Diễn biến thị trường quốc tế:
Thị trường cổ phiếu toàn cầu tuần qua đã có một khởi đầu đầy thuận lợi nhờ những số liệu kinh tế tích cực từ Trung Quốc. Tuy nhiên việc các NHTW lớn hầu như chỉ tái khẳng định lập trường chính sách tiền tệ hiện có mà không hứa hẹn thêm về những biện pháp kích thích mới khiến xu hướng phục hồi trên thị trường Mỹ và châu Âu suy yếu, đồng thời hạn chế đà tăng của cổ phiếu châu Á.Số liệu kinh tế tháng 8 cho thấy Trung Quốc đang thoát ra khỏi hố sâu khủng hoảng do Covid-19 gây ra trong quý 1. Cụ thể, doanh số bán lẻ và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc lần lượt tăng 0,5% và 5,6% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 8 vừa qua. Đây là tháng đầu tiên kể từ đầu năm đến nay Trung Quốc ghi nhận doanh số bán lẻ tăng trưởng dương cho thấy nhu cầu tiêu dùng nội địa đang mạnh lên sau khi dịch bệnh về cơ bản đã được kiểm soát tại quốc gia này.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã có 3 tuần điều chỉnh với mức giảm khoảng 7.5%, quan sát diễn biến điều chỉnh của chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây, phần lớn do ảnh hưởng từ áp lực điều chỉnh của nhóm cổ phiếu công nghệ khi đã tăng quá nóng, và tuần vừa qua là ảnh hưởng khi đáo hạn các hợp đồng phái sinh và quyền chọn. Về cơ bản, mức điều chỉnh trong thời gian qua là hoàn toàn mang tính kỹ thuật sau những giai đoạn tăng mạnh và ít có tác động mạnh đến các thị trường khác như Châu Âu và Châu Á.
Tâm điểm chú ý của nhà đầu tư toàn cầu trong tuần qua rơi vài kỳ họp chính sách của các NHTW lớn (gồm Fed, BOJ và BOE). Tuy nhiên, thị trường đã không nhận thêm tín hiệu về một chính sách kích thích tiền tệ mới nào ngoài lời tái khẳng định về lập trường chính sách mềm mỏng hiện tại của các NHTW. Trong đó, kết quả kỳ họp chính sách mới nhất của NHTW Mỹ cho thấy Fed tiếp tục duy trì lãi suất gần ngưỡng 0% ít nhất đến năm 2023, đi kèm với những thông tin chi tiết về khung chính sách mới của Fed cho phép lạm phát vượt ngưỡng 2% trong tương lai để đạt được mục tiêu lạm phát 2% trong dài hạn.
Tương tự, BOE và BOJ đều giữ lập trường chính sách không đổi nhưng BOE để ngỏ khả năng có thể áp dụng chính sách lãi suất âm giữa bối cảnh triển vọng kinh tế Anh trở nên tồi tệ hơn và BOJ nâng triển vọng kinh tế cho Nhật Bản. Dù vậy cả hai tín hiệu mờ nhạt này đều không được kỳ vọng sẽ trở thành động thái chính sách mới trong thời gian sắp tới.
Hơn nửa đầu tháng 9 đã qua đi, tuần tới nhà đầu tư toàn cầu sẽ đón nhận những số liệu PMI sơ bộ tháng 9 của Mỹ, EU, Anh và Nhật Bản. Các chỉ báo sớm này sẽ cho thị trường cái nhìn đầu tiên về bức tranh kinh tế toàn cầu trong tháng cuối cùng của quý 3 giữa bối cảnh thiếu vắng những biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa mới từ cả các NHTW và chính phủ (đặc biệt là chính phủ Mỹ).
Tình hình dịch Covid-19: Số ca nhiễm vượt trên 30 triệu người, tâm dịch chuyển về Ấn Độ!
