ĐẦU TƯ CÔNG: ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHÍNH CHO NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG. | Phân tích cổ phiếu - Hợp tác đầu tư

ĐẦU TƯ CÔNG: ĐỘNG LỰC TĂNG TRƯỞNG CHÍNH CHO NGÀNH VẬT LIỆU XÂY DỰNG.

Lượt xem:5029 - Ngày:
  • Chia sẻ
  • Sự chú trọng của Chính phủ vào đầu tư công sau dịch Covid-19 sẽ là động lực tăng trưởng chính cho ngành vật liệu xây dựng

    • Ngành cơ sở hạ tầng là trọng tâm chính sách tài khóa trong và sau dịch. Các dự án sẽ được tái khởi động để đảm bảo triển vọng phát triển kinh tế của đất nước; trong đó có nhiều dự án đã bị trì hoãn từ lâu.

    • Giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh. Trước tình hình giải ngân đầu tư công chậm trong thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KHĐT, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đẩy mạnh giải ngân 470,6 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công dự toán cho năm 2020. Cộng cả 145,8 tỷ đồng vốn đầu tư công từ năm 2019 chuyển sang; tổng vốn đầu tư công sẽ giải ngân là 616,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 26,8 tỷ USD. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đối với vật liệu xây dựng gồm các sản phẩm thép và các sản phẩm ống nhựa.

    Dịch Covid-19 sẽ chủ yếu ảnh hưởng đến sản lượng tiêu thụ Q2/2020

    • Ảnh hưởng của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trong Q1/2020 chưa nhiều. Theo chúng tôi, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất trong ngành, gồm thép và nhựa trong Q1/2020 vẫn đạt sản lượng tiêu thụ tăng trưởng so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ nhu cầu tăng từ xây dựng dân dụng và đầu tư công cải thiện.

    • Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong Q2/2020 sẽ nặng nề hơn. Chẳng hạn, cả Hà Nội và TP HCM đều đã yêu cầu dừng thị công các dự án xây dựng không cấp thiết cho đến ngày 15/4 nhằm thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội. Mặc dù, Hà Nội và TP HCM chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nhu cầu vật liệu xây dựng (so với các tỉnh), quyết định tạm dừng hoạt động xây dựng nêu trên nhiều khả năng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng vật liệu xây dựng tiêu thụ trong tháng 4.

    • Giả định dịch bệnh sẽ được khống chế tại Việt Nam vào cuối Q2/2020 – giả định trong kịch bản cơ sở của chúng tôi – và quy định giãn cách xã hội sẽ được nới lỏng, nhu cầu vật liệu xây dựng có thể hồi phục mạnh mẽ nhờ (1) nhu cầu được cải thiện trở lại từ các chủ đầu tư BĐS nhà ở và (2) gia tăng giải ngân vốn đầu tư công.

    Quá trình tái cơ cấu ngành sẽ tiếp tục diễn ra

    Trong đại dịch, các doanh nghiệp nhỏ & yếu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn hơn, và trở thành mục tiêu thâu tóm của các doanh nghiệp mạnh, có khả năng chịu đựng được môi trường kinh doanh khó khăn và dành thêm thị phần. Theo chúng tôi, những doanh nghiệp đầu ngành với giá thành sản xuất thấp nhất, mạng lưới phân phối mạnh và thương hiệu mạnh cuối cùng sẽ hưởng lợi từ tình hình khó khăn hiện nay.

    Sản lượng tiêu thụ chịu ảnh hưởng do nhu cầu giảm nhưng sẽ hồi phục nhanh chóng   

    Hiện dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng đáng kể đến ngành vật liệu xây dựng vì hầu hết các doanh nghiệp đầu ngành dự kiến vẫn đạt sản lượng tiêu thụ tăng trưởng so với cùng kỳ trong Q1/2020. Điều này chủ yếu là nhờ sản lượng xấu khẩu khả quan, nhu cầu từ nhà ở dân dụng vẫn tốt & ổn định và giải ngân đầu tư công tăng trưởng mạnh trong kỳ.    

