Diễn biến thị trường quốc tế:
Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 11 cũng là một trong những tuần quan trọng nhất trong năm 2020, khi các nhà đầu tư toàn cầu tập trung theo dõi diễn biến cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ. Mặc dù vẫn đối mặt với nhiều bất chắc khi chưa có kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thị trường cổ phiếu toàn cầu vẫn hướng đến ghi nhận tuần giao dịch tích cực nhất kể từ tháng 4 với chuỗi 4 phiên tăng giá liên tiếp. Như vậy, có thể thay vì tập trung vào kết quả của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, các nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều hơn vào khả năng Quốc hội mới của Mỹ sẽ đồng thuận thông qua gói kích thích tài khóa bổ sung bất kể ai sẽ ngồi vào chiếc ghế Tổng thống.
Cập nhật về bầu cử: Với chiến thắng ở Pennsylvania, Nevada và Arizona, ứng viên Tổng thống dảng Dân chủ Joe Biden đã giành được 290 phiếu đại cử tri vượt qua con số 270 phiếu cần thiết để trở thành người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. Giới truyền thông loan tin về một chiến thằng của phía đảng dân chủ tuy nhiên Trump từ chối chấp nhận kết quả bầu cử. Ông khẳng định ngay thứ Hai tuần tới, 9/11, đội ngũ của ông sẽ bắt đầu “khởi tố vụ việc của chúng tôi tại tòa án để đảm bảo luật bầu cử được tuân thủ đầy đủ“. Các chỉ số future nghỉ giao dịch trong phiên cuối tuần tuy nhiên Bitcoin đã giảm mạnh sau thông tin này. Do đó khả năng thị trường vẫn sẽ có những biến động khó lường trong tuần tới
Fed giữ nguyên chính sách hiện tại, đúng như kỳ vọng của phần lớn thị trường. Trong một tuần bao phủ bởi những bất chắc từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, có một điều chắc chắn là chính sách nới lỏng tiền tệ của Fed. NHTW Mỹ kết thúc kỳ họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày với tuyên bố giữ lập trường chính sách và lãi suất không đổi. Theo Fed, lộ trình phục hồi kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc lớn vào tình hình dịch bệnh, và mặc dù hoạt động kinh tế và thị trường lao động đang tiếp tục hồi phục nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với đầu năm. Do đó, cuộc khủng hoảng y tế sẽ tiếp tục tạo áp lực lên hoạt động kinh tế, việc làm và lạm phát trong ngắn hạn, đồng thời đe dọa đến triển vọng kinh tế trong trung hạn.Vì vậy, chính sách nới lỏng tiền tệ hiện nay sẽ được duy trì cho đến khi lạm phát đạt hoặc vượt ngưỡng mục tiêu 2% và tỷ lệ lạm phát giảm về ngưỡng trung bình dài hạn. Đồng thời, Fed cũng cho biết sẽ tiếp tục triển khai chương trình mua trái phiếu với nhịp độ hiện tại là 80 tỷ USD trái phiếu kho bạc và 40 tỷ USD chứng khoán có tài sản đảm bảo mỗi tháng.
Bức tranh kinh tế khởi sắc hơn tại châu Á, ngành dịch vụ tại châu Âu suy yếu nhưng được bù đắp bởi hoạt động sản xuất. Các chỉ số PMI tháng 10 chính thức được công bố cho thấy ngành dịch vụ tại các quốc gia châu Á đều tăng trưởng tích cực. Cụ thể, hoạt động dịch vụ của Trung Quốc và Australia tiếp tục duy trì trạng thái mở rộng, trong khi của Ấn Độ lần đầu tiên quay trở lại trạng thái mở rộng kể từ tháng 3 đầu năm.
Tại châu Âu, các số liệu PMI chính thức cũng cho thấy bức tranh kinh tế ít u ám hơn so với những dữ liệu sơ bộ được công bố trước đó. Cụ thể, PMI hoạt động kinh doanh dịch vụ tháng 10 khu vực Eurozone được điều chỉnh tăng từ 46,2 điểm (sơ bộ) 46,9 điểm (chính thức). Trong khi đó, nhờ duy trì tăng trưởng sản lượng sản xuất, chỉ số sản lượng tổng hợp chính thức của khu vực đồng tiền chung châu Âu trong tháng 10 đã neo ở ngưỡng 50 điểm, mặc dù thấp hơn mức 50,4 điểm của tháng 9 nhưng vẫn cao hơn số liệu sơ bộ là 49,4 điểm. Dù vậy, giữa bối cảnh diễn biến dịch bệnh ngày càng xấu đi trong khu vực này, triển vọng phục hồi kinh tế của khối đồng tiền chung euro vẫn không mấy sáng sủa.