Tính đến sáng ngày 20/09, số người nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra trên thế giới đã chính thức vượt ngưỡng 30,9 triệu, với hơn 961.000 trường hợp đã tử vong. Tâm điểm đại dịch hiện nay đã dịch chuyển về Ấn Độ đứng thứ 2 toàn cầu với 5,39 triệu ca nhiễm với sự gia tăng đột biến số ca mắc mới khi lên tới 92.755 ca lớn nhất thế giới tại thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, các quốc gia Tây Âu tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới và số ca tử vong vì Covid-19 không ngừng gia tăng tại Pháp và Tây Ban Nha.
Những cập nhật mới nhất từ các nhà phát triển vắc-xin trên thế giới tương đối khả quan. Trong đó, thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca và Oxford University hợp tác nghiên cứu đã được nối lại ở Anh và Brazil, sau một khoảng thời gian ngắn bị tạm dừng do xuất hiện tác dụng phụ nghiêm trọng trên một tình nguyên viên tại Anh. Dù vậy, để thế giới đạt được một loại vắc-xin phòng ngừa Covid-19 hữu hiệu thực sự thì vẫn cần nhiều tháng nữa.
Về diễn biến dịch bệnh trong nước, đã hơn 18 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới trong cộng đồng nào được ghi nhận. Số bệnh nhân COVID-19 hiện vẫn là 1.068. Các bác sĩ đã điều trị khỏi 942 ca bệnh. Trong khi đó, các Bộ ban ngành chức năng đang nhanh chóng lên kế hoạch chuẩn bị cho việc mở lại các đường bay quốc tế với Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan Lào, Campuchia… đồng thời siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM:
Thông tin vĩ mỗ quan trọng:
- Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam chuyển biến tích cực sau khi EVFTA có hiệu lực. Sau hơn 1 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Trong đó, điển hình là thủy sản, từ đầu tháng 8 đến nay, xuất khẩu thủy sản có số lượng đơn hàng tăng khoảng 10% so với hồi tháng 7. Những mặt hàng tăng nhiều nhất là tôm và mực. Cụ thể, trong tháng 8 vừa qua, xuất khẩu tôm vào EU ước tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019. EU là thị trường có kim ngạch nhập khẩu đứng thứ 2 thế giới, chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu. Đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, nhưng hàng hóa của chúng ta mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần nhập khẩu của EU. Do vậy, dư địa để gia tăng xuất khẩu còn nhiều.
- Theo nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8 được Văn phòng Chính phủ thông báo ngày 17/9, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện kịch bản tăng trưởng và phương án điều hành những tháng cuối năm 2020, kế hoạch năm 2021. Trong đó, dự kiến tốc độ tăng trưởng GDP năm sau khoảng 6-6,5%. Triển vọng kinh tế toàn cầu rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi Covid-19 xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động. Dù vậy, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư vẫn đưa ra dự báo GDP năm 2021 đạt khoảng 6,7%.
- Thặng dư thương mại đạt 14,5 tỷ USD tính đến ngày 15/09 . Theo dữ liệu từ Tổng Cục Hải quan, Việt Nam đã ghi nhận thặng dư thương mại 970 triệu USD trong nửa đầu tháng 9. Tính từ đầu năm đến 15/09, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đạt lần lượt 188 tỷ USD (+3,3% so với cùng kỳ) và 173,5 tỷ USD (-1,6% so với cùng kỳ), dẫn đến thặng dư thương mại 14,5 tỷ USD, vượt trội so với mức thặng dư 5,7 tỷ USD ghi nhận trong cùng kỳ năm ngoái.
Đồ thị Vnindex 18.09.2020.( Nguồn Fireant)
Diễn biến thị trường chứng khoán trong nước:
Thị trường đã nối lại đà tăng trong tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đóng cửa vượt lên trên ngưỡng kháng cự tâm lý 900 điểm tạo ra tâm lý khá tích cực. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh 3 tuần liên tiếp, đáo hạn hợp đồng tương lai trong nước và kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETFs diễn ra tuy nhiên diễn biến giao dịch lại nghiêng về phía tích cực hơn là sự thận trọng trước đó của NĐT. Thị trường đã nối lại đà tăng trong tuần vừa qua, chỉ số VN-Index đóng cửa vượt lên trên ngưỡng kháng cự tâm lý 900 điểm tạo ra tâm lý khá tích cực. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ điều chỉnh 3 tuần liên tiếp, đáo hạn hợp đồng tương lai trong nước và kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETFs diễn ra tuy nhiên diễn biến giao dịch lại nghiêng về phía tích cực hơn là sự thận trọng trước đó của NĐT.