    Sự kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua việc áp dụng giãn cách xã hội từ ngày 1/4/2020 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng tiêu thụ vật liệu xây dựng nói chung. Hà Nội và TP HCM đều đã yêu cầu dừng thi công các dự án xây dựng không cấp thiết cho đến ngày 15/4. Đối với những dự án cấp thiết cần hoàn thành đúng tiến độ, nhà thầu và các đơn vị thi công phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động. Những biện pháp nghiêm ngặt của chính phủ sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu của cả sản phẩm thép và ống nhựa trong ngắn hạn.  

    Ngoài ra, chúng tôi cho rằng sản lượng tiêu thụ trong tháng 4 của tất cả các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ ở mức thấp. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng nhu cầu vật liệu xây dựng sẽ sớm hồi phục dần sau khi các quy định về giãn cách xã hội được nới lỏng. Chúng tôi cũng tin rằng tốc độ giải ngân đầu tư công trong những tháng tới được đẩy nhanh cộng với nhu cầu ổn định từ xây dựng dân dụng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu vật liệu xây dựng. Theo đó, chúng tôi tin rằng ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng sẽ chủ yếu rơi vào Q2/2020 và mức độ ảnh hưởng cũng không quá lớn. Hiện chúng tôi nâng đánh giá lên Mua vào hoặc Tăng tỷ trọng đối với 3 trong 4 doanh nghiệp chúng tôi theo dõi phân tích.   

    Trong thời gian có đại dịch, những doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu kém, tỷ lệ vay nợ cao và công suất kém hiệu quả sẽ chịu nhiều rủi ro hơn. Trong khi đó, những doanh nghiệp đầu ngành với lợi thế về quy mô, tình hình tài chính mạnh và kiểm soát chi phí tốt sẽ giành thêm thị phần và nới rộng khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh. Trên thực tế, các công ty vững mạnh sẽ củng cố được thị trường trong khi các công ty yếu kém sẽ gặp khó khăn.    

    Quyết định gia hạn thuế tự vệ và áp thuế đối với sản phẩm thép dây và thép cuộn nhập khẩu, có hiệu lực vào ngày 22/3/2020 là kịp thời và tích cực. Việc gia hạn sẽ tiếp tục bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và thép dài trong nước trước thép nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc.

    Chúng tôi đã xem xét lại dự báo trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp niêm yết chúng tôi theo dõi phân tích (tóm tắt trong Hình 2). Dưới đây nhà những nội dung điều chỉnh chính.

    Đầu tư công được ưu tiên sẽ hỗ trợ ngành vật liệu xây dựng

    Giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh. Trước tình hình giải ngân đầu tư công chậm trong hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ KHĐT, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan đẩy mạnh giải ngân 470,6 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công dự toán cho năm 2020. Cộng cả 145,8 tỷ đồng vốn đầu tư công từ năm 2019 chuyển sang; tổng vốn đầu tư công sẽ giải ngân là 616,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 26,8 tỷ USD. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu đối với vật liệu xây dựng gồm thép và các sản phẩm nhựa trong tương lai.    

    Thông qua giải ngân đầu tư công, số lượng dự án xây dựng sẽ tăng lên. Từ đó làm tăng nhu cầu lao động và tạo ra thêm việc làm cho người thu nhập thấp tại Việt Nam. Đây là biện pháp hiệu quả để hỗ trợ người lao động và giữ vững triển vọng tăng trưởng kinh tế.

    Trong Q1/2020, tổng vốn đầu tư công giải ngân là 59,5 nghìn tỷ đồng (tăng 16,4% so với cùng kỳ) và đạt 13,2% mục tiêu cả năm. Những dự án trọng điểm đang triển khai chủ yếu nằm tại các tỉnh.     Vào ngày 8/4, trong buổi làm việc giữa lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đồng Nai và Thủ tướng chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng Sân bay Quốc tế Long Thành trong năm và cố gắng giải ngân số vốn 17 nghìn tỷ đồng đầu tư công trong năm nay. Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai muốn đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đường cao tốc trọng điểm kết nối giữa TP HCM – Long Thành Dầu Giây, Biên Hòa – Vũng Tàu và Bến Lức – Long Thành. Việc giải ngân cho các dự án đường cao tốc, sân bay quốc tế sẽ làm tăng nhu cầu đối với vật liệu xây dựng, gồm cả sản phẩm thép và ống nhựa.

