàn hệ thống đến 30/9/2020 đã tăng 6,09% so với cuối năm 2019. Với mức tăng trưởng này, ước tính khoảng 499 nghìn tỷ đồng đã được các ngân hàng bơm thêm ra nền kinh tế 9 tháng đầu năm, đưa tổng dư nợ tín dụng hiện hữu của hệ thống lên gần 8,7 triệu tỷ đồng. Trong nhưng tháng cuối năm, tín dụng được kỳ vọng sẽ tiếp tục có mức tăng khá, dự kiến cả năm 2020 có khả năng đạt 8%-10%. NHNN cam kết sẽ đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn của nền kinh tế, sẽ tạo thanh khoản thuận lợi nhất để các ngân hàng thương mại có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng; tiếp tục xem xét điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng mở rộng cấp tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, hiệu quả.
- Theo số liệu của Fiin Group, lãi suất huy động có chung xu hướng giảm trong tháng 9 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng. Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm Ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,125%; lãi suất của nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5,000 tỷ đồng) giảm 0,163%; lãi suất của nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5,000 tỷ đồng) giảm 0,14%. Lãi suất huy động tiếp tục giảm chủ yếu do thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn đang được duy trì dồi dào. Sức hấp thụ của nền kinh tế suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến cho tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã bật tăng mạnh trong 2 tuần cuối tháng 9, từ mức 4,81% tính tới ngày 16/9/2020. Việc hồi phục tăng trưởng tín dụng cho thấy nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng GDP của NHNN.
- Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu tháng 9 của Việt Nam tiếp tục xác lập kỷ lục mới và là tháng thứ hai liên tiếp kể từ đầu năm ghi nhận dấu mốc trên 50 tỷ USD. Cụ thể, trong tháng 9 tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 51,37 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 27,16 tỷ USD, giảm 1,9%, kim ngạch nhập khẩu đạt 24,2 tỷ USD, tăng 6,5% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 388,62 tỷ USD, vượt 6,6 tỷ USD (tương ứng tăng 1,7%) so với cùng kỳ năm trước
- Ở trong nước, dự kiến thị trường sẽ có thêm một kênh bơm tiền từ kế hoạch Bộ Tài chính đang xây dựng. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ (TPCP) của Kho bạc Nhà nước (KBNN) từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi. Như vậy, bên cạnh nghiệp vụ điều tiết nguồn từ Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở (OMO), với hướng dự thảo trên, dự kiến các ngân hàng thương mại sẽ có thêm một kênh bơm vốn từ nguồn ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi từ Bộ Tài chính, qua đầu mối KBNN.
- Thị trường đã tăng 2 tháng liên tiếp và đang hướng tới chuỗi tăng liên tục trong tháng 10, nhà đầu tư “ồ ạt” mở tài khoản chứng khoán trong tháng 9. Số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết trong tháng 9, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 31.418 tài khoản, tăng hơn 3.000 tài khoản so với tháng trước đó. Trong đó, số lượng nhà đầu tư cá nhân mở mới trong tháng 9 là 31.340 và 78 tài khoản mở mới từ các tổ chức. Tính chung trong tháng 9, toàn thị trường có thêm 31.709 tài khoản chứng khoán được mở mới. Lũy kế tới hết tháng 9/2020, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đạt 2,63 triệu tài khoản, tương đương 2,7% dân số Việt Nam. Với thông tin vĩ mô tích cực từ tăng trưởng GDP, đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm, cho tới việc Bộ Tài chính lên kế hoạch bơm tiền, nhà đầu tư “ồ ạt” mở thêm tài khoản…đã hỗ trợ thị trường chứng khoán có chuỗi leo dốc bền bỉ hơn so với hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua
Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:
Thị trường chứng khoán trong nước tuần qua tiếp tục xu hướng tăng nhờ tín hiệu lạc quan của dòng tiền liên tục đổ vào thị trường, qua đó giữ vững ngưỡng 920 điểm. Với mức tăng này, chỉ số VN-Index đã có tuần thứ 4 liên tiếp tăng điểm và đã vượt qua kháng cự mạnh tại đường xu hướng giảm kể từ năm 2018 trong tuần này. Đóng góp vào mức tăng 14,09 điểm của VN-Index trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: MSN, HPG, GVR, SAB, GAS, VHM…Trong khi đó, rổ VN30 tăng 13,02 điểm và đóng góp nhiều nhất giúp cho chỉ số này tăng 1,02% trong tuần vừa qua là các cổ phiếu lớn như: MSN, HPG, MWG, SAB, CTG…
Về xu hướng dòng tiền: Thanh khoản tuần vừa qua tăng 3,2% đạt mức bình quân 6.901 tỷ đồng/phiên, đây cũng là tuần tăng cao nhất trong vòng 3,5 tháng qua. Trong khi đó, dòng tiền có xu hướng quay trở lại nhóm Midcap, Smallcap, Diamond và các nhóm này có mức tăng khoá lần lượt 5,7%, 7,0%, 16,6%. Đáng chú ý là dòng tiền đã rút ra khỏi nhóm Finlead và Finselect với mức giảm lần lượt 4,7% và 3,9%.
Về cơ cấu dòng tiền: Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tỷ trọng 30,7% toàn thị trường, tiếp theo là các nhóm cổ phiếu khác như: Xây dựng và VLXD (18,4%), thực phẩm (10,6%), bất động sản (7,3%)… Như vậy dòng tiền từ nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang chiếm vai trò chủ đạo dẫn dắt xu hướng thanh khoản và xu hướng thị trường trong ngắn hạn.
Tuần vừa qua, NĐT cá nhân trong nước mua ròng tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị ròng 263,7 tỷ đồng. Ngược lại nhóm tổ chức trong nước quay trở lại bán ròng -347,2 tỷ đồng và nhóm tổ chức nước ngoài bán ròng tuần thứ 2 liên tiếp với giá trị bán tuần này là -547 tỷ đồng.
Về giao dịch của NĐTNN: Khối ngoại tiếp tục bán ròng tuy nhiên lực bán đã giảm đáng kể, qua đó tổng giá trị bán ròng trên sàn HSX trong tuần vừa qua đạt 597 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 574 tỷ đồng.
Dòng vốn đầu tư quốc tế tuần qua : Ở trong nước, dòng tiền qua kênh ETF quay trở lại xu hướng rút ròng -2,46 triệu USD sau 3 tuần vào ròng liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm tới nay dòng tiền vẫn rút ròng qua kênh ETF giảm còn -20,68 triệu USD từ mức hơn 64 triệu USD đầu năm.
Dòng tiền quốc tế hiện đã trở lại ở một số thị trường như: Ấn độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đây là tín hiệu tích cực theo tuần đầu tiên sau thời gian rút dòng liên tiếp và trong bối cảnh USD index vẫn tiếp tục giảm.
Dòng tiền đầu tư trên thế giới: Dòng tiền vào cổ phiếu tích cực hơn tháng trước.
- Diễn biến dịch bệnh phức tạp vẫn là yếu tố cơ bản khiến dòng tiền vào cổ phiếu dao động mạnh.
- Triển vọng vắc xin có sớm hơn dự kiến và các điều chỉnh trong điều hành chính sách tiền tệ của Mỹ đã hỗ trợ tâm lý đầu tư.
- Các quỹ đầu tư cổ phiếu toàn cầu và thị trường Trung Quốc vẫn là điểm sáng hút vốn.
- Dấu hiệu tích cực của dòng vốn thể hiện rõ nhất trong tuần cuối cùng của tháng 9, khi có tới 11 tỷ USD vốn vào các quỹ cổ phiếu cả ở các thị trường phát triển và thị trường mới nổi, cao gấp 5 lần dòng vốn vào trái phiếu. Tuy nhiên dòng vốn vào các thị trường cận biên vẫn kém khả quan (rút ròng 9 tuần trong tổng cộng 10 tuần gần đây).