Dòng tiền tiếp tục duy trì tích cực ở nhóm cổ phiếu Midcap khi tiếp tục tăng 20% vào nhóm này so với tuần trước. Riêng với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong nhóm VN30 cũng đã tăng điểm trở lại trong tuần vừa qua với mức tăng 1,9% sau khi điều chỉnh giảm nhẹ vào tuần trước đó. Sự đồng thuận giữa nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm ETFs nội duy trì giao dịch tích cực về cuối tuần đang tạo đà thuận lợi cho thị trường trong việc chinh phục vùng cản mạnh 905 điểm và cao hơn trong tuần tới.
Nhóm cổ phiếu có mức tăng bình quân theo vốn hóa mạnh nhất trong tuần vừa qua thuộc về nhóm XD&VLXD mới mức tăng hơn 5% nhờ HPG (+5,11%), HSG (+19,33%), VGC (+7,83%), BMP (+8,54%)… Tiếp theo là nhóm chứng khoán tăng hơn 4% nhờ động lực từ SSI (+3,5%), HCM (4,55%), VCI (+5,4%)… Nhóm tài nguyên (nhóm được hưởng lợi từ đầu tư công) cũng có mức tăng gần 4% nhờ KSB (+ 4,68%), DHA (+3,64%)… Ở Chiều ngược lại, duy nhất nhóm BĐS KCN là nhóm đi ngược thị trường trong tuần vừa qua dưới sức ép của các cổ phiếu như KBC (-1,09%), LHG (-1,60%), PHR (-1,03%)…
Về xu hướng dòng tiền: Giá trị giao dịch khớp lệnh tuần vừa qua tăng nhẹ gần 2% đạt mức bình quân 5.240 tỷ đồng/phiên. Đây cũng là tuần thứ 4 liên tiếp thanh khoản thông qua GDKL duy trì trung bình trên 5..400 tỷ mức cao hơn hẳn so với giai đoạn tháng 6 và tháng 7. Trong đó, nhóm cổ phiếu Midcap đã tăng sang tuần thứ 7 liên tiếp mà dòng tiền vẫn khá dồi dào khi tăng mạnh nhất thị trường gần với mức tăng 21% so với tuần trước đó. Dòng tiền vào nhóm cổ phiếu ETF cũng có mức tăng nhẹ trong tuần vừa qua trong thời điểm cơ cấu danh mục ETF nhưng mức tăng trưởng về giá cũng khá tốt so với mặt bằng chung. Trong khi đó, dòng tiền tiếp tục có xu hướng rút ra khỏi nhóm Vn30 sang tuần thứ 2 liên tiếp mặc dù trong tuần vừa qua nhóm này cũng có mức tăng khá tốt gần 2%.
Tuần vừa qua, NĐT cá nhân trong nước đã quay trở lại mua ròng khá tích cực trái với diễn biến bán ròng của nhóm tổ chức trong nước sang tuần thứ 2 liên tiếp. Trong đó, nhóm NĐT cá nhân trong nước đã mua ròng 849.5 tỷ đồng khá chủ động trong tuần qua. Ngước lại nhóm tổ chức trong nước bán ròng tuần thứ 2 với giá trị 429.4 tỷ đồng. Nhóm NĐT tổ chức nước ngoài bán ròng 1.256 tỷ đồng nhưng phần lớn do ảnh hưởng của kỳ cơ cấu ETFs.