    Tình hình ngành thép

    Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với các từng doanh nghiệp trong ngành thép là không giống nhau. Những doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu như các doanh nghiệp tôn mạ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn so với các doanh nghiệp sản xuất thép dài (có tỷ trọng xuất khẩu trong tổng doanh thu thấp hơn). Trong thời gian có đại dịch, giá nguyên liệu đầu vào biến động mạnh cũng sẽ gây ra ảnh hưởng nặng nề đối với những doanh nghiệp có biên lợi nhuận thấp. Dựa trên những phân tích này, chúng tôi tin rằng những doanh nghiệp sản xuất thép dài (như HPG) sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn so với những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ (như HSG và NKG) nhờ biên lợi nhuận cao hơn và ít phụ thuộc hơn vào thị trường xuất khẩu.

    Ngành thép xây dựng: Các doanh nghiệp đầu ngành đang nới rộng khoảng cách với những doanh nghiệp còn lại.

    Trong năm 2019, tổng mức tiêu thụ thép xây dựng tại Việt Nam là 10,6 triệu tấn (tăng 6% so với năm 2018). Trong đó chúng tôi thấy có sự chênh lệch về công nghệ sản xuất và quy mô giữa các doanh nghiệp sản xuất thép dài; và quá trình tái cơ cấu ngành dự kiến sẽ diễn ra mạnh mẽ. Theo Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), 6 doanh nghiệp lớn nhất ngành thép xây dựng nắm 66,7% thị phần trong năm 2019, tăng từ 55,4% trong năm 2015. Trong tương lai, các doanh nghiệp có công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, quy mô sản xuất lớn, quản trị chi phí tốt nhất và có mạng lưới phân phối toàn quốc sẽ hưởng lợi từ xu hướng của việc cơ cấu ngành đang diễn ra.   

    Có thể thấy xu hướng này trong năm 2019 khi thị phần của HPG tăng lên 26,2% từ 23,8% trong năm 2018 nhờ có chi phí sản xuất thấp và công suất mới từ Khu liên hợp Dung Quất. Đáng chú ý là HPG tiếp tục giành thị phần trong 2 tháng đầu năm 2020 và hiện giữ thị phần là 30,1% (tăng từ 26,2% cùng kỳ năm ngoái).  

    Cho năm 2020, chúng tôi dự báo tổng sản lượng thép xây dựng tiêu thụ sẽ tăng khiêm tốn ở mức một con số, là 4% và đạt 11 triệu tấn. Trong 2 tháng đầu năm 2020, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng giảm 26,2% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến sự thiếu hụt lao động, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến tiến độ các dự án xây dựng. Tuy nhiên sản lượng tiêu thụ thép xây dựng cải thiện một chút so với tháng liền trước trong tháng 1/2020 và tháng 2/2020, lần lượt đạt 605.479 tấn (giảm 34,9% so với cùng kỳ) và 661.615 tấn (giảm 15,9% so với cùng kỳ). Nhu cầu thép xây dựng trong phân khúc dân dụng là động lực chính hiện nay. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công trong năm 2020 dự kiến tăng lên 470,6 nghìn tỷ đồng (theo Chính phủ). Trong 2 tháng đầu năm nay, tổng giải ngân cho đầu tư công có vẻ khả quan, tăng 16,4% so với cùng kỳ.   

    Chúng tôi kỳ vọng thị trường BĐS và đầu tư công sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm 2021, nhờ quy trình đầu tư công được cải thiện cộng với một số sáng kiến hỗ trợ thị trường BĐS, gồm (1) các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính quyền TP HCM và các doanh nghiệp BĐS và (2) ban hành Nghị định 25/2020-NĐCP, có thể giúp tháo nút thắt trong đấu thầu mua quỹ đất và (3) cho phép tái khởi động một số dự án dự án thành phần trong KĐTM Thủ Thiêm. Theo đó, chúng tôi dự báo tổng lượng thép xây dựng tiêu thụ sẽ tăng trưởng 9% đạt 12 triệu tấn trong năm 2021.