- Hiện tại, 3 yếu tố lớn nhất tác động đến diễn biến dòng vốn toàn cầu gồm làn sóng dịch bệnh lần 2, bầu cử Tổng thống tại Mỹ và nguy cơ bong bóng cổ phiếu công nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Dòng tiền đầu tư tại thị trường việt nam: ETF vẫn là điểm sáng
- Dòng vốn ETF duy trì xu hướng tích cực. Tháng 9 ghi nhận tháng thứ 5 liên tiếp có dòng tiền dương vào các ETF, với giá trị 531 tỷ đồng. Đóng góp lớn nhất là từ VNDiamond ETF (+293 tỷ), VFM VN30 ETF (+120 tỷ) và KIM Kindex Vietnam (+122 tỷ), trong khi các ETF ngoại như VanEck và FTSE Vietnam giao dịch chậm lại. Như vậy trong vòng 5 tháng các ETF đã huy động thêm được 2.830 tỷ đồng. Tính từ đầu năm con số là 1.846 tỷ đồng, đóng góp lớn nhất là từ các ETF nội mới như VNDiamond ETF (+1.870 tỷ), VNFin Lead (+700 tỷ).
- Khối ngoại vẫn bán ròng trên sàn chứng khoán. Trong tháng 9, NĐTNN mua ròng 1.608 tỷ đồng trên 3 sàn nhưng nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận mua 67 triệu cổ phiếu VHM ngày 10/9/2020, khối ngoại vẫn bán ròng 3,4 nghìn tỷ đồng. Nếu không tính các giao dịch thỏa thuận lớn của VHM và MSN, các NĐTNN đã bán ròng tổng cộng 27,65 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng năm 2020. Mặc dù một số quỹ đầu tư lớn vẫn duy trì quan điểm khá tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam trong các báo cáo nhà đầu tư nhưng hiện chúng tôi chưa nhìn thấy các chuyển biến rõ rệt trong xu hướng dòng tiền chủ động tại Việt Nam.
TÓM LẠI,
VN-Index khép lại tuần thứ 2 tháng 10 với mức cao nhất kể từ cuối tháng 2 và đang có chuỗi leo dốc bền bỉ hơn so với nhịp tăng ở tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Thời điểm ra báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 đang cận kề, do vậy dòng tiền cũng mang tính đầu cơ lớn. Nhóm midcap tuy dù vẫn duy trì đà tăng liền 10 tuần nhưng quán tính tăng đang chậm lại và nhóm smallcap đang được hưởng lợi.
Tuần vừa qua cũng là tuần thứ 4 liên tiếp dòng tiền vào thị trường, từ mức bình quân 3.700 tỷ đồng hồi giữa tháng 8 lên gần 6.900 tỷ đồng trong tuần vừa qua. Việc NHNN hạ lãi suất điều hành ngay đầu tháng 10 là một cú huých tích cực với nền lãi suất thấp sẽ hỗ trợ thị trường tài sản tăng giá trong đó TTCK sẽ được hưởng lợi nhất. Bên cạnh đó, dòng tiền từ các gói kích thích đầu tư công và xu hướng dòng tiền rẻ của lớp NĐT cá nhân mới cũng là yếu tố giúp thanh khoản sẽ tiếp tục tăng hỗ trợ thị trường vượt qua các vùng khán cự mạnh.