Về giao dịch của NĐTNN: Khối ngoại quay trở lại bán ròng chủ yếu thông qua khớp lệnh với giá trị -1.099 tỷ đồng, và thỏa thuận là -32,57 tỷ đồng. Bán ròng thông qua khớp lệnh đạt 1.535 tỷ đồng
Dòng vốn đầu tư quốc tế: : Dòng tiền qua kênh ETF có một tuần khá tích cực khi hút thêm được 5,26 triệu USD chủ yếu từ quỹ KIM KINDEX Vietnam VN30 ETF với giá trị 5,29 triệu USD và E1VFVN30 với giá trị 1,86 triệu USD. Riêng SSIAM VNFIN LEAD ETF bị rút ròng nhẹ -1,89 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm tới nay dòng tiền vẫn rút ròng qua kênh ETF hơn 25,20 triệu USD, quỹ KIM và Finlead hiện đang được dòng tiền đổ vào kể từ đầu năm.
TÓM LẠI,
Trong khi cả 3 chỉ số chính của phố Wall điều chỉnh sang tuần thứ 3 liên tiếp dưới áp lực của nhóm cổ phiếu công nghệ thì chỉ số VN-Index có tới 2/3 tuần tăng. Tác động ngắn hạn lúc này là diễn biến điều chỉnh của TTCK Mỹ với 3 tuần giảm liên tiếp và cuộc bầu cử tổng thống chỉ còn hơn 1 tháng nữa, thị trường chứng khoán thế giới được dự báo sẽ có nhiều biến động. Tuy vậy, thị trường vẫn chỉ dao động trong vùng tích lũy ngay bên dưới vùng cản mạnh 900 – 905 điểm hơn 2 tuần. Sự sụt giảm thanh khoản đến từ nhóm Vn30, từ mức bình quân trên 2.700 tỷ đồng về còn 2.246 tỷ đồng, cả 2 tuần vừa qua nhóm này đều bị rút ròng liên tiếp. Nhóm Midcap trở thành địa chỉ của dòng tiền khi tăng gần 21% trong tuần vừa qua, 7 tuần tăng liên tiếp cũng đã đưa chuỗi tăng của nhóm này trở thành nhóm có chuỗi tăng dài nhất kể từ đầu năm tới nay. Như vậy, thị trường đã có 1 đỉnh về chỉ số và đỉnh về dòng tiền, do vậy muốn vượt vùng cản mạnh như trên thì ít nhất chỉ số VN-Index phải vượt 1 trong 2 đỉnh này về chỉ số hoặc thanh khoản.
Tuy vậy, việc đánh giá thị trường qua chỉ số VN-Index lúc này chưa phản ánh hết bức tranh chung đang dần tích cực hơn. Theo thống kê trên sàn HSX, có tới gần 60% số mã đã vượt ngưỡng 905 điểm. Điều đó cho thấy độ rộng thị trường là rất tích cực, bên cạnh đó % số mã nằm trên ngưỡng MA200 lúc này cũng đang ở mức cao với 73% so với mức 60% khi VN-Index đạt mức 905 điểm hồi tháng 6. Như vậy đã có nhiều cổ phiếu tham gia vào nhịp tăng 6/7 tuần vừa qua hơn thời điểm thị trường đạt đỉnh ở tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, các cổ phiếu có thành quả tốt ở đợt tăng này nằm chủ yếu ở nhóm mdicap, khác với nhịp tăng hồi tháng 6 nhịp tăng có sự tham gia của nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ.
Cho tới thời điểm này, chỉ số VN-Index vẫn còn cách thời điểm đầu năm 6,25% trong khi đã có rất nhiều nhóm cổ phiếu đã trở về lại vùng giá trước đại dịch, thậm chí còn tăng vượt thời điểm đầu năm khá xa. Trong số các nhóm cổ phiếu này phải kể đến nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư công, nhóm khai thác đá đã tăng gần 58% so với thời điểm đầu năm nhờ KSB tăng hơn 84%, DHA tăng gần 33% hay C32 tăng gần 19%. Tiếp theo là nhóm cổ phiếu BĐS KCN (+36,4% YTD), hóa chất (+34,5% YTD), XD&VLXD (+18,56% YTD), Thủy sản (+ 17% YTD), Logistics (+14,7% YTD). Với độ rộng thị trường tích cực như vậy, việc thị trường vượt vùng cản 900 – 905 điểm thực chất chỉ mang tính tâm lý, cũng không có nhiều ý nghĩa khi đa phần các cổ phiếu đã và đang ở trên ngưỡng này.