     

    Bên cạnh nhu cầu trong nước, các doanh nghiệp sản xuất thép dài của Việt Nam cũng đã nâng được vị thế tại các thị trường xuất khẩu gồm các nước ASEAN, Canada, Nhật Bản và thậm chí là thị trường Mỹ. Thông tin chi tiết được trình bày trong Hình 6.

    Năm ngoái, các doanh nghiệp thép xây dựng Việt Nam xuất khẩu được 1,4 triệu tấn; bằng với năm 2018 và đóng góp 13% tổng sản lượng thép tiêu thụ. Đây là sự cải thiện lớn từ mức chỉ 0,4 triệu tấn thép xây dựng trong năm 2015 (khi đó tỷ trọng xuất khẩu trong tổng sản lượng tiêu thụ mới chỉ là 5,2%). Xuất khẩu tăng theo thời gian chủ yếu nhờ năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước được củng cố nhờ áp dụng công nghệ sản xuất mới, nâng cao hiệu quả công tác quản trị chi phí và đưa ra mức giá bán rất cạnh tranh.    

    Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được 206.372 tấn thép xây dựng, đóng góp 16,3% tổng sản lượng tiêu thụ trong kỳ. Đây là một thành tựu đáng kể của ngành thép dài Việt Nam.  

    Ngành sản xuất phôi thép: Các doanh nghiệp trong nước đang tìm kiếm được thêm khách hàng trên thị trường thế giới

    Nhờ những nỗ lực bảo vệ ngành của chính phủ Việt Nam, sản lượng và giá trị phôi thép nhập khẩu đã giảm mạnh trong 4 năm qua (theo Tổng cục Hải quan Việt Nam). Như được thể hiện trong Hình 9, sản lượng phôi thép nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) ở mức rất cao vào năm 2015; là 1,62 triệu tấn (tăng 231,3%) từ mức 489,000 tấn phôi nhập khẩu vào Việt Nam trong năm 2014.     

    Để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất phôi thép và thép dài trong nước trước sự nhập khẩu ồ ạt sản phẩm chất lượng thấp & giá rẻ (chủ yếu từ Trung Quốc), Việt Nam đã áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài. Với sự kêu gọi hỗ trợ của một số doanh nghiệp, Cục Quản lý Cạnh tranh thuộc Bộ Công thương đã có phản ứng và vào ngày 22/3/2016, đã áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài với mức thuế lần lượt là 23,3% và 14,2%.   

    Sau 4 năm áp dụng chính sách hỗ trợ này, sản lượng phôi thép nhập khẩu giảm đáng kể với tốc độ gộp bình quân năm là 49,7% trong giai đoạn 2015-2019. Cụ thể, chúng tôi thấy sản lượng phôi thép nhập khẩu giảm 34,9% xuống còn 1,05 triệu tấn trong năm 2016; giảm tiếp 74,2% xuống chỉ còn 272.000 tấn trong năm 2017. Trong giai đoạn 2018-2019, sản lượng phôi thép nhập khẩu ở mức thấp, lần lượt là 164.000 tấn (giảm 39,7%) và 104.000 tấn (giảm 36,6%).

    Chúng tôi thấy giá phôi thép của Việt Nam cao hơn nhiều của Trung Quốc vào đầu năm 2016 trước khi thuế tự vệ có hiệu lực: Vào tháng 1/2016, giá phôi thép nhập khẩu từ Trung Quốc là 242 USD/tấn trong khi giá phôi thép trên thị trường Việt Nam là 318 USD/tấn; cao hơn 31,5% so với giá của Trung Quốc. Sau 4 năm, giá phôi thép của Việt Nam hiện đã rất cạnh tranh, chỉ 420-430 USD/tấn (vào tháng 3/2020) trong khi giá phôi thép Trung Quốc khoảng 450 USD/tấn. Trên thực tế, từ đầu năm nay, HPG đã xuất khẩu lô phôi thép đầu tiên sang thị trường Trung Quốc, ghi một dấu mốc khá quan trọng cho ngành thép dài của Việt Nam.   

    Sau hơn 4 năm phát triển, với năng lực và quy mô sản xuất của mình, HPG hiện có thể cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp Trung Quốc trên thị trường quốc tế nhờ có công nghệ sản xuất tiên tiến, lợi thế về quy mô và công tác quản trị chi phí hiệu quả.