Tình hình dịch Covid-19: Hệ thống y tế châu Âu một lần nữa đứng trước nguy cơ quá tải, buộc nhiều quốc gia phải tăng cường các lệnh giới nghiêm và phong tỏa!
Hệ thống y tế châu Âu một lần nữa đứng trước nguy cơ quá tải, buộc nhiều quốc gia phải tăng cường các lệnh giới nghiêm và phong tỏa. Sau Ireland, Pháp là những quốc gia đã tuyên bố phong tỏa toàn quốc, Italy, Cyprus và Ba Lan cũng đã áp đặt lệnh giới nghiêm và tăng cường các biện pháp phòng dịch khác nhằm đưa dịch bệnh vào tầm kiểm soát. Trong khi đó, chính phủ Tây Ban Nha – quốc gia có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 2 trong EU (sau Pháp), đang chịu áp lực phải gia tăng các biện pháp kiểm soát dịch khi những lệnh giới nghiêm hiện tại không đủ sức ngăn chặn sự lây lan của virus.
Về tiến triển nghiên cứu thử nghiệm vắc-xin và thuốc điều trị Covid-19, ứng viên vắc-xin được BioNTech và Pfizer đồng phát triển hiện đang được xem xét theo các quy định của châu Âu và tìm kiếm sự chấp thuận từ chính phủ Trung Quốc, có thể sẽ được cho phép sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp tại Mỹ từ tháng này. Trong khi đó các ứng viên vắc-xin của AstraZeneca và Johnson&Johnson tiếp tục mở rộng quy mô cuộc thử nghiệm trên người tại hai quốc gia mới là Chile và Peru.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:
Thông tin vĩ mỗ quan trọng:
- Theo báo cáo mới được công bố của IHS Markit, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 10 của Việt Nam đạt 51,8 điểm, giảm so với mức 52,2 điểm của tháng 9 nhưng vẫn là một kết quả tích cực. Chỉ số trên mức trung tính 50 điểm cho thấy sức khỏe lĩnh vực sản xuất tiếp tục hồi phục trong tháng 10.
- Theo số liệu thống kê của Fiin Group, lãi suất huy động có chung xu hướng giảm trong tháng 10 đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng ở tất cả các nhóm ngân hàng. Cụ thể, đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất của nhóm Ngân hàng gốc quốc doanh giảm 0,3%; lãi suất của nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) giảm 0,072%; lãi suất của nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) giảm 0,493%.
- Chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 10 tiếp tục diễn biến phục hồi với mức tăng 3,6% so với tháng 9. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp lũy kế 10 tháng đầu năm tăng 2,7% so với cùng kỳ – tăng nhẹ so với mức tăng 2,4% của lũy kế 9 tháng. Tuy nhiên, mức tăng này vẫn thấp hơn nhiều mức tăng 9,6% của cùng kỳ năm 2019. Ngành công nghiệp chế biến – chế tạo (động lực chính của sản xuất công nghiệp) chỉ tăng 4,2% tính từ đầu năm, thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ 2019 là 10,8%.
- Giải ngân vốn đầu tư công 10 tháng đạt 321,529 tỷ đồng, tương ứng 68.3% kế hoạch Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đến nay đã có chuyển biến tích cực. Ước giải ngân đến 31/10/2020 là 321.529,41 tỷ đồng đạt 68,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm (470.600 tỷ đồng), trong khi đó cùng kỳ năm 2019 đạt 49,83% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 54,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồ thị weekly Vnindex ngày 07.11.2020.( fireant)
Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:
Thị trường trong nước tuần qua đã nối lại đà tăng, tuy vậy có 2 điều đáng chú ý là mức tăng ở chỉ số yếu và thanh khoản thị trường sụt giảm. Trong khi phần lớn các thị trường trên thế giới bước vào tuần đầu tháng 11 với mức giảm thì thị trường Việt Nam lại nằm trong Top các thị trường có mức tăng tốt nhất trong tháng 10. Hiện tại, cả chỉ số VNIndex và thanh khoản thị trường đều đã đạt đỉnh ngắn hạn sau khoảng thời gian thị trường tăng trưởng gần 3 tháng kèm theo thanh khoản ở mức cao kỷ lục. Bên cạnh đó đà tăng đang tập trung vào nhóm Midcap và nhóm Smallcap khi tăng lần lượt 3,22% và 3,41%. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu nhóm Diamond với mức tăng 1,30%, nhóm Finlead và nhóm Finselect lần lượt tăng 1,60% và 1,64%.