Bên cạnh đó, quan sát diễn biến điều chỉnh của chứng khoán Mỹ trong thời gian gần đây, phần lớn do ảnh hưởng từ áp lực điều chỉnh của nhóm cổ phiếu công nghệ khi đã tăng quá nóng, và tuần vừa qua là ảnh hưởng khi đáo hạn các hợp đồng phái sinh và quyền chọn. Về cơ bản, mức điều chỉnh trong thời gian qua là hoàn toàn mang tính kỹ thuật sau những giai đoạn tăng mạnh và ít có tác động mạnh đến các thị trường khác như Châu Âu và Châu Á. Trong bối cảnh nới lỏng tiền tệ và kích tích tài khóa vẫn tiếp tục được duy trì ở các NHTW lớn thì việc dòng tiền rẻ vẫn là yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán duy trì tăng trưởng tích cực
Kịch bản tuần tới của VN-Index sau khi đáo hạn HĐTL và cơ cấu danh mục ETFs kết thúc sẽ là sóng KQKD Q3 và những hỗ trợ kích cầu chi tiêu công của Chính phủ cũng như khả năng hạ mặt bằng lãi suất, tái khởi động kết nối với các nước trong khu vực khi đã kiểm soát khá tốt Covid-19 ở trong nước. Do đó, VN-Index vẫn sẽ duy trì tín hiệu giao dịch tích cực với kịch bản chính sẽ dao động quanh mức từ 895 điểm đến 920 điểm. Dòng tiền dự kiến sẽ tiếp tục có sự luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn hiện tại. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể sẽ có diễn biến tích cực trong một vài tuần tới sau khi trải qua một nhịp điều chỉnh tích lũy.
Suốt từ tháng 4 tới nay, trong các bản tin chúng tôi liên tục nhắc đến giai đoạn này là giai đoạn TIỀN RẺ và DỄ, dòng tiền vốn thông minh nó sẽ tìm tới các kênh nào đầu tư sinh lời tốt nhất và chứng khoán luôn là một sự lựa chọn tốt. Hãy nhìn lại cách thị trường phản ứng và cơ hội ở thời điểm bùng phát dịch bệnh đợt 1 tháng 3.
Hành động: Tiếp tục nắm giữ danh mục và ưu tiên các nhóm vẫn giữ lực tăng tốt, chốt lời đối với các cổ phiếu midcap khi chuỗi tăng đã dài nhất kể từ đầu năm. Cơ cấu danh mục trong các nhịp rung lắc và dịch chuyển sang các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, thanh khoản cao, nền tảng cơ bản tốt .Với danh mục đầu tư trung và dài hạn tiếp tục nắm giữ để cho lãi chạy tới khi đạt giá kỳ vọng.
Bản tin này chúng tôi thu thập thông tin nhiều nguồn tin cậy (MBS..), tuy nhiên chúng tôi không đảm bảo chắc chắn sự chính xác hoàn toàn và đầy đủ. Các nhận định trong báo cáo được đưa ra dựa trên cơ sở phân tích chi tiết, cẩn thận, theo đánh giá chủ quan của người viết và là hợp lý trong thời điểm đưa ra báo cáo. Các nhận định trong báo cáo có thể thay đổi bất kì lúc nào mà không báo trước. Báo cáo này không nên được diễn giải như một đề nghị mua hay bán bất cứ một cổ phiếu nào.
Xin chân thành cảm ơn!
==================================================
LÊ HÙNG
TƯ VẤN – ỦY THÁC – HỢP TÁC ĐẦU TƯ CHUYÊN NGHIỆP.
Liên hệ: 0961 498 596.
Facebook: https://www.facebook.com/cophieu86/
Tham gia nhóm phân tích cổ phiếu chuyên sâu tại đây.
==================================================