    Động thái gia hạn thuế tự vệ và các biện pháp phòng vệ thương mại sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép dài và phôi thép trong nước

    Quyết định gia hạn thuế tự vệ với sản phẩm phôi thép và thép dài (gồm thép xây dựng) và các biện pháp chống lẫn tránh phòng vệ thương mại với sản phẩm thép dây và thép cuộn nhập khẩu sẽ có ảnh hưởng tích cực đối với doanh nghiệp trong nước – đặc biệt trước biện pháp hoàn thuế của Trung Quốc nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu từ ngày 20/3/2020.   

    Quyết định gia hạn thuế tự vệ sẽ có hiệu lực từ ngày 22/3/2020 đến 21/3/2023 với thuế suất giảm dần theo thời gian. Cụ thể:   

    • Thuế tự vệ với phôi thép và thép dài nhập khẩu sẽ giảm nhẹ về lần lượt là 15,3% và 9,4% trong năm đầu tiên gia hạn (22/3/2020 đến 21/3/2021) từ mức thuế hiện tại là 17,3% đối với phôi thép và 10,9% đối với thép xây dựng. Trong năm thứ hai gia hạn, thuế tự vệ giảm nhẹ về lần lượt 13,3% và 7,9% đối với phôi thép và thép dài. Trong năm cuối, thuế tự vệ với phôi thép và thép dài lần lượt là 11,3% và 6,4%. Đây là thuế bổ sung bên cạnh thuế nhập khẩu hiện nay là 7% với phôi thép và 15% với thép dài.

    • Thuế đối với sản phẩm thép cuộn và thép dây nhập khẩu nằm trong danh mục sản phẩm lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ được gia hạn thêm 3 năm nữa sau khi được áp dụng tạm thời; có hiệu lực từ ngày 28/5/2019. Quyết định có hiệu lực từ ngày 22/3/2020 đến 21/3/2023. Theo đó, mức thuế hiện tại là 10,9% sẽ được giảm về 9,4%; 7,9% và 6,4% trong 3 năm tới.   

    Chúng tôi cho rằng đây là quyết định kịp thời vì thuế tự vệ đã hết hiệu lực vào ngày 22/3/2020; nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất thép dài và phôi thép trong nước, chính phủ Trung Quốc vào ngày 20/3/2020 đã quyết định nâng mức hoàn thuế từ 9% trước đó lên 13% nhằm giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 trước đó. Việc hoàn thuế có thể giảm bớt tác động từ việc suy giảm hoạt động thương mại do ảnh hưởng của dịch bệnh.   

    Những doanh nghiệp trong nước tập trung vào sản xuất thép dài và phôi thép sẽ hưởng lợi chính từ việc gia hạn thuế tự vệ. Trong số các doanh nghiệp sản xuất thép dài và phôi thép, HPG sẽ là người hưởng lợi chính. Đây có vẻ là một thông tin tích cực trong ngắn hạn nhưng trên thực tế, động thái chỉ duy trì chính sách áp thuế đã được thực hiện từ tháng 3/2016.   

    Thông tin về chính sách áp thuế tự vệ cũ và mới được thể hiện trong Hình 6 và Hình 7 dưới đây; chính sách áp thuế đối với sản phẩm thép cuộn được thể hiện trong Hình 8.

    Thép dẹt: Dự kiến quá trình tái cơ cấu ngành tiếp tục diễn ra

    Tình trạng thừa cung là đặc điểm chính và cố hữu của ngành tôn mạ. Mặc dù tình trạng dư cung đã giảm bớt gần đây, chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng là tình trạng dư cung sẽ còn kéo dài do có doanh nghiệp mới gia nhập ngành.  Trong 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng tôn mạ tiêu thụ đạt 526.854 tấn (giảm 1,6% so với cùng kỳ). Trong đó, tổng sản lượng xuất khẩu giảm 9,9% so với cùng kỳ còn 205.898 tấn và chỉ chiếm 39,1% tổng sản lượng tiêu thụ so với 42,7% trong cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ trong nước tăng nhẹ 4,6% so với cùng kỳ đạt 320.956 tấn. Xu hướng giảm sản lượng xuất khẩu đã diễn ra vài năm do các doanh nghiệp sản xuất thép dẹt của Việt Nam phải đối mặt với thuế chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu truyền thống như các nước ASEAN, EU và Mỹ.