Tuy nhiên dòng tiền vẫn thận trọng đứng ngoài quan sát khi nhóm bluechips tiếp tục chịu áp lực bán, do vậy nhóm midcap và smallcap đang trở thành địa chỉ tránh bão của dòng tiền. Bên cạnh đó, kỳ bầu cử tổng thống Mỹ chưa có kết quả cuối cùng cũng khiến cho tâm lý nhà đầu tư thận trọng. Dòng tiền tuần này có sự sụt giảm đáng kể, thanh khoản giảm là điều đã được dự báo do tâm lý nhà đầu tư còn nghi ngờ về đà tăng mới của thị trường. Giá trị khớp lệnh trung bình tuần vừa qua đạt 5.383 tỷ đồng, giảm 27,7% so với tuần trước.
Cổ phiếu nhóm tài nguyên có mức tăng nhiều nhất với KSB tăng 7,21% và C32 tăng 3,84%. Ngoài nhóm tài nguyên thì nhóm cổ phiếu thủy sản với ANV tăng 12,11%, ABT tăng 4,59%. Nhóm cổ phiếu dệt may với GIL tăng 11,38% và TCM tăng 10,92%. Nhóm cổ phiếu hóa chất với PLC tăng 10,8% và LAS tăng 6,33%. Nhóm cổ phiếu chứng khoán với VND tăng 6,42% và SHS tăng 5,69%.
Về cơ cấu dòng tiền: Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục dẫn đầu với tỷ trọng 33,4% toàn thị trường, giảm từ mức 36,8% ở tuần trước đó, tiếp theo là các nhóm cổ phiếu khác như: xây dựng và VLXD (18,5%), thực phẩm (9,6%), Vingroup (7,8%)…
Về xu hướng dòng tiền của từng nhóm nhà đầu tư: Tuần vừa qua, khối nhà đầu tư cá nhân trong nước tiếp tục duy trì chuỗi mua ròng sang tuần thứ 6 liên tiếp với giá trị 1.727 tỷ đồng. Trong khi đó khối tổ chức trong nước cũng mua ròng sang tuần thứ 3 nhưng giá trị giảm chỉ còn hơn 50 tỷ. Riêng khối NĐT tổ chức nước ngoài vẫn bán ròng bước sang tuần thứ 5 liên tiếp với giá trị ròng tuần qua đạt -1.772 tỷ đồng.
Khối ngoại tiếp tục chuỗi bán ròng trong tuần qua trên thị trường, và vẫn giữ ở mức cao cả về khối lượng và giá trị so với tuần trước đó. Qua đó tổng giá trị bán ròng trên sàn HSX trong tuần vừa qua đạt 1.926,2 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 2.063,6 tỷ đồng.
Dòng vốn đầu tư quốc tế tuần qua : Dòng tiền quốc tế hiện đã trở lại ở một số thị trường như: Ấn độ, Hàn Quốc, Đài Loan, Brazil…tuy vậy vẫn trong xu thế bán ròng ở Việt Nam. Kể từ đầu năm, các quỹ ETF vẫn hút ròng được hơn 37 triệu USD nhờ 2 quỹ ETF nội là Diamond và FinLead cùng quỹ ETF ngoại là KIM KINDEX VIETNAM VN30…
TÓM LẠI,
Dòng tiền lớn trong nước đã tỏ ra thận trọng và bỏ qua cơ hội trong tuần vừa qua bất chấp các thị trường trên thế giới đồng loạt tăng điểm mạnh. Trong khi chỉ số vẫn có mức tăng hơn 1,4% thì thanh khoản tuần vừa qua đã giảm mạnh, tức bình quân hơn 7.300 tỷ đồng/phiên xuống còn 5.338 tỷ đồng/phiên. Dòng tiền hỗ trợ thị trường tiếp tục đến từ khối nhà đầu tư cá nhân trong nước, khối nhà đầu tư tổ chức trong nước tuy vẫn duy trì mạch mua ròng nhưng lại trong xu hướng giảm trong 3 tuần vừa qua.