Đến lúc này, thị trường vẫn còn cách thời điểm đầu năm hơn 3,8% nhưng ở nhiều nhóm cổ phiếu đã về hoặc cao hơn so với thời điểm đầu năm. Các nhóm cổ phiếu như: chứng khoán, XD&VLXD, thực phẩm, dược phẩm, hóa chất và cao su tự nhiên hiện đang có mức giá cao nhất kể từ đầu năm tương ứng với thời điểm VN-Index đạt 991,46 điểm. Tuần vừa qua cũng chỉ có duy nhất nhóm dịch vụ hàng không đi ngược thị trường, tất cả các nhóm còn lại đều tăng điểm. Rõ ràng, về mặt cơ hội dòng tiền luận chuyển đã tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường trong thời điểm hiện tại
Phần trăm số mã cổ phiếu có giá cao hơn mức bình quân 200 ngàyở mức cao nhất 1 năm với 78,8%. Độ rộng thị trường vẫn tích cực nhờ nhóm Smallcap khi có 73,5% số mã tăng giá tăng trong tuần vừa qua. Tuy vậy số cổ phiếu có mức tăng nóng hoặc đi vào vùng quá mua hiện đang trong xu hướng điều chỉnh. Tín hiệu đáng lưu ý đối với thị trường chung là thanh khoản tập trung ở các mã tăng hiện thấp hơn so với ở các mã giảm ở 3 phiên cuối tuần.
Dòng tiền nội chính là nhân tố tạo sự khác biệt giúp thị trường chống đỡ khá tốt ảnh hưởng từ bên ngoài cũng như hoạt động bán ròng trên sàn của khối ngoại. Đây chính là điểm khá thuận lợi cho thị trường hiện nay, nếu như nhịp điều chỉnh của chứng khoán thế giới đã không ảnh hưởng gì đến thị trường trong nước khi khi các thị trường này cân bằng và phục hồi, thị trường trong nước sẽ có điều kiện cộng hưởng tâm lý tích cực
Sau khi vượt qua vùng cản quanh 920 điểm, Vn-Index được kỳ vọng sẽ hướng đến thử thách vùng kháng cự mạnh 930 – 940 điểm trong ngắn hạn. Để vượt được vùng này chúng tôi cho rằng sẽ khá vất vả cần thêm thời gian tích lũy . Mặc dù vậy, đà tăng của thị trường sẽ đan xen các nhịp điều chỉnh và có sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu. Trong tuần tới, diễn biến thị trường có thể bị biến động mạnh khi hoạt động đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 10 sẽ diễn ra và phiên giữa tuần. Ngoài ra, thị trường sẽ bị chi phối nhiều hơn bởi các thông tin kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp niêm yết.
Đồ thị Vnindex 09.10.2020 ( Nguồn FireANT).
Chúng tôi cho rằng đến thời điểm hiện tại, thị trường duy trì đà tích cực được như bây giờ ngoài các yếu tố từ chính sach, kích thích kinh tế còn phần quan trọng nữa là tiền bây giờ quá rẻ. Các kênh đầu tư như tiết kiệm, vàng hay bất động sản đã và đang có động thái chuyển dịch sang thị trường chứng khoán. Tiền nhiều và rẻ thì thị trường đang đi lên bằng tự kỳ vọng chứ không hoàn toàn từ cổ phiếu định giá rẻ, hay doanh nghiệp tăng trưởng tốt ( trừ một số doanh nghiệp ngoại lệ). Do đó mấy tháng qua chúng tôi đã cố gắng trấn an và liên tục khuyến nghị mua gom trong 2 đợt dịch còn bây giờ khi mức sinh lời đã rất tốt thì nhà đầu tư nên thận trọng tránh hưng phấn quá mức.
Hành động: Ở trong kịch bản này, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhiều khả năng sẽ được hưởng lợi. Chốt lời các nhóm cổ phiếu đã tăng tốt. Cơ cấu lại danh mục trong những nhịp điều chỉnh của thị trường ưu tiên nhóm Bluechips và Midcap cơ bản tốt. Cơ cấu danh mục trong các nhịp rung lắc và dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao, nền tảng cơ bản tốt .Với danh mục đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ để cho lãi chạy tới khi đạt giá kỳ vọng.
Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.
Xin chân thành cảm ơn!
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================