    Ngành tôn mạ đang chịu sức ép từ tình trạng dư cung. Theo VSA, tổng sản lượng tôn mạ sản xuất trong năm 2019 là 4.253.888 tấn (giảm 3,6%). Trong khi đó tổng sản lượng tôn mạ tiêu thụ (bao gồm cả xuất khẩu) giảm 2,1% còn 3.763.234 tấn. Theo đó, ngành dư cung gần 0,5 triệu tấn trong năm ngoái.

    Có thêm doanh nghiệp mới gia nhập ngành thép dẹt   

     

     

    Thị trường xuất khẩu tôn mạ   

    Hoạt động đã gặp khó khăn trong năm 2019 với tổng sản lượng xuất khẩu đạt 1.408.797 tấn, giảm 19,5%. Trong 2 tháng đầu năm, sản lượng tôn mạ xuất khẩu giảm 9,9% so với cùng kỳ còn 205.898 tấn và chỉ chiếm 39,1% tổng sản lượng tiêu thụ so với 42,7% trong 2 tháng đầu năm ngoái. Và điều này chủ yếu là do rào cản thương mại tại các thị trường xuất khẩu chủ chốt gồm các nước ASEAN, EU và Mỹ…  Cụ thể, sản phẩm tôn mạ của Việt Nam phải đối mặt với thuế chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu truyền thống như các nước ASEAN, EU và Mỹ… Điều này đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu toàn ngành kể từ đầu năm 2019. Chúng tôi thấy các nước ASEAN vẫn là thị trường xuất khẩu chính trong năm ngoái, chiếm 40-45% tổng sản lượng xuất khẩu; tiếp đến là Mỹ, EU và Mexico.

    Trong thời gian xảy ra đại dịch, chúng tôi thấy nhu cầu đối với sản phẩm tôn mạ từ các thị trường xuất khẩu truyền thống gồm các nước ASEAN, EU và Mỹ suy giảm. Thời gian phong tỏa kéo dài tại các quốc gia này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến sản lượng tôn mạ xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay. Hiện tại chúng tôi dự báo sản lượng tôn mạ tiêu thụ trong năm 2020 sẽ giữ nguyên so với năm ngoái, đạt 3,8 triệu tấn nhưng sẽ tăng 9% trong năm 2021 lên 4,1 triệu tấn. Dự báo này dựa trên giả định là giải ngân đầu tư công sẽ tăng trong năm sau và nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu hồi phục

    Ngành ống thép: Ổn định hơn ngành tôn mạ

    Điều đáng mừng là ngành sản xuất ống thép có vẻ vẫn cân bằng hơn ngành tôn mạ về mặt cung cầu. Trong năm 2019, các doanh nghiệp sản xuất ống thép trong nước sản xuất được 2.368.571 tấn (giảm 0,3% so với năm 2018). Trong khi đó, tổng sản lượng ống thép tiêu thụ đạt 2.383.277 tấn (tăng 0,3% so với năm 2018). Do là hàng cồng kềnh và khó vận chuyển, nên hầu hết sản lượng ống thép được tiêu thụ trong nước. Ngoài ra, tình trạng dư thừa/thiếu hụt sản phẩm ống thép trong 10 năm qua không lớn. Thị trường khá ổn định và do 5 doanh nghiệp lớn nhất chiếm lĩnh. Trong 2 tháng đầu năm, tổng sản lượng ống thép tiêu thụ đạt 289.663 tấn (giảm 19,1% so với cùng kỳ); trong đó sản lượng tiêu thụ trong nước giảm mạnh 20,4% so với cùng kỳ xuống chỉ còn 255.220 tấn. Cho cả năm 2020, chúng tôi dự báo sản lượng ống thép tiêu thụ chỉ tăng trưởng 1% đạt 2,4 triệu tấn. Sang năm 2021, chúng tôi dự báo sản lượng ống thép tiêu thụ sẽ tăng trưởng 10% đạt 2,7 triệu tấn.