Bên cạnh đó, thời điểm này cũng là giai đoạn trũng thông tin đối với thị trường trong nước, nhà đầu tư sau khi chốt lời trong nhịp tăng dài ngày vừa qua sẽ chờ đợi thêm thông tin hỗ trợ mới trước khi quay trở lại. Do vậy, tâm lý nhà đầu tư sẽ trở nên thận trọng, nhất là khi nhịp hồi phục trong tuần vừa qua chỉ mang tính kỹ thuật. Nhìn chung, dòng tiền lớn đã chọn chiến lược an toàn hoặc đứng ngoài quan sát trong giai đoạn trũng thông tin, việc lựa chọn cơ hội đầu tư tỏ ra khan hiếm khi phần lớn cổ phiếu đã lên mặt bằng cao mới. Nhịp phục hồi nhẹ sau chuỗi tăng khá dài của thị trường cũng chưa đủ hấp dẫn để nhà đầu tư đã chốt lời quay trở lại, nhất là khi thị trường đã tạo đỉnh ở cả chỉ số và thanh khoản.
Thị trường đã có đỉnh ngắn hạn cả về chỉ số và thanh khoản, do vậy chừng nào mà thị trường còn chưa vượt qua 1 trong 2 mức đỉnh này thì tâm lý thận trọng sẽ tiếp tục chi phối giao dịch. Trong kịch bản cơ sở, thị trường tiếp tục dao động trong vùng 930 điểm – 946 điểm. Áp lực chốt lời đối với lượng hàng bắt đáy ở khu vực 910 -915 điểm sẽ tiếp tục gây áp lực cho thị trường trong khu vực này. Trong trường hợp thị trường thế giới biến động mạnh, thị trường trong nước có thể kiểm tra lại mức đáy vừa qua (tương ứng với VN-Index 910 -915 điểm).
Tuần vừa qua, chỉ số VN-Index tăng 1,39% và Vn30 tăng 1,16%. Nhìn chung, biên lợi nhuận đối với cổ phiếu rất mỏng, một phiên điều chỉnh có thể đánh mất thành quả của cả tuần trước đó. Ngắn hạn, diễn biến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể tạo ra biến động khó lường đối với thị trường tài chính thế giới nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, nhịp hồi vừa qua cũng chỉ mang tính kỹ thuật nên tâm lý nhà đàu tư sẽ trở nên thận trọng. Về mặt kỹ thuật, kể từ cuối tháng 3 cho tới nay thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng dài hạn, ngưỡng tâm lý 900 điểm có thể là chốt chặn trong trường hợp thị trường điều chỉnh cho sóng tăng vừa qua.
Trong 3 tuần vừa qua chúng tôi cũng đã đề cập quan điểm “ Hạ tỷ trọng và nghỉ ngơi” xuyên suốt trong 2 bài viết dưới đây:
https://cophieu86.com/market-strategy-weekly-26-10-30-10-2020-giai-doan-nuoc-rut/ và https://cophieu86.com/market-strategy-weekly-19-10-23-10-2020-dung-ngu-quen-can-2-tuan-nghi-ngoi/
Khi nhận thấy lượng tiền bên ngoài còn khá dồi dào trong bối cảnh lượng margin đang tiếp tục hạ bớt tại một số công ty chứng khoán lớn, hơn nữa gần như kịch bản bầu cử mỹ cùng dần ngã ngũ thì đây là thời gian quan sát và bắt đầu lựa chọn danh mục đầu tư cho 2 tháng cuối năm. Rủi ro điều chỉnh vẫn còn nhưng mức độ điều chỉnh cũng sẽ không mạnh và pha chỉnh này tạo tiền đề cho nhịp tăng cuối năm 2020.
Cơ hội chọn lọc: sẽ tiếp tục phân hóa ở các nhóm lớn mà tập trung ở một số mã cổ phiếu riêng lẻ có câu chuyện như: Ngân hàng (ACB, TCB, TPB, CTG) , Bất động sản (NLG, DXG ) Vật liệu xây dựng (HPG, PLC, PTB, HT1 KSB, HSG, DHC), Thực phẩm (MCH, VNM,), BĐS Khu CN (SZL, SZC, SIP, KBC, PHR), Bán lẻ (MWG, PNJ, DGW, PET), Cao Su (GVR, DRI), Cảng biển (VSC, GMD), SX&PP điện: (REE ), Dệt may (GIL, TCM, TNG), Thủy sản (ANV, VHC), Chứng khoán (SSI, HCM…).
Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS, HSC..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.
Xin chân thành cảm ơn!
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================