    Tình hình ngành ống nhựa
     
    Ngành ống nhựa có vẻ ít bị ảnh hưởng của Covid-19 hơn so với ngành thép do (1) toàn bộ sản phẩm được tiêu thụ trong nước mà không xuất khẩu; (2) biên lợi nhuận ngành ống nhựa cao hơn ngành thép; từ đó giúp giảm rủi ro xuất phát từ sự biến động giá nguyên liệu đầu vào trong ngắn hạn. Những doanh nghiệp đầu ngành đang lấy lại thị phần trong thời gian gần đây, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành. Chúng tôi ưa thích doanh nghiệp đầu ngành là BMP với chi phí sản xuất thấp nhất, chất lượng sản phẩm vượt trội và tiềm lực tài chính mạnh. Các doanh nghiệp mới gia nhập ngành đang phải vật lộn để tồn tại     

    Ngay từ thời gian đầu, BMP và NTP (không xếp hạng) đã là hai doanh nghiệp lớn nhất trong ngành. Đây là những doanh nghiệp lâu đời trong ngành ống nhựa với vị thế áp đảo trên thị trường, chiếm 50,5% thị phần cả nước. Trong đó BMP được coi là đứng đầu Miền Nam với 47,8% thị phần tại đây. Trong khi đó NTP giữ thị phần áp đảo là 53,8% tại thị trường Miền Bắc.   

    Do có tỷ suất lợi nhuận gộp rất cao và rủi ro từ hàng nhập khẩu thấp (do đây là sản phẩm cồng kềnh) nên vào giai đoạn 2015-2018, thị trường đã chứng kiến sự cạnh tranh gia tăng mạnh từ các doanh nghiệp mới gia nhập ngành gồm HSG, Tân Á Đại Thành (thương hiệu Stroman) và Phúc Hà (thương hiệu Dekko). Ba doanh nghiệp mới này bổ sung thêm tổng cộng 400.000 tấn/năm công suất trong giai đoạn nói trên; cao hơn cả công suất của BMP và NTP cộng lại, là 300.000 tấn/năm.    

    Với sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp mới, ngành ống nhựa đã thừa công suất kể từ năm 2016 đến nay. Trong năm 2019, chúng tôi ước tính tổng sản lượng ống nhựa tiêu thụ đạt 400.827 tấn (tăng trưởng 7,6% so với năm 2018). Trong khi đó công suất hoạt động trung bình của toàn ngành ước tính là 46,3%; tăng nhẹ từ 45,1% trong năm 2018. Trong đó BMP có công suất hoạt động cao nhất ngành là 70,3%; tiếp theo là NTP với công suất hoạt động đạt 64,7%. Sau cuộc chiến về giá diễn ra trong giai đoạn 2015-2018 do các doanh nghiệp mới gia nhập ngành áp dụng các mức chiết khấu khá cao cho các nhà phân phối so với BMP và NTP. Chênh lệch về mức chiết khấu giữa các doanh nghiệp mới gia nhập ngành và BMP, NTP có những thời điểm lên đến 20%. Sau nhiều năm “đốt tiền” để đổi lấy thị phần, đã có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp mới gia nhập ngành từ bỏ chiến lược cạnh tranh quyết liệt về giá kể từ cuối năm 2018. Trong năm 2019, các doanh nghiệp đầu ngành là BMP và NTP đã giành lại được thị phần.    

    Chẳng hạn, thị phần của BMP đã tăng lên 26,6% trong năm 2019 từ 25,4% trong năm 2018. NTP cũng giành lại thị phần trong năm 2019, đạt 24,5% từ 24,1% trong năm 2018. Trái lại, doanh nghiệp mới gia nhập ngành là HSG đã lần đầu tiên mất thị phần, giảm từ 12,6% năm 2018 xuống còn 11,3% năm 2019.    

    Trong 3 tháng đầu năm 2020, chúng tôi chưa thấy có chương trình khuyến mãi mới từ các doanh nghiệp mới gia nhập ngành. Nhờ vậy, BMP đã tiếp tục giành thêm thị phần. Chúng tôi được biết sản lượng tiêu thụ trong Q1/2020 của BMP đã tăng 10% so với cùng kỳ bất chấp sự lây lan của dịch Covid-19. Trong khi đó sản lượng tiêu thụ toàn ngành chỉ tăng 2-3% so với cùng kỳ trong Q1/2020    Cho năm 2020, chúng tôi dự báo tổng sản lượng ống nhựa tiêu thụ sẽ tăng trưởng 2% đạt 408.844 tấn. Sang năm 2021, chúng tôi dự báo tổng sản lượng ống nhựa tiêu thụ sẽ tăng trưởng 8% đạt 441.552 tấn dựa trên kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng sau đại dịch cộng với giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh.


     KHUYẾN NGHỊ:

    HPG: Chúng tôi đánh giá Mua vào đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu dựa trên phương pháp DCF là 27.400đ; thấp hơn 2,9% so với giá mục tiêu dựa trên phương pháp P/E trước đây là 28.200đ. Tại giá mục tiêu mới điều chỉnh, tiềm năng tăng giá so với thị giá hiện tại (thị giá đã giảm 19,1% so với đầu năm) là 44,1%. Cho năm 2020, chúng tôi điều chỉnh giảm nhẹ 1,1% dự báo doanh thu thuần xuống còn 80.130 tỷ đồng (tăng trưởng 25,9% so với năm 2019); điều chỉnh giảm 8,3% dự báo lợi nhuận thuần xuống còn 8.113 tỷ đồng (tăng trưởng 8,1% so với năm 2019) để phản ánh ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động kinh doanh của HPG. Cho năm 2021, chúng tôi dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận thuần lần lượt đạt 95.486 tỷ đồng (tăng trưởng 19,2% so với năm 2020) và 9.436 tỷ đồng (tăng trưởng 16,3% so với năm 2020). Tại mặt bằng giá hiện tại, P/E dự phóng năm 2020-2021 lần lượt là 6,8 lần và 5,9 lần. EV/EBITDA dự phóng năm 2020-2021 lần lượt là 5,3 lần và 4,4 lần. Chúng tôi ưa thích HPG vì đây là doanh nghiệp đầu ngành sản xuất thép dài với công nghệ tiên tiến, giá thành sản xuất thấp nhất, thị trường tiêu thụ đa dạng (tiêu thụ cả trong nước và xuất khẩu) và đội ngũ lãnh đạo giàu năng lực.

    – BMP: Chúng tôi duy trì đánh giá Mua vào với giá mục tiêu giữ nguyên ở 59.500đ (dựa trên phương pháp DCF), tương đương tiềm năng tăng giá 51,7% từ thị giá hiện tại (thị giá đã giảm 13,7% so với đầu năm). Chúng tôi ưa thích cổ phiếu BMP vì định giá rẻ với EV/EBITDA dự phóng năm 2020-2021 lần lượt chỉ là 3,6 lần và 3,2 lần cộng với tỷ lệ cổ tức/giá hấp dẫn trong giai đoạn 2020-2023, từ 9,1-12,8%. Cho năm 2020, chúng tôi điều chỉnh giảm nhẹ 4% dự báo doanh thu thuần xuống còn 4.502 tỷ đồng (tăng trưởng 3,8% so với năm 2019) và điều chỉnh giảm 5,5% dự báo lợi nhuận thuần xuống còn 440 tỷ đồng (tăng trưởng 4,2% so với năm 2019). Hiện tại, dịch Covid-19 chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của BMP. Cho năm 2021, chúng tôi cũng điều chỉnh giảm 4% dự báo doanh thu thuần xuống còn 5.026 tỷ đồng (tăng trưởng 11,7% so với năm 2020) và điều chỉnh giảm 4,4% lợi nhuận thuần xuống còn 495 tỷ đồng (tăng trưởng 12,5%so với năm 2020). Hiện cổ phiếu BMP có P/E dự phóng năm 2020-2021 lần lượt là 8,1 lần và 7,2 lần. KQKD Q1/2020 khả quan có thể coi là động lực ngắn hạn đối với giá cổ phiếu.

    Nguồn HSC Research..

    ==================================================

    LÊ HÙNG

    TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.

    Liên hệ: 0961 498 596.

    Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/

    Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.

    ==================================================

    Ý kiến Bình luận
    Top
    Gọi ngay
    Messenger
    Zalo chát
    Mở tài khoản
    Nhóm tư vấn